DEA “tiên phong” thu thập hàng tỉ cuộc gọi điện thoại

Thứ Năm, 23/04/2015, 07:10
Gần chục năm trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chính quyền Mỹ đã bắt đầu chương trình bí mật ghi âm hàng tỉ cuộc gọi điện thoại quốc tế của người dân Mỹ, mở màn cho chương trình gián điệp khổng lồ tương tự của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sau này.

Theo tờ USA Today, hơn 20 năm qua, bộ phận tình báo Ban Chiến dịch đặc biệt (SOD) của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) trực thuộc Bộ Tư pháp (DOJ) đã âm thầm giám sát gần như tất cả những cuộc gọi từ Mỹ đến 116 quốc gia trên thế giới nhằm mục đích điều tra theo dõi các mạng lưới phân phối ma túy cũng như hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm có tổ chức.

Thật ra, từ tháng 1/2015, DOJ đã tiết lộ hoạt động gián điệp của DEA trong một vụ án song chi tiết của chương trình (nay đã gián đoạn) chỉ được công khai mới đây trên tờ USA Today.

Trụ sở DEA ở Arlington, bang Virginia.

Thu thập dữ liệu điện thoại để chống các cartel ma túy

Chương trình này bắt đầu từ năm 1992 dưới thời Tổng thống George H.W. Bush (Bush-cha) - tức 9 năm trước khi George W. Bush (Bush - con) cho phép NSA tiến hành hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại vào năm 2001. Tuy nhiên, chương tình gián điệp của DEA đã ngưng lại vào tháng 9/2013 bởi làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận trong nước và quốc tế trước những tiết lộ của Edward Snowden về NSA. Vào đầu tháng 4/2015, người phát ngôn của DOJ là Patrick Rodenbush đã tuyên bố DEA "không còn thu thập siêu dữ liệu điện thoại từ các nhà cung cấp dịch vụ ở Mỹ nữa".

Để giúp đỡ DEA, Lầu Năm Góc cung cấp 2 siêu máy tính cùng với một nhóm chuyên gia phân tích tình báo có kinh nghiệm nghe lén Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc cho phép  SOD của DEA đan kết lại với nhau các bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ để lập bản đồ chi tiết về các mạng lưới buôn lậu ma túy và rửa tiền trong và ngoài nước.

Siêu máy tính cũng giúp liên kết các bản ghi âm cuộc gọi mà nhân viên DEA thu thập được từ trong nước với dữ liệu cuộc gọi mà cơ quan và cộng đồng tình báo phương Tây có được từ bên ngoài nước Mỹ. Ngoài ra nó còn cho phép đặc vụ DEA tham khảo chéo mọi báo cáo điều tra của họ với dữ liệu Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP). Năm 1989, Tổng thống Bush-cha đề nghị sử dụng công nghệ tin học quốc phòng để triệt phá hoạt động buôn lậu ma túy.

Ba năm sau, khi tỷ lệ tội phạm bạo lực liên quan đến ma túy tăng cao, DEA tăng cường giám sát giao tiếp liên lạc, mạng lưới tài chính và bộ phận lãnh đạo của các tập đoàn ma túy sừng sỏ. Năm 1992, trong những tháng cuối cùng của chính quyền Bush-cha, Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr đã cho triển khai chương trình thu thập dữ liệu cuộc gọi điện thoại với quy mô lớn để chống lại các tập đoàn  ma túy. Sau đó, DOJ ra lệnh cho các công ty điện thoại chuyển giao danh sách cuộc gọi từ Mỹ đến các quốc gia mà chính quyền xác định là có mạng lưới tội phạm ma túy đang hoạt động.

Năm 1998, Mary Lee Warren - lãnh đạo Ban chuyên trách về các loại ma túy và chất gây nghiện nguy hiểm (NDDS) của DEA - ký tên vào bức thư gửi đến Công ty viễn thông Sprint Nextel Corp. trụ sở tại Overland Park, bang Texas yêu cầu chuyển giao các bản ghi âm cuộc gọi điện thoại. Nội dung bức thư nêu rõ hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại là "một trong những sáng kiến quan trọng nhất và hiệu quả nhất của hệ thống hành pháp liên bang" và "đã được phê chuẩn từ các cấp cao nhất trong hệ thống hành pháp liên bang", bao gồm Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là Janet Reno.

Đặc vụ DEA đang tập luyện đột kích chống tội phạm ma túy.

Nội dung bức thư đề cập đến dữ liệu cuộc gọi điện thoại được chính quyền Mỹ sử dụng để điều tra chống tội phạm ma túy và rửa tiền. Ngoài Sprint có trách nhiệm chuyển giao dữ liệu cho DEA còn có các mạng viễn thông lớn khác như AT&T. Theo tờ USA Today, DEA cho biết khi chương trình thu thập dữ liệu cuộc gọi điện thoại bắt đầu, họ chỉ giới hạn sử dụng dữ liệu trong điều tra tội phạm ma túy và không cho phép FBI cũng như NSA truy cập nó.

Tuy nhiên, DEA chỉ cho phép hai cơ quan này tham khảo dữ liệu trong những vụ án liên quan đến khủng bố, như trong vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở Oklahoma City năm 1995 giết chết 168 người, nhằm loại bỏ giả thuyết có sự nhúng tay của bọn khủng bố hải ngoại. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, DEA mới cho phép FBI và NSA tham khảo sâu hơn vào hệ thống dữ liệu của mình.

