Đặc nhiệm “Phi Hổ”

Thứ Hai, 02/10/2023, 22:25

Đơn vị chuyên trách đặc biệt (SDU) có biệt danh “Phi Hổ”, là đơn vị tinh nhuệ nhất trong Lục lượng cảnh sát Hongkong (HKPF), Trung Quốc. Trong trường hợp không có quân đội, SDU được giao trọng trách xử lý những mối đe dọa nguy hiểm nhất mà đặc khu hành chính đang phải đối mặt.

Được thành lập vào năm 1974 và được đào tạo cùng với các lực lượng SAS, SBS (cùng của Anh), GSG9 (Đức) và Hải quân SEALs (Mỹ). SDU được thành lập nhằm đối phó với đà trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Là một đơn vị can thiệp chiến thuật, trách nhiệm của SDU bao gồm phản ứng tấn công khủng bố, các tình huống bắt giữ con tin, những hoạt động tội phạm có vũ trang, ngoài ra còn bảo vệ các yếu nhân và trinh sát. Họ cũng tham gia vào bảo vệ trật tự trị an và an ninh hàng hải. SDU hoạt động trên khắp đảo Hongkong: trên cạn, trên biển và đường không.

Bối cảnh ra đời

Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối bận tâm lớn nhất ngay tại thời điểm ra đời SDU. Số là năm 1971, một máy bay Philippines đã bị không tặc tấn công trên đường bay đến Hongkong (Trung Quốc). Mặc dù tình hình được giải quyết mà không hề đổ máu, nhưng việc thiếu khả năng đối phó với mối đe dọa đã thu hút sự chú ý của Lực lượng cảnh sát Hongkong (HKPF). Năm đó, 1972, người ta chứng kiến vụ Thảm sát Munich và cuộc Khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Israel ở Bangkok. Chính quyền Hongkong khi đó tin rằng khả năng cao sẽ có một cuộc tấn công tương tự vào vùng lãnh thổ mình, và áp dụng mọi nỗ lực nhằm nhanh chóng đưa kẻ khủng bố ra xét xử. Tuy nhiên lực lượng đó chỉ được triển khai khi cần thiết, điều này khiến cho HKPF tự thành lập nên đội chống khủng bố dưới hình dạng Đơn vị chuyên trách đặc biệt (SDU).

Đặc nhiệm “Phi Hổ” -0
Các tân binh SDU trong một khóa huấn luyện chiến đấu. Ảnh: China.org.

Tại thời điểm đó, Hongkong là một lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, mối đe dọa cuộc tấn công của Quân đội cộng hòa Ireland (IRA) được cho là có thể xảy ra, nó cũng tương tự như các sự kiện khủng hoảng ở Gibraltar năm 1988. Sau khi Anh chuyển giao Hongkong về lại Trung Quốc, các mối đe dọa lại dấy lên từ những phần tử ly khai Tân Cương. Ngày nay, Hongkong là trung tâm hậu cần lớn ở châu Á - Thái Bình Dương. Sân bay quốc tế Xích Liệp Giác là kho hàng sầm uất thứ 2 thế giới trong khu vực, và cảng container Hongkong là hải cảng sầm uất thứ 8 thế giới. Hongkong cũng là trung tâm tài chính lớn thứ 4 thế giới. Hoạt động gián đoạn do tấn công khủng bố trong những phân khúc này có thể để lại những tác động tai hại cho nền kinh tế lớn trong khu vực này.

