Điều tra các vụ tai nạn của Lục quân Mỹ

Thứ Hai, 14/04/2025, 08:54

Vụ va chạm giữa một trực thăng quân sự Black Hawk và một máy bay chở khách ngày 29/1 khiến 67 người thiệt mạng là một trong những tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất của Lục quân Mỹ trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ dữ liệu, có thể thấy rằng đây không phải là một sự cố đơn lẻ. Trên thực tế, theo hồ sơ, 2024 là một trong những năm có thành tích an toàn hàng không tồi tệ nhất của Lục quân Mỹ trong vòng một thập kỷ. Lục quân Mỹ có lẽ rất muốn quên chuyện này, nhưng họ buộc phải xem xét để không lặp lại các thảm kịch. Theo số liệu mới từ Bộ phận Hàng không thuộc Cục Phân tích và Phòng ngừa của Trung tâm Sẵn sàng Chiến đấu Lục quân Mỹ, kể từ năm 2006, tỷ lệ sự cố đã "giảm đều đặn theo mỗi 100.000 giờ bay”.

Tuy nhiên, năm 2023 ghi nhận "tỷ lệ sự cố tăng gấp đôi so với mức thấp kỷ lục của năm 2022 là 0,50 sự cố loại A trên mỗi 100.000 giờ bay”, EA Times dẫn số liệu của Lục quân Mỹ cho hay. Hơn nữa, năm 2024 "ghi nhận tỷ lệ sự cố loại A tăng gần gấp 4 lần năm 2022”. Tỷ lệ sự cố loại A trong năm 2024 là 1,90, so với 0,50 của năm 2022. Cũng trong năm 2024, Hàng không Lục quân Mỹ ghi nhận số vụ tai nạn bay loại A cao nhất kể từ năm 2014 và tỷ lệ tai nạn bay loại A trên 10.000 giờ tệ nhất kể từ năm 2007.

Điều tra các vụ tai nạn của Lục quân Mỹ -0
Poster đặt tại Đại học Delaware tưởng niệm các nạn nhân vụ va chạm máy bay của American Airlines ở Washington hồi tháng 1.

Sự cố loại A là những sự cố dẫn đến thiệt hại tài sản ít nhất 2,5 triệu đôla Mỹ, phá hủy hoàn toàn một máy bay, và/hoặc có người thiệt mạng hay bị thương nghiêm trọng. Báo cáo cho biết, có 15 sự cố bay loại A và hai sự cố trên mặt đất loại A liên quan đến máy bay trong năm 2024, so với 9 sự cố bay và một sự cố trên mặt đất trong năm 2023, và chỉ 4 sự cố bay và 4 sự cố mặt đất vào năm 2022.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng báo cáo này được dựa trên dữ liệu được tổng hợp trước vụ tai nạn bi thảm ngày 29/1 liên quan đến trực thăng Black Hawk và máy bay chở khách của American Airlines khiến 67 người thiệt mạng.

AH-64 Apache: Trực thăng dễ gặp sự cố nhất?

Trong năm 2024, ở Mỹ có 9 binh sĩ, một nhân viên dân sự và một dân thường thiệt mạng trong các sự cố bay, một nhân viên dân sự thiệt mạng trong một sự cố trên mặt đất. Theo dữ liệu, trực thăng AH-64 Apache của Boeing là loại gặp nhiều sự cố loại A nhất trong năm 2024. "Xu hướng rõ ràng nhất trong các sự cố năm 2024 là đội bay AH-64 chiếm tỷ lệ vượt trội với 9 trong số 15 sự cố bay loại A. 8 trong số các sự cố liên quan đến AH-64 là do lỗi con người, trong đó hai lỗi là lỗi bảo trì. Sự cố cuối cùng liên quan đến va chạm với chim”, báo cáo của Lục quân Mỹ viết.

Theo sau AH-64 là trực thăng UH-72 Lakota của Eurocopter, gặp ba sự cố loại A trong năm 2024, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ khi nó được đưa vào sử dụng. UH-72 Lakota là trực thăng đa dụng hạng nhẹ do Eurocopter (nay là Airbus Helicopters) sản xuất, được phát triển từ mẫu EC145 dân sự. Quân đội Mỹ đưa UH-72 Lakota vào sử dụng năm 2006, chủ yếu cho các nhiệm vụ không chiến đấu như huấn luyện phi công, vận tải nhẹ, y tế, an ninh nội địa và hỗ trợ lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Điều tra các vụ tai nạn của Lục quân Mỹ -0
Chiếc máy bay của Delta Airlines gặp nạn tại Toronto, Canada.

