Điệp viên gan dạ Betty Ann Lussier

Chủ Nhật, 17/09/2023, 14:28

Betty Ann Lussier, người có cá tính độc lập, chăm chỉ, tháo vát và ưa mạo hiểm, cũng là người rất hay mủi lòng với các hoàn cảnh kém may mắn. Betty Ann sinh ra và lớn lên trong một trang trại nuôi bò sữa, năm 16 tuổi bà đã học lái máy bay thành công. Ở tuổi tròn 20, bà lên tàu đến nước Anh để chiến đấu chống Đức Quốc Xã (ĐQX) xâm lược.

Bà trở thành điệp viên phản gián thành công nhất của Cục tình báo chiến lược Mỹ (OSS) và kết hôn với một trong những quý ông giàu có nhất Tây Ban Nha. Bà là người có mối quan hệ khá tốt với tiểu thuyết gia lừng danh Ernest Hemingway và siêu sao Hollywood - Ava Gardner, sau đó bà làm việc cho Liên hợp quốc (UN). Betty Ann cũng cho ra lò vài cuốn sách ăn khách, trong đó tự nhân cách hóa bản thân mình trong vai điệp viên hoàn hảo OSS.

Điệp viên gan dạ Betty Ann Lussier -0
Bà Betty Ann năm 1942. Ảnh nguồn: ATA-Ferry-Pilots.org.

Betty Ann Lussier sinh tháng 12/1921 tại Alberta (Canada). Cha bà, cụ ông Emile John Lussier, là phi công chiến đấu thời Thế chiến I, phục vụ trong Không lực hoàng gia Anh, người đã giành được Huân chương Chữ thập bay xuất sắc của Anh thuở thiếu niên. Bà Vera Fleming (mẹ ruột của Betty Ann) là nông dân, chỉ ở nhà làm nội trợ. Lúc Betty Ann lên 4 tuổi, cha mẹ bà đã mua nông trại Huntingfield, một trại bò sữa trên bờ vịnh Chesapeake thuộc bờ Đông tiểu bang Maryland. Ban đầu trang trại không có điện, điện thoại hoặc nước sinh hoạt. Mỗi sớm lúc 4 giờ, Betty Ann thức dậy và bắt đầu vắt sữa bò kiểu thủ công. Thửa đất từng được người Anh Điêng dùng làm nơi tụ họp sinh hoạt bộ lạc, giờ đây nó dùng làm trại hè và các cô gái nơi Betty và người em gái đóng vai trò là các cố vấn viên.

Thừa hưởng niềm đam mê bay từ cha, Betty Ann đã học cách lái một chiếc Piper Cub 3 chỗ ngồi. Cô đăng ký học tại Đại học Maryland (UMD) nơi Betty Ann tham gia Chương trình huấn luyện phi công dân sự (CPTP); mặc dù ban đầu việc này đã vấp phải sự miễn cưỡng từ các điều phối viên của chương trình chỉ bởi vì Betty là nữ giới. CPTP là một chương trình của chính phủ được thiết kế để xây dựng nguồn cung phi công dân sự đáng tin cậy cho các mục đích quốc phòng. Phi hành gia, Thượng nghị sỹ John Glenn đã được đào tạo tại CPTP cùng với 435.000 người khác bao gồm nhiều phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.

Betty Ann bỏ học đại học để đóng góp cho chiến tranh bằng cách làm việc ca đêm tại một nhà máy chế tạo oanh tạc cơ B-26. Công việc này cũng đồng thời giúp bà tích lũy kha khá số giờ bay. Một thời gian ngắn sau khi làm việc tại nhà máy, Betty đã nghe được thông tin về một sáng kiến mới của Anh: họ sẽ cấp phép miễn phí đi lại đến Anh cho bất kỳ công dân Anh nào sống ở Mỹ để đổi lại là phục vụ chiến tranh khi đến Anh. Betty là một công dân kép và bà nghĩ rằng không nên mất thời gian đến Anh bằng tàu xe, đó cũng là lý do khiến bà theo học ở UMD. Tròn 20 tuổi, Betty Ann trên đường đi chiến đấu bằng chính những thứ có trong tay mình.

