Đặc nhiệm Baum và vụ đột kích gây tranh cãi
Giữa tháng 3-1945, khi quân đội Quốc xã bị đánh bại trên nhiều mặt trận, tướng George Patton, chỉ huy Tập đoàn quân số 3, Mỹ, lúc ấy đang ở biên giới Pháp, Đức, nhận được tin tình báo cho biết quân Đức sẽ tàn sát hàng trăm tù binh Mỹ ở trại tập trung OFLAG XIII-B nằm gần thị trấn Hammelburg, Đức, nếu quân Mỹ tiến vào nước Đức.
Lập tức tướng Patton cho thành lập “Lực lượng đặc nhiệm Baum” với nhiệm vụ giải cứu tù binh, nhưng thật ra, mục tiêu chính của ông là trung tá John K. Waters, con rể ông. Theo các sử gia, đây là vụ đột kích gây nhiều tranh cãi nhất trong thế chiến…
Sự ra đời lực lượng đặc nhiệm Baum
Ngày 18-3-1945, đại úy Abraham Baum, 23 tuổi, sĩ quan dày dạn kinh nhiệm thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 4, Mỹ, được lệnh đến gặp Đại tướng Patton tại lều chỉ huy nằm gần sông Rhine, biên giới giữa Pháp và Đức. Trong cuốn “Canh bạc cuối cùng của Patton: Cuộc đột kích thảm khốc vào Trại tù binh Hammelburg”, viết bởi nhà văn Duane Schultz, xuất bản năm 2018, đại úy Baum nói: “Ông ấy gọi mình lên làm cái quái gì đây. Mình đâu phải là chiến lược gia hay nhà hoạch định chính sách…”.
Tại lều của Patton, Baum thấy đại tá Creighton Abrams, Tư lệnh Sư đoàn thiết giáp số 4, đại tá Manton Eddy, chỉ huy bộ phận quân báo và đại tá William M. Hoge, Tham mưu trưởng cũng có mặt. Theo Baum, tướng Patton dành gần 1 tiếng đồng hồ để nói về số phận của những tù binh Mỹ ở trại tập trung OFLAG XIII-B rồi cuối cùng, ông kết luận bằng việc thành lập một đơn vị gọi là “Lực lượng đặc nhiệm Baum - Task Force Baum - viết tắt là TFB)” để giải cứu những tù binh này. Vẫn theo Baum, không ai trong số những người có mặt ủng hộ tướng Patton bởi lẽ để giải cứu tù binh trong trại OFLAG XIII-B, lưc lượng đột kích phải cần đến 4.000 người, tiến sâu vào lãnh thổ Đức khoảng 100 m trong bối cảnh hệ thống phòng thủ của lính Đức bố trí rất dày đặc. Hơn nữa, Baum tự hỏi còn nhiều trại giam tù binh khác nữa, nằm gần chiến tuyến nhưng sao Patton lại chọn trại này? Baum nói: “Khi ấy, chẳng ai biết trại OFLAG XIII-B có con rể của ông ta là trung tá John K. Waters, bị bắt ở mặt trận Tunisia năm 1943”.
Tuy nhiên, dù thắc mắc hay không nhưng đã là lệnh thì phải thi hành, nhất là khi tướng Patton nói với đại úy Baum: “Tôi sẽ mang về cho anh huân chương Danh dự Quốc hội” thì Baum chẳng còn cách nào để thoái thác. Trả lời tướng Patton, Baum nói: “Ngài đã giao thì tôi sẽ làm. Tôi làm vì trách nhiệm của một người lính chứ không vì bất cứ cái gì khác”.
Những ngày sau đó, Baum và nhóm sĩ quan của ông lao vào nghiên cứu những tấm không ảnh về vị trí của trại tù binh OFLAG XIII-B cùng đường đi lối lại và các vị trí phòng thủ của quân Đức, kéo dài từ sông Rhine đến Hammelburg. Ngày 26-3, TFB xuất phát với 303 người, trong đó có thiếu tá Alexander Stiller, trợ lý thân cận của tướng Patton, đi theo để nhận dạng Waters nhưng không một ai trong TFB - kể cả Baum biết được việc này. Toàn bộ lực lượng TFB di chuyển trên 50 xe tải cùng 6 xe tăng hạng nhẹ M5A1 Stuart, 10 xe tăng hạng trung M4A3 Sherman, 3 khẩu pháo 105mm tự hành, 27 xe bán tải và 8 xe Jeep. Ngoài những tấm không ảnh và bản đồ, không ai trong bộ chỉ huy của Baum biết cụ thể về trại OFLAG XIII-B, lực lượng bảo vệ trại cũng như số tù binh đang bị giam ở đó. Baum nói: “Chúng tôi không có một tình báo viên nào hoạt động ở vùng này nên bất ngờ là yếu tố duy nhất có thể mang lại thành công”.
