Đi tìm bản chất thực sự của Taliban

Thứ Sáu, 01/10/2021, 14:24

Từ năm 1997 đến nay, các nhà phân tích  chính trị luôn đặt câu hỏi về bản chất thực sự của phong trào Taliban, về các quyết định chính trị của nó, về mối quan hệ của Taliban với các mạng lưới tôn giáo ở Pakistan và các trào lưu khủng bố quốc tế.

 

Hệ tư tưởng của Taliban chính xác là chủ nghĩa dân tộc Pashtun với một tham vọng về quy mô và về lãnh  thổ khá hạn chế, nhưng lại có một sức chống trả bền bỉ và một khả năng hồi sinh rất ghê gớm, giống như tất cả những trào lưu mang sắc thái dân tộc chủ nghĩa.

h1.jpg -0
Mullah Mohammad Omar (1960-2013), người sáng lập và là thủ lĩnh Taliban, "Chủ tịch Hội đồng Tối cao Afghanistan" từ 1996-2001.

Những ngộ nhận và nhầm lẫn về đối thủ

Trên các phương tiện truyền thông, Taliban thường được mô tả như là một phong trào cuồng tín kiểu Hồi giáo Wahhabi. Các nhà nghiên cứu khi phân tích các quyết định chính trị của Taliban thường nhìn qua lăng kính Hồi giáo, vì thế họ cho rằng có quá nhiều điểm tương đồng trong các văn bản của Hồi giáo Wahhabi và những hành động thực tiễn của Taliban: truy sát những người Hồi giáo dòng Shia, đối xử nghiệt ngã đối với phụ nữ...

Cách nhìn nhận này đã  bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng: nền văn hóa đặc thù của người  Pashtun. Trên thực tế văn hóa Pashtun hoàn toàn khác với văn hóa của nhóm các tộc người ở Trung Á và càng khác xa với những tộc người khác ở Trung Đông. Đúng là trong quá khứ có một số nhân vật lãnh đạo Afganistan như Heykmatyar hay Rabbani chịu ảnh hưởng của trào lưu salafiste (Đi theo) hay của Tổ chức Anh em Hồi giáo (những trào lưu gần gũi với chủ nghĩa Wahhabi), nhưng trong thập niên 90, Taliban của Mullah Omar đã công khai đối đầu với những nhân vật này.

h3.jpg -0
Các madrassas (không chính thức) ở Pakistan là nơi duy nhất cung cấp cơ hội giáo dục cho hàng nghìn trẻ em tị nạn Afghanistan.

Taliban không phải là một phong trào Hồi giáo với một hệ tư tưởng mang tầm vóc quốc tế, những nguyên nhân sắc tộc và bộ lạc là yếu tố chính định hướng cho những hoạt động chính trị, quân sự cũng như việc xác lập các nền tảng đạo đức của nó. Sự đối đầu với những người Hồi giáo Shia Hazaras không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa hai nhánh Hồi giáo mà là một cuộc chiến tranh giữa hai nhóm sắc tộc đã có một lịch sử hàng trăm năm xung đột. 

Nếu như Hồi giáo Wahhabi gần như là một công cụ để hợp pháp hóa và củng cố quyền lực của chế độ Saud ở Ảrập Xêút thì hiện tượng tương tự như vậy hoàn toàn không có ở Afghanistan. Tháng 8-1998, Hoàng tử Ảrập Xêút Turki đã đến Afghanistan để yêu cầu Mullah Omar dẫn độ Osama bin Laden về Ảrập Xêút để đối diện với những cáo buộc chống lại ông ta. Khi đó, vị hoàng tử đã không biết rằng mình đang yêu cầu một điều vi phạm tới một trong những luật quan trọng của người Pashtun: Lòng hiếu khách.

Việc một người Pashtun phải giao nộp một vị khách là một điều vô cùng nhục nhã, vì thế yêu cầu giao nộp Bin Laden của Ảrập Xêút là một sự xúc phạm rất lớn đến danh dự của Omar. Để đáp trả, dường như Omar cũng đã xúc phạm vị hoàng tử này. Quan hệ giữa Hoàng gia Saudi và Taliban cũng đổ vỡ từ đấy. Sự kiện này cho thấy Wahhabi không thể quan trọng với Taliban bằng những truyền thống Pashtun.

Nguồn gốc của tên gọi Taliban

Taliban chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào Deobandi, Mullah Omar đã từng tuyên bố rằng ông ta và những chiến binh Taliban nguyện sẽ tuân theo những huấn thị của phong trào này.

h2.jpg -0
Một madrassas ở Pakistan.

Deobandi là một dòng thần học xuất hiện trong nửa sau của thế kỷ 19, thời kỳ Ấn Độ còn nằm dưới sự cai trị của Anh, mục tiêu của phong trào này là tạo ra một tầng lớp Hồi giáo có học thức, có khả năng tranh luận về các vấn đề tôn giáo, đạo đức, chính trị và xã hội để làm đối trọng với giới tinh hoa thân phương Tây.

