Cựu giám đốc tình báo Venezuela dính nghi án buôn lậu ma túy

Thứ Ba, 09/08/2022, 11:40

Ông Pedro Luis Martin Olivares, nguyên cựu giám đốc tình báo Venezuela, hiện đang bị truy nã ở Mỹ vì tội buôn lậu ma túy. Chưa hết, cáo buộc cho hay gia đình ông Olivares còn dùng các khoản tiền bất minh để mua các bất động sản trị giá hàng triệu USD ở Tây Ban Nha. Thực hư chuyện này ra sao?

Ở quê nhà Venezuela, ông Pedro Luis Martín Olivares (thường gọi là Martin) ít được biết đến. Mỹ đang treo giải thưởng 10 triệu USD cho bất kỳ ai biết được thông tin về nơi ở để bắt sống ông Martin, số tiền này thậm chí còn nhiều hơn việc bắt sống các con trai của “bố già” nghiệp đoàn ma túy khét tiếng xứ Mexico, Joaquín “El Chapo” Guzmán.

Cựu giám đốc tình báo Venezuela dính nghi án buôn lậu ma túy -0
Tòa nhà Centro Lido ở Caracas. Ảnh nguồn: OCCRP.

Martin đã bị tòa án tiểu bang Florida (Mỹ) truy tố vì tội buôn lậu ma túy trong năm 2015. Mỹ đã trừng phạt các lợi ích thương mại của Martin, bao gồm những dịch vụ an ninh tư nhân đến chăn nuôi gia cầm. Song bất chấp những buộc tội cấp cao chống lại Martin, trạc 55 tuổi, và quyền lực chính thức mà ông từng có dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, nhân vật này đã giữ cho mình một hồ sơ thân thế bí mật suốt nhiều năm ròng, ngay cả khi gia đình ông tích lũy một lượng tài sản đáng kể ở hải ngoại.

Giờ đây Dự án báo cáo tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) đã hợp tác với Armando.info, Infolibre và báo Miami Herald đã theo dõi một phần tài sản của Martin ở Barcelona, nơi họ hàng ông đang làm chủ các căn hộ hạng sang tại một trong những quận đắt đỏ nhất thành phố này.

Dựa trên những tài liệu tòa án, các hồ sơ điều tra, các hồ sơ bất động sản và công ty, những cuộc phỏng vấn, nhóm phóng viên cũng đã lần ra những tình tiết mới về cuộc đời của cựu quan chức tình báo bao gồm cả việc ông ta sở hữu căn cước công dân Tây Ban Nha. Ông Ivan Simonovis, cựu ủy viên cảnh sát kiêm điều tra viên hình sự ở Venezuela, tiết lộ với OCCRP rằng có lúc Martin “nắm nhiều quyền lực và gây thiệt hại cho nhiều người suốt một thời gian dài, dù rằng ảnh hưởng của ông ta gần đây đã hết”.

Trong số 6 người được phỏng vấn ở Venezuela về Martin (gồm 2 cựu quan chức quân đội Venezuela, những người từng làm việc dưới trướng ông Hugo Chávez và một sĩ quan cảnh sát) thì chỉ duy nhất ông Simonovis chịu để tên thật. Những người khác yêu cầu được giấu tên vì rằng nói công khai về Martin sẽ bị trả thù.

Quá khứ không rõ ràng

Ngoài một thực tế là Martin sinh năm 1967 ở Caracas thì có rất ít hồ sơ công khai về những năm đầu đời của người này. Martin từng tự thuật bản thân là một luật sư và kinh tế gia, song cánh phóng viên không tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào về các đề tài mà Martin đã học ở Venezuela.

