Garage Girls - đội điệp viên tóc dài của Australia

Thứ Ba, 27/06/2023, 08:10

Trong một nhà để xe ở ngoại ô thành phố Brisbane (Australia), một người phụ nữ trẻ đang cặm cụi giải mã những đường truyền vô tuyến mà nhờ đó đã làm thay đổi cục diện Thế chiến II. Đầu tháng 6/2023, lần đầu tiên, công việc của nhóm điệp viên liên quan đến việc chặn cáp ngoại giao của phát xít Nhật trong Thế chiến II đã hé lộ một loại vũ khí mới của người Mỹ, được công bố.

Không lâu sau khi quả bom nguyên tử của Mỹ phát nổ ở Hiroshima, một sĩ quan Nhật trong trạng thái kinh hoàng đã tức tối gọi điện về tổng hành dinh Hải quân Thiên hoàng ở Tokyo để báo cáo lại sự việc mà anh ta đã chứng kiến. Hôm đó, ngày 6/8/1945, số điện thoại của anh ta đã bị chặn bởi một trạm tín hiệu Australia đóng gần Philippines. Từ đó, thông điệp mật được chuyển giao vào một đơn vị bí mật toàn các nữ điệp viên mật mã - những người âm thầm làm việc trong một nhà để xe ở phía sau một tòa dinh thự Brisbane, bí mật được giữ kín suốt hàng thập kỷ.

Bức điện chưa từng được công bố (được Ban giám đốc tình báo tín hiệu Australia (ASD) phân loại mà ABC được phép công bố) được giải mật, hé lộ cái mà viên sĩ quan Nhật chứng kiến chuyện gì đã xảy ra khi 3 chiếc oanh tạc cơ hạng nặng B-29 quần thảo trên không phận Hiroshima ngay buổi sáng định mệnh đó. Đó là những báo cáo đầu tiên về “ngày tận thế” mà sau đó đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Tay sĩ quan kết thúc bức điện của mình bằng những từ ớn lạnh: “Hãy điều tra và báo cáo ngay lập tức bất kỳ thông tin nào về loại bom quỷ kia”.

Garage Girls - đội điệp viên tóc dài của Australia -0
Joyce Grace trong bức ảnh chụp tuổi 20 ở Paddington, Sydney, năm 1943. Ảnh nguồn: AAP.

Cổ máy chiến tranh bí mật

Cách Hiroshima hàng ngàn cây số, Trung ương cục (CB) là cơ quan tình báo tuyệt mật tránh được mọi ánh mắt hoài nghi. Cái biển tên màu be của nó đã che đậy nhiệm vụ hết sức gai góc trong việc xử lý những liên lạc quân sự nhạy cảm nhất. Trong nhà để xe, những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, đã bước chân vào một thế giới của việc đánh chặn những thứ mà họ khó có thể tưởng tượng ra được.

Năm 1943, Joyce Grace mới 19 tuổi đang làm việc trong một tiệm bán kim chỉ ở Sydney thì nhận được một lá thư gửi từ Tổng cục Nhân lực - cơ quan chịu trách nhiệm tuyển dân thường nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt lao động trong nửa sau Thế chiến II. ABC dẫn lời cựu điệp viên Joyce Grace giải thích: “Bức thư đó nói rằng tôi sẽ không làm việc trong ngành công nghiệp thiết yếu. Và họ sẽ để tôi đảm đương nó nếu tôi rời bỏ công việc đang làm, nếu tôi quay lại làm việc, ông chủ sẽ bố trí công việc tương tự cho tôi”.

Joyce Grace được cử tới Bonegilla (nằm gần biên giới Victoria-New South Wales) nhằm tham gia một khóa học về tín hiệu, đào tạo mã Morse và thông điệp không dây. Cũng tại đây, bà đã gặp người bạn lưu niên của mình, Coral Hinds. Mắt đăm chiêu nhìn về xa xăm, bà Coral nhớ lại: “Bà bạn Joy của tôi dáng người cao, tóc thẳng, cực kỳ ghét nói tục. Chúng tôi di chuyển cùng nhau để làm mọi thứ, và tôi trở thành đôi bạn chí thân suốt quãng thời gian đó”.