Tham gia hoạt động tình báo

Tháng 10/1942, Betty Ann đến Anh và được chỉ định phục vụ cho Tổ chức hỗ trợ vận tải hàng không Anh (ATA), với các nhiệm vụ trọng yếu có thể kể đến như lái máy bay từ các nhà máy đến các phi đội; vận chuyển máy bay khi cần sửa chữa; đưa các phi công nam đến những địa điểm chiến đấu của họ trên đất Anh. Thi thoảng ATA cũng chở các nhân vật cơ yếu bay quanh nước Anh. Những đóng góp này giúp các phi công được toàn tâm toàn ý phục vụ chiến đấu. ATA bao gồm các nhân sự cả nam và nữ đến từ 22 quốc gia, gồm 25 phi công đến từ Mỹ. Tổng cộng ATA đã chuyển giao hơn 300.000 máy bay trong suốt chiến tranh. Các nữ quân nhân ATA là những người đầu tiên chính thức vận chuyển máy bay trong thời chiến. Thêm vào đó, họ được trả lương ngang bằng với các đồng nghiệp nam giới.

Sự thăng tiến dựa trên thành tích và hiệu quả công việc hơn là giới tính, khối lượng công việc được chia đều cho các nam, nữ phi công. Nhưng cơ hội bình đẳng đã chấm dứt vào sự kiện xâm lược D-Day. Khi đó chỉ có nam phi công mới được trao quyền bay vào các vùng chiến sự ở Châu Âu. Betty Ann rất buồn lòng về việc này, sau đó bà khẳng định sẽ quyết tử nếu được bay chiến đấu. Bà nộp đơn từ chức với lý do là muốn ở lại với ATA và lái máy bay Spitfires. Đức ngài William Stephenson (cha đỡ đầu của Betty Ann) là người đứng đầu Cơ quan điều phối an ninh Anh ở thành phố New York, ông cũng là bạn tâm giao của người đứng đầu OSS - Tướng William J. Donovan. Một tháng sau khi từ chức ở ATA, Betty Ann trở thành nhân viên của OSS.

Tháng 5/1943, Betty Ann gia nhập phản gián: nhánh X-2 của OSS. Bà được phái đến Bắc London để gia nhập vào nhóm phản gián đầu tiên gồm 5 nam, 5 nữ được đào tạo nâng cao trên đất Anh về mật mã học. Người Anh đã lấy được máy mã Enigma của Đức và đang đọc mọi thông tin liên lạc thực địa của quân Đức. Kết quả của hoạt động tình báo này thường được gọi là ULTRA. Thông tin tình báo được xử lý bởi phía Anh thông qua một đơn vị được chỉ định có tên gọi là Các đơn vị liên lạc đặc biệt (SLU). Hiểu nôm na thì khi một đơn vị SLU nào đó nhận được thông tin đã giải mã, họ sẽ tìm cách ngụy tạo nguồn thông tin đó. Rồi đó SLU sẽ giao tư liệu tình báo về Tổng hành dinh quân đội Mỹ. Mặc dù vai trò chính thức của Betty Ann tại X-2 trên danh nghĩa chỉ là thư ký, nhưng thực tế bà là một thành viên của SLU - một trong số 28 SLU hoạt động ở chiến trường Châu Âu.

