Đội cận vệ của Hoàng gia Anh

Chủ Nhật, 05/05/2024, 11:28

Hầu hết những người nổi tiếng trên thế giới đều sử dụng dịch vụ vệ sĩ, nhưng việc bảo vệ nhà vua và các thành viên cấp cao của Hoàng gia Anh suốt ngày đêm là nhiệm vụ quốc gia và được đảm trách bởi một đơn vị đặc biệt của Sở cảnh sát London. Việc bảo đảm sự an toàn, đặc biệt là khi họ xuất hiện trước công chúng phải theo nghi thức được thực hiện bởi các cận vệ ưu tú được đào tạo đặc biệt và phải tuân theo những yêu cầu đặc biệt.

Đào tạo và kỹ năng

Việc bảo đảm an toàn cho Hoàng gia Anh được thực hiện bởi một đơn vị chuyên trách của Sở Cảnh sát Thủ đô. Vì vậy, bước đầu tiên để trở thành Vệ sĩ Hoàng gia là phải trở thành sĩ quan Sở Cảnh sát London. Nhóm vệ sĩ được lựa chọn cho đơn vị này bao gồm những sĩ quan được đào tạo bài bản nhất và phải đáp ứng những yêu cầu cao nhất. Để được chấp nhận vào nhóm này, ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn chuyên sâu và quá trình kiểm tra nhân thân kỹ lưỡng và họ cần có sức bền tâm lý, tư cách đạo đức tốt, có kinh nghiệm, được đào tạo và có các kỹ năng phù hợp.

Đội cận vệ của Hoàng gia Anh -0
Một buổi diễu hành của đội Vệ binh Hoàng gia.

Ngoài ra, các sĩ quan của đội bảo vệ Hoàng gia  phải có những yêu cầu như tính cảnh giác tự thân, khả năng đưa ra quyết định tức thời, lái xe thành thục, bắn súng giỏi, thạo võ, sơ cứu nạn nhân v.v… Các kỹ năng nâng cao hơn cũng được yêu cầu, bao gồm kiến thức về cách bảo vệ xe của mình khỏi bị trộm hoặc bị truy đuổi, phải sử dụng chiến thuật nào trong những tình huống có nguy cơ cao.

Điều quan trọng không kém là kỹ năng giao lưu với những người nổi tiếng và các nhóm đông người. Điểm then chốt là cách giao tiếp rõ ràng và bình tĩnh, cũng như khả năng làm dịu các tình huống căng thẳng, giải quyết xung đột, hiểu rõ về môi trường xung quanh và có thể linh hoạt chuyển từ kế hoạch thuyết phục sang phương án hoạt động dự phòng. Các vệ sĩ phải biết khi nào nên thương lượng và khi nào cần sự kiên quyết để duy trì trật tự.

Trong quá trình huấn luyện, nhóm vệ sĩ được giao khá nhiều nhiệm vụ, trong mỗi nhiệm vụ họ phải sử dụng kết hợp tất cả các kỹ năng này một cách hoàn hảo để mang lại kết quả tốt nhất. Quá trình đào tạo này kéo dài hàng tháng và lặp lại thường xuyên nên rõ ràng là tính kiên nhẫn cũng là điều bắt buộc đối các ứng viên.

Đội cận vệ của Hoàng gia Anh -0
Dàn vệ sĩ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Trang bị

Không giống như cảnh sát Mỹ, cảnh sát Anh thường không mang theo vũ khí. Hầu hết các sĩ quan ở Vương quốc Anh chỉ được trang bị dùi cui và bình xịt hơi cay. Và chỉ một số người được phép mang vũ khí trong những trường hợp nhất định. Trong số 35.000 sĩ quan cảnh sát Thủ đô London, chỉ có 2.600 người có giấy phép sử dụng súng, trong số đó chắc chắn có các sĩ quan của một đơn vị chuyên trách thuộc nhóm bảo vệ Hoàng gia. Đó là những vệ sĩ duy nhất ở Anh được phép thường xuyên mang vũ khí trong cuộc sống hàng ngày và do đó, họ chiếm một phần đáng kể trong số 2.600 cảnh sát. Vũ khí tiêu chuẩn của họ là Glock 17- loại vũ khí của lực lượng vũ trang Anh.

Khác với Vệ binh Hoàng gia là những nhân vật nổi tiếng đứng trước cung điện Hoàng gia trong chiếc áo khoác màu đỏ và mũ lông chóp cao mà công việc của họ chủ yếu mang tính nghi lễ, còn các thành viên thường trực của đội bảo vệ Hoàng gia luôn mặc trang phục dân sự và trông họ kín đáo hơn. Ngoài súng, họ phải mang theo thiết bị liên lạc và túi cứu thương.

