Điệp viên “3 mang” vô tình giúp thế giới thoát khỏi cuộc chiến hạt nhân bị xử tử ra sao?

Thứ Sáu, 14/07/2023, 21:06

Khủng hoảng Tên lửa Cuba bắt đầu vào ngày 14/10/1962, giữa lúc Chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào, khiến thế giới nơm nớp về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một máy bay do thám U-2 của Mỹ chụp được ảnh các căn cứ tên lửa ở Cuba, từ đó Mỹ cho rằng Liên Xô đang chuẩn bị kho vũ khí của riêng họ.

Trong hai tuần sau đó, Tổng thống Mỹ John Kennedy và Thủ tướng Liên Xô Nikita Khruschev đã tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng, với "quân át chủ bài bí mật" trong tay người Mỹ.

Thất vọng vì không được lên tướng

Nếu không nhờ thông tin điệp viên Liên Xô Oleg Penkovsky tuồn cho Mỹ, Chiến tranh lạnh được cho là có nguy cơ bùng phát thành xung đột nóng. Phiên tòa công khai xử Penkovsky diễn ra vào tháng 5/1963. Ngoài việc bất mãn với chính phủ, một trong những động cơ được cho là thúc đẩy ông "phản quốc" là không được thăng quân hàm tướng.

Điệp viên “3 mang” vô tình giúp thế giới thoát khỏi cuộc chiến hạt nhân bị xử tử ra sao? -0
Điệp viên Liên Xô Oleg Penkovsky.

Oleg Penkovsky sinh ngày 23/4/1919 tại thành phố Vladikavkaz, Nga và gia nhập Hồng quân vào năm 1937, thời điểm mà mối lo ngại chính của quân đội Liên Xô là đánh bại phát xít Đức. Trong Thế chiến II, Penkovsky hoạt động trong vai trò sĩ quan pháo binh.

Sau khi bị thương trong một trận chiến hồi năm 1944, Penkovsky rời quân đội, ông kết hôn với con gái của một vị tướng, người đã giúp đôi vợ chồng son có được một căn hộ ở một khu danh giá gần Điện Kremlin. Không lâu sau đó, Penkovsky vào Học viện Quân sự Frunze và Học viện Quân sự - Ngoại giao - nơi được coi là lò rèn của các cán bộ tình báo quân đội Liên Xô. Ở tuổi 31, Penkovsky đã là đại tá. Năm 1955, Penkovsky được cử ra nước ngoài với tư cách Trợ lý Tùy viên quân sự và Phó chỉ huy GRU (quan tình báo của quân đội Liên Xô)  tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1960, ông trở thành đại tá tình báo, giữ chức Phó giám đốc bộ phận nước ngoài thuộc Ủy ban Điều phối Nghiên cứu Khoa học của Nhà nước Liên Xô trong vòng hai năm. Ở vị trí này, Penkovsky chịu trách nhiệm thu thập và đánh giá thông tin khoa học và kỹ thuật nội bộ của phương Tây, và được cho là ngày càng thất vọng về đất nước của mình.

Phản bội

Năm đó, Penkovsky đã gửi một thông điệp tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua hai du khách Mỹ. "Hãy coi tôi là chiến binh của các vị. Từ nay trở đi, hàng ngũ lực lượng vũ trang của các vị đã tăng thêm một người", thông điệp có đoạn.

Trong khi đó, Cục Tình báo Mật của Anh (MI6, lúc này có tên SIS) vốn đang nỗ lực xâm nhập vào Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước Liên Xô thông qua Greville Wynne, một doanh nhân người Anh được tuyển để làm nhiệm vụ này. Wynne từng thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật công nghiệp từ nhiều năm trước. Các chuyến đi nước ngoài liên quan tới hoạt động thương mại của ông giúp tạo ra vỏ bọc hoàn hảo cho mục tiêu gián điệp.

Tháng 4/1961, Wynne tới London, mang theo số lượng lớn tài liệu và đoạn phim do Penkovsky cung cấp để chuyển cho MI6. Ban đầu, MI6, cũng như những người Mỹ mà họ chuyển tài liệu tới, đều không tin. Sau khi Penkovsky nhờ Wynne sắp xếp cuộc gặp với Anh và Mỹ, đại tá tình báo Liên Xô trở thành một gián điệp cho phương Tây với bí danh "Hero" (Người hùng).

Penkovsky cung cấp cho phương Tây những tài liệu tuyệt mật, kế hoạch chiến tranh, bí kíp quân sự, thậm chí cả thông tin về tên lửa hạt nhân trong hai năm tiếp theo. Chúng thường được tuồn thông qua những mắt xích liên lạc như Wynne, được CIA đặt tên bảo mật là "Ironbark". Penkovsky giấu các tài liệu trong gói thuốc lá và hộp kẹo, sau đó đặt tại những nơi công cộng được đồng thuận từ trước. Phương pháp này khiến ông giao các tài liệu cho phương Tây mà không thu hút sự chú ý. Ngoài Wynne, Penkovsky còn một "người trung gian" khác là Janet Chisholm, vợ của Ruari Chisholm, một sĩ quan MI6 giả dạng nhân viên cấp visa tại đại sứ quán Anh ở Moskva, Nga.

