Cuốn băng ghi âm Hạc Lệnh của Nhật hoàng

Thứ Hai, 12/09/2022, 22:00

Năm 1945, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã chế ngự được một cuộc đảo chính quân sự và tuyên bố nước Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Tư liệu dưới đây được cung cấp bởi 2 tác giả là Thomas B. Allen, tác giả cuốn sách “George Washington, ông trùm gián điệp” và Norman Polmar, nhà văn kiêm cố vấn về quốc phòng, hàng không và tình báo.

Lời nói của Thiên hoàng Chiêu Hòa 

Vào buổi sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, chiếc siêu pháo đài bay B-29 mang tên Enola Gay đã thả quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Một thời gian ngắn sau đó, một chiếc B-29 khác đã bắt đầu rải truyền đơn ở thủ đô Tokyo. Nội dung của chúng có đoạn: “Vì các lãnh đạo quân đội của các bạn đã bác tuyên bố đầu hàng gồm 13 phần, nên chúng tôi buộc phải đụng tới bom nguyên tử... Trước khi chúng tôi thả liên tục những quả bom này để tiêu diệt mọi nguồn lực quân sự nhằm kết thúc cuộc chiến tranh dài vô bổ này, vì vậy các bạn hãy thỉnh cầu hoàng thượng chấm dứt chiến tranh”.

Cuốn băng ghi âm Hạc Lệnh của Nhật hoàng -0
Một bản ghi âm Hạc Lệnh của Thiên hoàng Chiêu Hòa được lưu trữ trong Bảo tàng của đài NHK.  Ảnh nguồn: Wikipedia.

Không có cách nào để thường dân Nhật đệ  đơn thỉnh cầu lên Thiên hoàng Chiêu Hòa nhằm chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam ngày 26 tháng 7 do quân Đồng Minh vạch ra các yêu cầu đầu hàng, trong số đó có biện pháp giải giáp các lực lượng Nhật và tiễu trừ “mọi thời đại quyền lực và ảnh hưởng của những kẻ đã lừa dối người dân Nhật Bản cùng tham gia vào cuộc chinh phạt thế giới”.

Và các tờ truyền đơn đã phản ánh một thực tế: Chỉ có Thiên hoàng mới quyết định được kết thúc chiến tranh. Để làm được việc đó, nhà vua phải đủ can đảm thách thức các tướng lãnh quân sự dưới trướng mình, cũng như ngài biết tỏng rằng lời hiệu triệu hòa bình chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đảo chính quân sự. Khi tin tức về vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki loan đi vào ngày 9 tháng 8, thay vì đi tới một giải pháp hòa bình thì Cơ mật viện tối cao đã thi hành chính sách thiết quân luật trên toàn cõi Nhật Bản.

Với việc nội các không thể đạt được sự đồng thuận về việc có chấp nhận những điều khoản đầu hàng hay không, Bộ trưởng Chiến tranh Korechika Anami, người dẫn đầu phe đối lập, cuối cùng đã xoay sang hoàng đế nhằm đưa ra quyết định. Không lâu trước nửa đêm, Chiêu Hòa, khi đó dáng mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng, lảo đảo bước vào căn hầm trú bom nóng ẩm nằm sâu 18m dưới Thư viện hoàng gia, nơi 11 thành viên nội các của ngài đang tụ tập.

Ngài ngự trên chiếc ghế thẳng tưng, bận bộ đồ thống chế khá vụng về (bởi những người thợ may không được phép đụng vào người được tôn xưng như thần thánh). Bản thân cuộc tụ họp đó là một sự kiện phi thường: cuộc họp có hoàng thượng ngự chầu.

Chiêu Hòa lên ngôi kể từ năm 1926 và ông là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nhật Bản, ngài thường xuất hiện trong các bức ảnh trong bộ quân phục cưỡi ngựa bạch suốt chiến tranh. Chiêu Hòa kiên nhẫn lắng nghe khi từng thành viên trong nội các của ông trình bày. Lúc 2 giờ sáng thứ Sáu, ngày 10 tháng 8 năm 1945, Thủ tướng Kantaro Suzuki đã làm một việc mà chưa từng có người tiền nhiệm nào làm: ông hỏi nhà vua ban “Hạc Lệnh” (loài chim thiêng liêng).

