Điệp viên “ngớ ngẩn”
Con người này có thể phục vụ trong ngành tình báo, nhưng cuối cùng, ông ta đã trở thành một điệp viên lãng nhách.David Ballantyne Smith, một người Anh 58 tuổi sống ở Đức và kết hôn với một người phụ nữ Ucraine, dù cố gắng đến mấy cũng không thể thuyết phục được toà án London về sự ngây thơ và vô tội của mình. Tháng 2/2023, ông ta bị kết án 13 năm 2 tháng tù vì tội làm gián điệp cho Nga.
Đơn giản là David
David Ballantyne Smith ra đời tại một thị trấn công nghiệp nhỏ ở Scotland và tìm thấy thiên chức của mình trong quân đội. Gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia năm 1985, ông đã phục vụ đất nước mình 12 năm. Có thời điểm, Smith thậm chí còn nhận được một chức vụ danh giá tại Đại bản doanh không quân khu trục của Không quân Hoàng gia.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Smith trở thành kiểm soát viên không lưu tại sân bay Gatwick ở London. Sau đó, ông làm tiếp viên hàng không tại một hãng hàng không đến năm 2002. Năm 2002, Smith kết hôn với Svetlana, một phụ nữ Ukraine và định cư ở thành phố Potsdam, Đức.
Cuối cùng, năm 2016, Smith trở thành nhân viên bảo vệ của Đại sứ quán Anh ở Berlin. “Đó là một người hướng nội, kiệm lời, tốt bụng”, - một đồng đội và bạn cũ của Smith nhận xét về ông như vậy. Và rất có thể, thế giới sẽ không bao giờ biết đến David Smith, cựu phi công và nhân viên bảo vệ đại sứ quán, nếu vào tháng 8/2021, ông ta không bị bắt vì tội làm gián điệp cho Nga.
“Cả giận mất khôn”
Bước ngoặt trong cuộc sống tẻ nhạt của David Smith xảy ra vào khoảng năm 2018. Đó là lúc vợ ông ta, bà Svetlana, quyết định trở về tổ quốc, vùng Donbass.
Ngay trong các phiên tòa, Smith kể rằng sau khi vợ bỏ đi, ông ta rơi vào trạng thái trầm cảm và bắt đầu uống rất nhiều - 7 lít bia mỗi ngày. Để giết thời gian, suốt ngày ông ta lang thang trên mạng tìm kiếm niềm vui. Cuối cùng, các thuyết âm mưu khiến ông ta thích thú nhất. Nhưng Smith không dừng lại ở niềm đam mê thuyết âm mưu. Bị bỏ lại một mình, Smith tức giận cả thế giới, đặc biệt là nước Anh, Đức và Ukraine, đã “cướp” vợ của ông ta. Có lẽ vì thế mà thời kỳ này, Smith bắt đầu có thiện cảm đặc biệt với nước Nga.
Trong quá trình khám xét căn hộ của Smith, người ta tìm thấy một lá cờ của Liên bang Nga, một chiếc mũ bộ đội của Liên Xô, một chiếc ô tô đồ chơi của Liên Xô và thậm chí cả một con chó nhồi bông của Liên Xô mặc quân phục. Còn trên giá sách là những cuốn sách viết về những người lính Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức, một số cuốn viết bằng tiếng Nga.
Tuy nhiên, tất cả những vật dụng gia đình này không bị coi là phạm pháp. Xét cho cùng, về lý thuyết, những thứ này có thể thuộc về vợ ông ta. Không có gì bất hợp pháp kể cả tấm áp phích được tìm thấy trong tủ đựng đồ của Smith tại nơi làm việc vẽ Tổng thống Nga Putin đang ôm hôn cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong đồng phục Đức Quốc xã.
“Lạy Chúa, đó chỉ là bức tranh thôi mà! Tôi thấy nó thú vị. Có lẽ, khiếu hài hước của tôi không bình thường”, - Smith tự bào chữa tại phiên tòa.
David Ballantyne Smith bị buộc tội thu thập thông tin về các nhân viên của Đại sứ quán Anh ở Berlin, quy hoạch của đại sứ quán và thậm chí cả những tài liệu mật mà ông ta có được với tư cách là nhân viên bảo vệ kể từ năm 2018 (rất có thể, ngay sau khi vợ ông ta bỏ đi). Các nhân viên điều tra cho rằng từ tháng 11 năm 2020, Smith đã chuyển các thông tin này cho cơ quan tình báo Nga.
