Cuộc truy lùng kho báu của Đức Quốc xã

Thứ Hai, 25/12/2023, 12:41

Trong Thế chiến II, Đức Quốc xã đã đánh cắp rất nhiều vật phẩm có giá trị từ các quốc gia bị chiếm đóng. Đó không chỉ là vàng và đồ trang sức, các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ, mà còn là tài liệu mật và số tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ và những thứ khác.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người bắt đầu nói nhiều về Hồ Toplitzsee, nằm trên dãy núi Alps thuộc nước Áo. Có tin đồn rằng Đức Quốc xã đã giấu một kho báu khổng lồ dưới đáy hồ này.

Nhiều thợ săn kho báu và các nhà thám hiểm đã cố gắng tìm kiếm những chiếc hòm đựng có giá trị đó. Tuy rằng họ cũng đã tìm được một số thứ, nhưng có lẽ những thứ có giá trị của Đức Quốc xã vẫn được giấu ở một nơi khác. Nhiều người vẫn hy vọng rằng họ sẽ gặp may mắn trong việc tìm kiếm những thứ có giá trị như vàng.

1. h- toplitzsee.jpg -0
Hồ Toplitzsee.

“Ngọc trai đen”

Hồ Toplitzsee (còn gọi là Toplitz) nằm trên dãy núi Alps, có một số đặc tính: độ sâu của hồ lên tới 100m. Điều thú vị là oxy chỉ có ở gần bề mặt (15-20m) và nước ở nơi đó trong lành. Đây là môi trường tuyệt vời cho sự tồn tại của cá. Ở gần đáy hồ thì không có oxy còn nước ở đó mặn, chỉ có một số loại vi khuẩn. Người dân địa phương đặt biệt danh cho hồ là “Ngọc trai đen”, không chỉ vì nước hồ có màu sẫm mà còn vì vẻ đẹp mê hồn xung quanh nó. Chiều dài của hồ lên tới 2.000m. Và để đến được đó, cần phải vượt qua ba con đèo và khó có thể đi qua đây bằng phương tiện giao thông.

Hồ Toplitzsee thu hút khách du lịch, các nhà thám hiểm và thợ săn kho báu không chỉ bởi vẻ đẹp và sự thuần khiết thần thánh mà còn bởi những hiện tượng và truyền thuyết huyền bí. Mọi chuyện bắt đầu trong thời gian Thế chiến II, khi Đức Quốc xã chọn nơi này để cất giấu các tài liệu mật và những của cải đã cướp bóc được. Nghe nói, đây là mệnh lệnh của August Eigruber, một quan chức cao cấp SS. Trong những chiếc hòm được đóng gói cẩn thận là các tài liệu mật của Đức Quốc xã, cùng một lượng lớn vàng và các thứ khác nữa. Trong một thời gian rất dài, những người săn kho báu đã nỗ lực để tìm kho báu của Đức Quốc xã dưới đáy hồ.

Cuộc truy lùng kho báu của Đức Quốc xã -0
Những chiếc hòm sắt được tìm thấy ở đáy hồ.

Lời nguyền ở hồ Toplitzsee

Sau khi Thế chiến II kết thúc, có thông tin về tuyên bố bí ẩn của một cựu lính Đức Quốc xã. Đó là Franz Gottlich, ông ta khẳng định rằng Đức Quốc xã đã đóng gói 30 chiếc hòm sắt không chỉ chứa các tài liệu bí mật và còn có cả vàng, đá quý, đồ trang sức và các mặt hàng xa xỉ. Tất cả những thứ này đã được chuyển đến hồ Toplitzsee một cách vội vàng bằng ô tô và được nhấn chìm xuống nước. Franz Gottlich là một trong những người lính đi hộ tống hàng hóa đến nơi đó cùng với những tù nhân làm công việc bốc vác. Một tuyên bố như vậy đã gây nên sự chú ý và kể từ đó các thợ săn kho báu và các đoàn thám hiểm đã cố gắng tìm kiếm kho báu bí mật của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm thấy thứ gì đó.