Theo ông Ivan Simonovis (người đã làm việc trong vai trò điều tra viên cảnh sát nhiều năm trước khi đào thoát sang Mỹ) thì Martin bắt đầu có dính líu tới hoạt động buôn lậu ma túy và “rửa tiền” hồi thập niên 1990. Sau đó, Martin bắt đầu hợp tác với giới chính quyền để tránh nguy cơ bị truy tố, giúp thành lập vài “phương tiện giao hàng có kiểm soát”: doanh số bán ma túy được thực hiện với sự hiểu biết của các cơ quan thực thi trong việc bắt những kẻ buôn lậu ma túy khác.

“Dù nước ngập đến cổ, ông ta (Martin) vẫn có thể thở được”, ông Simonovis nói. Sau khi ông Hugo Chávez đắc cử tổng thống vào năm 1999, Martin được bổ nhiệm vào văn phòng chống ma túy ở Caracas, mà theo ông Simonovis thì rõ ràng là Martin đã tận dụng được những kết nối mà ông ta đã xây dựng trong lực lượng cảnh sát.

Năm 2002, Martin trở thành giám đốc tình báo tài chính trong cơ quan mật vụ Venezuela: Tổng cục quản lý ngành về các dịch vụ ngành và tình báo (viết tắt DISIP). Ông Ivan Simonovis (được hỗ trợ bởi 2 nguồn tin biết rõ về Martin) cho hay rằng người này bắt đầu có “văn phòng hai” ngoài Centro Lido, một tổ hợp không gian văn phòng và chợ hạng sang ở Caracas, trong lúc vẫn đang là quan chức tình báo cấp cao.

Martin và người của mình đã dùng mạng lưới người đưa tin và thiết bị nghe lén để có được thông tin thỏa hiệp về những nhân vật giàu có hoặc quyền lực. Simonovis cho hay rằng ở một lúc nào đó quyền lực của Martin lớn đến nỗi đủ cho ông ta bắt đầu “tống tiền” ngay trong cơ cấu quyền lực của Hugo Chávez. Ông Simonovis nói: “Cọng rơm đã làm gãy lưng lạc đà”.

Cựu giám đốc tình báo Venezuela dính nghi án buôn lậu ma túy -0
Diosdado Cabello, chính trị gia nổi tiếng có quan hệ thân cận với chính quyền Venezuela. Ảnh nguồn: dpa Picture Alliance / Alamy Stock Photo.

Những hoạt động ngầm

Martin rời DISIP vào năm 2004 nhưng tuyên bố vẫn duy trì kết nối với cộng đồng tình báo. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với trang web tiếng Tây Ban Nha của mạng lưới truyền hình Arab Al-Mayadeen hồi tháng 10 năm 2020 (được công bố chỉ 6 ngày sau khi Mỹ treo giải thưởng lùng bắt Martin) Martin nói rằng mình vẫn “xử lý thông tin” dù đã chính thức rời nhiệm sở.

Ông Simonovis nói rằng Martin đang giữ “văn phòng hai” ngoài Centro Lido, nơi mà giờ đây ông ta cũng điều hành một đế chế thương mại: từ năm 2004 đến năm 2007, Martin đã thành lập chí ít 5 công ty chủ yếu là trong lĩnh vực an ninh tư nhân mặc dù ông cũng mở một trại gia cầm. Các chi tiết về những hoạt động của các công ty này cho thấy rằng Martin vẫn đang duy trì kết nối hoàn hảo với DISIP sau khi rời ghế. Các hồ sơ công ty cho thấy hãng an ninh tư nhân của Martin là Grupo Control 2004 đã trúng nhiều hợp đồng của các cơ quan nhà nước Venezuela bao gồm ngân hàng nhà nước Bicentenario, sân bay Maracaibo và  công ty khai khoáng Minerven.

Một công ty khác của Martin là PLM Consultores đã cung cấp “các dịch vụ tư vấn trong quan hệ thể chế” cho 11 công ty có liên đới với Omar Farias, một doanh nhân ở Venezuela có biệt danh “Vua bảo hiểm” bởi vì người này trúng nhiều hợp đồng bảo hiểm lớn từ các thể chế công và cho phép ông ta phất lên giàu sụ dưới thời ông Hugo Chávez.