Nói nôm na thì Chiêu Hòa cho rằng ông không tin rằng nước mình có thể tiếp tục chiến đấu. Không có bản ghi lại những lời nói của Thiên hoàng trong khuya ngày hôm đó, song các sử gia đã xâu chuỗi những lời nói lan man của nhà vua thì biết rằng ngài đã kết luận thế này: “Đã đến lúc chúng ta phải chịu đựng những thứ không thể chịu đựng được nữa.... Trẫm nuốt nước mắt vào lòng để hạ lệnh chuẩn y việc chấp nhận tuyên bố của phe Đồng Minh”.

92-3.jpg -0
Một phần tuyên bố của Thiên hoàng Chiêu Hòa chấp nhận Tuyên bố Potsdam năm 1945. Ảnh nguồn: National Archives.

Hạc Lệnh của Thiên hoàng

Vào ngày 10 tháng 8 năm 1945, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi phản hồi tới các nước Đồng Minh, đề nghị chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam với sự thấu hiểu rằng các điều khoản đó “không bao gồm bất kỳ nhu cầu nào ảnh hưởng tới các đặc quyền của Hoàng thượng, đấng trị vì tối cao”.

Đến ngày 11 tháng 8 năm 1945, Nhật nhận được phúc đáp của phe Đồng Minh bao gồm việc Mỹ nhấn mạnh rằng “thẩm quyền của nhà vua và chính phủ Nhật cai trị đất nước sẽ phụ thuộc vào Tư lệnh tối cao các cường quốc Đồng Minh – họ sẽ tiến hành các bước mà nhà vua cho rằng phù hợp để thực hiện những điều khoản đầu hàng”. Tại Mỹ, hầu hết mọi người đều tin rằng hòa bình đã đến. “Nhật Bản đề nghị đầu hàng” đã được giật tít to đùng trên The New York Times, còn tơ Times là hàng tít “Lính Mỹ ở Thái Bình Dương hoan hỉ dõi theo Nhật Hoàng”.

Tuy nhiên ở Nhật Bản chiến tranh vẫn tiếp diễn bởi một lẽ câu trả lời của quân Đồng Minh chỉ đến tay các quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật. Các tờ nhật báo ở Nhật vào ngày 11 tháng 8 năm 1945 trích dẫn tuyên bố của tướng Korechika Anami úy lạo binh sĩ: “Điều duy nhất chúng ta làm là chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng... ngay cả khi phải nhai cỏ, ăn đất và ngủ trên đồng”.

Nhưng ngay buổi sáng ngày 14 tháng 8 năm 1945, một cơn bão truyền đơn khác đã ập đến Tokyo và các thành phố khác, lần này chúng chứa thông điệp về chuyển giao quyền lực Nhật Bản và Đồng Minh. Hầu tước Koichi Kido (quân sư thân cận của Thiên hoàng Chiêu Hòa) sau đó đã viết trong cuốn nhật ký của mình rằng “một số tờ rơi có thể sẽ rơi vào tay binh lính và khiến quân đội động nộ, một cuộc đảo chính quân đội là không thể tránh khỏi”. Quả vậy, một cuộc đảo chính đã âm thầm diễn ra.

Trước sự thúc giục của hầu tước Koichi Kido, ngay trong hầm trú ẩn, Chiêu Hòa đã cấp tốc ban hành “Hạc Lệnh”: “Trẫm mong muốn nội các phải chuẩn bị bản huấn lệnh càng sớm càng tốt nhằm thông báo chấm dứt chiến tranh”. Chiêu Hòa biết rằng việc công bố huấn lệnh sẽ không đủ sức nặng, nên ngài quyết định trở thành Hạc Lệnh thực sự. Ngài tiến tới microphone và đọc bản huấn lệnh trước các quần thần của mình, những người chưa từng nghe thấy giọng nói của hoàng đế.

Những bản ghi âm tuyệt mật

Ngay đêm đó, lời đề nghị đầu hàng của Chiêu Hòa đã tới được các chính phủ Đồng Minh, Tư lệnh tối cao được chỉ định của các cường quốc Đồng Minh, Tướng Douglas MacArthur, bắt đầu các thủ tục quan trọng. Cùng lúc đó, người em rể của Korechika Anami – Trung tá Masahiko Takeshita – đã thúc giục Anami tiến hành đảo chính, nhưng Anami từ chối.