Đáng chú ý là có một lời nguyền mạnh nhất nào đó đối với hồ Toplitzsee, nơi đã cướp đi sinh mạng của không ít những người săn kho báu trong hơn 50 năm và người đầu tiên mất tích một cách bí ẩn chính là Gottlich. Từ năm 1946 đến năm 1983, hồ sát thủ này đã cướp đi mạng sống của khoảng 40 người thợ săn kho báu. Một số người trong số đó từng là lính SS trong Thế chiến II mà bằng cách nào đó có liên quan đến nơi này. Có lời khai của các nhân chứng cam đoan rằng một số thợ săn kho báu đưa lên khỏi hồ một số chiếc hòm sắt cũ.

Cuộc truy lùng kho báu của Đức Quốc xã -0
Tiền giả được tìm thấy trong hòm sắt.

Những gì xảy ra tại nơi đó vẫn chưa được biết chính xác. Đối với chính quyền Áo thì giọt nước tràn ly là sự cố bi thảm xảy ra với ba khách du lịch người Đức vào năm 1983. Một người trong số họ với thiết bị lặn đã bơi xuống đáy hồ để khám phá và thiệt mạng. Ống thở oxy của người này đã bị đứt đoạn. Sau đó mới rõ, hóa ra những người Đức này đều từng là thành viên của SS trong Thế chiến II. Sau đó, đã ban hành lệnh cấm đối với những nỗ lực khám phá đáy hồ nếu không có sự cho phép của chính quyền.

Những thứ được tìm thấy ở hồ Toplitzsee

Tuy vậy, sau rất nhiều năm nghiên cứu thì vẫn có một số thứ được tìm thấy ở nơi đây. Những chiến lợi phẩm thú vị đã được một nhóm thợ lặn người Đức đưa lên từ đáy hồ vào năm 1959. Nơi thuê là tờ báo “Stern”. Khi đó, họ đã tìm thấy vàng và đưa lên trên hơn 10 chiếc hòm sắt. Tuy vậy, có chút thất vọng về những đồ vật chứa ở bên trong - tổng cộng có khoảng 50 nghìn bảng Anh và tất cả đều là tiền giả.

Cuộc truy lùng kho báu của Đức Quốc xã -0
Thêm những chiếc hòm sắt được tìm thấy, năm 2001.

Rất có thể đây là chính là chiến dịch bí mật “Bernhard” của Đức Quốc xã trong thời kỳ 1939-1942. Người Đức đã lên kế hoạch phá hủy hoạt động hệ thống tài chính nước Anh bằng cách thả tiền giấy từ máy bay xuống. Chiến dịch đã được đẩy mạnh vào năm 1942 bởi Berbhard Krueger. Dưới sự chỉ đạo của ông ta, các tù nhân ở trại tập trung đã thiết kế và in ra những đồng bảng giả hoàn hảo. Thật vậy, số tiền này đã được sử dụng để mua vũ khí, trả tiền cho các hoạt động của các đặc vụ bí mật...

Vào thời điểm đó, có một chiếc hòm được đánh dấu “B-9” cũng đã được đưa lên trên. Trong đó là danh sách của một số tù nhân của trại tập trung, cũng như các tài liệu mật của Tổng cục An ninh. Nhiệm vụ của tổ chức này là tiêu diệt những người Digan, Do Thái và những người cộng sản. Điều đáng chú ý là sau khi tìm ra chiếc hòm này thì nguồn tài trợ cho hoạt động đó đã đột ngột dừng lại. Chiếc hòm đã được lấy đi và hoạt động cũng bị khép lại. Rõ ràng là có những người sẽ hoàn toàn gặp bất lợi, thậm chí là sau thời gian đó, nếu bí mật của Đệ tam Quốc xã bị tiết lộ trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc chấm dứt nghiên cứu sau khi phát hiện ra chiếc hòm “B-9” không chỉ đơn giản như vậy. Rất có thể là trong đó có cả danh sách các nhân viên mật của tình báo Đức, mà phần lớn trong số họ cho đến nay vẫn đang giữ những chức vụ cao tại các công ty, ngân hàng và thậm chí trong chính phủ. Việc tiết lộ thông tin như vậy sẽ là một vụ bê bối chính trị. Không ngoại trừ việc trong chiếc hòm đó còn có thể có cả các số tài khoản ngân hàng của Thụy Sĩ và là nơi cất giữ tất cả những thứ mà quân phát xít Đức đã cướp được trong chiến tranh.