Như trên đã nói SDU được sáng lập năm 1974, sở dĩ đơn vị này có biệt danh là “Phi Hổ” là do liên quan đến những kỹ thuật tác chiến đường không của họ, kiểu như đu dây và leo dốc. Buổi ban đầu SDU được gọi là “Đội bắn tỉa”, các huấn luyện viên SAS (Anh) nhận xét chức năng của đơn vị này giống hệt một đơn vị quân sự. Năm 1978, họ được SAS huấn luyện chống khủng bố. Từ đó, những kỹ năng của đơn vị này càng được mở rộng và tham gia cùng với một số lực lượng tinh nhuệ nhất thế giới. Nên biết phương châm hành động của SDU là “sức mạnh, kỷ luật, đoàn kết” như chính các chữ cái viết tắt của đơn vị này. Biểu tượng hiện tại của SDU là cái đầu cọp kèm 2 cánh (Phi Hổ). Cọp trong văn hóa Trung Quốc tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm, và là đề tài sinh ra sự sợ hãi. Thiết bị và học thuyết buổi ban đầu của SDU tương tự như SAS do rập khuôn mô hình của đơn vị này. Sau khi chuyển giao, biểu tượng có thể được thay đổi nhằm giảm bớt sự liên kết với vương quốc Anh.

Cơ cấu hoạt động

SDU được thành lập chủ yếu đối phó chống khủng bố, tuy nhiên hiện thời đơn vị này có vẻ chồng chéo nhiều với Đơn vị phản ứng chống khủng bố (CTRU). Ra đời năm 2009, CTRU tập trung nhiều hơn vào bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, những cơ sở nhạy cảm, tuần tra an ninh, phòng thủ CBRN (chống tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân) cùng công tác chuẩn bị các hội thảo. Ngày nay những trách nhiệm này của CTRU dường như đã được tích hợp vào SDU. Những trách nhiệm chống khủng bố cụ thể của SDU là cảnh báo 24 giờ/tuần để phòng ngừa và đáp trả các mối đe dọa cấp cao tại bất kỳ đâu ở Hongkong, chẳng hạn như bắt cóc, bắt giữ con tin và các cuộc tấn công có tổ chức… tương tự như SAS khi thực hiện các trách nhiệm chống khủng bố. Xử lý bắt giữ con tin đã được tập trung cụ thể từ những ngày đầu SDU được thành lập và đào tạo khi mà những hành động đó đã diễn ra trong thời kỳ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Hongkong tồn tại lịch sử tội phạm có tổ chức lâu đời. Hội Tam Hoàng có sự hiện diện lớn và bao gồm các tổ chức nhỏ như 14K, Tân Nghĩa An và Vòng Tròn Lớn. Hongkong cùng với Macao đã trở thành những điểm quá cảnh chính của tội phạm buôn người ở Trung Quốc, và là một trong những thực trạng cấp bách nhất mà cơ quan thực thi pháp luật của chính quyền đại lục đang phải đương đầu. Hongkong được chỉ định là địa bàn cấp 2 về vấn đề buôn người trong Báo cáo năm 2023 của Mỹ có tựa đề “Buôn người”. Mặt khác, vì là một trung tâm tài chính trong khu vực, Hongkong cũng có mức độ rủi ro cao đối với nạn “rửa tiền” xuất phát từ gian lận, buôn lậu ma túy, tham nhũng và trốn thuế. SDU có thể tham gia vào các hoạt động để chống lại những mối đe dọa từ tội phạm có tổ chức để hỗ trợ cho các đơn vị điều tra trong HKPF. Tội phạm bạo lực còn liên quan đến sử dụng súng đạn khá hiếm ở Hongkong nhưng vẫn có thể xảy ra.