Sau 3 tháng huấn luyện, Betty Ann được phái đi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở Algeria. Bà bắt đầu những ngày làm việc thường nhật, thu thập dữ liệu ULTRA cho người Anh và rút tỉa những gì đó có lợi cho người Mỹ: Tập đoàn quân số 7. Tiếp đó bà sẽ đánh lạc hướng nguồn tin và chuyển giao tình báo dùng để lập kế hoạch cho các nhiệm vụ phá hoại cùng các hoạt động khác. Người Đức tự kiêu cho rằng mật mã của họ không thể bị phá vỡ do vậy mà thoải mái nói chuyện, vô tình làm rò rỉ nhiều tư liệu tình báo hữu ích. Betty Ann đồng hành với quân đội Đồng Minh khi họ hành binh từ Algiers sang Sicily (Italy). Nhưng rồi Betty cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau khi đơn vị X-2 của bà đến miền Nam nước Pháp mà không có bà đi theo; phụ nữ không được phép ra tiền tuyến. Betty đã quyết tâm hành động, bà tìm cách thuyết phục một phi công của Quân đoàn Không quân rằng mình là kỹ thuật viên vô tuyến cần thiết phải ra mặt trận và người phi công không chút thắc mắc đã chở bà đi ngay. Ở tiền tuyến, Betty tiếp tục hoạt động như một thành viên SLU cho Tập đoàn quân số 7.

Điệp viên gan dạ Betty Ann Lussier -0
Bà Betty Ann năm 1942. Ảnh nguồn: ATA-Ferry-Pilots.org.

Cặp tình nhân gián điệp

Rồi thì Betty Ann được phái tới Cannes, lãnh thổ Pháp ở French Riviera nơi bà theo dõi hành tung các điệp viên ĐQX. Họ bị giam giữ để thẩm vấn, sau đó hoặc bị giao cho Pháp, hoặc bị ép trở thành điệp viên kép, chuyển phát thông tin cho địch. Chỉ riêng tháng 9/1943, bà Betty và các đồng nghiệp X-2 của mình đã vạch trần 27 điệp viên. Một tháng sau đó, nhóm của bà Betty đã chỉ huy một số điệp viên kép. Bước tiếp theo, đơn vị X-2 của bà Betty được chuyển tới Perpignan (Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha). Chính tại đây, bà Betty đã làm quen với sĩ quan chỉ huy mới của mình là ông Ricardo Sicre, một đại úy trong quân đội Mỹ. Ông Ricardo là dân gốc Catalonia (Tây Ban Nha) và là cựu tình nguyện viên trong Quân đội Cộng hòa Tây Ban Nha (SRA). Vài năm trước đó, Ricardo kiếm được việc làm trên chiếc tàu đến Mỹ. Không có thị thực vào Mỹ nên Ricardo nhảy tàu ở cảng New York để trốn tránh nhập cư.

Ở New York, ông Ricardo tham gia Điều phối viên thông tin (tiền thân của OSS), nơi đây ông đã thâm nhập vào đại sứ quán Tây Ban Nha ở Washington, D.C. để quyến rũ các nữ nhân viên thư ký. Chính vì việc này mà các đồng đội đã đặt cho Ricardo biệt danh “Đại úy phóng túng”. Giờ đây Ricardo là một điệp viên phản gián trực tiếp tham gia sâu vào những hoạt động tuyệt mật của OSS. Ông gánh vác nhiệm vụ không kém phần nặng nề, đó là trực tiếp soạn các báo cáo thường nhật về tiến độ các nhiệm vụ, việc này càng gian truân hơn viết bằng tiếng Anh vì ông lại không am tường thứ ngôn ngữ này. Betty gánh vác công việc với Ricardo, nhờ đó mà hai người dần hình thành một mối tình lãng mạn. Chính ông Ricardo đã lập nên công lớn trong việc triệt phá một đường dây gián điệp quan trọng.

