Dmitry Bystroletov - Vị Bá tước của tình báo Liên Xô

Thứ Năm, 14/09/2023, 12:59

Ngay cả trong số những nhà tình báo Liên Xô xuất sắc, Dmitry Bystroletov vẫn nổi bật nhờ những khả năng siêu phàm của mình. Xuất thân từ dòng dõi quý tộc lâu đời, ông biết hơn 20 ngoại ngữ, thường thay đổi danh tính, tiểu sử và chinh phục được nhiều phụ nữ, khiến họ cung cấp cho ông những thông tin vô giá. Nhiều bí mật ông khai thác được trong những năm hoạt động tình báo cách đây nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn được coi là bí mật quốc gia.

Dmitry Bystroletov sinh ngày 3/1/1901 tại tỉnh Taurida thuộc Đế quốc Nga, ông là con ngoài giá thú của Bá tước Aleksandr Tolstoy, anh trai của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Aleksey Tolstoy.

Trước năm 1913, Dmitry Bystroletov sống và học tiểu học ở Saint- Petersburg, sau đó, ông học Trường thiếu sinh quân Sevastopol, trường trung học và trường trung cấp hải quân ở Anapa.

ảnh 1.jpg -0
Nhà tình báo Dmitry Bystroletov.

 Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông  tham gia các chiến dịch đổ bộ đánh Thổ Nhĩ Kỳ trong thành phần Hạm đội Biển Đen của Nga. Theo truyền thống gia đình, sĩ quan tình báo Liên Xô tương lai chính thức nhận danh hiệu bá tước trước thềm cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917.

Sau cách mạng, Dmitry Bystroletov chiến đấu chống những người Bolshevik trong hàng ngũ quân Bạch vệ, nhưng nhanh chóng nhận ra cán cân lực lượng nghiêng về phía những người Bolshevik, năm 1918, ông chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Mùa thu năm 1920, Dmitry Bystroletov tổ chức một cuộc bạo loạn trên chiếc tàu buồm có động cơ “Mục sư Sergiy”. Ngày 14/11/1920, Krym bị Hồng quân chiếm đóng, và Bystroletov đưa tàu đến Yevpatoria, nơi ông được Ủy ban Đặc biệt Cheka toàn Nga (Cheka) tuyển mộ. Tàu "Mục sư Sergiy" đổi tên thành "Mục sư Trotsky"(!).

Để tiến hành một chiến dịch đặc biệt của Cheka,  tàu “Mục sư Trotsky” rời Odessa, hướng đến Bulgaria với hai nhân viên an ninh trên tàu, một trong số đó là Dmitry Bystroletov. Tuy nhiên, chiến dịch đã thất bại; chiếc tàu va vào băng và suýt bị chìm. Các thủy thủ và hành khách may mắn thoát nạn.

Năm 1921, Dmitry Bystroletov lại đến Thổ Nhĩ Kỳ theo chỉ thị của Cheka. Thời gian này, ông quyết định chuyển đến sống ở châu Âu. Để có tiền mua vé tàu, nhà tình báo tương lai phải lao động nặng nhọc, ông làm thủy thủ trên các con tàu của Bạch vệ. Tuy vậy, ông vẫn kịp học trường cao đẳng dành cho các Kitô hữu châu Âu. Tháng 5/1922, Dmitry Bystroletov chuyển đến Tiệp Khắc để tiếp tục học tập.

ảnh 2.jpg -0
Bà Maria Milena Bystroletova (Iolanta), vợ của Dmitry Bystroletov.

Năm 1923, Dmitry Bystroletov trở thành nhân viên chính thức của phái đoàn thương mại Liên Xô tại Praha. Công việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn, vì vậy, năm 1924, ông vào học khoa luật của Đại học Karl. Năm 1927, ông bảo vệ luận văn đề tài “Chuyên gia buôn bán dầu mỏ thế giới". Và tháng 3/1928, sau khi bảo vệ luận án “Những vấn đề pháp lý căn bản trong việc lý giải chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, Dmitry Bystroletov được trao bằng tiến sĩ luật.

Tại Praha, ông gia nhập “Hội sinh viên - Công dân Nga” và năm 1925, trước khi tốt nghiệp đại học, với tư cách là đại biểu tham dự Hội nghị sinh viên vô sản toàn liên bang, ông đã đến Moscow. Lúc bấy giờ, ông được gặp một trong những nhân vật chủ chốt của tình báo Liên Xô, Artur Artuzov.