Hầu tước Koichi Kido và các quan cận thần của Chiêu Hòa vội vã sắp xếp buổi phát sóng hoàng gia với các giám đốc sừng sỏ của Tổng công ty phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK). Chủ tịch NHK đã mang một tốp chuyên viên ghi âm đến cung điện để ghi lại mọi lời của Thiên hoàng. Chiều hôm đó, Koichi Kido viết trong nhật ký của mình rằng một vị khách đã nhận thấy có nhiều binh lính hơn bình thường hiện diện tại cung điện. 

Lúc 8 giờ tối, cuối cùng những người sao chép đã được trao một bản thảo nguệch ngoạc, có dấu hiệu chỉnh sửa nhiều lần. Và khi phiên âm bản thảo thành thư pháp cổ điển thì họ đã điền thêm những thay đổi lớn hơn. Những người sao chép đã phải chỉnh sửa trên các tờ giấy nhỏ và dán chúng vào. Khoảng 9 giờ tối, tin tức lan đi trên đài phát thanh Nhật Bản, khán thính giả được thông báo rằng một buổi phát thanh quan trọng sẽ được thực hiện vào trưa ngày hôm sau. Những bản sao chép cuối cùng đã được đưa lên báo với lệnh cấm xuất bản cho đến khi hoàng đế phát sóng.

11 giờ khuya, từ tư dinh của mình, Thiên hoàng Chiêu Hòa ngồi trên xe chạy tới tòa nhà của Cung Nội Tỉnh, nơi chuyên điều hành các hoạt động của hoàng gia. Trong khán phòng ở tầng 2, các kỹ thuật viên NHK cúi rạp đầu chào nhà vua. Với vẻ bối rối, Thiên hoàng Chiêu Hòa bước tới micro và hỏi: “Trẫm cần nói to đến mức nào?”. Trong một thoáng do dự, một kỹ sư khuyên nhà vua nên nói bằng giọng bình thường của mình.

Nhà vua bắt đầu: “Đối với những cận thần tốt và trung thành của hoàng cung: Sau khi cân nhắc sâu sắc tình hình chung trên thế giới và điều kiện thực tế ở đế quốc Nhật Bản ngày hôm nay, chúng tôi đã quyết định giải quyết tình hình hiện tại... Hãy để cả dân tộc được tiếp biến như một gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn một lòng vững tin vào vùng đất bất khả xâm phạm thiêng liêng của mình”.

Khi nhà vua kết thúc, ông hỏi: “Trẫm nói vậy có hợp lẽ không?”. Viên kỹ sư trưởng lắp bắp: “Bẩm hoàng thượng, không có lỗi kỹ thuật, nhưng có vài từ chưa được rõ ràng”. Chiêu Hoàng đọc lại bản huấn lệnh và rơm rớm nước mắt, liền đó là ánh mắt của những người khác trong phòng. Mỗi bài đọc chỉ kéo dài 4 phút rưỡi nhưng bài phát biểu dài đến 2 bản ghi âm.

Các kỹ sư đã chọn bộ ghi âm đầu tiên cho buổi phát sóng, nhưng họ giữ lại cả 4 bộ và đặt chúng trong những cái hộp kim loại và cho vào những chiếc túi khaki. Các kỹ thuật viên NHK đã nghe phong phanh về một cuộc đảo chính và họ quyết định ở lại đêm đó thay vì cố gắng quay trở lại phòng thu phát sóng NHK, với nỗi lo sợ rằng những kẻ âm mưu đảo chính trong quân đội sẽ trà trộn trong đám người để lấy cắp hoặc hủy các bản ghi âm. Một thị vệ đã giấu các bản ghi âm trong một căn phòng nhỏ được dùng bởi một thành viên trong đoàn tùy tùng của hoàng hậu, căn phòng không cho đàn ông vào.

92-2.jpg -0
Một tờ truyền đơn được quân đội Mỹ thả xuống sau khi đánh bom nguyên tử Hiroshima. Ảnh nguồn: Commons Wikimedia.