Bà Coral Hinds rời trường năm 14 tuổi, làm việc trong một tiệm bánh và sau đó là cửa hàng tạp hóa. Khi đó các em trai hãy còn nhỏ nên bà Coral và người em gái Ruth quyết định tòng quân. Sau thời gian đào tạo chuyên sâu về liên lạc ở Melbourne, 2 bà Coral và Joyce đáp tàu đến Brisbane. Nơi làm việc mới của họ là số 21 phố Henry (Ascot) trong một nhà để xe nóng nực ngay phía sau của ngôi nhà Nyrambla, đó là một tòa dinh thự hoành tráng được xây dựng từ thập niên 1880.

Tòa nhà được trưng dụng bởi tướng Mỹ, Douglas MacArthur (chỉ huy tối cao quần Đồng Minh ở Tây Nam Thái Bình Dương) làm trụ sở của ông. Cười khúc khích, bà Joyce giải thích: “Đó là cách tôi trở thành Garage Girl (cô gái trong nhà xe)”.  Joyce và Coral cùng làm việc trong đơn vị giải mã của Trung ương cục (CB) - một tổ chức tình báo tín hiệu chuyên trách giải những tin nhắn được đánh chặn từ Quân đội Thiên hoàng Nhật Bản. Cựu điệp viên Coral Hinds bồi hồi nhớ lại: “Mọi thứ diễn ra trong vòng bí mật. Đừng nói với ai bên ngoài. Có thể  bật mí chút ít về tín hiệu, nhưng tuyệt đối không được đi xa hơn nữa”.

Về phần mình, bà Joyce cho hay: “Gần như chúng tôi biết rằng có thứ gì đó rất đặc biệt ở đó, nhưng lại không thể công khai được. Cha mẹ tôi không hay biết nghề con gái đang làm. Ai đó gặng hỏi thì chỉ nói sơ sơ về tín hiệu. Phải như thế mới sống được. Đó là cỗ máy bí mật của chúng tôi (Lớp X). Phải lắp ráp máy trước khi có thể ngồi xuống và gõ, cho dù là gõ văn bản hay giải mật, và máy đã thực hiện một trong hai việc đó”.

Sống và hoạt động trong thời chiến

Mặc dù sống trong chiến tranh trong ngôi nhà ngoại ô được sửa sang lại, nhưng đối với Garage Girls thì trải nghiệm đó thực sự vượt xa so với cuộc sống trước thời chiến của họ: làm việc trong cửa hàng, đi học. Một số người xa nhà để lần đầu tiên được đào tạo cơ bản, phát triển tình bạn thân thiết và rời bến bờ với sự tự do của họ. Và dĩ nhiên với nhiều người đó là dịp để tìm ý trung nhân.

Garage Girls đã phát triển một thứ kỹ thuật mà họ gọi là “đệm”: những tin nhắn được kéo dài ra bằng những mẫu thông tin không liên quan nhằm cố tình khiến địch lầm lẫn. Bà Coral Hinds giải thích: “Nếu bạn có thông điệp quá ngắn thì quá dễ cho người ta giải được rồi. Nhưng nếu đặt lớp đệm này vào thì họ sẽ ngắc ngứ”. “Đệm” cũng có thêm một tác dụng ngầm là gửi được tin nhắn an toàn cho người yêu, bạn bè ở quê nhà.

Bà Coral gặp chồng Sandy Hinds tại Trung ương cục. Ông là một tín hiệu viên và đang trong thời gian chờ để được gửi lên miền Bắc New Guinea. Nhớ lại thời khắc đó, bà Coral xúc động kể: “Gặp Sandy là điều quan trọng nhất đời tôi. Tôi gặp anh vào tháng 5 rồi qua tháng 6, anh ấy đi làm nhiệm vụ, và tới ngày 20/10/1944 thì anh hỏi cưới tôi”. Cuối cùng, Sandy và Coral nên duyên chồng vợ vào ngày 2/6/1945.