Điệp viên Smith
Phải nói rằng Smith không được ai tuyển mộ. Ông ta làm cái nghề quá đỗi vô danh. Ông ta không phải là cán bộ ngoại giao, không được tiếp cận thông tin mật. Có thể, một số giấy tờ và phong bì nào đó được để lại ở ô cửa của phòng bảo vệ, nhưng không một nhân viên tình báo bình thường nào lại tin rằng trong đám giấy má này có cái gì đó ít nhiều liên quan đến công tác tình báo.
Vì vậy, ban đầu, công việc của Smith giống như là bắt chước làm phim gián điệp. Chàng điệp viên tương lai Smith bật camera điện thoại di động lên và đi vòng quanh khuôn viên đại sứ quán, quay video nơi làm việc của các nhân viên, đồng thời thuyết minh về những gì họ đang làm ở đây. Sẵn có chìa khóa dự phòng một số phòng làm việc, ông ta mở cửa vào và quay video tất cả những gì mà tình báo nước ngoài có thể quan tâm.
Đáng kể nhất trong bộ sưu tập của Smith là tài liệu mật duy nhất mà ông ta có được - bản sao bức thư của Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là Liz Truss gửi Thủ tướng Boris Johnson. Tuy nhiên, rất có thể, con dấu "tuyệt mật" được đóng trên tài liệu này chỉ là vì tôn trọng người gửi và người nhận.
Smith đã sao chép tất cả những thứ đó vào USB. Để không ai nghi ngờ có thông tin bí mật bên trong, ông ta dán lên đó một mảnh giấy với dòng chữ “những bức ảnh chụp nhân ngày lễ ở Berlin”.
Sau đó, Smith gửi một bức thư cho tùy viên quân sự Nga qua một trạm bưu điện gần nhà ở Potsdam. Trong bức thư được gửi vào tháng 11/2020, ông ta ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của các nhân viên đại sứ quán Anh, cũng như những tài liệu mật khác nhau và thông tin về thẻ từ của các nhân viên đại sứ quán.
Trên phong bì, Smith ghi “Thư của cán bộ đại sứ quán” để các nhân viên bưu điện không tò mò mở xem trong thư có gì bí mật.
Dmitry và Irina giả
Quả thật, bức thư đã khiến David Smith được chú ý. Cho dù anh chàng nhân viên bảo vệ mang dáng vẻ hài hước và tội nghiệp đến đâu, nhưng không một cơ quan tình báo nào trên thế giới lại từ chối sử dụng một người tự nguyện kể cho họ nghe tất tần tật mọi chuyện xảy ra tại một trong những cơ quan ngoại giao quan trọng nhất của Anh trên thế giới. Bắt đầu từ tên của những người thân hoặc con cái của các nhà ngoại giao, và kết thúc bằng phong cảnh mở ra từ cửa sổ này hoặc cửa sổ khác của tòa nhà đại sứ quán.
Theo nhận xét của cơ quan công tố, sau đó Smith có một liên lạc viên riêng và bắt đầu nhận tiền thù lao cho công việc của mình.
Nhưng bức thư của Smith cũng thu hút sự chú ý của cơ quan phản gián Đức. Tất nhiên, họ không thể bỏ sót một lá thư được gửi từ Potsdam cho tùy viên quân sự Liên bang Nga. Thật không may cho Smith, ông ta là nhân viên đại sứ quán nước ngoài duy nhất thường trú tại khu vực. Tên tuổi của ông ta nhanh chóng bị phát hiện, các nhân viên phản gián Đức đã mời các đồng nghiệp Anh hợp tác và tiến hành một chiến dịch chung. Chiến dịch bắt đầu vào tháng 8/2021.
Cơ quan tình báo MI.5 của Anh đã liên lạc với Smith và bí mật thông báo rằng ông ta được mời tham gia một chiến dịch tuyệt mật. Nhiệm vụ không khó khăn lắm, nhưng quan trọng - cho phép một công dân Nga nào đó tên là Dmitry vào tòa nhà của Đại sứ quán Anh.