Năm 2010, Martin xuất hiện trong một bức điện mật của Bộ Ngoại giao Mỹ (do Wikileaks công bố), trong đó kể chi tiết một âm mưu của cơ quan tình báo Venezuela “ám sát” Tổng thống Panama, Ricardo Martinelli. Bức điện không cung cấp bất kỳ lý do nào cho thấy chính phủ Venezuela muốn tiến hành hoạt động ám sát, nhưng nó cũng cho thấy sợi dây liên hệ của Martin với chế độ Chávez tức chỉ 6 năm sau khi ông ta rời ghế ở DISIP. Bức điện mật nói rằng: “Dù không có bất kỳ bằng chứng nào về việc phát hiện âm mưu ám sát, nhưng nhóm thi hành pháp luật đã tìm thấy thông tin xúc phạm đáng kể từ Pedro Ruiz Martin Olivares, một diễn viên tồi”.

Cùng lúc đó một chiến dịch chống ma túy chung được tiến hành bởi giới chức Mỹ và quần đảo British Virgin đã gây ra những hậu quả sâu sắc cho Martin. Năm 2010, cảnh sát đã bắt giữ 3 gã đàn ông đang đợi thuyền để vớt một kiện hàng thả rơi từ một máy bay Venezuela trong vùng biển của British Virgin. Trong gói hàng, họ tìm thấy hơn 261 kg cocaine. Giới chức móc xích nguồn gốc kiện hàng đối với tay buôn lậu ma túy người Colombia, Roberto Mendez Hurtado, kẻ có biệt danh “Pluma Blanca” từ nghiệp đoàn ma túy Norte del Valle.

Năm 2013, Colombia đã dẫn độ Mendez sang Mỹ, nơi y bị buộc tội tổ chức các lô cocaine từ Venezuela sang Trung Mỹ và vùng vịnh Caribbea. Mendez bị kết tội và thụ án 19 năm tù trước khi được phóng thích vào tháng Giêng năm 2022 này. Theo giới chức Mỹ thì Martin từng thuộc biên chế của Mendez, bị cáo buộc giúp điều phối các lô hàng cocaine từ vị trí công tác ở DISIP và lo lót “hối lộ” cho quan chức Venezuela.

Martin cũng bị cáo buộc đã tắt radar để giúp các máy bay chất đầy cocaine bay trót lọt qua không phận Venezuela. Các công tố viên Mỹ cũng cáo buộc rằng Martin (cùng với Hugo “El Pollo” Carvajal, nguyên giám đốc tình báo quân đội Venezuela) là một phần của “Nghiệp đoàn ma túy Mặt Trời”, một tế bào buôn lậu ma túy nằm ngay trong quân đội Venezuela. Sau 2 năm hoạt động, năm 2021, Carvajal bị bắt giữ ở Tây Ban Nha và để dẫn độ sang Mỹ.

Năm 2015, bản thân Martin cũng bị truy tố bởi đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Miami vì cáo buộc buôn lậu ma túy. 3 năm sau đó, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ (OFAC) đã trừng phạt các công ty của Martin, tuyên bố rằng Martin “đã lợi dụng chức vụ và nhận hối lộ của những kẻ buôn lậu ma túy ở Venezuela và Colombia trong một kế hoạch lớn hơn nhằm tạo điều kiện trung chuyển ma túy trong ngoài không phận Venezuela”.

Năm 2018, OFAC cũng đề cập đến Martin trong các lệnh trừng phạt chống lại Diosdado Cabello, một trong những chính trị gia quyền lực nhất Venezuela và cũng bị cáo buộc là thủ lĩnh của Nghiệp đoàn ma túy Mặt Trời, tuyên bố rằng bộ đôi Martin – Cabello đã làm việc cùng nhau để “chuyển tiền bẩn sang Panama, cộng hòa Dominica và Bahamas vào cuối năm 2016”.

