Chuyện ít biết về 12 đại đội chung sự Mỹ:

“Cuộc sống của chúng tôi đã “chết” theo nhiều cách khác nhau”

Thứ Ba, 08/11/2022, 10:11

Trong các cuộc chiến tranh, việc khâm liệm và chôn cất đồng đội tử trận là một trong những nhiệm vụ nặng nề nhất. Ngoài cảm xúc thực thể trước những tử thi đầy thương tích hoặc thối rữa, ám ảnh tâm lý còn theo đuổi người làm việc ấy suốt thời gian dài…

1. Lúc 120 lính Mỹ vừa nhập ngũ rồi được chuyển đến căn cứ Fort Warren, bang Wyoming vào tháng 11/1943 thì hầu như tất cả đều nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn huấn luyện, họ sẽ được đưa ra mặt trận. Sau những tin đồn, nhiều người đoán có thể họ sẽ sang châu Âu, số khác lại quả quyết mặt trận Bắc Phi đang chờ họ nhưng dù ở đâu chăng nữa, họ đều biết đối diện với bom đạn, không ít người vĩnh viễn chẳng bao giờ còn được trở về nhà.

Chuyện ít biết về 12 đại đội chung sự Mỹ: “Cuộc sống của chúng tôi đã “chết” theo nhiều cách khác nhau” -0
Xác chết chờ được chung sự nhận diện khi máy bay của họ bị bắn rơi.

Trải qua 2 ngày nghỉ ngơi, một sáng Đại úy Thomas A. Rowntree, Đại đội trưởng ra lệnh tập hợp để lĩnh quân trang, là loại GR. Nó đã tạo cho 120 người lính sự thắc mắc phải chăng “GR là thứ quần áo đặc biệt chuyên dùng để đánh… du kích!”. Tuy nhiên khi nhận được mỗi người 2 bộ, họ mới biết nó chỉ là cái “tạp dề”, giống như những đầu bếp thường mặc nhưng chỉ khác là tạp dề đầu bếp làm bằng vải trắng còn GR của họ bằng cao su màu đen, dài từ cổ xuống quá đầu gối. Đại úy Thomas A. Rowntree nói: “Bắt đầu từ giờ phút này, các anh là thành viên của Đại đội chung sự 612”.

Thomas A. Rowntree vừa dứt lời thì nhiều tiếng “ồ” đồng loạt vang lên. “Chung sự” là một từ riêng của quân đội dùng để chỉ những đơn vị làm nhiệm vụ khâm liệm, chôn cất những người lính chết trận và đó cũng là “công việc sau cùng”. Binh nhì Davidson kể lại: “Sau khi Thomas nói, bạn có thể nghe thấy tiếng thở dồn dập của sự hoài nghi. Tất cả chúng tôi đều tê liệt”. Hình như hiểu được điều này, Đại úy Thomas A. Rowntree nói tiếp: “Đây là một việc cần phải làm trong chiến tranh. Tất cả những người cha, người mẹ, người vợ, người con…, đều mong muốn thân nhân mình chẳng may hy sinh, được an nghỉ trong sự tử tế. Các bạn không có gì phải hổ thẹn”.

Sự phẫn nộ tăng lên khi những người lính Đại đội 612 trở về doanh trại. Một người la lớn: “Tôi sẽ không đi.Tôi đến đây để chiến đấu chứ không phải để chôn cất”. Còn người khác thì: “Quân đội hoàn toàn có thể huy động nhiều thành phần để làm việc này. Vẫn còn có người ở hậu phương kia mà, nhất là người da màu chưa phải đi lính”. Tuy nhiên phản ứng của họ rơi vào sự im lặng của cấp chỉ huy ngoại trừ một Trung sĩ Tiểu đội trưởng cố gắng xoa dịu họ: “Nếu chẳng may các anh chết, chẳng lẽ đồng đội bỏ các anh thối rữa ngoài chiến trường. Công việc mà các anh sắp làm cũng là một hình thức phụng sự đất nước. Những gia đình có người thân tử trận chắc chắn sẽ ghi nhớ công ơn các anh vì con em họ được an nghỉ với những lễ nghi quân cách thay vì chỉ là những nấm mồ hoang”.