Từ năm 1930, nhân vật của chúng ta trở thành cán bộ chính thức của Phòng Đối ngoại của Tổng cục Chính trị Toàn Liên bang, bộ phận này phụ trách tình báo đối ngoại

Công việc tại phái đoàn thương mại Liên Xô chỉ là vỏ bọc cho hoạt động chính - tình báo kỹ thuật, kinh tế và chính trị. Chẳng bao lâu, trong số những người cung cấp thông tin cho ông, xuất hiện các nhân vật nổi bật của giới kinh doanh và tài chính. Bởi, cùng với hoạt động gián điệp kinh tế, ông được giao nhiệm vụ chia rẽ phong trào Bạch vệ.            

Một trong những thành công quan trọng đầu tiên của Dmitry Bystroletov là tuyển mộ Kurt, thợ đốt lò của Đại sứ quán Đức ở Praha. Kurt là người chuyên đốt những tài liệu quan trọng của phái bộ ngoại giao Đức. Vốn giỏi tiếng Đức, Dmitry Bystroletov tự giới thiệu là người vùng Baltic và chiếm được lòng tin của anh ta. Vì vậy, những tài liệu quan trọng, hơi bị cháy sém ở mép, đã rơi vào tay tình báo Liên Xô.

Để có được mật mã của Bộ Ngoại giao Pháp, Dmitry Bystroletov buộc phải kết bạn với một phụ nữ Pháp 29 tuổi, thư ký của đại sứ quán, người được phép sử dụng thư từ và mật mã của cơ quan ngoại giao. Năm 1928, bà đã cung cấp cho Phòng Đối ngoại của Tổng cục Chính trị Toàn liên bang các báo cáo và mật mã của đại sứ Pháp tại Praha.

Thời gian này, Dmitry Bystroletov đã kết hôn với người đẹp Czech Milena (Maria) Shelmatova, bà hoạt động trong nhóm bốn điệp viên do chồng thành lập năm 1930 với bí danh Iolanta.

Năm 1930, Dmitry Bystroletov được ban lãnh đạo tình báo Liên Xô cử sang Đức với bí danh Andrey. Ít lâu sau, Iolanta liên lạc với chồng và giúp ông trong công việc khó khăn và nguy hiểm. Từ Đức, họ chuyển đến Hà Lan, nơi Andrey thành lập công ty buôn bán hàng dệt may để làm vỏ bọc. Chàng điệp viên nằm vùng mở tài khoản của mình tại một ngân hàng ở Amsterdam và trở thành thành viên của Phòng Thương mại địa phương. Tư cách thương gia cho phép Andrey thực hiện các chuyến công tác đến các nước khác nhau và hoàn thành các nhiệm vụ của Trung tâm giao.

Hoạt động và mối quan hệ của ông mở rộng tới châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Kết quả là tình báo Liên Xô đã nhận được mật mã và mật khẩu hộp thư của các đại sứ Đức, Anh, Ý và Pháp. Thậm chí Dmitry Bystroletov còn đọc được thư riêng của Benito Mussolini và Adolf Hitler, nhờ đó ông chuyển cho Liên Xô các tài liệu về các công nghệ và mô hình vũ khí tiên tiến nhất.

Ví dụ, trong quá trình thực hiện một chiến dịch đặc biệt, ông đóng vai Bá tước Hungary và tuyển mộ được nhân viên mật mã Anh Ernest Oldham. Để thực hiện chiến dịch này, ông phải khẩn trương học tiếng Hungary, tìm hiểu luật pháp và truyền thống của đất nước này. Còn để tránh những bất ngờ có thể xảy ra, ông đã quyến rũ vợ của Ernest Oldham. Một thời gian sau, Ernest Oldham bị đuổi khỏi Bộ Ngoại giao vì nghiện rượu, nhưng tình báo Liên Xô vẫn tiếp tục nhận được những thông tin quan trọng.

Chiến công này của nhà tình báo trẻ được cấp trên đánh giá cao. Ngày 17/9/1932, Tổng cục Chính trị toàn liên bang đã trao tặng ông khẩu súng khắc dòng chữ: “Vì cuộc chiến đấu sống còn với bọn phản cách mạng”.

Vẫn dưới vỏ bọc bá tước Hungary, Dmitry Bystroletov làm quen với Merlin, một phụ nữ Đức làm thư ký kỹ thuật tại kho lưu trữ của một xí nghiệp lớn ở Đức. Kho lưu trữ này chứa các tài liệu về tình báo quân sự và kinh tế chống Liên Xô. Nhà báo Aleksandr Ostrovsky viết: “Người phụ nữ không mấy dễ thương ở độ tuổi Balzac này vốn ghét tất cả đàn ông và hết lòng sùng bái Hitler”. “Bá tước Hungary” đóng vai một kẻ ngây ngô “muốn tìm hiểu hệ tư tưởng của chủ nghĩa quốc xã”. Merlin đồng ý giúp đỡ bá tước, các cuộc gặp gỡ của họ ngày càng thường xuyên hơn. Trái tim Merlin rung động và cô bắt đầu chuyển các tài liệu mật cho người tình của mình. Mọi chuyện tưởng như có thể dẫn tới hôn nhân. Nhưng một hôm, bất ngờ nàng được tin chàng “bị tai nạn và qua đời trong một cuộc đi săn…”.