Mặc dù được phép, nhưng không phải vệ sĩ Hoàng gia nào cũng mang theo súng, điều này phụ thuộc vào cấp bậc của nhân vật được bảo vệ. Không phải mọi thành viên Hoàng gia đều nhận được mức độ bảo vệ như nhau. Các sĩ quan bảo vệ của một số thành viên Hoàng gia ở cấp thấp hơn sử dụng súng điện Taser thay vì súng lục. Cần lưu ý rằng vợ chồng Hoàng tử Harry - Megan Markle, sau khi rời bỏ chức vụ thành viên của Hoàng gia, đã mất quyền được bảo vệ vũ trang trong thời gian đi lại tại Vương quốc Anh.

Cũng có những trường hợp mà súng của đội bảo vệ Hoàng gia là nguyên nhân của các vụ rắc rối. Chẳng hạn, vào năm 2000, trên chuyến tàu Hoàng gia chở Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử Philip, một vệ sĩ đã vô tình bắn súng hai lần trong toa nhà ăn. Mặc dù không có ai bị thương, nhưng nội thất của đoàn tàu ít nhiều bị hư hại, Nữ hoàng và Công tước xứ Edinburgh vào lúc đó đang ngủ yên trong toa của họ. Viên sĩ quan này đã bị đình chỉ nhiệm vụ vì xử lý súng thiếu chuyên nghiệp. Vào năm 2023, một vệ sĩ khác đã vô tình nổ súng khi đang cố tháo đạn tại Cung điện St James và suýt bắn trúng một người lính trước khi viên đạn nảy lên từ mặt đất và làm vỡ cửa sổ. Anh ta cũng ngay lập tức bị cho thôi việc.

Đội cận vệ của Hoàng gia Anh -0
Các vệ sĩ của công nương Diana và thái tử Charles.

Hành động trong những trường hợp bất khả kháng

Các thành viên cấp cao của gia đình Hoàng gia được bảo vệ vũ trang suốt ngày đêm, không chỉ tại các sự kiện và khi họ phát biểu nơi công cộng. Họ được bảo vệ liên tục từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời. Ngay cả trong đời sống cá nhân tại nhà riêng, các thành viên Hoàng gia khó có được sự riêng tư vì luôn có lính canh túc trực.

Với thực tế là hầu hết các thành viên của gia đình Hoàng gia đều có những vệ sĩ ưa thích của riêng mình, vậy liệu các nhân viên bảo vệ Hoàng gia có thời gian rảnh rỗi hay họ luôn phải túc trực? Trên thực tế, họ có những ngày nghỉ cho cuộc sống cá nhân hoặc gia đình, nhưng trong khi làm việc thì không có thời gian ngưng nghỉ. Ngay cả khi không có chuyện gì xảy ra, các vệ sĩ của Hoàng gia vẫn phải luôn ở tư thế sẵn sàng. Họ phải chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống có thể phát sinh bất ngờ, vì vậy những lúc yên bình họ sẽ suy nghĩ về các tình huống bất trắc và lên kế hoạch hành động hoặc trao đổi với các thành viên khác của  nhóm.

Phần lớn công việc bảo vệ thành viên của Hoàng gia là luôn sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào và sẵn sàng để giải quyết chúng. Hơn nữa, công việc của họ không chỉ có vũ khí đặc chủng, xe tốc độ cao và khả năng hành động trong những tình huống khắc nghiệt. Phần lớn công việc bảo vệ Hoàng gia liên quan đến sự chuẩn bị cho mọi tình huống nguy cơ và chuẩn bị tinh thần cho mọi hậu quả có thể xảy ra. Ngoài việc giữ một cái đầu lạnh trong mọi tình huống sự cố, mục tiêu của nhân viên An ninh Hoàng gia là cố gắng ngăn chặn sự cố xảy ra ngay từ đầu.

Theo cựu nhân viên an ninh Hoàng gia Simon Morgan, ngay cả việc lên kế hoạch cho buổi phát biểu của một thành viên Hoàng gia cũng có thể mất nhiều tháng với nhiều công việc khác nhau, bao gồm thời gian tìm kiếm địa điểm, gặp gỡ các nhà tổ chức sự kiện, lên kế hoạch về tuyến đường di chuyển, khu vực đậu xe v.v.. Ngoài ra, sĩ quan bảo vệ còn phải suy nghĩ về kế hoạch phải làm gì nếu phát sinh khủng hoảng, hình dung một cách thực tế mọi kịch bản tiềm năng và nên làm gì trong từng trường hợp.