Từ đó cho đến tháng 1/1944, Đại đội 612 lao vào huấn luyện nhưng những bài học về quân sự chỉ gồm việc tháo lắp súng, bắn súng, ngoài ra không có bất kỳ một thực tập chiến thuật nào. Phần lớn thời gian họ được 3 bác sĩ quân y dạy về cách phân loại tử thi, xác minh danh tính, cấp bậc, đơn vị phục vụ, khâm liệm, đóng gói và chôn cất. Khóa học kết thúc vào đầu tháng 2/1944 rồi sau đó Đại đội 612 lên đường đến mặt trận Thái Bình Dương, nơi quân Mỹ đang có những cuộc giao tranh khốc liệt với quân Phát xít Nhật nhằm giành lại quyền kiểm soát những hòn đảo chiến lược.

Chuyện ít biết về 12 đại đội chung sự Mỹ: “Cuộc sống của chúng tôi đã “chết” theo nhiều cách khác nhau” -0
Tử thi nằm trắng đất sau trận đánh chiếm đảo Palau.

2. Ngược dòng thời gian, kể từ năm 1917 khi Thế chiến I nổ ra, công việc khâm liệm, mai táng người chết trong quân đội Mỹ được giao cho“Dịch vụ thiết lập mộ phần” trực thuộc Quân đoàn yểm trợ nhưng thực tế nó chỉ là một tổ chức “nằm trên giấy” bởi lẽ các đơn vị tham chiến kiêm luôn việc chôn cất người của họ nếu chẳng may hy sinh. Chỉ đến khi Thế chiến II bắt đầu, Bộ Chiến tranh Mỹ mới trưng dụng những cơ sở mai táng tư nhân nhưng nó không kéo dài được lâu vì lính Mỹ có mặt trên khắp các chiến trường, từ châu Á, châu Âu đến châu Phi.

Ngoại trừ hải quân và thủy quân lục chiến tự thực hiện việc chôn cất cho đồng đội của mình còn với lục quân - số người thiệt mạng luôn cao gấp 4 lần so với hải quân và thủy quân lục chiến thì Bộ Chiến tranh mới quyết định thành lập các đơn vị chung sự, lấy cấp Đại đội làm hạt nhân. Mỗi Đại đội có từ 110 đến 120 người, chịu trách nhiệm phục vụ cho 1 sư đoàn với quân số khoảng 8.000 người. Mỗi trận đánh sau khi kết thúc, trách nhiệm của Đại đội chung sự là thu dọn tử thi rồi tiến hành chôn cất. Ở những nơi có điều kiện, máy ủi thuộc lực lượng công binh sẽ giúp họ đào huyệt còn nếu không, họ phải đào bằng tay. Với xác chết của kẻ thù, họ thường chỉ đào một hố lớn rồi ném xuống và lấp đất!

Trở lại với Đại đội 612, chỉ vài ngày kể từ khi đến mặt trận Thái Bình Dương, họ được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm 20 người, tham gia trận đánh chiếm đảo Mariana và Palau cùng Sư đoàn 27 bộ binh.  Binh nhì Ernest Holland kể: “Tôi phải bò lên theo những người lính Tiểu đoàn 6. Trang bị của tôi chỉ gồm 1 khẩu súng ngắn, 1 ba lô với 30 tấm vải trắng cuộn tròn. Họ chết nhiều lắm. Cứ mỗi lúc gặp một xác chết, việc đầu tiên của tôi là lấy tấm thẻ bài bằng nhôm trong số 2 tấm đeo trên cổ họ, lục tìm tất cả những gì liên quan đến họ như hình ảnh, thư từ, đồng hồ, nhẫn… (Tất cả sẽ được chuyển về kho lưu trữ ở thành phố Kansas, bang Missouri, để làm sạch và gửi cho người thân). Sau đó tôi lấy mảnh vải trắng phủ lên xác họ. Dựa vào những thông tin khắc trên thẻ bài, tôi viết họ tên, ngày tháng năm sinh, số quân và ngày chết lên tấm vải. Với những xác  mất thẻ bài và chẳng có một đồ vật gì để có thể nhận dạng, tôi lăn dấu vân tay họ rồi viết : Unknown - không biết tên”.