Trào lưu Hồi giáo Deobandi được dạy trong các madrassa (một loại học viện Hồi giáo), thiết lập tại tiểu lục địa Ấn Độ. 10 năm sau khi thành lập (1867),  Deobandi đã có 12 cơ sở giáo dục và sau một thế kỷ đã có hơn 9.000 cơ sở. Sau khi nhà nước Pakistan được thành lập, Deobandi đã trở thành  hệ tư tưởng hàng đầu của các phong trào Hồi giáo Pakistan. Deobandi cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đảng Jamiat-i-Ulema-e-lslam, một đảng chính trị tôn giáo lớn ở Pakistan. Bản thân Taliban cũng có mối liên kết chặt chẽ với đảng này.

Dưới  chế độ độc tài quân sự của Tổng thống Zia uf HaqD, hệ thống madrassa, nơi đào tạo những người trung thành với hệ phái Deobandi, đã phát triển ồ ạt ở Pakistan. Từ năm 1971 đến năm 1988, số lượng madrassa chính thức tăng vọt từ 900 lên 8.000 cùng với hơn 25.000 madrass không chính thức khác. Có một vài yếu tố để giải thích sự bùng phát này: madrassas là hệ thống giáo dục truyền thống đã có mặt ở Afghanistan trước khi những người cộng sản lên nắm quyền. Sau khi những người cộng sản đóng cửa các madrassas Afghanistan (1979) để thiết lập một hệ thống giáo dục thế tục, các madrassas đã chuyển sang các vùng Pashtun của Pakistan để hoạt động trở lại.

Pakistan coi mạng lưới madrassas là một tuyến phòng thủ hiệu quả chống lại Liên Xô và Ấn Độ. Song song với việc truyền thụ kiến thức tôn giáo, madrassas cũng huấn luyện những người Pashtun trẻ tuổi tham gia chiến đấu. Một phần của chương trình giáo dục giảng dạy trong madrassas liên quan tới việc huấn luyện sử dụng vũ khí. Cần nhớ lại rằng việc sử dụng vũ khí là  truyền thống phổ biến ở các bộ lạc Pashtun và người dân trong bộ lạc luôn được kêu gọi sử dụng  vũ khí để bảo vệ tài sản và bộ lạc của họ. Lợi ích cuối cùng: các madrassas là nơi duy nhất cung cấp cơ hội giáo dục cho hàng nghìn trẻ em tị nạn, thường là mồ côi, công việc mà các cơ sở giáo dục chính thức ở Pakistan không thể gánh vác được.

Chính trong bối cảnh đó, "Taliban” đã hình thành và phát triển. Họ là một thế hệ trẻ em Afghanistan sinh ra trong những năm 1970 và 1980, bị tách rời khỏi nguồn gốc bộ tộc và được xã hội hóa thông qua một hệ thống tư tưởng được các các mullah (chức sắc) trong làng dạy dỗ, bản thân các mullah cũng học hành dở dang. Hệ tư tưởng của các mullah (chức sắc) này, mặc dù được xem là lấy cảm hứng từ trường phái Deobandi, nhưng thực tế là khác xa với cách tiếp cận thần học ban đầu của phong trào này. Cách giải thích của các mullah về luật Sharia về cơ bản là theo truyền thống Pashtun. Do đó, chính kiến của các chiến binh Taliban sẽ khác hẳn những người Hồi giáo  Afghanistan khác được giáo dục chu đáo ở Ai Cập hoặc Ảrập, như Heykmatyar và Rabbani.

Đội quân Taliban mà Mullah Omar thành lập vì vậy khác biệt hoàn toàn với các phong trào Sufi cũng như các mạng lưới chính trị truyền thống của các tù trưởng. Đạo Hồi của các chiến binh Taliban là một thứ hỗn hợp giữa truyền thống bộ lạc Pashtun và một thứ chủ nghĩa Deobandi đã bị thô thiển hóa và biến dạng đi vì những mục đích chính trị. Tuy nhiên những thực hành tôn giáo của lực lượng này vẫn đủ thích ứng để áp dụng cho quần thể bộ lạc trong thế giới Pashtun.

