Đơn vị “Phòng tuyến sa mạc” mới của Israel
Vào một đêm mùa Đông trong sa mạc Judean (phía Bắc Israel), một chiếc xe jeep quân sự không có cửa của Israel chạy tới khu đốt lửa trại nơi Youssef Jalawi, một thường dân Israel (gốc Palestine, sống ở thành phố Rahat) đang nấu trà (chè) với 2 người bạn Palestine.
Những người lính ra khỏi xe Jeep mặc quân phục, nhưng trông họ giống “thanh niên miền đồi” (ám chỉ những người định cư hung hăng, trẻ tuổi, và sùng đạo) ngụ ở Bờ Tây và thường tấn công người Palestine ở gần đó.
Jalawi nhớ lại những người lính đã còng tay anh ta, và ấn đầu anh ta xuống. Và sau đó gí súng vào đầu Jalawi dọa sẽ giết anh ta nếu dám quay lại sa mạc.
Theo Jalawi, 1.000 NIS (đồng nội tệ của Israel) đã biến mất vào cái đêm hôm đó, số tiền mà anh ta định dùng để mua quà cho cô con gái nhỏ.
Một cuộc điều tra bởi +972 và Local Call đã khám phá ra rằng 2 năm rưỡi trước đó, quân đội Israel đã thành lập một đơn vị mới toanh có tên là “Phòng tuyến sa mạc” với “những người định cư miền đồi” những người chiếm đại đa số quân số của đơn vị này. +972 đã thu thập bằng chứng ít nhất 11 vụ tấn công bởi các binh sĩ trong đơn vị này chuyên nhắm vào người Palestine.
Một quan chức an ninh đề nghị giấu tên đã bật mí với +972 rằng “Phòng tuyến sa mạc” được thành lập vào năm 2020 và trực thuộc Lữ đoàn thung lũng Jordan “bao gồm chủ yếu thanh niên miền đồi (khu Bờ Tây) vô cùng cực đoan, còn nếu không sẽ không được nhập ngũ”. Quan chức giấu tên nhấn mạnh: “Sự độc đáo của “Phòng tuyến sa mạc” nằm ở chỗ chúng tôi bắt “những người miền đồi” và biến họ thành người lính”.
Vị quan chức này cùng với một người khác khẳng định có vài chục binh sĩ đang phục vụ trong “Phòng tuyến sa mạc”, phần lớn trong số họ đến từ cái gọi là “những tiền đồn chăn cừu” thuộc các khu vực phía Bắc của hoang mạc Judean và thung lũng Jordan. Theo 2 người này thì nhiều binh sĩ trong số này có tiền sử lạm dụng bạo lực.
Quân đội Israel đang tuyển những thanh niên định cư ở Bờ Tây để phục vụ trong một đơn vị chống lại người Palestine đang sống cùng khu vực. Hai quan chức an ninh giải thích những thanh niên chăn cừu đã làm việc từ lúc còn nhỏ do vậy đã phát triển những kỹ năng theo dõi và điều hướng thực địa. Cũng theo 2 người này thì ở hoang mạc Judean đang có “khoảng trống an ninh” và việc tuyển dụng những người định cư hiếu chiến sẽ là một cách lý tưởng để lấp đầy khoảng trống đó.
Các quan chức quân đội Israel tuyên bố rằng kể từ khi chuyển trọng tâm sang thung lũng Jordan, họ đã ngăn chặn thành công những vụ buôn lậu vũ khí xuyên biên giới. Những người Palestine phàn nàn rằng những người chăn cừu đã đuổi họ khỏi các vùng đất chăn thả gia súc truyền thống của cha ông họ. Người Palestine nói với +972 rằng họ không sao phân biệt được giữa “những người miền đồi” và binh sĩ của “Phòng tuyến sa mạc”, bởi vì họ cùng một khu vực. Ông Ayman Ghraib, một nông dân ở thung lũng Jordan, phân bua: “Lúc đầu tôi nào biết họ là lính, tôi nghĩ họ là dân định cư bận đồ lính. Thi thoảng họ đến đây, nửa binh sĩ nửa dân thường”.
Làng Arab al-Rashaida của người Bedouin ở phía Bắc hoang mạc Judean là nơi sinh sống của 5.000 người, hầu hết họ làm nghề chăn gia súc. Những thành viên cao niên trong làng nhớ đến 2 lần bị trục xuất: lần đầu là năm 1948, từ đất tổ tiên đến Ein Gedi; lần hai là năm 1984 từ đất kế làng Kisan và các khu định cư Ma’aleh Amos và Ibei HaNahal (Đông Nam Bethlehem).
