Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ

Thứ Năm, 31/08/2023, 20:30

Bà là một phụ nữ Ukraina nhỏ nhắn, duyên dáng, biết nhiều ngoại ngữ: ngoài tiếng Nga, bà còn biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bà viết truyện cổ tích và làm thơ. Không ai nghĩ bà lại là một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, đã thành lập một số mạng lưới tình báo ở châu Âu và Mỹ. Bà là nữ điệp viên Liên Xô nổi tiếng Elena Ferrari.

Olga Rezvina (tên thật của Elena Ferrari) sinh năm 1900 trong gia đình kỹ sư mỏ Fyodor Revzin. Một năm trước khi sinh con gái, gia đình ông Revzin sống ở thành phố Kremenchug, Ukraina, nơi anh trai của Olga, Vladimir ra đời. Các nhà tiểu sử của Elena Ferrari cho rằng gia đình Rezvin chuyển từ Kremenchug đến Yekaterinoslav (nay là Dnepropetrovsk)  để tìm kiếm những điều kiện thuận lợi hơn cho các con học tập.

Thu nhập của ông Fyodor Revzin không những cho phép các con đến trường mà còn học thêm ngoại ngữ. Kết quả là Vladimir và Olga thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức (sau này Olga còn học thêm tiếng Ý và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ).

Năm 1906, vợ bị bệnh lao, ông Fyodor Revzin đưa bà đến Thụy Sĩ điều trị, nhưng các bác sĩ không giúp được gì, và năm 1909, Olga trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ.

Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ -0
Nữ điệp viên Elena Ferrari.

5 năm sau, Olga và anh trai bỏ nhà ra đi: hoặc do ông bố nghiện rượu, hoặc do muốn sống tự lập. Trong cuốn tự truyện của mình viết năm 1921, Olga kể rằng bà phải làm phụ việc cho một thợ may ở nông thôn với khoản thu nhập ít ỏi, rồi làm ruộng tại một ngôi làng, sau đó, làm thuê cho một thợ ảnh ở thành phố Yekaterinoslav. Năm 1916, bà quyết định học tiếp trung học, và một năm sau, bà trở thành thư ký kỹ thuật của tờ  “Ngôi sao” tại nhà máy luyện kim ở Bryansk.

Ít  lâu sau, Olga đứng đầu một tổ chức cách mạng bí mật được thành lập ở thành phố Yekaterinoslav. Trong Thế chiến thứ nhất, hai anh em Olga và Vladimir Revzin gia nhập đảng Bolshevik. Thẻ đảng của bà mang số 23.

Tháng 10/1917, Olga trở thành Bí thư ban chấp hành Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga của thành phố Yekaterinoslav. Rồi đột nhiên, hai anh em đoạn tuyệt với những người Bolshevik và tham gia lực lượng vô chính phủ. Thời bấy giờ, quan điểm chính trị thay đổi rất nhanh. Trong cuốn tự truyện, Olga giải thích sự thay đổi này xuất phát từ “những lý do chính trị”.

Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ -0
Điệp viên Vladimir Volya, anh trai của Elena Ferrari.

Năm 1918, Olga cùng với anh trai thành lập đội du kích mang tên nhà cách mạng vô chính phủ Nga Mikhail Bakunin. Chỉ huy của đội du kích là Vladimir, với bí danh “Volya”.

Chẳng bao lâu, đội du kích sáp nhập vào Quân đoàn 12, do Semyon Aralov làm Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, về sau ông trở thành người đứng đầu Tổng cục Tình báo quân đội. Một lần, khi đến thăm các chỉ huy và binh sĩ bị thương tại một bệnh viện dã chiến, Aralov chú ý đến nữ tiểu đội trưởng tiểu đội xạ kích tóc đen Olga. Vào thời điểm đó, bà đã kết hôn với Grigory Golubev, một chiến sĩ du kích cùng chiến đấu kề vai sát cánh với bà. Olga phải nằm viện vì một ngón tay trên bàn tay trái của bà bị đạn xé nát.

Là sĩ quan tình báo lão luyện, trong một cuộc trò chuyện, Semyon Aralov nhận thấy rằng Olga rất phù hợp với hoạt động tình báo, hơn nữa bà còn thông thạo một số ngoại ngữ. Lúc đầu, Semyon Aralov cử bà làm cán bộ Cục Chính trị của quân đoàn. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông đề nghị Olga chuyển sang bộ phận tình báo quân đội. Bà đã nhận lời.

