Đôi uyên ương điệp viên người Mỹ
Cặp vợ chồng người Mỹ Morris Cohen và Leontina Petka đã gắn kết với nhau không chỉ trong tình yêu mà họ cùng hỗ trợ cho nhau trong hoạt động phục vụ Ban tình báo đối ngoại của Liên Xô. Nhờ những điệp viên này mà Moscow đã nắm được nhiều tài liệu bí mật của các quốc gia khác, cũng như việc chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ.
Làm quen
Morris Cohen sinh năm 1910 tại New York trong một gia đình người Nga di cư trước cách mạng. Morris đã tốt nghiệp đại học tại New York và trở nên nổi tiếng như một cầu thủ bóng bầu dục. Gia đình không giàu và học bổng thể thao đã giúp anh vào đại học Tổng hợp Columbia. Sau khi ra trường năm 1935 anh làm giáo viên lịch sử tại trường trung học. Năm 1936 anh gia nhập đảng Cộng sản Mỹ. Morris từng làm nhiều nghề như thợ sắp chữ, thợ cơ khí, nhân viên khách sạn ở New York, thêm công tác tuyên truyền trong công đoàn và phát hành tài liệu về đảng.
Leontina Petka sinh năm 1913 tại Mỹ trong một gia đình nhập cư Công giáo gốc Ba Lan. Cô gái bắt đầu đi làm từ năm 14 tuổi với công việc bảo mẫu, phục vụ bàn và quản gia. Năm 1935, Leontina gia nhập đảng Cộng sản Mỹ. Sau này Leontina làm công việc vận hành máy móc tại các nhà máy quốc phòng.
Cặp đôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1937 tại một cuộc mít-tinh ủng hộ Tây Ban Nha, trong những năm đó tại Tây Ban Nha đang xảy ra nội chiến. Ngay sau cuộc biểu tình này, Cohen lên đường làm chuyên gia tại Tây Ban Nha. Tại nơi đây, anh đã gặp Amadeo Sabatini, một điệp viên chuyên nghiệp làm cho Liên Xô (cũ) và đã được Amadeo tuyển dụng. Vào mùa thu năm 1938, Morris bị thương và trở về Mỹ. Sau khi hồi phục, Morris bắt đầu hoạt động tình báo, cung cấp thông tin cho phía Liên Xô.
Vào thời điểm gặp Morris Cohen, Leontina đã hoàn toàn kiên định với quan điểm của mình. Song ngay cả khi kết hôn, Leontina cũng không biết rằng chồng mình đã trở thành một điệp viên Liên Xô. Sự thật được Morris chia sẻ sau đám cưới và anh đề nghị vợ cùng làm việc với mình vì sẽ an toàn hơn cho cả hai. Leontina đã đồng ý mà không do dự. “Vào ngày 22/6/1941, ngày Đức tấn công Liên Xô, chúng tôi đã tổ chức đám cưới tại một thị trấn nhỏ ở bang Connecticut. Khi đó, thậm chí chúng tôi còn không biết rằng cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô đã bắt đầu. Và khi nắm biết tình hình, chúng tôi vội vàng quay trở lại New York” - Leontina viết trong hồi ký.
Lúc này Morris là một điệp viên rất quan trọng đang làm việc cho Liên Xô. Leontina đã trở thành trợ lý của chồng và sau đó đóng vai trò chính trong hoạt động lấy các tài liệu liên quan đến việc phát triển bom nguyên tử và gửi cho bên kia bờ Thái Bình Dương.
Hoạt động tình báo
Tại Trung tâm, họ được biết đến với các bí danh là “Louis” và “Leslie”. Nhiệm vụ chung đầu tiên của hai vợ chồng Cohen là đánh cắp bản thiết kế về một loại vũ khí mới được phát triển của Mỹ. Leontina đã gặp một người đàn ông trẻ mà sau này cô gọi là Allen trong bản báo cáo của mình. Để đổi lấy 2.000 đôla, anh ta đã giao tài liệu theo yêu cầu của cô, không chỉ các bản vẽ mà còn cả mô hình hoạt động của loại vũ khí mới. Sau đó, Morris đã giấu chúng trong chiếc hộp đàn vĩ cầm và bằng cách đó giao cho người phụ trách Liên Xô của mình.
Ở thời điểm đó, Morris đã thành lập được mạng lưới hoạt động của mình, được gọi là “Tình nguyện viên”. Khi Morris được điều động và ra mặt trận vào năm 1942, Leontina đã tiếp nhận quyền lãnh đạo nhóm. Cô tham gia vào hoạt động gián điệp công nghiệp, kỹ thuật và khoa học, thiết lập mối quan hệ với những người cần thiết và khiến họ hợp tác bằng những cách khác nhau.
“Cô ấy có những phẩm chất cần thiết để thu thập nguồn tin nước ngoài - Leontina xinh đẹp, dũng cảm, thông minh và có một khả năng đáng kinh ngạc trong việc chiếm được cảm tình của người đối thoại. Đôi khi cô ấy quá xúc động và thẳng thắn, nhưng chúng tôi tin rằng những điều này có thể điều chỉnh được. Điều chính yếu là cô ấy có thể hóa thân và đóng các vai được giao cho mình. Theo ý kiến của chúng tôi, cô ấy thích hợp để hợp tác”. Sĩ quan tình báo Liên Xô Yuri Sokolov hoạt động tại New York cùng với họ thời gian đó nhận xét về Leontina như vậy. Là một sĩ quan tình báo, Leontina đã chuyển những thông tin bí mật qua các điệp viên khác nhau, cùng phối hợp hoạt động để gửi tin tức về Moscow
Thời gian này, Leontina đang làm việc tại “Dự án Mahattan” (tên gọi của hoạt động chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ). Năm 1943, Leontina đã mua một giấy giới thiệu từ một người bạn bác sĩ ở New York để đến “điều trị” tại một viện điều dưỡng gần Los Alamos, nơi đặt Trung tâm hạt nhân. Tại thời điểm này, quá trình phát triển bom nguyên tử đã được thực hiện ở Los Alamos và nguồn thông tin được truyền đến đó để phục vụ trong phòng thí nghiệm. Các nhân viên chỉ được ra khỏi thành phố đang đóng cửa một lần vào mỗi tháng.