Một người cha của 3 đứa con giải thích với cánh nhà báo: “Chúng tôi không thể ra khỏi Palestine hoặc đi biển như những người khác. Hoang mạc là nơi duy nhất chúng tôi hít được không khí trong lành”. Nhưng các cuộc tấn công vô cớ của “Phòng tuyến sa mạc” kể từ năm 2020 buộc người làng giảm bớt sự hiện diện của họ trong sa mạc; một số người liên tưởng đến cuộc trục xuất lần thứ 3. Khoảng một năm trước đó, ngay đầu năm 2022, binh lính “Phòng tuyến sa mạc” đã tấn công người làng tại cùng địa điểm.
Mohammed, 25 tuổi, kể rằng anh đã ngừng công việc trong ngành xây dựng sau khi bị lính “Phòng tuyến sa mạc” đánh đập. Cuộc tấn công diễn ra trong năm 2022. Tại bệnh viện, các bác sĩ nói với Mohammed rằng anh bị thoát vị đĩa đệm vốn là hậu quả của việc bị binh lính Israel đánh đập. Bị buộc thôi việc, Mohammed cũng không dám khiếu kiện vì sợ bị trả thù. Mohammed nói rằng đã nhận ra chiếc xe jeep và biết nó thuộc về “Phòng tuyến sa mạc”. Anh cũng nhận ra 2 người lính Do Thái đã đánh mình: “Chúng là những người định cư bận đồ lính”.
7 nhân chứng nói với +972 rằng các binh sĩ thuộc “Phòng tuyến sa mạc” đã chặn họ không được quay clip về các hoạt động của đơn vị này, tịch thu toàn bộ điện thoại của họ nên họ không chụp ảnh ai được. Một người dân bộ lạc quả quyết: “Mục tiêu của họ (Phòng tuyến sa mạc) là đe dọa. Họ làm vậy để buộc chúng tôi sợ mà rời khỏi sa mạc. Và người dân thực sự đang rất sợ”.
Một người dân từng bị tấn công kể lại với vẻ sợ hãi: “Sau vụ tấn công, tôi nói với cảnh sát rằng đó không phải là cách mà quân đội thường làm. Đơn vị quân đội này đã ở trong sa mạc Judean được 2 năm và kể từ khi họ đến đây, mọi thứ đã thay đổi chóng vánh”. Một số cư dân tuyên bố rằng mối quan hệ giữa bộ lạc Rashaida với quân đội từng rất tốt đẹp cho đến khi “Phòng tuyến sa mạc” hiện diện.
Thập niên 2000, có một đơn vị khác trong quân đội Israel mang tên “Phòng tuyến sa mạc” có nhiệm vụ tương tự: lái xe xung quanh những trường bắn quân sự với tư cách là một lực lượng trị an, chủ yếu là nhằm buôn lậu vũ khí. Đơn vị này ngừng hoạt động vào tháng 4/2007 theo lệnh của người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương của quân đội Israel, sau khi binh sĩ bắn chết một người Palestine 30 tuổi tên là Aziz Hamed Matour trong lúc người này đang đi qua một khu trường bắn nằm kế cạnh căn cứ quân sự Nabi Musa trên đường từ Bethlehem đến Jericho.
Việc tái thiết lập “Phòng tuyến sa mạc” là một đơn vị với các thành phần thanh niên định cư miền đồi có thể được xem trong bối cảnh cánh hữu Israel theo đuổi Meshilut (một dạng uyển ngữ của “quản trị” nhằm ám chỉ đến sự thống trị của người Do Thái Israel) trong hoang mạc Judea nói riêng và khu Bờ Tây nói chung, như là một phần của nỗ lực tăng cường sự hiện diện của người định cư ở Khu vực C và ngăn chặn người Palestine tiếp cận đất đai của họ.
Moshe Kublantz, cư dân 30 tuổi của khu định cư Efrat, thường đạp xe quanh hoang mạc Judean thuở còn nhỏ và rất yêu thích nơi đây. Khi trưởng thành, anh Kublantz đã thành lập Tổ chức sa mạc Judean nhằm đảm bảo cho sự phát triển và bảo tồn đặc tính Israel của hoang mạc Judean cho các thế hệ mai sau. Kublantz khá quen thuộc những hành động của đơn vị “Phòng tuyến sa mạc” và nói với +972 rằng anh đã biết những hành vi tấn công chống lại người bộ lạc Bedouin từ bộ lạc Rashaida, và khẳng định: “Đây là những hành vi cực đoan trong đó từng cá nhân binh sĩ đã hăng máu mà vượt quá thẩm quyền của họ”.
Kublantz chắc nịch: “Phòng tuyến sa mạc” có vai trò quan trọng trong việc duy trì trị an ở hoang mạc Judean. Kiểm soát toàn bộ khu vực này sẽ là kiểm soát toàn bộ khu vực. Người ở nơi khác sẽ không làm được bằng những binh sĩ của đơn vị này. Những người đã lớn lên trong sa mạc, họ thông thuộc khu vực như lòng bàn tay”.