Với binh nhất Cromwell, ông cho biết nhóm chung sự của ông làm những việc cuối cùng: Chôn cất. Sau khi đối chiếu thông tin viết trên mảnh vải bọc xác với tấm thẻ bài để tránh nhầm lẫn và ghi vào sổ, họ đào huyệt rồi tiến hành lễ tang với sự có mặt của linh mục tuyên úy. Cromwell nói: “Thường thì chúng tôi chỉ đến nơi sau khi quân ta đã làm chủ trận địa, lắm khi kéo dài 6, 7 ngày.  Phần lớn tử thi đã trương lên, mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bọ như vãi trấu. Trên mỗi huyệt mộ, chúng tôi đặt một cây thập giá bằng gỗ nhưng đôi khi đó chỉ là khẩu súng với lưỡi lê cắm xuống đất hoặc đơn giản hơn, một đôi giày trận vì có ngày, chúng tôi phải chôn hơn 600 người…”.

Ở mặt trận châu Âu, Đại đội chung sự 607 có mặt tại bờ biển Normandy, Pháp, vào chiều ngày 6/6/1944, là ngày mà quân Đồng minh tiến hành cuộc đổ bộ. Hàng trăm thi thế nằm ngổn ngang trên bờ cát rồi khi thủy triều lên, lại có thêm hàng trăm thi thể nữa bị nước đẩy vào bờ. Ngoài việc tập trung xác chết vào một chỗ, những người lính 607 còn phải tìm kiếm những xác kẹt trong những chiếc xà lan bị pháo binh Đức Quốc xã bắn chìm. Cả một khoảnh đất dài hàng trăm mét phủ đầy những tấm vải trắng. Nó là một cảm giác không hề dễ chịu với những người lính đến sau.

Hạ sĩ John D. Little nói: “Đó là trải nghiệm tồi tệ nhất mà tôi từng gặp phải vì đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp tiếp xúc với xác chết. Có xác mắt mở trừng trừng, có xác miệng méo xệch như đang khóc và cũng có xác mất đầu”. Binh nhất Dowling nói tiếp: “Lệnh trên đưa xuống là việc chôn cất phải gấp rút tiến hành, không chỉ về mặt ảnh hưởng tinh thần mà còn vì thời tiết ấm áp, sự phân hủy diễn ra rất nhanh. Chúng tôi nhét bông gòn vào mũi, đeo khẩu trang vải kín mặt và cho dù mọi người thường xuyên rửa ráy thì mùi hôi vẫn tồn tại”.

Đại úy Williams Cadwell, chỉ huy Đại đội chung sự 607 cho biết “Thật kỳ lạ khi đi qua một ngôi làng, những người lính đang đóng quân ở đó bịt mũi và ra hiệu cho chúng tôi bước nhanh. Công việc khủng khiếp đến nỗi nhiều người trong đại đội tôi suy sụp tinh thần, nhất là khi chứng kiến những cái xác cháy đen trong những chiếc máy bay bị bắn rơi hoặc xe tăng cháy rụi. Những gì còn có thể tìm thấy chỉ là đồng hồ, nhẫn, xương, răng và tấm thẻ bài bị sức nóng làm cho tan chảy”.

3. Chiến tranh kết thúc nhưng những người lính chung sự chưa được về nhà như phần lớn các lực lượng khác mà họ ở lại để cải táng những mộ phần do tình hình chiến sự nên phải chôn cất vội vã. Nhiều người trong số họ mắc chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc kích động. Không ít người phải uống rượu hoặc dùng thuốc an thần mỗi đêm để có thể ngủ được. Trung sĩ Shomon thuộc Đại đội chung sự 611 nói: “Tôi chẳng bao giờ quên được mùa đông 1944. Cuốc xẻng bật lên trên lớp đất đóng băng. Xác chết cứng lại, rất khó cho vào túi. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng cứ mỗi lần nhắm mắt, những hình ảnh ấy lại xuất hiện trong đầu tôi”.

