Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan và “cuộc chiến sau song sắt”

Thứ Năm, 23/01/2025, 09:48

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan lại bị kết án thêm 14 năm tù vì tội tham nhũng. Đây được xem là một cú đòn nữa giáng vào nhà lãnh đạo Pakistan, vốn đang phải ngồi tù hơn 18 tháng và phải đối mặt với hơn 100 cáo buộc khác.

“Cậu bé mắt xanh” của quân đội Pakistan

Hiếm thấy một chính khách nào của Pakistan lại gây ra nhiều luồng quan điểm như ông Khan. Yêu có, ghét có, ủng hộ và phản đối đều có đủ. Imran Khan từng là một ngôi sao bóng chày của Pakistan.

Ông lần đầu nổi tiếng ở Pakistan với tư cách là một thanh niên “đẹp trai” được đào tạo tại Đại học Oxford, sau đó ông đã mang vinh quang World Cup về cho đất nước Pakistan ở môn bóng gậy (cricket) vào năm 1992. Ông kết hôn với một phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc Anh, nhà báo Jemima Goldsmith, vào năm 1995, và sớm thể hiện tham vọng chính trị của mình ở quê nhà. Năm 1996, ông đồng sáng lập và trở thành lãnh đạo của một đảng chính trị mới gọi tên là Phong trào Công lý Pakistan (Pakistan Tehreek-e-Insaf - PTI). Tham vọng của PTI là mang lại nền dân chủ, tiến bộ và chuyên môn cho một đất nước từ lâu đã bị kìm hãm bởi sự can thiệp - hoặc sự kiểm soát hoàn toàn - của quân đội và sự thống trị của một số triều đại chính trị hùng mạnh.

Cựu thủ tướng  Pakistan Imran Khan  và “cuộc chiến sau song sắt” -0
Ông Imran Khan.

Trong thời gian ở phía đối lập chính trị trong hơn một thập kỷ, ông Khan bắt đầu áp dụng chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc, dựa nhiều vào các câu chuyện Hồi giáo và chống phương Tây. Ông lên tiếng phản đối “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ và đấu tranh bầu cử theo chương trình nghị sự chống tham nhũng, nhưng vào năm 2014, ông đã bị người đồng sáng lập đảng của mình cáo buộc tham nhũng trong một vụ án kéo dài đến ngày nay.

Nhưng nhiều người tin rằng chính sự hậu thuẫn của cơ quan quân sự hùng mạnh của Pakistan đã đưa ông Khan lên nắm quyền. Cần biết rằng quân đội là lực lượng chủ đạo tại Pakistan, đã nắm quyền hành thống trị Pakistan trong nhiều thập kỷ - cả trực tiếp thông qua các cuộc đảo chính quân sự và đằng sau hậu trường với tư cách là những kẻ điều khiển chính trị của đất nước. Quân đội đã bất hòa với các triều đại thống trị bối cảnh chính trị của đất nước và bắt đầu tìm kiếm một khuôn mặt mới để ủng hộ ngầm. Theo những người trong đảng PTI, ông Khan đã trở thành “cậu bé mắt xanh” của quân đội và đến năm 2018, ông được bầu làm Thủ tướng với số phiếu đa số. Ông phủ nhận quân đội có bất kỳ vai trò nào trong cuộc bầu cử của ông.

Theo những người trong chính phủ của ông, quân đội đã “ra lệnh” trong những năm đầu tiên ông Khan nắm quyền. Các tướng lĩnh được trao quyền kiểm soát các bộ phận quan trọng của chính phủ, các chính sách ủng hộ quân đội đã được thông qua và phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra còn có một cuộc đàn áp mạnh mẽ đối với những người đối lập với ông Khan, trong đó nhiều người đã bị bỏ tù.

Cựu thủ tướng  Pakistan Imran Khan  và “cuộc chiến sau song sắt” -0
Ông Khan và vợ, bà Bushra Bibi.

Thất sủng với quân đội

Nhưng vào năm 2021, những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ này. Ông Khan với tính cách táo bạo bắt đầu phẫn nộ trước sự kiểm soát của quân đội và bắt đầu cố gắng chống lại nó, nói rằng chính phủ của ông đang bị “tống tiền”. Trong khi đó, quân đội không hài lòng với tình hình kinh tế suy thoái của Pakistan. Khi họ bắt đầu lặng lẽ rút lại sự ủng hộ của mình, chính phủ của ông Khan đã suy yếu một cách công khai.