Mọi khía cạnh của kế hoạch đều được xem xét nhiều lần, bao gồm cả việc đi lại trên tuyến đường, xem xét danh sách khách đã lên lịch và truyền đạt rõ ràng các nhu cầu an ninh của địa điểm. Morgan cho rằng việc có một kế hoạch rõ ràng là điều cần thiết để tránh bị mất cảnh giác. Ông nói rằng theo thời gian, những điều này trở thành việc thiết yếu, mặc dù kế hoạch bị thay đổi và phải điều chỉnh cho phù hợp với từng sự kiện cụ thể.

Đội cận vệ của Hoàng gia Anh -0
Đội vệ sĩ trước đây của vợ chồng hoàng tử Harry-Megan.

Cách cư xử với nhân vật được bảo vệ

Các thành viên của đơn vị đặc biệt thường đảm bảo sự bảo vệ khách hàng riêng của họ - là một thành viên cụ thể của gia đình Hoàng gia trong một thời gian dài, nhưng cũng có thể có những thay đổ về nhân sự.

Năm 2021 đã chứng kiến sự tái bố trí lớn của một số sĩ quan vì sở Cảnh sát đưa ra quan điểm rằng nếu các vệ sĩ hiểu quá rõ về các chủ nhân của mình, họ sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn, điều này khiến cho họ ít cảnh giác hơn. Gia đình Hoàng gia không thật hài lòng với những thay đổi về nhân sự này, nhưng nhờ đàm phán, họ đã đạt được thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp này trong mối quan hệ giữa các vệ sĩ và khách hàng của họ đạt được thông qua các quy định nghiêm ngặt nhằm tuân thủ “nguyên tắc vàng” mà các nhân viên an ninh nên cố gắng đạt được: đủ gần để có được sự tin tưởng, nhưng không quá gần gũi để trở nên tự tin và mất cảnh giác.

Nhờ quyền lực, tầm ảnh hưởng, sự giàu có và danh tiếng, Hoàng gia Anh được tiếp cận những địa điểm tốt nhất và hấp dẫn nhất trên trái đất, các thành viên cấp cao trong gia đình thường được đối xử như những người nổi tiếng. Do đó, các thành viên trong đội an ninh thường trực của họ cũng có quyền tiếp cận những địa điểm này, có cơ hội đi du lịch vòng quanh thế giới, dùng những món ăn ngon và tham dự các sự kiện cấp cao nhất trong khuôn khổ công việc của mình.

Tuy nhiên, như Simon Morgan nói, dù bề ngoài có “ngầu” đến đâu, đối với một vệ sĩ, đây không phải là một kỳ nghỉ mà là một phần của công việc vất vả và nguy hiểm, trong thời gian đó họ phải cảnh giác để mắt tới khách hàng của mình. Và người vệ sĩ hãy luôn nhớ rằng, các bữa tiệc hoành tráng, những chiếc xe hơi sang trọng và những món ăn ưa thích là một phần của sống của “thân chủ”, chứ không phải của anh ta.

Có một vụ bê bối nổi tiếng xảy ra với hoàng tử Harry vào năm 2012. Trong chuyến đi tới Las Vegas, các vệ sĩ của ông đã quá mất tập trung trong bữa tiệc đến nỗi họ đã bỏ qua khoảnh khắc một vị khách đã chụp cảnh hoàng tử đang chơi bida thoát y. Những bức ảnh này sau đó đã bị cung cấp cho báo chí. Những trường hợp như vậy không chỉ có thể làm tổn hại đến khách hàng mà còn trở thành điểm yếu cho hành vi tống tiền và thao túng sau này.

Ngoài việc cần giải quyết các vấn đề riêng lẻ phát sinh ở mỗi địa điểm mới, các vệ sĩ còn phải trinh sát khu vực, biết cơ sở y tế nào ở gần đó, con đường nhanh nhất đến bệnh viện, thành viên Hoàng gia mắc những bệnh gì để khi cần sẽ có sự hỗ trợ thích hợp.

Vệ sĩ phải biết những đặc điểm hành vi, phong cách tương tác với công chúng của “thân chủ”, có khả năng thích ứng và nhận ra các tín hiệu phi ngôn ngữ cũng như ngôn ngữ cơ thể của người được giám hộ. Ví dụ, hoàng tử Harry sẵn sàng ôm và tiếp xúc thân thể với những người xung quanh, nhưng công chúa Anne không bao giờ bắt tay thường dân. Nhiệm vụ của vệ sĩ là tính đến cả những đặc điểm này và chỉ “làm căng” khi nào thật cần thiết.

Hải Yến
.
.