Đi tìm một sự thỏa hiệp

Thứ Tư, 10/04/2024, 11:12

Mối quan hệ Mỹ - Iran đang trong một giai đoạn vô cùng thách thức, nhưng ngay cả khi đối đầu quyết liệt nhất, cả hai bên vẫn có thể tìm ra cách để đối thoại với nhau. Cuối cùng, không ai muốn một cuộc chiến thực sự nổ ra.

Từ sự đổ vỡ trong quá khứ

Mối quan hệ Mỹ và Iran đã đổ vỡ khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 8/5/2018. Đây là một tuyên bố gây sốc với nhiều người vì thỏa thuận vốn là nền tảng cơ bản cho mối quan hệ giữa phương Tây và quốc gia Hồi giáo Iran trong thời gian dài. Thỏa thuận được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (P5+1) gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức vào năm 2015.

Theo thỏa thuận này, Iran cam kết sẽ từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, đổi lại, phương Tây sẽ dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt với Tehran. Tuy nhiên, sau tuyên bố rút lui đột ngột của Mỹ, thỏa thuận đổ vỡ kèm theo đó là việc mất niềm tin giữa các bên khiến cho ý tưởng về một thỏa thuận tương tự chưa bao giờ thực sự được đưa ra bàn thảo lại.

Đi tìm một sự thỏa hiệp  -0
Lực lượng quân sự của Houthi.

Sau khi thỏa thuận đổ vỡ, khó khăn quay trở lại với Iran khi các lệnh trừng phạt bị tái áp đặt gây ra những vấn đề xã hội kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính hành động bị đánh giá là “lật lọng” của Mỹ đã khiến cho Iran càng tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng chống Mỹ trong khu vực, điển hình là Hamas và Houthis, hai lực lượng đã tạo nên cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Trung Đông trong thời gian gần đây.

Khởi đầu từ cuộc tấn công chưa từng có của Hamas (phong trào kháng chiến Hồi giáo của người Palestine) vào lãnh thổ Israel ngày 23/10/2023 dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Israel sau đó. Quyết định đưa quân đội Israel vào lãnh thổ Gaza của người Palestine để truy quét lực lượng Hamas sau đó đã kéo theo những thảm họa nhân đạo đối với người Palestine trong khu vực gây phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo. Houthis (lực lượng vũ trang của người Hồi giáo Shiite ở Yemen) với mối quan hệ đồng minh gần gũi sau đó đã bày tỏ sự ủng hộ Hamas và người Palestine bằng cách thực hiện các cuộc tấn công lên tàu của Mỹ cùng các nước phương Tây đi qua khu vực Biển Đỏ để ép các nước này gây sức ép buộc Israel chấm dứt các cuộc tấn công vào người Palestine.

Những cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc trực thăng của Houthis trên Biển Đỏ tuy không gây thiệt hại nhiều về người nhưng lại đặc biệt uy hiếp tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới. Biển Đỏ nối với kênh đào Suez chiếm vị trí đặc biệt quan trọng chiếm 12% tổng thương mại toàn cầu đặc biệt là trong nhóm hàng dầu mỏ rất thiết yếu cho các nền kinh tế. Khi Biển Đỏ bị chặn lại, giao thương toàn cầu sẽ lâm vào đình trệ, các hãng tàu sẽ không dám đi qua tuyến đường này nữa, chi phí vận tải sẽ tăng và kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ chắc chắn cũng sẽ nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không những thế, việc để một lực lượng “dân quân” tiến hành tấn công chặn lại tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới như Biển Đỏ, uy tín quốc tế của Mỹ cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Mỹ đã ngay lập tức đưa hải quân đến Biển Đỏ để bảo vệ các tàu hàng trong khu vực nhưng không đảm bảo an toàn tuyệt đối được do những cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Houthi.

Bên cạnh đó, những cuộc tấn công của Houthis và các đồng minh (thân Iran) vào lực lượng Mỹ cũng khiến Mỹ đau đầu ứng phó. Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể trực tiếp đưa quân vào truy quét các lực lượng này vì không muốn lún sâu vào một cuộc chiến nữa ở khu vực. Đây chính là bài toán khó mà chính quyền Mỹ cần phải giải quyết và họ phải làm thật khéo léo để tránh bị mất mặt.

Đi tìm một sự thỏa hiệp  -0
Một tàu mang cờ Mỹ bị Houthi tấn công trên Biển Đỏ.

Những động thái bí mật

Ngày 14/3/2024, tờ Financial Times bất ngờ đưa tin: các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Oman đã được tiến hành bí mật. Tờ báo này khẳng định rằng phái đoàn Mỹ dẫn đầu bởi Cố vấn Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk và Đặc phái viên về Iran Abram Paley. Phía Iran có đại diện là Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri, cũng là nhà đàm phán hàng đầu trong các cuộc đàm phán hạt nhân trước đây. Theo Financial Times, các phái đoàn đã không gặp mặt trực tiếp và quan chức Oman đứng ra làm trung gian giữa các bên trong các cuộc đàm phán.