Bất chấp những nỗ lực hết mình của ông Khan nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào tháng 4/2022, đầu tiên là bằng cách giải tán quốc hội một cách vi hiến và sau đó là đe dọa thiết quân luật, ông đã bị lật đổ sau khi hàng chục nghị sĩ PTI rút lại sự ủng hộ của họ.

Tuy nhiên, vốn chính trị của Khan đã tăng vọt sau khi ông bị mất chức Thủ tướng. Khi tìm cách trở lại chức vụ quyền lực, ông bắt đầu định vị mình là một kẻ nổi loạn chống lại thể chế bảo thủ và phát động một cuộc chỉ trích chống lại chính những vị tướng đã đưa ông lên nắm quyền, làm đảo lộn nền chính trị Pakistan trong quá trình này.

Trong các bài phát biểu và trên mạng xã hội, ông đổ lỗi cho quân đội đã dàn dựng một “âm mưu do phương Tây hậu thuẫn” để lật đổ ông và có những bài phát biểu cay độc chống lại những nhân vật quân sự quyền lực nhất của đất nước, những người trước đây được coi là bất khả xâm phạm. Vào tháng 11/2022, sau khi bị một tay súng ám sát hụt tại một cuộc biểu tình ở Punjab, ông đã công khai cáo buộc chính phủ và quân đội thông đồng với các thế lực nước ngoài để ám sát ông.

Những người chỉ trích ông Khan cáo buộc ông kích động bất ổn chính trị vì mục đích ích kỷ. Nhưng cũng giống như hàng nghìn người đã xuống đường sau khi ông mất quyền lực, danh tiếng của ông Khan đã thể hiện rõ ràng vài giờ sau khi ông bị bắt vào ngày 9/5/2023 khi nhiều người trung thành của ông xuống đường biểu tình trên khắp cả nước. Lặp lại lời lẽ của ông, nhiều người đã nổi giận với quân đội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Theo một tuyên bố do cảnh sát Islamabad đưa ra, vụ bắt giữ ông Khan có liên quan đến một vụ án riêng biệt, được gọi là vụ án Al-Qadir Trust, với cáo buộc ông kiếm được hàng tỷ rupee thông qua các giao dịch đất đai bất hợp pháp và ông không được tại ngoại.

Cựu thủ tướng  Pakistan Imran Khan  và “cuộc chiến sau song sắt” -0
Ông Imran Khan bị bắt đầu năm 2024.

Đảng PTI của ông Khan gọi vụ bắt giữ ông là “ngày đen tối đối với nền dân chủ và đất nước của chúng ta”. Fawad Chaudhry, người phát ngôn của đảng PTI, cáo buộc rằng ông Khan đã “bị bắt cóc khỏi khuôn viên tòa án, hàng chục luật sư và người dân thường đã bị tra tấn, Imran Khan đã bị những người lạ mặt đưa đi đến một địa điểm không xác định”. Trong một video được đăng lên tài khoản Twitter chính thức của PTI, luật sư Gohar Khan cáo buộc ông Khan đã bị các sĩ quan bán quân sự đánh vào đầu và chân khi họ xông vào tòa án tối cao Islamabad để bắt giữ ông. Sau khi ông Khan bị bắt, chánh án tòa án Islamabad, thẩm phán Aamer Farooq, đã yêu cầu Cảnh sát trưởng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích “trong vòng 15 phút” về lý do tại sao ông Khan bị bắt giữ.

Những án tù tham nhũng

Đầu năm 2025, ông Khan và vợ bị Tòa án Pakistan buộc tội tội chiếm đoạt bất hợp pháp những lô đất béo bở, trị giá hàng trăm nghìn USD, thông qua một thỏa thuận với một ông trùm bất động sản Pakistan. Ông Khan bị tuyên án 14 năm tù trong khi vợ ông bị tuyên án 7 năm tù và bị phạt 1 triệu rupee Pakistan (3.500 USD). Tòa án cho biết phán quyết trong vụ án này đã được thành lập đặc biệt bên trong nhà tù Adialia ở Rawalpindi, nơi ông Khan bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào tháng 8/2023. Còn bà Bibi đã bị bắt tại phòng xử án sau khi phán quyết được đưa ra.

