Một nhân viên thư tín Đức biến thành điệp viên cho Mỹ vì… công việc tẻ nhạt

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:20
Vào ngày 17-3, tòa án ở Munich tuyên phạt Markus Reichel 8 năm tù đối với tội chuyển giao hơn 200 tài liệu mật cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và trao thêm 3 tài liệu khác cho phía Nga.

Reichel, năm nay 32 tuổi,  từng làm việc trong phòng thư tín của Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) ở Pullach vào những năm 2008-2014. Markus Reichel phát biểu trước tòa án: “Ở BND, không ai tin tưởng tôi bất cứ điều gì. Nhưng ở CIA thì khác hẳn”.

Do thành thật khai báo cho nên Markus Reichel chỉ lĩnh mức án 8 năm tù, nếu không anh ta sẽ phải ngồi tù đến 15 năm vì tội phản quốc. Chào đời ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, Markus Reichel bị tật nguyền từ nhỏ sau một mũi tiêm vaccine tắc trách. Reichel được vào học tại một trung tâm đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật cho đến khi tốt nghiệp năm 2004.

Markus Reichel.

Sau 3 năm thất nghiệp, Reichel được BND tuyển dụng vào năm 2007 và làm việc trong phòng thư tín với mức lương 1.200 euro một tháng. Từ năm 2008, Reichel được CIA tuyển mộ làm gián điệp với mật danh là “Uwe”. Trong gần 6 năm, Reichel cung cấp cho một người mang tên “Alex” của CIA khoảng 200 tài liệu mật chứa đựng thông tin về tên thật cũng như mật danh của hàng ngàn sĩ quan BND cùng với địa chỉ nơi ở của họ ở Đức và nước ngoài.

Thời gian đầu, mỗi ngày Reichel chỉ đơn giản sao chép tài liệu trong phòng làm việc. Sau đó, Reichel chuyển sang sử dụng email thông qua một máy tính được mã hóa do CIA cung cấp. Với vai trò của mình, Reichel được trả tổng cộng 95.000 euro tiền mặt. Số “tiền công” này được trả đều đặn tại các thành phố khác nhau của Áo, như Salzbourg.

Lãnh sự quán Nga ở Berlin.

Năm 2014, Reichel chuyển giao 3 tài liệu mật qua email đến lãnh sự quán Nga ở thành phố Munich nước Đức với hy vọng được Tổng cục An ninh Liên bang Nga (SVR) tuyển dụng.

Nhưng đến ngày 2-7-2014 thì Reichel bị lực lượng an ninh Đức bắt giữ. Reichel nghi ngờ email của các đại diện ngoại giao Nga ở Đức bị BND đọc lén. Sau khi vụ việc bại lộ, trưởng trạm CIA ở Berlin bị trục xuất khỏi Đức. Thật ra, đơn giản là những ngày tháng làm việc buồn tẻ của một viên chức bình thường trong cơ quan tình báo đã khiến cho Reichel bị những cuộc hẹn bí mật, những thông điệp mã hóa và cuộc sống bí mật của điệp viên thực thụ kích thích đến mức quyết tâm phải “đổi đời”.

Vụ án Reichel phơi bày mặt trái của nguyên tắc tuyển mộ nguồn con người trong thế giới tình báo được gói gọn trong từ MICE - tức là, “tiền, hệ tư tưởng, sự dàn xếp và bản ngã”. Reichel hợp tác với CIA không hẳn vì tiền - bởi vì người Mỹ trả công không cao hơn BND – mà đúng ra là do bản ngã. Nói khác đi, Reichel cảm thấy mình là kẻ vô dụng ở BND trong khi anh là người có năng lực trong mắt người Mỹ. Điều đó cho thấy CIA biết tận dụng yếu tố “ve vuốt bản ngã” trong MICE để lôi kéo Reichel về phía mình.

Trụ sở BND ở Berlin.

Đây cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng được các cơ quan tình báo trên thế giới sử dụng để tìm kiếm điệp viên. Hơn nữa, trong trường hợp hợp tác với CIA, Reichel không cảm thấy mình phản bội tổ quốc bởi vì đơn giản Mỹ là đồng minh thân cận của Đức. Có lẽ vì thế mà Reichel dễ dàng tự nguyện làm việc cho CIA.

Khoảng thời gian từ lúc Reichel được BND thu dụng và lúc bắt đầu làm việc cho CIA chỉ trong 1 năm, nhưng thật ra ngay từ sớm CIA đã phát hiện ra “mục tiêu” và nhận thức rõ “môi trường” làm việc của đối tượng này. Từ thời Chiến tranh lạnh, Cơ quan tình báo Nga KGB thường lợi dụng phương pháp này để thu thập thông tin nhạy cảm về phương Tây. 

CIA có thể từ chối đề nghị của Reichel và thông tin với BND về “mắt xích yếu” của đối tác song họ đã không làm vậy. Bởi vì, lúc đó người Mỹ đang hết sức quan tâm đến mọi hoạt động của Ủy ban điều tra đặc biệt Bundestag (Quốc hội Đức) về vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng như quan điểm của chính quyền Đức về tình hình chiến sự phức tạp ở Syria.

Tiết lộ từ người thổi còi Edward Snowden về vụ việc NSA nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến cho mối quan hệ giữa Berlin và Washington trở nên căng thẳng. Với vụ án Markus Reichel, thẩm phán Reinhold Bayer nhận định Reichel đã “gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của BND”, phá vỡ mối quan hệ hợp tác với các cơ quan tình báo đồng minh ở khu vực Trung Đông đồng thời làm lộ việc Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu gián điệp của Đức.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.