Khám phá của giáo sư Hans Fricke

Một nỗ lực mới để nghiên cứu đáy hồ được thực hiện vào năm 1984 bởi giáo sư người Đức Hans Fricke. Tuy vậy, ông này tuyên bố rằng mục đích nghiên cứu của mình hoàn toàn mang tính khoa học (Friske là nhà sinh vật học), chứ không phải là tìm kho báu của Đức Quốc xã. Để lặn xuống hồ, ông đã sử dụng tàu ngầm mini “Geo”. Ở độ sâu khoảng 75-80m, giáo sư đã phát hiện ra những đồng bảng giả, nhưng ở đó lại không có vàng. Fricke cho biết, ông đã phát hiện ra một loài sâu thủy sinh lạ, loài này sẽ cần được nghiên cứu. Tuy vậy, có không ít điều bí ẩn xung quanh vị giáo sư. Fricke cư xử kỳ lạ, cuộc thám hiểm đã rất tốn kém. Và mục đích hoàn toàn không phải là một loại sâu mới hay là những đồng tiền giả của Đức Quốc xã. Rất có thể đây là những tài liệu mật của Đệ tam Quốc xã, là thứ mà có những người nào đó cần đến. Các nhân chứng đã nhìn thấy Fricke vài lần rời đi trong một chiếc ô tô đầu kéo chứa những chiếc hòm sắt.

Điều đáng chú ý nhất vẫn chưa hết. Đức Quốc xã, trước khi rời khỏi nơi này đã cho nổ tung lối vào, ngụy tạo hệ thống đường hầm dưới lòng đất dẫn đến một hang động khổng lồ. Tại đó có một số lượng lớn các hòm có chứa chất nổ. Điều này đã được kể lại bởi một trong số những cựu tù nhân của trại tập trung Mauthausen. Quân đã Đức sử dụng tù nhân để làm công việc đào hầm ngầm. Để không cản trở việc đào đường hầm, nước đã được hút xuống khoảng 1-1,5m khỏi hồ Toplitzsee. Tuy nhiên, việc đi vào hang động quanh đó, cũng như di chuyển qua các đường hầm là không thể. Quân Đức đã không tiếc chất nổ để bảo vệ những đồ vật có giá trị của mình. Vì vậy, cuộc thám hiểm đành phải hủy bỏ.

Cuộc thám hiểm hồ Toplitzsee

Vào năm 2001, nhiều thứ có giá trị đã được tìm thấy dưới đáy hồ. Có lẽ, đây cũng là một phần công sức của tàu lặn biển sâu hiện đại “Fantom” mà trước đó đã thể hiện được ưu thế. May mắn đã đến ngay từ lần lặn đầu tiên. Ở dưới đáy hồ người ta đã tìm thấy và đưa lên 10 chiếc hòm sắt và chúng lập tức được vận chuyển đến Salzburg. Nhưng đã không có một tuyên bố chính thức nào. Theo ý kiến của các chuyên gia, ở dưới đáy hồ này có thể lưu giữ khoảng 50 kho báu khác nhau từng tồn tại ở khu vực Toplizsee. Ở đó không chỉ là vàng và đồ trang sức cổ, đá quý và các hiện vật nghệ thuật, mà còn có các tài liệu mật, bộ sưu tập tem của Goering, kim cương, các đồng xu cổ quý hiếm. Nhưng sự kỳ vọng một lần nữa lại bị dập tắt. Trong những chiếc hòm lại vẫn là tiền giả, và lần này là những đồng frank. Vàng thật và các kho báu khác của Đệ tam Quốc xã vẫn không được tìm thấy.

Theo quy định của Hội nghị Postdam năm 1945, tất cả số vàng mà Đệ tam Quốc xã cướp được phải được chia cho 4 quốc gia thắng trận trong Thế chiến II, trong đó có Liên Xô. Và sẽ có ít nhất là 100 tỷ đôla cho mỗi bên. Tuy nhiên, trước hết chúng cần phải được tìm thấy. Thế nhưng, không chắc là số vàng có ở trong hang núi hay dưới đáy hồ hay không. Nhiều khả năng, đây là kế hoạch làm mồi nhử khoa trương nhằm gây nhầm lẫn và dẫn dụ những thợ săn đi khỏi nơi thực sự cất giữ kho báu. Nhưng lập luận này cũng không ngăn những thợ săn tìm kho báu muốn đạt được mục tiêu của mình.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.