Vụ binh biến và buổi phát sóng chấn động

Lúc tảng sáng ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiếu tá Kenji Hatanaka, và Đại úy  Không quân Shigetaro Uehara đã xông thẳng vào văn phòng của Trung tướng Takeshi Mori, chỉ huy Đại nội thị vệ hoàng cung. Kenji Hatanaka bắn chết Mori, còn Shigetaro Uehara chặt đầu một sĩ quan khác.

Hatanaka đóng dấu riêng của Mori vào một mệnh lệnh giả nhằm lệnh cho Đại nội thị vệ chiếm cung điện và các khu vực lân cận, cắt đứt mọi liên lạc với cung điện ngoại trừ thông qua Trụ sở sư đoàn, chiếm NHK và cấm toàn bộ hoạt động phát sóng. Trong khi đó Thiếu tá Hidemasa Koga, một sĩ quan của đội thị vệ hoàng cung đang cố gắng chiêu mộ những phần tử khác tham gia cuộc đảo chính. Tại cung điện, binh sĩ ủng hộ cuộc đảo chính với lưỡi lê gắn trên súng trường của họ, vây bắt các kỹ thuật viên vô tuyến điện và giam họ trong một trại lính.

Đeo dải băng trắng trước ngực để phân biệt với thị vệ trung thành với Thiên hoàng Chiêu Hòa, binh sĩ tràn vào hoàng cung và bắt đầu cắt đứt dây điện thoại. Hidemasa Koga hy vọng tìm và phá hủy thứ mà anh ta cho là bản ghi âm duy nhất của huấn lệnh nhà vua, đã hạ lệnh cho một kỹ thuật viên vô tuyến tìm nó.

Trong lúc đám người đang lùng sục, Thiên hoàng vẫn ở trong hậu cung và giám sát mọi thứ thông qua một khe trên cửa chớp cấu tạo bằng sắt để bảo vệ các cửa sổ. Trong lúc đó, Trung tá Masahiko Takeshita lại cố gắng lôi kéo Korechika Anami vào âm mưu đảo chính. Anami đã tự sát để từ chối trong phòng của mình cùng với Takeshita. Binh sĩ nổi loạn đã tràn vào tòa nhà NHK, nhốt các nhân viên trong phòng thu, và hạ lệnh họ hỗ trợ để thúc giục cả nước chiến đấu.

Lúc 5 giờ sáng ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hatanaka đi vào phòng thu số 2, gí súng lục vào đầu Morio Tateno, phát thanh viên đang chuẩn bị thực hiện buổi phát sóng lúc 5 giờ sáng. Tateno từ chối tuân lệnh. Ấn tượng trước lòng dũng cảm của Tateno nên Hatanaka hạ súng xuống không bắn.

Trong lúc căng thẳng đó, một kỹ sư đã nhanh tay ngắt kết nối tòa nhà NHK với tháp phát sóng, nếu Hatanaka nói vào micro thì lời nói chả đi đến đâu. Phải mất cả đêm, thị vệ hoàng cung mới vây bắt được toàn bộ đám người nổi loạn. Lúc bình minh, tình thế được vãn hồi. Các kỹ sư NHK đã mang những đĩa ghi âm của Chiêu Hòa để đến đài phát thanh trong những chiếc xe riêng biệt chạy trên các cung đường khác nhau. Họ giấu một bộ ghi âm trong một phòng thu dưới lòng đất, và chuẩn bị dùng bộ kia.

Trưa ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên hoàng Chiêu Hòa trịnh trọng tuyên bố bằng thứ ngôn ngữ cổ xưa không dễ hiểu đối với thần dân Nhật Bản. Nhà vua nhấn mạnh: “Tình hình chiến tranh không có lợi cho lợi ích của Nhật Bản, trong khi xu hướng chung trên thế giới đã chống lại các lợi ích đó. Thêm nữa, địch đã bắt đầu dùng loại bom mới và tàn độc hơn lúc nào hết... Chúng tôi đã quyết định mở đường cho một nền hòa bình lớn hơn cho những thế hệ mai sau bằng cách chịu đựng những gì không thể chịu được và chịu khổ cho những gì không thể chịu đựng nổi”. Nhật Hoàng Chiêu Hòa không hề dùng từ nào để nói lên “thất bại” hay “đầu hàng”.

Phan Bình  (Tổng hợp)
.
.