Khi SDU bố ráp tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Hongkong, Kwai Ping-hung, vào năm 2003, họ cũng trực tiếp thu giữ một lượng súng đạn lớn nhất trong lịch sử thành lập lực lượng cảnh sát Hongkong. Bên cạnh đó vì là một phần của Đơn vị chiến thuật cảnh sát HKPF nên SDU có thể được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh và trật tự trị an trong các sự kiện lớn hoặc các vụ tai nạn. Những sự kiện quan trọng có thể kể đến như Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2006; Chuyến thăm nhân kỷ niệm 20 năm bàn giao Hongkong của chủ tịch Tập Cận Bình năm 2018; và những cuộc biểu tình chống dẫn độ giai đoạn 2019-2020. Bảo vệ yếu nhân cũng là một trọng trách phải kể đến của SDU. Theo đó, ngoài việc cung cấp bảo vệ cho các lãnh tụ Trung Quốc đại lục thăm Hongkong thì SDU còn lưu tâm tới những nhân vật chủ chốt. Hongkong là nơi có một lượng lớn cộng đồng các nhà ngoại giao đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thêm nữa, hòn đảo này cũng tập trung một lượng lớn những cá nhân giàu kếch xù. Với 66 tỷ phú đô la và ít nhất 434.000 triệu phú, họ cũng đồng thời là mục tiêu của các hành vi bắt cóc và tống tiền. Cảnh sát SDU được đào tạo cùng với Đơn vị bảo vệ yếu nhân (VIPPU), chính đơn vị này cùng với SDU đã bảo vệ an toàn tính mạng cho các nhà ngoại giao tại Hội nghị WTO năm 2006. Mặt khác, hoạt động trinh sát cũng không thể quên nhắc đến. Trong cuốn sách “Bomban”, tác giả Jack Humphreys đã mô tả cách mà các ứng viên cảnh sát SDU được giao các nhiệm vụ trinh sát đơn lẻ, bao gồm việc truy lùng những địa điểm khác nhau, xâm nhập vào những địa điểm nhạy cảm và phỏng vấn một cá nhân.

Năm 1982, Phi đội M chống khủng bố trực thuộc Cục tàu đặc biệt của Anh (viết tắt SBS) đã huấn luyện những khả năng an ninh hàng hải cho cảnh sát SDU. Kể từ đó SDU đã thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, rà soát dưới nước và đột kích tàu bè, săn lùng và tróc nã tội phạm (gọi chung là các khả năng VBSS) thông qua tàu bè và trực thăng trong những cuộc tập trận và cả trong các thước phim quảng cáo của HKPF. Ngoài ra SDU còn hỗ trợ giải cứu dân thường từ các khu vực đối mặt với nạn lụt lội trong năm 2001.

Đặc nhiệm “Phi Hổ” -0
Đặc nhiệm SDU “Phi Hổ” trong một hoạt động chống khủng bố. Ảnh: CGTN.

Tuyển chọn và đào tạo

Năm 2014, SDU chỉ có 380 quân với 100 người hoạt động thường trực. Ứng viên SDU là các tình nguyện viên và họ nộp đơn trực tiếp cho đơn vị. Cả nam và nữ đều có thể nộp đơn dự tuyển, song cho đến nay chưa có nữ nhân nào trong đơn vị này. Ứng viên phải ở HKPF ít nhất 3 năm với thành tích phục vụ tốt, được đào tạo ở PTU với cấp bậc hiện tại, có sức khỏe tốt, thị lực tốt (cho phép đeo kính áp tròng) và không được hút thuốc lá. Trong chính quyền cũ, công dân từ các vùng lãnh thổ và khối thịnh vượng chung thuộc Anh có thể nộp đơn để xin vào các vị trí của SDU, bao gồm Gurkha (tương tự những yêu cầu về quốc tịch của các lực lượng vũ trang Anh hiện nay). Các trưởng nhóm thanh tra thường là kiều dân Anh từ những ngày đầu SDU mới được thành lập. Sau chuyển giao, đơn xin việc giờ đây chỉ áp dụng cho cư dân Hongkong cùng những người được cấp quyền cư trú.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn căn bản, các ứng viên sẽ trải qua vòng tuyển chọn nâng cao kéo dài 1 tuần mà họ thường tếu táo gọi là “tuần hành xác”. Cũng giống như công tác tuyển chọn đặc nhiệm của vương quốc Anh, có rất ít thông tin về các hoạt động liên quan. Không có gì được thông báo trước đồng nghĩa ứng viên không thể chuẩn bị trước, họ chỉ có đúng 20 giờ ngủ trong cả tuần. Sau đó 25% ứng viên có thành tích tốt nhất sẽ bước vào giai đoạn huấn luyện căn bản của SDU. Khóa huấn luyện này kéo dài 3 tháng và bổ sung thêm 6 tháng cho huấn luyện chống khủng bố. Các ứng viên đôi khi phải ký giấy từ chối trách nhiệm, họ đồng ý rằng thời gian huấn luyện không tránh khỏi thương vong (khoảng 20%). Kết thúc thời gian đào tạo, chỉ những ứng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc mới nhận được quyết định gia nhập SDU. Với những người bị loại, họ có thể gia nhập vào Đơn vị ứng phó chống khủng bố (CTRU), Đơn vị an ninh sân bay (ASU) hoặc Đơn vị ứng phó đường sắt (RRU).