OCCRP cũng biết rằng các quan chức an ninh Tây Ban Nha đã bắt đầu điều tra Martin từ năm 2014 sau khi ông ta lọt vào tầm ngắm của họ bởi quá khứ làm việc cho DISIP, cùng những cáo buộc ông ta tham gia vào Nghiệp đoàn ma túy Mặt Trời. Bị đặt biệt danh là “Platanote” tức “Chuối Lớn”, họ bắt đầu điều tra các tài sản của ông ta ở Tây Ban Nha.

Cựu giám đốc tình báo Venezuela dính nghi án buôn lậu ma túy -0
Mỹ treo thưởng 10 triệu USD để lấy thông tin và bắt sống Pedro Luis Martin Olivares.

Lộ diện nhiều bất động sản đắt đỏ

Dù nằm trong tầm ngắm của hai cơ quan thi hành pháp luật Mỹ và Tây Ban Nha, nhưng các thành viên trong gia đình của Martin vẫn có thể mua được 2 căn hộ giá trị ở Barcelona năm 2013. Những bất động sản này cùng có giá trị khoảng 2,5 triệu Euro, theo dịch vụ định giá bất động sản được vận hành bởi BBVA, ngân hàng lớn ở Tây Ban Nha.

Cả 2 căn hộ nằm trong tòa nhà ngân hàng cũ có từ thập niên 1950 thuộc Dải đất vàng của Barcelona, tên gọi một khu bất động sản cao cấp trong nội đô. Chúng đều được sở hữu bởi Urdanbest SL, một công ty Tây Ban Nha mà vợ của Martín là Alejandra Besteiro, con trai ông ta là Pedro Luis Martín Besteiro, và người con trai riêng Orlando Urdaneta Besteiro đóng vai trò đồng giám đốc.

Urdanbest liệt kê địa chỉ công ty của mình trong một văn phòng sang trọng tại một trong những khu dân cư đắt tiền nhất của Madrid. Nổi bật bên trong là một bức tranh khổ lớn, văn phòng này được chia sẻ với Balclutha SL, một công ty liên quan đến doanh nhân Venezuela, Luis Alberto Benshimol Chonchol (một nhà tài chính chuyên đầu tư tranh nghệ thuật đương đại và những mối quan hệ của ông ta với thị trường song song gây tranh cãi đã cho phép các nhà đầu tư khai thác sự khác biệt giữa tỷ giá tiền tệ chính thức và chợ đen đầu thập niên 2000).

Martin cũng là chủ sở hữu một căn hộ khác ở Barcelona, mua từ năm 2003, hiện tại căn hộ trị giá 200.000 Euro nằm ở tầng 4 trong khu dân cư của tầng lớp lao động. Khi nhóm phóng viên đến khu căn hộ này hồi tháng 6-2022, họ nhìn thấy thùng thư không đề tên chủ hộ, dù người hàng xóm nói rằng họ hay nhìn thấy “các chuyển động trong cửa chớp”, chứng tỏ nhà có người ở.

Trong cuộc phỏng vấn với Al-Mayadeen, Martin phủ nhận các cáo buộc chống lại mình, cho rằng Mendez đưa tin giả để giảm án cho mình. Martin khẳng định các lệnh trừng phạt của OFAC chỉ đơn thuần là “tống tiền và gây áp lực” để ông chống lại những nhân vật chính phủ cấp cao thời Chávez.

Theo bản ghi của tòa án Mỹ thì Martin đã tự nộp mình cho giới chức Venezuela sau khi Interpol ra “thông báo đỏ” chống lại ông ta, một thực tế mà luật sư Mỹ của Martin từng lập luận rằng thân chủ mình không thể bị coi là một kẻ chạy trốn. Các công tố viên Mỹ bác bỏ lập luận này, tuyên bố rằng Martin tự nộp mình chỉ bởi đơn giản là ông ta biết tỏng Venezuela sẽ không dẫn độ mình sang Mỹ.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.