Dự án tuyệt mật “Plush” của CIA trên biển Okhotsk

Thứ Sáu, 21/02/2025, 19:37

Một trong những hoạt động tình báo bí mật nhất của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) vào đầu những năm 1980 của thế kỷ trước là tích cực sử dụng các con tàu ngầm vào việc thu thập thông tin quan trọng. Chúng thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải của Liên Xô, suýt nữa đã đột nhập vào khu vực các căn cứ hải quân.

CIA coi thành tựu tình báo lớn nhất của mình là Dự án tuyệt mật “Plush” (cây trường xuân) - lấy thông tin từ đường dây cáp ngầm dưới biển của Liên Xô. Để nghe lén các cuộc đàm thoại, người Mỹ sử dụng các con tàu ngầm. Nhược điểm duy nhất là chúng buộc phải đứng yên trong một thời gian dài trên  dây cáp. Tất nhiên, điều này có nguy cơ làm lộ chiến dịch. Vì vậy, cần phải thay thế tàu ngầm bằng một thiết bị cố định, có khả năng hoạt động độc lập và “xả” thông tin đã thu thập được khi tàu ngầm đến tiếp nhận. Cuối cùng, một thiết bị như vậy đã được các chuyên gia của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chế tạo theo yêu cầu của CIA.

Dự án tuyệt mật Plush của CIA trên biển Okhotsk -0
Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở Maryland.

NSA là cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực tình báo điện tử, mật mã học và bảo vệ thông tin lưu thông trong các mạng viễn thông và máy tính.

Cơ cấu của NSA gồm các đơn vị sau:

- Cục Hoạt động Tình báo điện tử chuyên thực hiện các hoạt động tình báo (từ nghe lén đến phân tích mật mã), phân tích chuyển động của các tín hiệu và phân tích các thông tin đã giải mã theo từng khu vực địa lý. Ngoài ra, cơ quan này còn xử lý tất cả các tín hiệu vô tuyến quốc tế đến và đi từ Hoa Kỳ, xử lý thông tin tình báo qua máy tính và chịu trách nhiệm điều phối tất cả các hoạt động nghe lén;

- Cục Bảo vệ Thông tin liên lạc chuyên cung cấp thiết bị mã hóa cho tất cả các cơ quan chính phủ Mỹ, đồng thời thiết lập các quy trình bảo mật thông tin liên lạc cho tất cả các tổ chức trong Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ;

- Cục Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật chuyên thực hiện các nghiên cứu khoa học và kỹ thuật khác nhau trong lĩnh vực nghe lén tín hiệu vô tuyến, giải mã và bảo vệ các tuyến liên lạc, từ các phương pháp toán học đến phát triển các quy trình và thiết bị công nghệ mới.

Đội ngũ cán bộ của NSA được đào tạo tại Trường Mật mã Quốc gia. Ngoài ra, NSA còn chi trả học phí cho các nhân viên của mình tại các trường cao đẳng và đại học hàng đầu trong nước, một số người trong số họ được gửi đến các học viện quân sự của Bộ Quốc phòng.

Số lượng nhân viên các cơ sở của NSA vượt quá 130 nghìn người. Có tới 30.000 người làm việc tại trụ sở NSA, số còn lại làm việc tại các căn cứ và trạm của NSA trên khắp thế giới. Như vậy, xét về số lượng nhân viên, NSA chắc chắn là cơ quan tình báo lớn nhất trong số các cơ quan tình báo Mỹ. Theo các chuyên gia, hiện nay NSA có hơn 4 nghìn trạm thu tín hiệu điện tử hoạt động suốt ngày đêm, rải rác khắp thế giới.

Ngoài các trạm thu tín hiệu vô tuyến cố định, NSA còn sử dụng các tàu do thám của Hải quân Mỹ cho mục đích của mình. NSA cũng có quyền sử dụng các lực lượng của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Máy bay chở các chuyên gia kỹ thuật của NSA thường xuyên cố tình vi phạm không phận của Liên Xô.

Thiết bị do các chuyên gia của NSA chế tạo, được gọi là "Cocoon" (cái kén), tích hợp những thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ điện tử và có khả năng "chộp" thông tin từ dây cáp mà không cần mở vỏ ngoài của nó. "Cocoon" là một cái thùng lớn (container) hình điếu xì gà, ở phần đuôi có một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, cung cấp năng lượng cho hệ thống điện tử trên thiết bị.