Số là phản gián Pháp đã bắt được một sĩ quan quân đội Đức, người này tên là Max, họ đã thẩm vấn anh ta mà không có kết quả. Người Pháp chuyển giao Max cho Anh và cuối cùng tay này chịu làm điệp viên cho X-2. Với lòng trắc ẩn, Ricardo đã tiếp cận Max và khôn khéo thuyết phục anh ta chia sẻ kế hoạch hậu chiến của mình. Max muốn đến Hollywood để theo đuổi nghiệp hài kịch như vua hài Charlie Chaplin. Ricardo nói rằng mình có thể hỗ trợ Max để đạt được ước mơ đó với điều kiện Max phải nói rõ lý do chính vì sao có mặt ở Pháp. Max sẵn sàng trả lời rằng mình đang trả lương cho một mạng lưới gồm 35 điệp viên (những người hoạt động thay mặt cho ĐQX). Max có mặt ở Pháp để trả tiền mặt cho những điệp viên này. Bởi cả tin Max đã viết luôn tên và địa chỉ của 35 điệp viên đó trên một tờ giấy rồi vui vẻ trao nó cho X-2 và họ đã bắt giữ từng người một trong số này. X-2 đã biến 8 người trong số đó thành các điệp viên kép. Dù không đến được Hollywood, nhưng Max cũng chả tỏ vẻ gì hối hận khi đã phản bội 35 điệp viên đó.

Điệp viên gan dạ Betty Ann Lussier -0
Cựu điệp viên Ricardo Sicre, chồng cũ của bà Betty Ann. Ảnh nguồn: Majorca Daily Bulletin.

Cuộc đời sau chiến tranh

Ngày 22/10/1945, bà Betty Ann từ chức khỏi OSS, kết hôn với Ricardo và định cư ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) nơi họ lần lượt sinh hạ 4 người con trai. Bản thân ông Ricardo được trao tặng Huy chương Sao đồng cũng như nhận tư cách công dân Mỹ. Ông thành lập một công ty xuất nhập khẩu rất thành công với một số bạn bè cựu chiến binh và trở thành người giàu nhất Tây Ban Nha khi đó. Vợ chồng họ nhanh chóng thăng tiến trong xã hội thượng lưu và thường du ký trên du thuyền xa hoa với sự góp mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng như Ernest Hemingway, Ava Gardner, Grace Kelly, Hoàng thân Rainier của Monaco, Adlai Stevenson, cùng các trí thức và đấu sĩ Tây Ban Nha khác. Tuy nhiên bà Betty đã bỏ chồng khi phát hiện Ricardo quan hệ với tình nhân Ava Gadner (diễn viên Hollywood) tại các sự kiện thi đấu bò tót. Sau đó bà Betty chuyển đến Morocco và mua nông trại rộng 404 ha. Tuy vậy bà nhanh chóng bị trục xuất khỏi đất nước này khi đơn phương thúc đẩy quyền lợi cho công nhân.

Betty có một thời gian ngắn quay lại Madrid rồi lại chuyển đến sống ở Thụy Sỹ với ông chồng Ricardo. Trong thời gian sống ở Châu Âu, Betty đã hoàn thành bằng Đại học Maryland, sau đó bà chuyển đến New York để học Đại học Columbia lấy học vị phó tiến sĩ. Từ đây bà Betty bắt đầu nghề nghiệp thứ hai trong hoạt động nhân đạo. Bà và Ricardo ly dị nhưng vẫn giữ được tình bạn thân thiết và họ không tái hôn nữa. Tháng 3/2008, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã trao tặng các huân huy chương cho những nữ phi công cùng các nhân sự mặt đất còn sống sót của Tổ chức hỗ trợ vận tải hàng không Anh (ATA) vì tinh thần chiến đấu quả cảm của họ trong suốt Thế chiến II. Với những cống hiến cho OSS, bà Betty Ann được trao bằng khen Chỉ huy mặt trận vì đã “cống hiến phi thường trong nhiệm vụ”. Ở tuổi 86, bà Betty Ann vẫn thi thoảng vẫy vùng bầu trời bằng việc tự lái máy bay. Năm 2017, cựu điệp viên Betty qua đời lặng lẽ tại tư gia trên vịnh Chesapeake.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.