Nhưng trong suốt thời chiến, bà Coral đổ bệnh khi ông Sandy được triển khai và Garage Girls muốn nói cho người chồng biết rằng vợ ông đã đi xa hơn khi dùng máy Lớp X. Khi Coral buộc phải nhập viện điều trị, bà Joyce quyết định đảm đương việc gửi liên lạc cho ông Sandy khi đó đang chiến đấu trong rừng. Bà Joyce nhớ lại: “Tôi nói ngắn gọn chỉ để anh Sandy biết rằng chị Coral vẫn ổn, và sắp xuất viện. Chà, Sandy đã nhận được bức điện đó và đã mang theo bên mình, tôi nghĩ là khá lâu đấy”.

Hoạt động mật của Trung ương cục đã đóng góp vào một trong những cuộc không kích chiến lược chống lại phát xít Nhật vào tháng 4/1943: Chiến dịch Báo thù. Đô đốc Isoroku Yamamoto (Tư lệnh Hải quân Thiên hoàng) là “kiến trúc sư” của vụ tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12/1941) đã khiến ông ta trở thành mục tiêu quân sự số 1 của Washington. Một đơn vị không dây của Australia đã thu được tín hiệu vô tuyến Nhật rồi giải mã và từ đó tiết lộ rằng đô đốc Yamamoto sẽ thân chinh thăm binh sĩ Nhật trên quần đảo Solomon và New Guinea.

Cáp tín hiệu Nhật không chỉ hé lộ chi tiết về lịch trình của Yamamoto mà còn cả loại oanh tạc cơ Mitsubishi Betty mà vị đô đốc và các sĩ quan của ông ta sẽ bay, cũng như 6 chiếc tiêm kích Mitsubishi Zero cùng bay đồng hành với họ. Bà Joyce nhớ lại: “Họ có mọi thứ. Và chắc chắn rằng họ đang chờ đợi ông ta (Yamamoto): những người lính của chúng tôi, cũng như người Mỹ”. 

Các chiến cơ Mỹ đã chặn máy bay của đô đốc Yamamoto bên trên Bougainville và bắn rơi nó vào ngày 18/4/1943. Bà Coral Hinds nhấn mạnh: “Họ đã bắn hạ “thằng nhóc to xác” (máy bay của đô đốc Yamamoto). Chà, hồi hộp lắm chứ”. Xác chiếc máy bay của Yamamoto vẫn còn gỉ sét trong khu rừng cách mỏ đồng Panguna khoảng 9km. Cái chết của Yamamoto là một đòn giáng mạnh vào tinh thần binh sĩ Nhật song cũng phải mất thêm 2 năm rưỡi nữa chiến cuộc Thái Bình Dương mới kết thúc.

Việc ra đời Chiến dịch Báo thù đã khiến Đồng Minh bị chia rẽ. Người Anh tin rằng để trả thù chính xác Yamamoto, Mỹ đã mạo hiểm để lộ khả năng phá mã chung của họ vốn có giá trị chiến lược rộng lớn hơn. Việc giải mã các tín hiệu Nhật Bản vốn đã chứng minh giá trị của nó trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã (ĐQX): việc đánh chặn các cáp ngoại giao Nhật Bản ở Châu Âu đã giúp quân Đồng Minh nắm được chiến lược quân sự đang lên của Đức.

Garage Girls - đội điệp viên tóc dài của Australia -0
Cỗ máy Lớp X mà các nhà phá mã của Garage Girls sử dụng để đánh chặn liên lạc của người Nhật. Ảnh nguồn: Ascot News.

Bức điện lịch sử

Trong khi khả năng giải mã các tín hiệu Nhật Bản của quân Đồng Minh đã được cải thiện đều đặn, thì có một sự thật là hoạt động này đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của một lính công binh Australia khi tình cờ tìm thấy một chiếc rương thép được chôn dưới mặt đất sũng nước khi lính Nhật rút lui vào tháng 1/1944 ở Sio (New Guinea). Trong rương đựng những cuốn sách mã hóa của Sư đoàn 20 của quân đội Nhật Bản.