Trực thăng Lục quân Mỹ có liên quan trong vụ va chạm ngày 29/1 trên bầu trời thủ đô Washington là một chiếc UH-60 Black Hawk thuộc Đại đội Bravo của Tiểu đoàn Hàng không số 12 tại sân bay quân sự Davison, đóng tại Fort Belvoir, bang Virginia.

Black Hawk cũng gặp phải 13 sự cố loại C trong năm 2024. Theo định nghĩa của Hàng không Lục quân Mỹ, sự cố loại C là những sự cố gây thiệt hại tài chính từ 60.000 đến 500.000 đôla Mỹ và/hoặc chấn thương không gây chết người nhưng khiến người bị nạn phải nghỉ làm hoặc ngừng huấn luyện.

Dữ liệu cho thấy trong năm 2024, AH-64 Apache là loại máy bay dễ gặp sự cố nhất của Lục quân Mỹ. Thực tế, trong 4 năm, từ 2020 đến 2024, AH-64 Apache gặp nhiều sự cố loại A nhất. Trong khoảng thời gian này, AH-64 Apache gặp 17 sự cố nghiêm trọng, trong khi Black Hawk có 12 sự cố nghiêm trọng. AH-64 Apache là trực thăng tấn công chủ lực của quân đội Mỹ, chuyên dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất như xe tăng, thiết giáp, yểm trợ hỏa lực cho bộ binh. Trực thăng có vũ khí mạnh gồm pháo 30mm và tên lửa Hellfire.

Trong khi đó, UH-60 Black Hawk là trực thăng vận tải đa nhiệm, đảm nhiệm việc chở quân, vận chuyển hàng hóa, cứu thương và hỗ trợ hậu cần trên chiến trường. Nếu Apache là "thợ săn" với hỏa lực mạnh và cảm biến hiện đại, Black Hawk là "ngựa thồ" đáng tin cậy, linh hoạt, phục vụ cho nhiều nhiệm vụ khác nhau trong chiến đấu và cứu hộ.

Lỗi con người - yếu tố chính gây tai nạn?

Theo Flightfax, bản tin chuyên về “Phòng ngừa sự cố máy bay Lục quân Mỹ”, trong năm 2024, 8 trong 9 sự cố loại A của AH-64 Apache là do “lỗi con người”. Kỗi con người cũng có thể là một yếu tố trong vụ tai nạn Black Hawk ngày 29/1 tại Washington.

Các nhà điều tra khi xem xét vụ va chạm giữa không trung bi thảm này đã phát hiện ra rằng đồng hồ đo độ cao của trực thăng có thể đã cung cấp số liệu không chính xác và các phi công có thể đã không nghe thấy một số thông tin liên lạc từ đài kiểm soát không lưu Sân bay Quốc gia Reagan.

Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), bà Jennifer Homendy, tiết lộ hồi tháng 2 rằng một bản ghi âm từ buồng lái trực thăng cho thấy tổ lái có thể đã không nghe được lệnh phải bay phía sau chiếc máy bay chở khách. Nếu nghe thấy chỉ thị này, họ có thể đã tránh được tai nạn chết người. Lục quân Mỹ cũng thừa nhận trong các báo cáo những năm gần đây rằng “văn hóa an toàn yếu kém là một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất gây ra các sự cố trong lúc làm nhiệm vụ”.

Dữ liệu của Lục quân Mỹ giai đoạn 2023-2024 cho thấy có 39 “hành vi không an toàn” dẫn đến các sự cố loại A: trong số 39 hành vi này, 24 là lỗi kỹ năng, 12 là lỗi phán đoán và 3 là hành vi cố tình vi phạm quy trình. Các sự cố bao gồm nhiều trường hợp không tuân theo quy trình hoặc danh sách kiểm tra, hành động quá vội vàng hoặc trì hoãn, một trường hợp bỏ qua cảnh báo và một trường hợp thiếu kỷ luật nghiêm trọng.

Số lượng sự cố cao liên quan đến trực thăng tiến công AH-64 Apache cũng có thể là hậu quả của việc huấn luyện không đầy đủ hoặc không tuân thủ đúng quy trình đã được thiết lập. Một nghiên cứu về hiện tượng lệch hướng của dòng máy bay AH-64E do Cục Thử nghiệm bay thuộc Trung tâm Thử nghiệm Lục quân Mỹ công bố cho thấy nhiều phi công không sử dụng đúng hệ thống cân bằng lực (force trim) và không hiểu cách hoạt động của chế độ giữ hướng (heading hold).

“Nếu phi công sử dụng sai hệ thống force trim, họ có thể gặp hiện tượng lệch hướng ngoài ý muốn hoặc việc kiểm soát chuyến bay bị tác động không chủ đích, dẫn đến hư hỏng máy bay hoặc gây thương tích cho người điều khiển”, nghiên cứu cho biết.