Giới chức DEA công khai tiết lộ chương trình gián điệp của họ vào tháng 1/2015 trong vụ án một người đàn ông bị buộc tội vi phạm luật giới hạn xuất khẩu của Mỹ khi lén lút gửi thiết bị điện tử đến Iran. Thoạt đầu, DEA cho biết họ chỉ thu thập dữ liệu cuộc gọi điện thoại đến một vài quốc gia, chủ yếu tập trung vào các cartel ma túy Colombia và các mạng lưới cung cấp của chúng. DEA gọi hệ thống dữ liệu này là USTO (có nghĩa là các cuộc gọi từ Mỹ đến các quốc gia khác).

Nhưng, thật ra vào lúc cao điểm của chương trình, DEA thu thập dữ liệu các cuộc gọi từ Mỹ tới 116 - 195 quốc gia tùy theo từng thời điểm - các cựu quan chức DEA giấu tên nói với Today rằng thật ra họ không nhớ chính xác con số. Các mục tiêu nước ngoài của DEA bao gồm các quốc gia Trung và Nam Mỹ cũng như vùng Caribe, các nước ở Tây Phi, châu Âu và châu Á. Và, trong một số trường hợp, DEA cung cấp một số thông tin cho các cơ quan hành pháp nước ngoài giúp họ tiến hành những cuộc điều tra chống tội phạm ma túy.

Mối tương quan giữa hai chương trình gián điệp của DEA và NSA

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, NSA bắt đầu chương trình thu thập dữ liệu những cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ. Lúc đầu, NSA hành động mà không có giấy phép của tòa án. Năm 2006, sau khi tờ New York Times và USA Today báo cáo về chương trình gián điệp, chính quyền Tổng thống George W. Bush viện dẫn Luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) cho phép sử dụng các lệnh tòa án mật để thu thập thông tin hỗ trợ cho những cuộc điều tra liên quan đến an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder (trái); Mary Lee Warren - lãnh đạo Ban chuyên trách về các loại ma túy và chất gây nghiện nguy hiểm của DEA.

Không giống như DEA, NSA cũng thu thập dữ liệu cả những cuộc gọi bên trong nước Mỹ. Những tương đồng giữa chương trình NSA và chiến dịch DEA được thiết lập vào một thập niên trước đó rất ấn tượng - giống nhau đến mức có sự trùng hợp ngẫu nhiên - đến cựu cố vấn NSA Stewart Baker phải thừa nhận chiến dịch của DEA chính là "tiền thân" của NSA. Tuy nhiên, cả hai DEA và NSA cũng có một số khác biệt đáng kể. Ví dụ, đội ngũ chuyên gia phân tích DEA thường được yêu cầu thu thập thông tin nhiều hơn.

Năm 2012, NSA khai thác dữ liệu điện thoại khoảng 300 lần. Còn DEA thực hiện rất nhiều cuộc tìm kiếm trong một ngày. Ngoài ra, chuyên gia phân tích NSA đòi hỏi phải có sự phê chuẩn từ thẩm phán Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài mỗi khi muốn tìm kiếm thông tin trong bộ sưu tập siêu dữ liệu điện thoại cũng như họ không thể tự động tham khảo chéo với các hồ sơ tình báo khác.

Năm 2009, chiến dịch truy quét cartel ma túy La Familia được DOJ xem là lớn nhất trong lịch sử chống ma túy của chính quyền Mỹ được tiến hành với  sự hỗ trợ  của USTO. Các cựu quan chức DEA cho biết cũng nhờ chương trình dữ liệu USTO mà họ có cơ sở để buộc tội trùm ma túy Christopher "Dudus" Coke của đảo quốc Jamaica tại một tòa án ở New York vào năm 2012, sau khi giám sát các cuộc gọi điện thoại mà hắn ta thực hiện từ Jamaica đến mạng lưới ma túy ở Mỹ. Bọn tội phạm ma túy ở các thành phố lớn như Dallas và Chicago thường giao dịch với nhau về ma túy tổng hợp qua điện thoại và từ đó dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ nhờ vào dữ liệu USTO.

Tháng 9/2013, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder ra lệnh cho DEA ngưng chương trình giám sát cuộc gọi điện thoại của họ sau khi “người thổi còi” Edward Snowden bắt đầu tiết lộ hàng loạt hồ sơ mật liên quan đến những chương trình gián điệp của NSA gây tranh cãi dữ dội, bao gồm chương trình giám sát điện thoại trong nước và dữ liệu lưu thông trên Internet.

3 tháng sau khi USTO của DEA được khép lại, ban giám sát do Tổng thống Barack Obama ủy nhiệm thúc bách Quốc hội Mỹ ngăn chặn chương trình gián điệp cuộc gọi điện thoại người dân trong nước của NSA. Và, 8 tháng sau khi USTO ngưng hoạt động, các luật sư DEA biện hộ chương trình gián điệp của họ này chỉ nhằm phục vụ "những yêu cầu đặc biệt của chính quyền". Giới chức DEA cho rằng, quyết định chấm dứt chương trình dữ liệu USTO tác động tiêu cực đến nhiều cuộc điều tra tội phạm ma túy của họ.

Tháng 12/2013, DEA đề nghị DOJ cho phép khởi động trở lại chương trình gián điệp với giải pháp mới. Nhưng lần này DEA chỉ có thể tập hợp danh sách những số điện thoại nghi ngờ dính líu đến buôn lậu ma túy và các công ty diện thoại cũng chỉ cung cấp bản ghi âm những số này. Giải pháp mới này nhắm vào các mục tiêu cụ thể hơn song lại dẫn đến kết quả điều tra có phần chậm hơn. Sau đó, Nhà Trắng  cũng đề nghị một giải pháp tương tự đối với NSA cùng với yêu cầu phải có lệnh của tòa án để kiềm chế hoạt động gián điệp của cơ quan này.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.