Sau khi chuyển về Trung ương cục, những cuốn sách mã được đánh giá cẩn thận từng trang, rồi chúng được hong khô trên dây phơi quần áo. Bà Joyce nhớ lại người đồng đội Helen Kenny (trực thuộc Garage Girl) đã trợ giúp việc này thành công. (sau này bà Kenny có một nghề nghiệp lâu dài và thành công trong lĩnh vực báo chí, bao gồm vai trò biên tập viên văn học cho báo Sydney Morning Herald).

Khi các sách mật mã được chụp ảnh và phân phối cho các nhà phá mã của quân Đồng Minh thì tín hiệu của địch bị can thiệp nghiêm trọng - chúng được giải mã và đọc bởi tình báo Đồng Minh gần như ngay lập tức khi người Nhật nhận được chúng.

Vì thế khi tay sĩ quan Nhật nọ vô tình gửi bức điện tín của mình từ cảng Kure (Đông Nam Hiroshima) về tổng hành dinh Tokyo vào ngày 6/8/1945, nó đã được giải mã gần như từng từ một. Giống như phần lớn thành viên còn lại của Garage Girls, 2 bà Joyce và Coral không biết nói tiếng Nhật, vì thế đó là lần đầu tiên bà thấy được bức điện Hiroshima được dịch ra khi ABC cho 2 bà xem.

Bà Joyce đặc biệt ấn tượng với dòng cuối cùng của bức điện: “Làm ơn điều tra và báo cáo bất kỳ tin tức gì liên quan đến loại bom mới này”. “Tôi không thích âm thanh đó đâu (nói tiếng Nhật)” - bà Joyce nhớ lại, và bà nói thêm rằng đó là lần đầu tiên bà nghe nói đến bom nguyên tử khi đọc báo.

Về vụ tấn công nguyên tử xuống Hiroshima, bà Coral rùng mình nhớ lại: “Kinh khủng! Tôi biết điều đó thật khủng khiếp. Nhưng nếu chúng tôi không làm vậy (ném bom) thì họ cũng không tha chúng tôi. Nghe thì có vẻ đáng sợ, nhưng khi tôi nghĩ về việc người Nhật đối xử tàn ác với những người lính chúng tôi, thì hành động đó là việc chẳng đặng đừng”. 

Bà Coral không nói hết câu mà chỉ nhấn mạnh một thực tế: “Hãy xem họ (lính Nhật) bức giết những người lính của chúng tôi trong các trại tù chiến tranh và một số người trong số họ đang trả giá cho việc đó. Tôi rất ưu tư với người Nhật, nhất là dân thường. Nhưng quý vị biết đấy, khi nghĩ về những thứ mà lính Nhật đã đối xử với tù chiến tranh… May sao mọi chuyện cũng qua rồi”. Và theo tướng Douglas MacArthur thì công việc của những nhà giải mã tại Garage Girls đã góp phần đáng kể trong việc rút ngắn chiến sự ở mặt trận Thái Bình Dương.

“Tướng Douglas MacArthur khẳng định với hoạt động mà chúng tôi tiến hành sẽ giảm 2 năm chiến cuộc - chúng tôi nghĩ công việc mình đang làm hẳn rất đặc biệt, và tôi rất tự hào về điều đó”, bà Joyce xúc động nhớ lại. Bài học từ chiến tranh là gì? Cựu điệp viên Joyce kết luận: “Hãy giữ vững hòa bình càng lâu càng tốt. Làm mọi cách để đạt được điều đó. Chiến tranh thật khủng khiếp!”.

Tháng 1/2023, Coral Hinds, Joyce Grace và Ailsa Hale, những người cuối cùng còn sống sót của Garage Girls đã vinh dự được trao Huân chương tình báo Australia. Bà Coral qua đời vào ngày 10/2/2023. Đến ngày 4/3/2023 này, bà Joyce Grace tròn 100 tuổi. Bà Joyce cùng ông Anthony (con trai của bà Coral Hinds) được Toàn quyền Australia trao tặng huân chương vào ngày 18/4/2023.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.