Điều tra các vụ tai nạn của Lục quân Mỹ -0
Trực thăng AH 64 Apache của Lục quân Mỹ.

Tai nạn hàng không dân dụng cũng gia tăng

Bên cạnh các tai nạn hàng không quân sự, ngành hàng không dân dụng Mỹ cũng đã chứng kiến một loạt các sự cố trong năm nay và năm ngoái.

Greenville News dẫn số liệu của NTSB cho hay tại Mỹ có 1.417 vụ tai nạn hàng không dân dụng trong năm 2024, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong số này, 258 vụ tai nạn gây tử vong, khiến 393 người thiệt mạng. Hãy so sánh: Năm 2020 ở Mỹ có 1.139 vụ tai nạn; năm 2015 có 1.241 vụ tai nạn. Trung bình giai đoạn 2015-2023 có khoảng 1.200 vụ/năm.

Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể số vụ tai nạn hàng không, tạo cảm giác rằng "tai nạn hàng không ngày càng nhiều", dù bản chất là do sự bất thường của riêng năm đó. Tuy nhiên, các vụ tai nạn hàng không tại Mỹ đầu năm 2025 tiếp tục củng cố những lo ngại của công chúng.

Vụ va chạm trên không giữa máy bay của hãng American Airlines và trực thăng Black Hawk của Lục quân Mỹ hồi tháng 1 là tai nạn hàng không chết chóc nhất trong lịch sử hàng không Mỹ kể từ năm 2001, khiến cả nước Mỹ bàng hoàng và đặt ra hàng loạt câu hỏi về các quy trình an toàn hàng không.

Chưa đầy một tháng sau, vào tháng 2/2025, lại xảy ra một vụ tai nạn khác khi một chiếc máy bay của hãng Delta Airlines gặp sự cố và bị lật khi đang tiếp cận sân bay quốc tế Pearson ở Toronto, Canada. Nguyên nhân được cho là do gió mạnh ở khu vực Toronto. Rất may không có ai thiệt mạng, nhưng có 18 người bị thương.

Dữ liệu từ NTSB cho thấy đã có 94 vụ tai nạn hàng không xảy ra trong hai tháng đầu năm 2025. Theo thống kê, tháng 1 có 63 vụ tai nạn và tháng 2 có 31 vụ. Dữ liệu cũng cho biết có 13 vụ tai nạn hàng không gây chết người trong hai tháng đầu năm 2025, với 10 vụ trong tháng 1 và 3 vụ trong tháng 2.

Ngày 6/2, một chiếc máy bay nhỏ chở 10 hành khách đã mất độ cao và tốc độ, rồi biến mất khỏi màn hình radar và rơi tại Alaska. Sở An toàn Công cộng Alaska xác nhận không có người sống sót. Cũng trong tháng, tại sân bay Midway ở Chicago, một chuyến bay của Southwest Airlines buộc phải hủy hạ cánh vào phút chót để tránh va chạm với một máy bay tư nhân đang trên đường băng. Những sự cố hàng không này đã làm suy giảm niềm tin của công chúng vào độ an toàn của việc di chuyển bằng đường hàng không, dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán vé máy bay của các hãng hàng không.

Tháng trước, kênh CNN dẫn lời Ed Bastian, CEO của hãng Delta Airlines, cho biết tình trạng tụt dốc doanh số bán vé mà các hãng đang trải qua năm nay một phần là do hai vụ tai nạn gần đây - một liên quan đến máy bay của Delta, và một liên quan đến American Airlines. “Hai vụ tai nạn đã khiến người tiêu dùng sốc”, ông Bastian nói tại hội nghị các nhà đầu tư của tập đoàn tài chính JPMorgan Chase.

Dù không nêu rõ mức độ sụt giảm doanh số, công ty của Bastian đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng doanh thu quý, cho thấy ngành hàng không đang gặp khó. Delta cho biết sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng cùng với tình hình kinh tế bất ổn cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đi lại. “Chúng tôi thấy tình trạng đặt vé chững lại ngay lập tức. Niềm tin của người tiêu dùng vào an toàn bay đã bắt đầu suy giảm khi các câu hỏi về mức độ an toàn được đặt ra”.

Robert Isom, CEO của American Airlines, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông cho biết vụ tai nạn đã khiến doanh thu của hãng trong quý đầu năm 2025 thấp hơn dự kiến. Theo dữ liệu được thu thập bởi OAG - một nền tảng dữ liệu hàng đầu trong ngành du lịch toàn cầu - lượng đặt chỗ trước cho các chuyến bay giữa Mỹ và Canada trong 6 tháng tới đã giảm 75%.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.