Việc tái thiết lập “Phòng tuyến sa mạc” cũng liên quan đến nỗ lực lâu dài của Israel trong việc duy trì sự hiện diện của người Do Thái ở phần phía Đông của Bờ Tây. Theo đó “Kế hoạch Allon” đã được đệ trình lên chính phủ Israel một tháng rưỡi sau khi bắt đầu cuộc chiếm đóng năm 1967, chỉ định phần phía Đông của Bờ Tây (phía Bắc hoang mạc Judean và thung lũng Jordan trong đó “Phòng tuyến sa mạc” đã hoạt động 2,5 năm qua) sáp nhập vào Israel.
5 năm sau đó, năm 1972, phần lớn dải đất phía Đông của Bờ Tây tương đương 713.000 dunam (1 Dunam = 1000m2) đất quý trải dài từ thung lũng Uja ở phía Bắc đến khu vực Yatta ở biên giới phía Nam, được tuyên bố là “Khu vực khai hỏa”. Năm 1979, Bộ trưởng Nông nghiệp Israel khi đó là ông Ariel Sharon giải thích rằng “khu vực khai hỏa” (trường bắn) không chỉ dùng cho huấn luyện mà còn để “bảo tồn khu định cư Do Thái”. Vùng đất đó đã và tiếp tục được người Palestine dùng để ở và chăn cừu.
Những tài liệu do +972 thu thập được từ Lực lượng phòng vệ Israel cho thấy rằng hồi thập niên 1970, binh sĩ đã loại bỏ người Bedouin khỏi các “khu vực khai hỏa”. Chẳng hạn một tài liệu quân sự từ năm 1978 có tựa đề “Chiến dịch trục xuất Bedouin” lột tả chi tiết các hành động của một lữ đoàn quân sự từ tiểu khu Bethlehem đã trục xuất người Bedouin ra khỏi khu vực khai hỏa ở hoang mạc Judean bằng máy bay trực thăng.
Ông Dror Etkes (một nhà nghiên cứu thực địa của tổ chức phi chính phủ Kerem Navot) giải thích rằng việc tuyên bố “khu vực khai hỏa” hoặc “khu bảo tồn thiên nhiên” của giới chức Israel là một căn cứ pháp lý để tước đoạt đất đai của người Palestine. Điều này được thực hiện thường xuyên và mục tiêu là giảm diện tích đất đai mà người Palestine có thể dùng để chăn nuôi cừu để trục xuất họ khỏi khu vực và dọn đường để tiến hành xây dựng những khu định cư của người Do Thái.
Trên khắp khu vực có “Phòng tuyến sa mạc” hoạt động, 70 khu vực chăn cừu của người Israel đã được thành lập chỉ trong thập kỷ qua mà không có giấy phép xây dựng. 1/3 diện tích tọa lạc các trang trại này nằm bên trong “các khu vực khai hỏa”. Ngoài ra, Israel đang đánh dấu những tuyến đường mòn đi bộ tại những khu vực này; Tòa án tối cao Israel đã hạ lệnh trục xuất 1.000 cư dân Masafer Yatta, họ đã sống ở rìa phía Nam của Khu vực khai hỏa số 918; khu bảo tồn thiên nhiên Metzuk HaAtakim đã tăng gấp đôi diện tích; và Bộ Du lịch Israel đã đề xuất một kế hoạch xây dựng 7 lữ quán tại sa mạc Judean. Theo ông Aryeh Cohen, người đứng đầu Hội đồng khu vực Megilot, thì các lữ quán dùng để đón khách du lịch đến khu vực này, và ngăn ngừa người Palestine kiểm soát vùng đất quan trọng chiến lược này.
Trong một tuyên bố gửi cho +972, phát ngôn viên của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhấn mạnh rằng “Phòng tuyến sa mạc” chắc chắn là một phần của quân đội, chịu sự giám sát và luật quân quản, sẽ mở rộng trong tương lai và đa dạng hóa hơn nữa. IDF khẳng định: “Ngoài trường hợp của Jalawi, các vụ việc khác, IDF đều không hay biết. Khi các khiếu nại được gửi, chúng sẽ được kiểm tra đúng cách. Đơn vị “Phòng tuyến sa mạc” là đơn vị chiến đấu với các khả năng đặc biệt nhằm đáp trả những thách thức phát sinh ở thung lũng Jordan, họ đã đạt được nhiều thành tựu và thành công trong hoạt động. Đơn vị đã ra đời 3 năm trước và đang phát triển, học hỏi và hoàn thiện dần dần”.