Do công việc của Penkovsky đòi hỏi phải di chuyển tới Anh, phía Nga ban đầu không nghi ngờ ông là gián điệp. Đại tá này thậm chí tham gia các phiên chất vấn với CIA và MI6, với tổng thời lượng lên tới 140 giờ, cung cấp những tài liệu giá trị và hơn 5.000 bức ảnh của Liên Xô.

Các cơ quan tình báo phương Tây nhận được thông tin từ Penkovsky trong các chuyến công tác với các phái đoàn Liên Xô tới London và Paris. Nhờ Nguyên soái Varentsov, điệp viên tam trùng được tiếp cận các tài liệu đặc biệt quan trọng tại kho lưu trữ tối mật của Bộ Tổng tham mưu. Đặc biệt quý giá là thông tin về lực lượng tên lửa, tình trạng và việc triển khai của chúng. Khi Wynn đến Moscow, Penkovsky đã trao đổi thông tin với anh ta. Một liên lạc viên khác của Penkovsky là Janet Chisholm - vợ của một nhân viên MI6 làm việc dưới "mái nhà" đại sứ quán Anh. Vỏ bọc của cô này ở Moscow là cùng ba đứa trẻ,  đi dạo trong công viên - nơi cô định kỳ gặp Penkovsky.

Điệp viên “3 mang” vô tình giúp thế giới thoát khỏi cuộc chiến hạt nhân bị xử tử ra sao? -0
Các tài liệu mật trong phòng riêng của Oleg Penkovsky bị KGB thu giữ.

Thông tin sống còn

Số tài liệu này được tổng hợp trong khoảng 1.200 trang nội dung mà CIA và MI6 giao cho 30 dịch giả và nhà phân tích xử lý. Dựa vào thông tin do Penkovsky cung cấp, tình báo Mỹ đánh giá năng lực hạt nhân của Liên Xô kém xa kho vũ khí của Mỹ. Nhận định này đã đóng vai trò "sống còn" trong khủng hoảng Tên lửa Cuba.

Theo tài liệu mà đại tá tình báo cung cấp, bên cạnh việc kho vũ khí của Liên Xô nhỏ và yếu hơn nhiều so với đánh giá trước đây của Mỹ, hệ thống dẫn đường và tiếp nhiên liệu cũng không thể hoạt động. Thông tin của Penkovsky kết hợp với những bức ảnh của máy bay U2 giúp Mỹ biết chính xác vị trí các điểm phóng tên lửa của Liên Xô, quan trọng nhất là việc chúng không thể vươn quá xa. Bí mật này đã giúp Kennedy chiếm ưu thế trong đàm phán, ngăn Mỹ và Liên Xô rơi xuống bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Sau 14 ngày đàm phán cân não, vào ngày 28/10/1962, Khruschev đồng ý rút vũ khí của Liên Xô khỏi Cuba, giúp thế giới thở phào nhẹ nhõm.

Bị lật tẩy

Vào đầu năm 1962, các sĩ quan tình báo Liên Xô (KGB) đang thực hiện giám sát người nước ngoài nhận thấy hành vi sau: Janet Chisholm bước vào nhà, vài giây sau một người đàn ông đi ra khỏi đó và cố gắng xác định xem ông ta có bị theo dõi hay không. Hóa ra, ông này không sống và cũng không có người quen ở đó - đó chính là Penkovsky. Mối nghi ngờ càng gia tăng khi Penkovsky đến Đại sứ quán Anh mà không thông báo về mục đích chuyến đi với cơ quan an ninh Nhà nước.

Căn hộ của Penkovsky được giám sát suốt ngày đêm. Mọi hành vi, giao tiếp của Penkovsky đều được ghi bằng camera giấu trong cặp. Các sĩ quan KGB cũng đã bí mật đột nhập vào căn hộ của y, tìm thấy một chỗ bí mật trong bàn làm việc, trong đó có các sổ ghi chép mã hóa, một máy ảnh Minox, một xấp tiền, phim ảnh chụp tài liệu bí mật và một hộ chiếu giả - không loại trừ khả năng điệp viên chuẩn bị trốn ra nước ngoài.

Ngày 22/10/1962, Penkovsky bị bắt giữ (điều mà các cơ quan tình báo phương Tây không biết) và y ngay lập tức thừa nhận tội lỗi của mình, đồng ý hợp tác điều tra - khai mật mã và mã liên lạc với các sĩ quan tình báo nước ngoài và tham gia Chiến dịch Kho mật. Rất lâu trước khi bị bắt, Penkovsky đã bố trí một hộp thư mật để chuyển các thông tin quan trọng ở lối vào một ngôi nhà ở Moscow. Khi bị bắt, y đã gửi đến Đại sứ quán Mỹ một tín hiệu quy ước trước, ám chỉ trong hộp thư mật có thông tin khẩn. Một nhà ngoại giao Mỹ đến nhận tin đó đã bị bắt, sau đó ở Budapest, Wynn cũng bị bắt và bị di lý đến Moscow.