Từ cuối những năm 1970, CIA tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những thông tin về kết quả các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô nhằm vào mục tiêu tại thao trường Kamchatka. Vì vậy, ngay sau khi chế tạo xong, "Cocoon" được bố trí trên tuyến cáp chiến lược đặt dọc theo đáy biển Okhotsk từ Kamchatka đến tổng hành dinh của Quân khu Viễn Đông.

Tất cả cán bộ của phái đoàn ngoại giao Liên Xô tại Washington đều biết rằng các nhân viên FBI đang ngày đêm theo dõi qua camera lối vào Đại sứ quán, còn điện thoại của Đại Sứ quán thường xuyên bị các nhân viên FBI nghe lén. Thêm vào đó, các cán bộ trực của Đại sứ quán liên tục nhận được những cuộc gọi lạ, có lúc chỉ là trò đùa, có lúc lại mang tính khiêu khích.

Ngày 14/1/1980 cũng không phải ngoại lệ. Vào lúc 12:32 theo giờ Washington, điện thoại trong phòng tiếp tân của Đại sứ quán đổ chuông:

- Tôi ... ừm, từ chính phủ liên bang Hoa Kỳ, - người lạ mặt nói tiếng Nga trọ trẹ với giọng Mỹ đặc sệt.

- Xin mời ngài thành viên chính phủ liên bang ghé qua thăm chúng tôi một lát được không?

- Ô kê, ngày mai, ừm… buổi chiều, khi trời tối..., - giọng nói lạ cất lên.

Hôm sau, người lạ mặt lại gọi điện và nói rằng sẽ đến sau một phút. Mọi nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của ông ta tan biến ngay khi ông tự xưng là nhân viên của NSA và yêu cầu gặp gỡ đại diện chính thức của Đại sứ quán Liên Xô.

Ngày hôm đó, các nhân viên phản gián  Mỹ không thể nhận dạng được vị khách này.

Băng ghi âm các cuộc điện thoại và báo cáo của các nhân viên phản gián Mỹ đã được cất vào kho lưu trữ và vụ việc tạm ngừng lại. Nó chỉ được tiếp tục một cách bất ngờ vào tháng 8 năm 1985.

Dự án tuyệt mật Plush của CIA trên biển Okhotsk -0
Phó Đô đốc Mỹ Bobby Ray Inman.

Vào cuối tháng 4/1980, khi những cơn bão mùa đông trên biển Okhotsk kết thúc, các vệ tinh do thám của Mỹ đã ghi nhận được một cụm tàu chiến Liên Xô gần bán đảo Kamchatka. Ban đầu, các nhân viên CIA không chú ý đến điều này, vì cho rằng đó chỉ là các tàu đánh cá đang hoạt động. Nhưng một tuần sau, khi một tàu ngầm của Mỹ đến khu vực đó để thay thế các tấm phim thì họ phát hiện ra rằng “Cocoon” đã biến mất!

Năm 1980, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Vladimir Sidorov, đã có bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ báo “Dalnevostochnaya Pravda” (“Sự Thật Viễn Đông”) nhân dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Cụ thể, Đô đốc cho biết: “Vào ngày 21/4, tôi nhận được cuộc gọi từ Kamchatka thông báo rằng do sự bất cẩn của các ngư dân (khu vực cáp chạy qua được đánh dấu trên hải đồ là cấm đánh bắt cá), bán đảo này bị mất liên lạc với đất liền. Tôi đã ra lệnh điều tàu cáp “Tavda” đến khu vực nghi ngờ có sự cố đứt cáp. Vào ban đêm, sĩ quan trực ban của Bộ tư lệnh Quân khu Viễn Đông báo cáo với tôi rằng trong quá trình tìm kiếm chỗ đứt cáp, tàu “Tavda” đã phát hiện một container không rõ mục đích sử dụng và nhấc lên. Container này nặng 7 tấn, dài 5 mét. Khi hạ container xuống sàn tàu, người ta nhận thấy phần đuôi của nó không hiểu sao đang nóng lên. Sau này, mọi người  mới biết, nhiệt độ tăng cao là do một lò phản ứng hạt nhân nhỏ được lắp đặt ở đó.