Trung sĩ Andrew, Đại đội chung sự 609 kể tiếp: “Cuộc phản công của quân Đức bắt đầu từ ngày 17/12/1944 đến ngày 16/1/1945 tại Ardennes, chỉ riêng đơn vị tôi đã khâm liệm và chôn cất 3.159 lính Mỹ. Nó khiến tôi phát điên vì sự khủng khiếp khi phải chứng kiến cái chết với nhiều hình dạng khác nhau”. Cũng trong tháng 1-1945, những người lính Đại đội chung sự 607 đã phải xử lý thi thể của 84 tù nhân Mỹ bị quân Đức thảm sát gần Malmedy, Bỉ. Hạ sĩ Williams kể: “Sau khi chết, tử thi đóng băng quá nhanh nên lúc chúng tôi khai quật, băng tan ra, máu họ tuôn chảy như vừa bị bắn. Trời nóng khiến nhiều xác tự dưng co rút chân tay, có xác ngồi bật dậy. Tôi bỏ ăn thịt kể từ ngày ấy…”.

Năm 1948, Quốc hội Mỹ đồng ý cho hồi hương hài cốt về Mỹ để chôn cất. Gia đình của 170.752 quân nhân đã hy sinh chọn phương án này nhưng gia đình của 109.866 người còn lại quyết định để người thân của họ nằm yên tại chỗ cũ. Bên cạnh đó, còn hơn 70.000 quân nhân ngã xuống mà thi thể chưa được tìm thấy, cũng như 10.356 bộ hài cốt chưa xác định được tên tuổi. Đại úy Thomas A. Rowntree, chỉ huy Đại đội chung sự 612 nói: “Năm 1950, chúng tôi quay lại những nơi mình từng chôn cất đồng đội, xem xét từ nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, chỉ để đưa mọi người trở về nhà hoặc ít ra người thân của họ cũng biết nơi họ an nghỉ. Đó là việc chẳng dễ dàng gì nhưng là việc phải làm”.

Trong suốt Thế chiến II, rất ít người dân Mỹ biết về sự hiện diện và công việc của những đơn vị làm nhiệm vụ khâm liệm, chôn cất tử sĩ. Những người còn sống thuộc 12 đại đội chung sự hàng năm vẫn gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm mà theo họ, chẳng có gì đáng để tự hào. Thiếu tướng Merwin J. DeKorp, chỉ huy trưởng bộ phận chung sự cho biết số người chết trong chiến tranh ở các đại đội chung sự rất thấp nhưng số gặp phải những vấn đề về tâm thần lại rất nhiều.

Bà Cynthia, vợ hạ sĩ John Rock kể: “Rất nhiều đêm, đang ngủ chồng tôi bỗng tự nhiên bật dậy, vừa khóc vừa nói “tôi xin lỗi anh, tôi không thể để anh nhẹ nhàng xuống huyệt được vì tôi còn hàng chục xác phải chôn cất trước khi lính Đức phản công”. Trung sĩ Arcer, Đại đội chung sự 611 nói: “Mỗi lần nhìn thấy miếng thịt, tôi lại cảm thấy mùi hôi thối. Mặc dù bác sĩ nói đó chỉ là ám ảnh tâm lý nhưng dù đã áp dụng nhiều liệu pháp, tôi vẫn chẳng quên được. Đúng là chúng tôi có rất ít người chết nhưng sự thật thì cuộc sống của chúng tôi đã “chết” theo nhiều cách khác nhau”.

Với đa số những thành viên khác, khuôn mặt người chết như một dấu ấn bằng thép nung đỏ, in sâu vào từng tế bào trong cơ thể họ, đến nỗi khi một đồng đội của họ qua đời vì tuổi già, trong số hơn 60 người đi viếng, chỉ 3 người đến cạnh áo quan để nhìn mặt chiến hữu lần cuối cùng…

Vũ Cao (Theo Warhistory)
.
.