Cuộc gặp của Leontina để giao tài liệu cho người nhận có biệt danh là Perseus đã diễn ra ở một nơi ồn ào. Cả hai người đều không biết về nhau và không biết mặt nhau. Mật hiệu là trên tay Perseus phải có một cái túi màu vàng có một mẩu vải hình đuôi cá nhô ra. Leontina đã chờ đợi cuộc gặp mặt với Perseus trong bốn tuần.
Sau cuộc gặp của Leotina với điệp viên trên, một vấn đề mới lại nảy sinh: bằng cách nào đó, tài liệu kỹ thuật phải được mang đến New York. Và tại nhà ga, cảnh sát đã khám xét rất kỹ lưỡng những hành khách sắp khởi hành. Tất cả các tài liệu đều ở dạng vi phim được Leontina đặt xuống dưới cùng trong một chiếc hộp khăn giấy. Khi đó, cô đã có một hành động thông minh mà sau này được đánh giá là tuyệt vời.
Khi Leontina đã ở trên tàu, cảnh sát đến yêu cầu đưa hành lý ra để kiểm tra, Leontina bình tĩnh mở túi và sau đó cô bắt đầu hắt xì hơi. Với cử chỉ hoàn toàn tự nhiên, cô lấy ra chiếc hộp khăn giấy rồi rút một vài chiếc khăn để sử dụng rồi đưa chiếc hộp cho một đặc vụ FBI. Trong khi cuộc kiểm tra đang diễn ra, cô lại tiếp tục hắt hơi và lấy ra thêm chiếc khăn giấy khác từ chiếc hộp vẫn đang ở trong tay nhân viên nọ. Khi việc kiểm tra sắp kết thúc, Leontina đã tiến một bước về lối lên toa tàu và sau đó “chợt nhớ ra” hộp khăn giấy của mình. Cô bình thản lấy lại nó từ tay tên mật vụ FBI rồi lên tàu rời đi. Chỉ vài ngày sau, những tài liệu quan trọng đó đã tới được Moscow.
Morris Cohen mang quân hàm hạ sĩ và nhận được một số giải thưởng quân đội sau khi từ chiến tuyến trở về vào tháng 11 năm 1945 và hai vợ chồng tiếp tục các hoạt động bí mật. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1940, thực tế khiến hai vợ chồng cần phải được khẩn cấp đưa ra khỏi nước Mỹ vì các nhân viên FBI đang ngày càng tiếp cận gần hơn với họ. Năm 1950, cả hai đến được Liên Xô một cách khó khăn, tại đây họ được đào tạo trong vài năm. Đến năm 1954, hai vợ chồng chuyển đến hoạt động tại Vương quốc Anh và lấy tên là Peter và Helen Kroger.
Cặp đôi đang là những doanh nhân giàu có và dự định bắt đầu việc kinh doanh ở Anh. Họ đã mua một căn nhà là một hiệu sách cũ cách không xa căn cứ của lực lượng không quân Mỹ để thiết lập địa điểm liên lạc với Moscow. Hai vợ chồng Cohen làm việc tại nước này được 5 năm, thu thập được nhiều thông tin rất quan trọng, trong đó có thông tin về vũ khí tên lửa đang được phát triển tại Anh.
Bị bắt và giam cầm
Cả Morris và Leontina đã bị phản bội bởi một kẻ đào tẩu khỏi tình báo Ba Lan. Hắn đã đưa tin tức về họ cho CIA và từ nơi này thông tin lại được chuyển về cho cơ quan tình báo MI-5 của Anh. Đầu tháng 1 năm 1961, Morris và Leontina đã bị bắt và bị tòa án tuyên phạt lần lượt 25 và 20 năm tù. Trong quá trình điều tra và xét xử, cặp đôi đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để có thể làm lộ thông tin về các cộng sự khác.
Morris và Leontina đã phải ngồi tù 9 năm trên đất Anh ở những nơi khác nhau và chỉ được gặp nhau mỗi tháng một lần trong một giờ dưới sự giám sát của giám thị. Mỗi tuần họ có thể viết thư cho nhau. Tất cả những đề nghị hợp tác của MI-5 để đối lấy tự do đều bị họ từ chối. Năm 1969, thông qua việc trao đổi tù nhân, Morris và Leontina được đổi lấy điệp viên người Anh là Gerald Brooke và hai điệp viên khác của MI-5 từng bị bắt tại Liên Xô.
Cuối đời
Hai vợ chồng Cohen đã trải qua những năm cuối cùng ở Liên Xô. Họ chuyển đến Moscow sau khi được nhận quốc tịch Liên Xô. Ban đầu cả hai làm công việc phân tích tại KGB, sau đó làm công tác đào tạo các nhân viên trẻ tại Cơ quan tình báo Đối ngoại của Nga. Đôi vợ chồng Morris và Leontina Cohen đã ở bên nhau cho đến cuối đời. Leontina mất vào năm 1992, 3 năm sau đó Morris cũng qua đời. Cả hai điệp viên ưu tú này đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga - Morris Cohen vào năm 1995 và Leontina Cohen vào năm 1996 vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong khi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt. Cả hai đều được chôn cất tại nghĩa trang Kuntsevo ở Moscow.