Vụ giải cứu bi thảm
Chiều tối ngày 26, TFB đến được thị trấn Aschaffenburg, Đức. Tại đây, họ phải đối đầu với một đơn vị lính Đức trang bị hỏa lực mạnh nên một xe tăng Sherman bị bắn cháy. Hiểu rằng mình đã không còn yếu tố bất ngờ nên Baum ra lệnh cho đơn vị ông tránh né mọi cuộc giao tranh bằng cách đi vòng qua sau lưng lính Đức. Lúc vượt sông Saale gần thị trấn Gemunden để đến Hammelburg, nơi đặt trại giam OFLAG XIII-B, TFB lại rơi vào khu vực tập kết của một sư đoàn bộ binh Đức. Để ngăn chặn bước tiến của TFB vì phía Đức cho rằng TFB là nhóm đầu tiên, làm nhiệm vụ mở đường cho một cánh quân lớn của Mỹ, lính Đức đã cho nổ tung cây cầu trên sông Saale khi bộ phận tiền phương của TFB bắt đầu đi qua, giết chết và làm bị thương một số người cùng 3 xe tăng bị phá hủy.
Trước những thiệt hại này, Baum hiểu rằng toàn bộ quân đức ở Hammelburg đã được báo động nên ông quyết định thay đổi lộ trình. May mắn cho Baum là một nông dân Đức vốn oán ghét chế độ Quốc xã nên đã tình nguyện dẫn đường cho TFB. Đến 5 giờ chiều 27-3, TFB tiến vào thị trấn Hammelburg. Trong suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó, dưới sự chỉ huy của Baum, những người lính TFB liên tục tung ra những đợt tấn công vào trại tù binh OFLAG XIII-B nhưng không phá vỡ được hàng rào phòng thủ vì quân Đức kháng cự rất mạnh mẽ. Trong khi ấy, tướng Gunther von Goeckel, chỉ huy lực lượng lính Đức ở Hammelburg cũng cho rằng TFB là sự khởi đầu của một cuộc tấn công tổng lực nên ông yêu cầu đại tá John K. Waters, con rể tướng Patton đứng ra làm trung gian để dàn xếp ngừng bắn. Tuy nhiên khi đi ra cổng trại giam với lá cờ trắng, một lính Đức do không được phổ biến về việc thương thuyết của John K. Waters nên đã bắn ông ta bị thương. Do vậy Waters được đưa trở lại trại giam và được Radovan Ganic, một bác sĩ người Serbia và cũng là tù binh, chữa trị.
Về phía Baum và nhóm TFB, nghi ngờ việc thương thuyết chỉ là cái bẫy nhằm kéo dài thời gian chờ quân Đức cứu viện, Baum ra lệnh mở cuộc tấn công tổng lực. Đến 9 giờ tối, TFB hoàn toàn làm chủ trại OFLAG XIII-B nhưng ông nhận ra rằng cả trại chỉ có 300 tù binh, điều kiện thiếu thốn đến mức họ thường xuyên bị bỏ đói, nhiều người không đủ sức bước đi. Trong cuốn sách của nhà văn Duane Schultz, Baum kể: “Đến lúc ấy, tôi mới hiểu cuộc đột kích chỉ nhằm để cứu đại tá John K. Waters, con rể tướng Patton. Trong tổng số 303 người lính của tôi, 27 người đã chết chỉ vì 1 người…”.
Trước tình hình này, Baum quyết định TFB chỉ tiếp nhận những ai tự đi được. Những người khác thì lập thành một nhóm, dìu dắt nhau về hướng sông Rhine để gặp quân đội Mỹ. Thế nhưng chỉ có vài chục tù binh đủ sức đi theo TFB, số còn lại chấp nhận ở lại, trong đó có cả con rể tướng Patton. Sau này có người trách Baum vì sao không cứu John K. Waters thì ông trả lời: “Với tôi, tất cả đều là quân đội Mỹ. Tôi không phân biệt người ấy là đại tá hay binh nhì. Việc đổ máu chỉ để cứu một sĩ quan sẽ làm suy nhược ý chí những người lính khác, không chỉ với tù binh mà ngay cả với những thuộc cấp của tôi”.
Ngay sau khi TFB ra khỏi trại, họ nhanh chóng bị bao vây bởi một lực lượng quân Đức đông hơn gấp nhiều lần. Trận giao tranh đẫm máu đã khiến thêm 56 người lính TFB thiệt mạng. Ngoại trừ vài chục người chạy thoát, số còn lại phải đầu hàng rồi lại bị đưa vào trại tù binh, nơi họ vừa chiếm được, trong đó có đại úy Baum, trúng đạn vào đùi. Tại bệnh viện trại giam, Baum gặp đại tá John K. Waters. Giường bệnh của Waters chỉ cách Baum vài mét nhưng cho đến khi Sư đoàn Thiết giáp số 14, Mỹ, giải phóng trại tù binh OFLAG XIII-B vào ngày 6-4-1945, cả Baum lẫn Waters chẳng ai nói với ai một lời nào.