Năm 1919, Vladimir Volya được cử đi học tại Học viện Quân sự mang tên M. V. Frunze ở Moscow. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành cán bộ tình báo của Bộ tham mưu dã chiến thuộc Hội đồng Quân sự cách mạng Nga.

Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ -0
Người đầu tiên phụ trách Tổng cục Tình báo quân đội Liên Xô Semyon Aralov.

Đầu năm 1921, Vladimir Volya được cử sang làm nhiệm vụ đặc biệt tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là trưởng phòng quan hệ quốc tế của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản.

 Olga cũng không lãng phí thời gian: bà tham gia các lớp đào tạo tình báo và kiểm soát quân sự của Bộ tham mưu dã chiến của Hồng quân. Có lẽ, chính lúc bấy giờ bí danh Elena Ferrari bắt đầu xuất hiện trong hồ sơ cá nhân của bà. Đầu năm 1921, bà đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy là hai anh em có mặt ở Istanbul. Ngày 15/10/1921, tại cảng Istanbul đã xảy ra một tai nạn nghiêm trọng: chiếc tàu biển “Adria” thuộc  công ty vận tải biển Ý đâm sầm vào chiếc du thuyền nhỏ “Lucullus” đang buông neo tại đây.

“Lucullus” là du thuyền riêng của Trung tướng Bạch vệ, Nam tước Pyotr Wrangel. Trên du thuyền có những tài liệu hết sức quan trọng của Bộ tham mưu Bạch vệ và một số lượng tiền rất lớn của tổ chức này (theo tờ “Washington Post”, khoảng 40 nghìn franc). Vài phút sau vụ va chạm, chiếc “Lucullus” bị chìm. Nam tước Wrangel và đoàn tùy tùng đã kịp thời thoát thân. 3 thủy thủ bị thiệt mạng.

Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ -0
Trung tướng Bạch vệ, Nam tước Pyotr Wrangel.

Tàu "Adria" bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và tiến hành điều tra, nhưng không phát hiện ra điều gì. Hãng thủy vận Ý đồng ý bồi thường cho gia đình các thủy thủ thiệt mạng.

Trong giới lưu vong Nga, ai cũng cho rằng đây là vụ ám sát tướng Wrangel. Đã tìm thấy những nhân chứng khẳng định rằng vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trên tàu “Adria” xuất hiện một phụ nữ xinh đẹp với bàn tay trái có bốn ngón.

10 năm sau, ông Nikolay Chernyshev, luật sư kiêm trợ lý thân cận của nam tước Wrangel đã gọi tên kẻ tổ chức vụ ám sát nói trên. Ông khẳng định rằng nữ điệp viên Nga Elena Ferrari, người có liên quan đến các cơ quan tình báo của nước Nga Bolshevik, đã tham gia vụ khủng bố trên du thuyền “Lucullus”. Nhưng vì ông ta không đưa ra được bằng chứng nào nên lời buộc tội vẫn treo lơ lửng...

Mấy ngày sau vụ tai nạn, Elena Ferrari đáp tàu thủy đến Pháp, sau đó bà đi tàu hỏa đến Berlin. Tại đây, bà làm quen với các nhà văn, nhà thơ Nga nổi tiếng: Maksim Gorky, Vladislav Khodasevich và Viktor Shklovsky. Trong những năm đó, gương mặt nổi bật nhất của giới Nga kiều ở Berlin, tất nhiên, là nhà văn Maksim Gorky. Vào một ngày tháng 5/1922, nữ nhân viên tình báo trẻ Nga được tiếp kiến nhà văn và  đọc cho ông nghe một số bài  thơ và truyện cổ tích của mình.

Năm 1923, tập thơ của Elena Ferrari "Eryphilli" (tên một phụ nữ Hy Lạp) được xuất bản ở Berlin. Trong đó, nữ thi sĩ viết về con đường “tự do và nghiệt ngã” của mình, về nỗi cô đơn của người phụ nữ, về sự khủng khiếp của cuộc Nội chiến và niềm tin chiến thắng. Nhưng việc xuất bản truyện cổ tích của bà gặp rắc rối. Tháng 4/1923, qua con trai Maksim, người có nhiều mối quan hệ riêng tư trong Tổng cục Chính trị liên bang, Gorky biết  Elena Ferrari làm việc cho tình báo Liên Xô và cảnh báo Khodasevich hãy cẩn thận với bà.

Ở Berlin, Elena Ferrari còn kết bạn với họa sĩ nổi tiếng Puni. Chính ông là người đã giới thiệu bà với giới nghệ sĩ ở Đức. Năm 1923, Elena Ferrari trở thành hội viên danh dự của Hội Nghệ thuật Berlin. Báo chí ca ngợi bà là nữ điệp viên quyến rũ đã thành lập một mạng lưới tình báo rộng khắp ở Đức, thu thập được những tài liệu quan trọng về việc chế tạo tàu ngầm Đức.