Mấy năm sau, họ tình cờ gặp nhau tại một quán cà phê ở Berlin. Lợi dụng lúc ồn ào, Dmitry Bystroletov biến mất.

Dmitry Bystoletov không bao giờ ngừng học tập. Năm 1935, ông tốt nghiệp khoa Y của Đại học Zurich, và năm 1936, ông bảo vệ luận án về phụ khoa, nhận bằng tiến sĩ y khoa. Ông thích vẽ, đã từng theo học tại các học viện mỹ thuật ở Paris và Berlin, và năm 1937, ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Liên Xô.

ảnh 5.png -0
Trại cải tạo lao động Norillag.

Cuối năm 1936, vợ chồng Dmitry Bystroletov trở về Moscow. Ông vào làm việc tại cơ quan tình báo Trung ương với cấp bậc trung úy an ninh quốc gia. Tháng 2/1938, Dmitry Bystroletov rời Tổng cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ, và được bổ nhiệm chức Trưởng phòng Dịch thuật của Phòng Thương mại Liên bang.

Ông hiểu rằng rất có thể đây là tín hiệu nguy hiểm. Quả vậy, ngày 17/9/1938, Dmitry Bystroletov bị bắt. Ông bị buộc tội làm gián điệp và có quan hệ với kẻ thù của nhân dân, và ngày 8/5/1939, Hội đồng Quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô tuyên phạt ông mức án 20 năm lao động cải tạo, đồng thời tước quyền lợi chính trị 5 năm và tịch thu tài sản cá nhân.

Khi biết tin Dmitry Bystroletov bị bắt, mẹ ông đã tự sát.

Dmitry Bystoletov thi hành hình phạt bất công của mình trong những năm 1939-1947 ở các trại cải tạo lao động Norillag và Siblag. Trước khi qua đời, bà Iolanta, vợ ông, đã đến đây để từ biệt chồng.

Thật bất ngờ, tháng 1/1948, theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô Viktor Abakumov, tù nhân Dmitry Bystroletov được áp giải về Moscow. Abakumov mời ông trở lại hoạt động tình báo. Dmitry Bystroletov đồng ý, nhưng chỉ với điều kiện: xem xét lại vụ án và hoàn toàn biện minh cho ông. Vì sự táo bạo này những thử thách mới lại bắt đầu với ông.

Trước năm 1951, Dmitry Bystroletov bị giam tại nhà tù chế độ đặc biệt ở Sukhanovo, từ năm 1951 đến 1952 - ở Ozerlag và Kamyshlag (tỉnh Omsk). Năm 1954, sau một cơn đột quỵ, ông được trả tự do.

Năm 1953, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên soái Lavrenty Beria ra lệnh ân xá cho những tù nhân có mức án dưới 5 năm. Dmitry Bystroletov không nằm trong số đó. Phải chờ đến Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô công lý mới được lập lại: năm 1956, Dmitry Bystroletov được phục hồi danh dự vì thiếu bằng chứng phạm tội.

Chỉ khi xuất hiện thời kỳ “tan băng” Khruschyov, Dmitry Bystroletov mới được cấp một căn phòng rộng 10m2 tại một khu chung cư ở Moscow. Con người biết hơn hai chục ngoại ngữ này được bố trí làm biên tập viên tại Viện nghiên cứu Thông tin kỹ thuật y tế Liên Xô. Ông đã dành toàn bộ những năm cuối đời để kể lại sự thật về các trại giam. Tác phẩm văn học này gồm 17 cuốn có nhan đề “Bữa tiệc của những kẻ bất tử” mà cựu sĩ quan tình báo đã kịp hoàn thành trước khi qua đời. Năm 1973, bộ phim trinh thám “Người đàn ông mặc thường phục” chuyển thể từ tác phẩm của ông đã được thực hiện.

Bộ phim mang lại danh tiếng cho Dmitry Bystroletov. Ông được cấp một căn hộ hai buồng, nhưng riêng khoản lương hưu của KGB thì ông từ chối. Ông cũng không được trả lại các giải thưởng nhà nước. Dmitry Bystroletov qua đời ngày 3/5/1975 và được an táng tại nghĩa trang Khovanskoye ở Moscow.

Trần Đình (Tổng hợp)
.
.