Ông Khan hiện vẫn là nhân vật chính trị được yêu thích nhất của đất nước, đã khẳng định rằng các vụ án chống lại ông là một phần của chiến dịch “phù thủy chính trị" nhằm ngăn ông nắm quyền. Đảng PTI của ông đã lãnh đạo đất nước từ năm 2018 đến năm 2022 nhưng ông đã bị lật đổ khỏi chức vụ sau khi mất đi sự ủng hộ của quân đội.

Kể từ khi bị bắt, ông đã phải đối mặt với rất nhiều vụ án, một số nguồn tin cho rằng có thể lên đến 100 cáo buộc, kể cả giết người, khủng bố và vi phạm an ninh quốc gia. Ông đã bị kết án trong ba vụ án, bao gồm cả tội bán bí mật nhà nước và kết hôn bất hợp pháp, nhưng sau đó các án này đã bị lật ngược hoặc đình chỉ vào năm 2023. Tuy nhiên, ông vẫn bị giam trong tù. Trong một tuyên bố, đảng của ông Khan gọi phán quyết của Tòa án là “ngày đen tối” và cáo buộc đây là bằng chứng cho thấy tòa án Pakistan thiếu tính độc lập.

Zulfi Bukhari, cố vấn của ông Khan và là người phát ngôn của đảng PTI, cho biết họ sẽ kháng cáo phán quyết lên tòa án cấp cao và cáo buộc thẩm phán trong vụ án này “không có uy tín”. “Đây là một ví dụ khác về thiết quân luật không được tuyên bố trong thực tế, cho phép những người nắm quyền chế giễu hệ thống tư pháp để bịt miệng những đối thủ chính trị của họ. Ông Khan mạnh mẽ, quyết tâm và ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho công lý, sự trở lại của pháp quyền, dân chủ ở đất nước mình”.

Cựu thủ tướng  Pakistan Imran Khan  và “cuộc chiến sau song sắt” -0
Đối thủ chính trị của ông Khan, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif.

Vụ án mà ông Khan trước đây mô tả là “giả mạo”, liên quan đến Malik Riaz, một trong những nhà phát triển bất động sản giàu có và quyền lực nhất Pakistan. Theo cáo buộc, ông Khan và bà Bibi đã thực hiện một thỏa thuận có đi có lại với Riaz, người đã trao cho họ một lượng lớn đất đai để thành lập một trường đại học cho người nghèo và đổi lại họ cho phép Riaz “rửa” 239 triệu USD.

Các báo cáo cho rằng các thành viên cấp cao của đảng PTI đã gặp lãnh đạo quân đội. Nhưng khi đứng bên ngoài tòa án sau khi bị kết án, ông Khan cho biết ông sẽ không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận bí mật nào để được tự do. “Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào hoặc tìm kiếm bất kỳ sự cứu trợ nào”, ông Khan nói với các phóng viên. “Những người chống lại chế độ độc tài sẽ bị trừng phạt”.

Trước đó, vào đầu năm 2024, ông Khan cũng từng bị tuyên án 10 năm tù vì tội “tiết lộ bí mật nhà nước”. Vợ của ông, bà Bibi, cũng bị tuyên án 14 năm tù trong vụ án được gọi là Toshakhana, cáo buộc cả hai đều bán quà tặng của nhà nước một cách bất hợp pháp. Thẩm phán cũng cấm cả hai giữ chức vụ chính trị trong 10 năm.

Bản án được đưa ra tại phiên điều trần được tổ chức tại nhà tù Rawalpindi, nơi ông Khan đang bị giam giữ, càng làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của cựu thủ tướng đang bị bủa vây bởi những cáo buộc phạm tội. Thẩm phán đã từ chối yêu cầu của luật sư của ông Khan về việc thẩm vấn chéo các nhân chứng trong phiên tòa.

Ông Khan đã đặt câu hỏi tại sao lại có sự vội vã trong việc kết thúc nhanh vụ án. “Tại sao các ông vội vàng công bố phán quyết? Tôi thậm chí còn chưa ghi lại lời khai cuối cùng của mình”, ông nói với thẩm phán trước khi rời khỏi phòng xử án. Sau đó, phán quyết được đưa ra mà không có sự hiện diện của đương sự là ông Khan hoặc bà Bibi.

Trương Hùng
.
.