Để hoạt động hiệu quả, cảnh sát SDU được trang bị đa dạng các loại vũ khí như: 1) Vũ khí nhỏ, gồm súng trường tấn công SIG Sauer 516, súng tiểu liên H&K MP5, súng ngắn Glock 19, súng trường bắn tỉa Accuracy International AS5; 2) Các thiết bị đi kèm quan trọng như: cảnh phục gồm áo sơ mi và quần chiến đấu G3, mũ bảo hiểm: Công nghệ vỏ tấn công tương lai Gentex Ops-Core (FAST), dạ quang DTNVG-14, bảo vệ mắt 3M Peltor COMTAC XPI, bảo vệ mắt Pyramex I-Force Slim, mặt nạ phòng độc: mặt nạ phản ứng đầu tiên Scott (FRR), áo giáp, bao da, khiên, cảnh khuyển; 3) Và không quên nhắc đến những phương tiện chuyên dụng, gồm: trực thăng Airbus H175 Cheetah được vận hành bởi Cơ quan bay chính phủ, xe địa hình Mercedes-Benz - G 350 (W463), xe địa hình Mercedes-Benz - Armoured UNIMOG U5000, xe vận tải chiến thuật Jankel - Phương tiện can thiệp chiến thuật bảo hộ, xe bọc thép Huakai - Hổ răng kiếm, xuồng đánh chặn RIB 55.

Hoạt động tác chiến nổi tiếng

Các hoạt động của SDU tương đối bí mật, hầu như hiếm khi được công khai. Năm 2014, đơn vị này đã tham gia vào 162 hoạt động và tiến hành 335 cuộc rà soát dưới nước. Trong chiến dịch Tiderider, SDU đã được triển khai như là một phần của Đội chiến thuật đặc biệt (STC). Ngoài ra biệt danh “Chim săn mồi” áp dụng cho SDU là bởi các thành viên của đơn vị này được mặc cảnh phục xanh đậm, đeo thiết bị chiến thuật màu đen, đội mũ bảo hiểm Ops-Core FAST Bump, và bắn đạn thật. Một số hình ảnh cho thấy lính SDU hoạt động trong STC đeo miếng dán hình con hổ và đôi cánh.  

Vậy tương lai của SDU sẽ ra sao? Sau khi hoàn tất tiến trình “một quốc gia hai chế độ” vào năm 2047, Lực lượng cảnh sát Hongkong (HKPF) có thể được sáp nhập vào Cảnh sát nhân dân PRC. Khi đó SDU cũng sẽ trở thành một lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân, Đơn vị cảnh sát đặc biệt địa phương (SPU). Tương tự như “Đơn vị biệt kích báo tuyết” của Bắc Kinh (SWAT, thành lập trong thập niên 1980), đơn vị trực thăng thậm chí còn có biệt danh là “Phi Hổ”, có thể cho thấy tầm ảnh hưởng của đào tạo và chiến thuật tiên tiến của SDU trong khu vực.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.