Sau cuộc gặp với Maksim Gorky, năm 1923, Elena Ferrari chấm dứt các mối quan hệ văn học ở Berlin và trở về Moscow. Nhưng bà không dừng lại lâu ở đây. Nhiệm vụ tiếp theo của bà là tuyển mộ kỹ sư cho các doanh nghiệp quân đội ở Ý. Vào giai đoạn này, một tập thơ của Elena Ferrari đã được xuất bản bằng tiếng Ý.

Elena Ferrari – nhà tình báo mang tâm hồn thi sĩ -0
Một cảnh trong phim “Huyền thoại Ferrari” (vai Elena Ferrari (trái) do nữ diễn viên Nga Olga Porodina đóng).

Vào nửa sau năm 1924, Elena Ferrari đến Paris làm trợ lý cho Semyon Uritsky, lúc bấy giờ phụ trách phòng tình báo đối ngoại của Tổng cục Chính trị toàn liên bang ở Paris. Thời gian này, bà mang bí danh Irene.

Thật khó kể hết những nhiệm vụ mà Elena Ferrari đã hoàn thành. Chỉ xin kể về một công việc liên quan đến nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge ở Nhật Bản. Trong những năm đó, tình báo quân đội Liên Xô hoạt động rất thận trọng: để không gây ra bất kỳ sự nghi ngờ nào, thành viên tương lai của phòng tình báo đối ngoại của Liên Xô ở Nhật Bản phải đến từ Paris dưới vỏ bọc của một nhà báo nổi tiếng. Điệp viên Nam Tư Branko Vukelic là một trường hợp như vậy. Tháng 8/1933, Elena Ferrari được cử đến Paris để kiểm tra tất cả các thông tin liên quan đến nhân vật này. Bà đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Sau đó, Branko Vukelic  được gửi đến Tokyo và tham gia tổ chức tình báo do Richard Sorge đứng đầu ở Nhật Bản.

Tháng 2/1936, Otto Steinbruck, người đứng đầu một trong những đơn vị của Tổng cục Tình báo quân đội, đã mời Elena Ferrari sang Mỹ phụ trách phòng tình báo đối ngoại ở đây. Và Elena Ferrari, với bí danh Vera, đã lên đường làm nhiệm vụ. Ngày 4/4/1936, từ New York, Vera gửi thông tin đầu tiên của mình về Trung tâm.

Để không gây ra sự nghi ngờ, bà vào học việc tại một xưởng vẽ và dọn đến ở tại khu vực, nơi giới thượng lưu chính phủ sinh sống. Bà tuyển mộ được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới hải quân và quan chức chính phủ Mỹ, điều này được ghi nhận trong các báo cáo của người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quân đội lúc bấy giờ.

Cùng năm, bà được trao tặng Huân chương Cờ đỏ và được phong hàm Đại úy an ninh quốc gia.

Trước lúc chuẩn bị một chuyến công tác nước ngoài mới, Elena Ferrari được đi nghỉ một thời gian ngắn tại viện điều dưỡng Arkhangelsky gần Moscow. Thiên nhiên và cảnh vật đã đưa bà trở lại với thơ ca.

Nhưng đúng lúc đó, ở Liên Xô bắt đầu xảy ra cuộc đại thanh trừng. Tháng 11/1937, Yan Berzin và Semyon Uritsky, hai thủ trưởng trực tiếp của bà, bị bắt. Còn ngày 1/12/1937, Đại úy Elena Ferrari cũng bị bắt. Bà bị buộc tội hợp tác với bọn khủng bố và làm gián điệp cho Đức. Ngày 16/6/1938, Elena Ferrari bị kết án tử hình. Cùng ngày, bản án được thực hiện tại một trường bắn ở làng Kommunarka, tỉnh Moscow.

Cuộc đời của Vladimir Volya, anh trai bà, cũng kết thúc một cách bi thảm. Tháng 3/1940, Vladimir Volya bị xử bắn vì tội phản cách mạng và hoạt động gián điệp

Nhưng tên tuổi của của họ không bị lãng quên. Năm 2001, những bài thơ của Elena Ferrari được in trong hợp tuyển  "Một trăm nữ thi sĩ của thế kỷ bạc", xuất bản tại Saint Petersburg.

Trần Đình (Tổng hợp)
.
.