Dù chưa được các bên xác nhận, nhưng các cuộc đàm phán là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc sử dụng các kênh ngoại giao nhằm giảm bớt các hành động gây hấn trong khu vực, vốn đã gia tăng đáng kể kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas bắt đầu sau khi các áp lực bằng biện pháp quân sự không đem lại hiệu quả.

Một nguồn tin nội bộ trong chính quyền Mỹ nói với Financial Times rằng họ coi kênh thảo luận gián tiếp với Iran là một phương pháp để nêu ra nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm một thông điệp về những gì Iran nên làm để ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn. Trong khi đó, một quan chức Iran giấu tên thì tuyên bố họ “có ảnh hưởng hạn chế đối với lực lượng Houthi tại Yemen và không thể ra lệnh cho lực lượng ủy quyền của họ nhưng có thể có các cuộc đối thoại với họ”.

Dù chưa được xác nhận, nhưng người ta có thể thấy rõ trong vài tháng gần đây, những cuộc tấn công trên Biển Đỏ đã có phần suy giảm. Thêm vào đó, những động thái nhằm vào lực lượng Mỹ trong khu vực cũng ít đi đáng kể. Từ giữa tháng 10/2023 đến đầu tháng 2/2024, lực lượng Mỹ tại Trung Đông đã hứng chịu hơn 100 cuộc tấn công. Tuy nhiên, sau khi 3 binh sĩ Mỹ tại căn cứ ở Jordan thiệt mạng trong vụ tấn công vào cuối tháng 1, các nhóm thân Iran đã bắt đầu xuống thang. Sau đó, báo chí Mỹ đã loan tin “các quan chức Iran được cho là đã liên hệ” với các nhóm vũ trang ủy nhiệm khắp Trung Đông để ngừng những cuộc tấn công vào Mỹ.

Dù kết quả (nếu có) của những cuộc đàm phán bí mật này chưa rõ ràng, nhưng dựa trên tình hình thực tế thì có thể thấy nó cũng đem lại kết quả nhất định. "Họ sợ đối đầu trực tiếp với Mỹ. Họ biết rằng nếu người Mỹ lại bị giết, điều đó đồng nghĩa với chiến tranh. Họ phải ngăn các nhóm dân quân và thuyết phục họ rằng một cuộc chiến với Mỹ có thể gây tổn hại Tehran trước và sau đó là toàn bộ trục", chuyên gia an ninh về Iran Sina Azodi tại Đại học George Washington (Mỹ) cho biết.

Đi tìm một sự thỏa hiệp  -0
Nhu cầu lợi ích đã khiến Mỹ và Iran xích lại gần nhau.

Cơ hội để đàm phán thực sự

Trong giai đoạn 2011-2014, một loạt cuộc họp bí mật giữa chính quyền Mỹ (khi đó là Tổng thống Obama) và chính quyền Iran (Dưới thời Tổng thống Rouhani) đã góp phần dẫn đến việc ký kết kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - còn được biết tới với cái tên “Thỏa thuận hạt nhân Iran” - vào tháng 7/2015. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ và Iran thực sự đạt được một thỏa thuận với nhau trong suốt giai đoạn tồn tại của Nhà nước Hồi giáo này (từ năm 1979, Mỹ duy trì chính sách thù địch hoàn toàn với Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo).

Thành công của JCPOA là một dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa thực dụng hoàn toàn có chỗ đứng trong mối quan hệ giữa Tehran và Washington. Thời điểm đó, Mỹ và Iran đã cùng hợp tác để đối phó với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS). Nguyên do là bởi hành động lật đổ chính quyền Saddam Hussein vào năm 2003 của Mỹ đã tạo ra khoảng trống an ninh ở Iraq, tạo điều kiện cho IS phát triển gây ảnh hưởng tới lợi ích của tất cả các bên. Bất chấp những ưu tiên khác nhau và sự cạnh tranh đang diễn ra, Mỹ và Iran cảm thấy cần hợp tác chống lại những gì mỗi bên coi là kẻ thù lớn hơn. Lần này, “kiểu liên lạc đó” đã được lặp lại.

Bắt đầu từ một sự kiện khá thú vị khi Mỹ đã bí mật cảnh báo Iran rằng IS đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tiềm tàng bên trong biên giới Iran hôm 3/1/2024. Vụ việc diễn ra đúng như cảnh báo và nó đã đánh động với phía Iran rằng họ vẫn còn có cơ hội để hợp tác với nhau theo một cách nào đó có lợi cho cả hai. Bản thân Iran cũng không hề muốn xung đột trực tiếp với Mỹ bởi thiệt hại là khó đong đếm được. Thêm vào đó, cả Mỹ và Iran đều đang đứng trước những cuộc bầu cử lớn trong năm nay, nếu như thông qua những cuộc gặp bí mật này mà hai bên giải tỏa được phần nào căng thẳng thì đó cũng sẽ là một chiến thắng chính trị quan trọng đối với cử chi trong nước. Đó cũng là cách hợp lý để hai đối thủ tìm kiếm thỏa hiệp có lợi cho mình.

Tiểu Phong
.
.