Khi còn sống, thủ lĩnh Mullah Omar đã nhiều lần kêu gọi mạng lưới madrassas hỗ trợ họ trong cuộc chiến, mỗi lần như vậy sẽ có hàng ngàn sinh viên từ các madrassas gia nhập Taliban để hưởng ứng lời kêu gọi của Omar. Cần lưu ý rằng chính tầng lớp giáo sĩ Pashtun, những người đang giảng dạy cho các thanh thiếu niên trong các madrassas, đã nhất trí chọn Omar làm thủ lĩnh của họ. Phần lớn những sinh viên này là người Pashtun, nhưng cũng có một số ít là người “nước ngoài” (Uzbek, Tajik, Punjabi,...). Dần dần thông qua vai trò trung gian của các madrassas, các lực lượng thánh chiến ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo quốc tế đã đến gia nhập Taliban. Điều quan trọng là cần nhận ra sự khác biệt rất rõ ràng giữa lực lượng liên kết với Taliban và lực lượng liên kết với Al-Qaeda. Taliban chỉ có mục đích áp đặt chủ nghĩa Hồi giáo kiểu Pashtun trong lãnh thổ Afganistan trong khi phong trào Al-Qaeda lại muốn áp đặt Hồi giáo Salafist ở cấp độ quốc tế. Taliban, dẫu đã truyền cảm hứng rất mạnh cho các phong trào Hồi giáo Trung Á và cả ở Pakistan, nhưng mục tiêu của nó về cơ bản vẫn bị giới hạn về mặt địa lý và dân tộc.

Taliban - đội quân sắc tộc của những vùng quê nghèo

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, các madrassas cung cấp khoảng 30% các tay súng cho đội quân Taliban của Mullah Omar, tức là vào khoảng 10.000 chiến binh ở vào thời điểm đó. Lực lượng này không có những khả năng hay kỹ năng của một đội quân tác chiến thông thường bởi vì họ không thể ở lâu trong các vị trí chiến đấu của mình. Ngoài các lực lượng đến từ madrassas, Taliban cũng bổ sung bằng các tay súng đến từ các lashkar.

Lashkar là những tổ chức quân sự tạm thời do các nhà lãnh đạo Pashtun lập nên, một tổ chức dành cho những cá nhân chưa thật sự đến tuổi trưởng thành, họ tham gia vào đây như một hình thức nghĩa vụ quân sự, những lực lượng này chưa được xem là những người lính chuyên nghiệp và họ sẽ giải tán để trở về quê quán sau khi những cuộc giao tranh kết thúc.  Những mullahs Pashtun rất biết cách huy động thanh thiếu niên vào các cuộc giao tranh, gia nhập lashkar như là một nghi thức để vào đời. Kinh nghiệm chiến đấu cho phép các thiếu niên Pashtun khẳng định mức độ trưởng thành của họ trong con mắt của bố mẹ, ông bà và cộng đồng. Chỉ có thông qua việc cầm súng, họ mới được chấp nhận như một thành viên bình đẳng của cộng đồng. Chính vì vậy, lời kêu gọi tham gia vào các cuộc chiến đấu mà các chức sắc tôn giáo đưa ra luôn có sức lôi cuốn với thanh thiếu niên Pashtun bởi nó đem lại sự công nhận xã hội và những lợi ích tài chính đi kèm.

Ở Afghanistan và vùng Pashtun của Pakistan, những nhà lãnh đạo tôn giáo luôn tích cực tham gia hoạt động chính trị, đặc biệt là sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Những lúc đó, vai trò của họ là gắn kết các bộ lạc với nhau, tạm thời gạt bỏ các xung đột để chống kẻ thù chung. Điểm đặc thù ở Afghanistan là các trào lưu chính trị và tôn giáo luôn được dẫn dắt bởi các nhân vật lãnh đạo “sắc màu sặc sỡ”. Sự khác biệt giữa các trào lưu này không đến từ ý thức hệ hay cương lĩnh chính trị mà chủ yếu đến từ phẩm chất cá nhân của người lãnh đạo. Sức mạnh thu hút của từng nhà lãnh đạo nằm ở việc quần chúng có nhìn thấy ở họ những nét gì “tương đồng” với “nhà tiên tri” (của Đạo Hồi) hay không, đó chính là những yếu tố để hợp thức hóa và đảm bảo cho quyền lãnh đạo của họ.

Trên thực tế chẳng có gì khác biệt giữa các cương lĩnh của các thủ lĩnh khác nhau ở Afghanistan, giữa Rabbani, Heykmatyar hay Omar, tất cả đều muốn áp đặt luật Hồi giáo hà khắc Sharia trên đất nước này. Nếu Omar khác Heykmatyar chẳng qua là vì Omar là một người đơn giản, Heykmatyar - một người phức tạp, còn Omar khác Massoud đấy là vì một người thuộc bộ tộc Pashtun, một người thuộc bộ tộc Tajik. Sự khác biệt lớn nhất khiến Omar và phong trào Taliban đã chiến thắng các thủ lĩnh Afghanistan khác có lẽ chính là đặc điểm xuất thân từ các vùng quê Pashtun nghèo khó, nơi học vấn không đóng vai trò quan trọng mà sự táo bạo hay lì lợm trong hành động mới là yếu tố quyết định.

 
 
Dương Thắng
.
.