Phiên tòa xét xử được mở công khai, Penkovsky bị kết án tử hình, và bị xử bắn ngày 16/5/1963. Có thông tin rằng, Penkovsky không bị bắn, mà bị thiêu sống trong lò hỏa táng. Toàn bộ thủ tục đã được ghi hình và trong tương lai, sẽ được chiếu cho các tình báo tương lai, để răn đe.

Greville Wynn - đồng phạm của Penkovsky - lãnh 8 năm tù. Nhưng Wynn ngồi tù không lâu, tháng 4/1964, được đổi lấy sĩ quan tình báo Liên Xô Konon Molodoy (Gordon Lonsdale) - người được tái hiện một cách xuất sắc trong bộ phim “Mùa chết” (Dead Season) của Donatas Banionis. 12 nhà ngoại giao từ các đại sứ quán Anh và Mỹ đã được tuyên bố là các cá nhân “không được hoan nghênh”. Những người bảo trợ của Penkovsky - Ivan Serov và Sergei Varentsov - bị giáng cấp và nghỉ hưu sớm. Gia đình, mẹ, vợ và con gái của Penkovsky không biết về công việc của y, được cấp một căn hộ khác và được đổi họ tên.

Sau khi Penkovsky bị xử bắn, một số cuốn sách và bộ phim về y đã được xuất bản ở phương Tây. Gerald Scheckter - một trong những tác giả của cuốn “Đặc vụ cứu thế giới” (The Spy Who Saved the World) tin chắc rằng, Penkovsky đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Chính điệp viên này đã thông báo cho người Mỹ rằng việc triển khai tên lửa của Liên Xô ở Cuba là một trò lừa bịp; Liên Xô không có tên lửa xuyên lục địa có khả năng tiêu diệt Mỹ. Điều này có nghĩa là Liên Xô sẽ không chiến đấu với Mỹ. Tổng thống Kennedy đã giữ vững lập trường cứng rắn, và kết quả là các bệ phóng tên lửa của Liên Xô từ Hòn đảo Tự do đã bị tháo dỡ. Còn người Mỹ đã loại bỏ tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ và đảm bảo không tấn công Cuba.

Tuy nhiên, các chuyên gia Liên Xô lại giữ quan điểm ngược lại. Vài ngày trước khi bị bắt, Penkovsky nói với người Mỹ rằng Liên Xô đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ, mặc dù y không có chứng cớ để minh chứng điều đó. May mắn thay, CIA đã không xem trọng thông tin này và không báo cáo với Kennedy. Nếu không, rất khó để nói cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba sẽ kết thúc như thế nào. Penkovsky đề xuất cho nổ các đầu đạn hạt nhân mini gần các tòa nhà của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, KGB, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, bằng cách đó, tiêu diệt ban lãnh đạo Liên Xô, hàng chục nghìn người được cho là sẽ chết, nhưng khía cạnh đạo đức của vấn đề này hầu như không khiến y lo lắng.

Kẻ phản trắc, phản bội Tổ quốc đã nhận được những gì xứng đáng với hành động của mình. Có vẻ như người ta có thể đặt dấu chấm hết cho vụ này, tuy nhiên...

Năm 2010, cuốn sách "Bí mật chính của GRU" được xuất bản ở Nga. Tác giả của nó - Anatoly Maksimov, một cựu tình báo Liên Xô - cho rằng, Penkovsky không phải là kẻ phản bội, mà thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tình báo Xô Viết để thông tin sai cho phương Tây về sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Penkovsky đã truyền thông tin sai lệch về sự không hoàn hảo của công nghệ tên lửa của Liên Xô, vốn không gây ra mối đe dọa cho Mỹ, điều cho phép Liên Xô có thêm thời gian để tạo ra lá chắn hạt nhân đáng tin cậy của mình.

Maksimov tin chắc rằng Đại tá Penkovsky không bị bắn; vì nghĩa lớn mà ông đã đồng ý đóng vai một kẻ phản bội, sống ở đất nước của mình với thân phận bất hợp pháp và chết ở tuổi 80. Nhưng phán quyết của tòa thì sao? Theo Maksimov, bản án chỉ là để thuyết phục người Mỹ rằng thông tin mà Penkovsky chuyển đi là có giá trị. Giả thuyết này hoàn toàn có quyền tồn tại. Rốt cuộc, những nguyên nhân khiến một người từng là người lính trận và một sĩ quan thành đạt, liều mạng trở thành kẻ phản bội cũng như nhiều dấu hỏi và bí mật trong vụ án “điệp viên thế kỷ” Penkovsky vẫn chưa được tiết lộ.

GRU có nhiệm vụ đề phòng bất cứ mối đe dọa bên ngoài nào, với đội ngũ nhân viên sở hữu tài "ẩn thân", biết cách lợi dụng những "con tốt" tiềm năng. So với Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), cơ quan tập trung vào giải quyết vấn đề nội bộ, GRU có tác động địa chính trị nhiều hơn.

Long Nguyễn
.
.