Những tranh cãi
Sau khi Baum và Waters được cứu thoát, những tranh cãi và những chỉ trích đã nổ ra xung quanh việc tướng Patton có biết con mình bị giam ở OFLAG XIII-B hay không? Chống lại những điều này, Patton tuyên bố rằng TFB do Baum chỉ huy là đòn đánh lạc hướng để Quân đoàn 3 di chuyển lên phía bắc sông Rhine mà không bị phía Đức phát hiện. Bên cạnh đó, Patton cũng tuyên bố ông không hề biết về nơi giam giữ con rể, vụ đột kích OFLAG XIII-B chỉ là sự trùng hợp tình cờ. Nhưng khi Patton vào bệnh viện thăm Baum, Baum nói: “Thưa ngài, thật khó để tôi tin rằng ngài đã cử chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tự sát chỉ để giải cứu một người”. Patton trả lời: “Đúng vậy, Abe (là tên gọi tắt của Abraham Baum), tôi sẽ không chối bỏ điều đó”.
Theo nhà văn Schultz, trong suốt thời gian tìm kiếm tư liệu để viết cuốn: “Canh bạc cuối cùng của Patton: Cuộc đột kích thảm khốc vào Trại tù binh Hammelburg”, ông có đủ chứng cứ để kết luận rằng Patton đã nhận được những nguồn tin tình báo, cho biết về nơi giam giữ con rể ông. Chưa hết, nhà văn Schultz còn tiết lộ rằng cuộc đột kích được Patton ra lệnh cho Baum tiến hành là nỗ lực của Patton nhằm tấn công đối thủ của ông: Tướng Douglas MacArthur.
2 tháng trước khi Patton triển khai kế hoạch tấn công trại giam OFLAG XIII-B, một tiểu đoàn của tướng MacArthur đã giải cứu thành công hơn 500 tù binh Mỹ, Đồng minh và dân thường khỏi trại giam của Phát xít Nhật gần thành phố Cabanatuan, Philippines. Khi ấy, tướng Patton rất bực bội vì tướng MacAthur được sự ca ngợi của giới truyền thông nên Patton quyết làm một điều gì đó tương tự để có thể bước ra ánh sáng.
Vẫn theo nhà văn Schultz, một chứng cứ nữa mà ông tìm thấy là bức thư của tướng Patton viết cho vợ ngay sau khi TFB lên đường thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh ở trại OFLAG XIII-B. Bức thư có đoạn viết: “Anh đã gửi một đội đến phía đông, nơi John (Waters) và nhiều người khác được cho là ở đó. Anh đã rất lo lắng khi nghĩ rằng đó là một rủi ro quá lớn…. Nếu anh thất bại, nó có thể sẽ là một biến cố lớn nhưng anh sẽ không làm mất nó...”.
Khi những lời chỉ trích Patton nổ ra, tướng Eisenhower (sau này là Tổng thống Mỹ) đã nổi giận. Trước những khiển trách của Eisenhower, Patton thừa nhận sự thất bại nhưng ông biện minh rằng mình phải hành động vì lo ngại nếu quân Đức rút lui, họ có thể giết tất cả tù binh. Bằng cách nêu ra dẫn chứng về những vụ thảm sát tù binh trong các trại giam như Malmedy ở rừng Bulge, hoặc trại Stalag Luft III, tướng Patton chỉ nhận sai lầm vì “đã gửi một lực lượng quá nhỏ để thực hiện sứ mệnh lớn lao”.
Ông nói: “Tôi có thể hãnh diện tuyên bố rằng trong suốt cuộc chiến giành lại lục địa châu Âu từ tay Phát xít Đức, tôi chưa từng thua cuộc. Tôi chỉ thất bại trong chiến dịch OFLAG XIII-B mà thôi nhưng thất bại ấy đã mở đường cho việc nước Mỹ và Đồng minh đánh bại Đức Quốc xã 1 tháng sau đó”.
Về phía Đại úy Baum, thoạt đầu ông được đề nghị trao tặng Huân chương Danh dự nhưng sau đó, Patton chỉ trao cho ông Huân chương chữ thập vì theo quy định của Quốc hội Mỹ, trước khi phê chuẩn Huân chương Danh dự, Quốc hội sẽ tiến hành điều tra về thành tích của người được trao, nhưng tướng Patton lại muốn ém nhẹm động cơ thầm kín của cuộc đột kích trại tù OFLAG XIII-B. Lúc nhận tấm huân chương, Baum nói với vài TFB còn sống: “Lẽ ra những anh em đã chết của chúng ta mới là người xứng đáng được đeo trên ngực chữ thập này”.
Baum mất ngày 3-3-2013 tại nhà riêng ở Rancho Bernardo, California, thọ 91 tuổi. Còn đại tá John K. Waters, con rể tướng Patton sau này được đeo quân hàm lên tới Đại tướng, chức vụ cuối cùng của ông là Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.