Nhưng điều kỳ lạ nhất là ở chỗ khác. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hơn, người ta phát hiện trên vỏ kim loại của container có khắc dòng chữ “Privacy of US Government” (Quyền riêng tư của Chính phủ Mỹ). Tôi xin khẳng định với đầy đủ trách nhiệm: đây không phải là sự cẩu thả hay bất cẩn. Đây là sự trơ tráo và tự tin của người Mỹ vào sự bất khả xâm phạm của mình, mà cũng có thể là một lời thách thức đối với  Liên Xô!

Do điều kiện thời tiết, con tàu không thể vào cảng thành phố Magadan, nên container đã được chuyển đến sân bay quân sự Kamchatka. Tại đó, nó đã được các  chuyên gia của KGB và Bộ tư lệnh Hải quân kiểm tra. Tất cả đều kết luận rằng nó có nguy cơ phát nổ. Tuy nhiên, sau khi tham vấn thêm với Trung tâm, các chuyên gia quyết định không phá hủy nó mà gửi bằng đường bay về Moscow”.

Ba ngày sau, bài báo trên tờ “Sự Thật Viễn Đông” đã trở thành chủ đề thảo luận tại một cuộc họp của lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Tham gia cuộc họp, Giám đốc NSA, Phó Đô đốc Bobby Ray Inman, đã bác bỏ hoàn toàn sự ngẫu nhiên của việc phát hiện ra “Cocoon”. Bobby Ray Inman tự tin tuyên bố: - Người Nga chắc chắn biết rõ phải tìm kiếm cái gì và ở đâu, còn việc các ngư dân phát hiện ra "Cocoon", cũng như cuộc phỏng vấn của Đô đốc Nga, đều là những hồi trong cùng một vở kịch có tên là chiến dịch che giấu. Với sự trợ giúp của nó, KGB đã mã hóa được nguồn thông tin đích thực".

Điều khẳng định của Phó Đô đốc Bobby Ray Inman chỉ được xác nhận vào năm 1985. Đến thời điểm đó, các nhân viên FBI đã lập danh sách 580 người khả nghi. Bằng cách loại trừ dần dần, họ đã lần ra Ronald Pelton, nhân viên NSA. Các băng ghi âm cuộc trò chuyện qua điện thoại đã được lấy từ kho lưu trữ và xác định y là người đã gọi điện thoại đến Đại sứ quán Liên Xô ngày 14 và 15/1/1980.

Dự án tuyệt mật Plush của CIA trên biển Okhotsk -0
Thiết bị “Cocoon” của NSA.

Vào tháng 10/1979, máy phát hiện nói dối  chỉ ra rằng Pelton đã nói dối khi trả lời câu hỏi về việc sử dụng ma túy. Vụ việc có thể đã được lấp liếm - dù sao thì y đã làm việc ở NSA 14 năm - nếu không vì mối quan hệ căng thẳng của y với cấp trên. Pelton đã bị giáng chức và tước quyền truy cập thông tin mật. Vào dịp lễ Giáng sinh, y đã mắc một khoản nợ lớn đến mức phải tuyên bố phá sản. Ba tuần sau, Pelton đến Đại sứ quán Liên Xô tại Washington và bày tỏ mong muốn chia sẻ những thông tin tuyệt mật mà y biết. Để đổi lại, y yêu cầu một khoản tiền là 35.000 USD.

Thỏa thuận đã được thực hiện.

“Người bạn tốt” đã nhận được số tiền yêu cầu, còn KGB Liên Xô - những thông tin vô cùng quan trọng. Ngoài ra, Pelton còn cung cấp các số liệu về một trong những bí mật quan trọng nhất của NSA vào thời điểm đó: cách người Mỹ  kết nối vào dây cáp viễn thông nằm dưới biển Okhotsk, khi thực hiện dự án "Plush". Hơn nữa, y còn chỉ ra tọa độ khu vực kết nối.

Đồng thời, Pelton tuyên bố rằng vào thời điểm y đến Đại sứ quán Liên Xô, dự án "Plush" đã trở thành một chiến dịch mật quy mô lớn, được CIA thực hiện định kỳ trong các vùng lãnh hải Liên Xô nơi có các đường cáp bí mật chạy qua.

Ronald Pelton hợp tác với KGB rất hiệu quả trong khoảng 5 năm.

Anh Duy
.
.