Smith không được cung cấp các tình tiết. Tuy nhiên, qua các cuộc trò chuyện, có thể thấy rõ rằng Dmitry là người rất hiểu biết, có thể, là nhân viên của cơ quan tình báo, sự xuất hiện của anh ta tại đại sứ quán phải được giữ bí mật hết sức nghiêm ngặt.
Smith sung sướng đến mức không hề nghi ngờ gì về việc tại sao mình được mời tham gia. Trong thời gian gặp gỡ, Dmitry (thực ra là điệp viên tình báo Anh) yêu cầu Smith sao chép một số tài liệu được đánh dấu bằng bút dạ hồng, đồng thời vứt bỏ chiếc bao đựng điện thoại di động được cấp cho ông ta để liên lạc với tình báo Anh.
Không có ý định giúp đỡ người Nga làm gián điệp cho nước Anh, Smith không thực hiện một yêu cầu nào của Dmitry - tất cả đồ đạc của ông ta sau đó được tìm thấy khi khám xét căn hộ của Smith. Rất có thể, ông ta đã giữ chúng làm bằng chứng để sau đó báo cáo về gián điệp của đối phương cho tùy viên quân sự Nga.
Trên băng video Smith ghi lại tất cả hành động của mình và ngoại hình của Dmitry, nghe rõ lời nói của nhân viên bảo vệ: “Nếu anh ta đến từ đại sứ quán, người ta sẽ nhanh chóng phát hiện anh ta là ai".
Tuy nhiên, Smith không chuyển băng ghi âm này cho bất kỳ ai. Vài ngày sau, một phụ nữ gặp David tại một điểm đỗ xe buýt và tự giới thiệu là Irina, nhân viên GRU (Tổng cục Tình báo Nga). Bà ta nói rằng các cơ quan tình báo Nga nghi ngờ Dmitry có thể đã đến Berlin để làm việc cho tình báo Anh. Nhưng Irina (thực ra một điệp viên khác của MI.5) đề nghị trao đổi chi tiết vụ việc vào ngày hôm sau, tại địa điểm đã định. Smith đồng ý, không chút nghi ngờ rằng bằng cách đó ông ta đã đặt bút ký nếu không phải vào bản án thì là lệnh bắt giữ và trục xuất mình.
Ngày 11/8/2021, David Smith bị bắt tại căn hộ của ông ta ở Potsdam. Và vào tháng 4/2022, ông ta bị dẫn độ sang Anh.
David Smith xuất hiện tại tòa trong chiếc quần jean xanh bạc màu và áo len nhăn nhúm, chân đi đôi giày thể thao hiệu Skechers. Mắt đeo kính và tai đeo máy trợ thính, ông ta trông giống một cán bộ hưu trí yếu ớt và kiệt sức hơn là một điệp viên. Trong một phiên điều trần, Smith đề nghị tòa không nên coi ông ta là điệp viên, mà là một “nhân viên bất mãn”, căm ghét công việc của mình và Vương quốc Anh.
Tòa án coi dáng vẻ hiền lành và vô cùng bất hạnh là một sự dàn dựng chu đáo của Smith, cũng vụng về như hoạt động gián điệp của ông ta. Thực ra, Smith chưa bao giờ tiết lộ bất cứ điều gì tối mật cho tình báo Nga. Nhưng theo phán quyết của tòa án, điều này không giảm nhẹ tội lỗi nghiêm trọng của ông ta.
Thứ nhất, Smith đã gây thiệt hại kinh tế “khổng lồ” cho nước Anh. Sau khi các cơ quan tình báo Anh phát hiện ra điệp viên trong đại sứ quán ở Berlin, họ đã phải kiểm tra tất cả các nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao. Công việc này tiêu tốn của kho bạc Anh 820.000 bảng.
Thứ hai, việc cung cấp thông tin cá nhân của các nhân viên đại sứ quán cho một quốc gia khác sẽ gây nguy hiểm lớn đối với họ và tạo cơ hội cho những hành vi tống tiền hoặc mục đích xấu khác. Vì vậy, theo ý kiến của thẩm phán, Smith hoàn toàn xứng đáng nhận một hình phạt nặng nề như vậy - 13 năm 2 tháng tù.