Giải mật các thành tựu thể thao của CHDC Đức
Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ngành thể thao của Cộng hòa Dân chủ Đức đã giành được những thành tựu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, sau khi bức tường Berlin sụp đổ và các tài liệu của bộ An ninh quốc gia (Stasi) được giải mật, người ta phát hiện ra rằng các vận động viên Đức thường xuyên sử dụng doping trong các cuộc thi đấu thể thao. Hành vi này được sự hỗ trợ của một chương trình cấp nhà nước.
Những con số biết nói
Chẳng hạn, nếu tại Thế vận hội Mùa đông 1968 ở Grenoble, Pháp, đội tuyển CHDC Đức thậm chí không lọt vào top 10, thì 4 năm sau, tại Thế vận hội Mùa đông ở Sapporo, Nhật Bản, các vận động viên CHDC Đức đã tạo nên một cơn địa chấn, giành vị trí thứ 2 chung cuộc và đoạt 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 7 huy chương đồng. Kể từ đó, đội CHDC Đức luôn luôn ngự trị trên đỉnh Olympus thể thao.
Tại Thế vận hội Mùa đông 76 ở Innsbruck, Áo, các vận động viên Đông Đức cũng đứng thứ 2, nhưng có số huy chương ấn tượng hơn - lần lượt là 7, 5 và 7.
Tại Thế vận hội Mùa đông 1980 ở Lake Placid, Mỹ, đội CHDC Đức giành được nhiều giải nhất, chỉ thua đội Liên Xô về số huy chương vàng (9 so với 10).
Tại các Thế vận hội Mùa hè như Mexico-68, Munchen-72, Montréal-76, Moscow-80, các vận động viên CHDC Đức cũng đã thể hiện thành tích không kém phần ấn tượng.
Ngoài ra, các vận động viên CHDC Đức cũng đã đạt được những thành tích lớn tại các giải vô địch thế giới và châu Âu, các cuộc thi đấu thể thao riêng lẻ v.v...
“Phép mầu” đến từ đâu?
Các quan chức của Liên đoàn Thể dục -Thể thao Đức lý giải rằng bí quyết thành công nằm ở sự quan tâm của ban lãnh đạo CHDC Đức đối với công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ. Đất nước tích cực tuyên truyền lối sống lành mạnh, xây dựng các cơ sở thể thao, khu tập luyện, sân vận động. Công tác huấn luyện được chú trọng, không một thiếu niên tài năng nào nằm ngoài tầm ngắm của các chuyên gia. Tuy nhiên, hình như các quan chức thể thao vẫn còn có điều gì đó chưa nói hết.
Có một bí mật mà công chúng rộng rãi chỉ được biết đến vào những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, khi các tài liệu của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức, hay Stasi, được giải mật. Đó là CHDC Đức đã triển khai chương trình nội bộ “Các biện pháp y tế bổ sung hỗ trợ quá trình luyện tập” ở cấp quốc gia. Nói một cách nôm na, các vận động viên CHDC Đức đã sử dụng doping trong các cuộc thi đấu thể thao, mà phổ biến là steroid đồng hóa. Hàng chục cơ quan nhà nước đã tham gia vào việc thực hiện chương trình này, nhưng việc giữ bí mật được giao cho Bộ An ninh Quốc gia đầy quyền lực. Đến lượt mình, cơ quan này phối hợp công việc với Ủy ban Thể thao Thành tích cao trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức.
Tại sao steroid đồng hóa được lựa chọn? Tại vì chế phẩm này được sử dụng không phải vào ngày thi đấu mà từ hai đến ba tháng trước đó. Vì vậy, việc phát hiện chúng bằng cách kiểm tra doping mà vào những năm đó chỉ được thực hiện trong thời gian thi đấu, là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Và mặc dù các phương pháp kiểm tra càng ngày càng được cải tiến, nhưng ngay cả tại Thế vận hội Mùa hè 1976 ở Montréal, nơi người ta nói rất nhiều về việc chống sử dụng steroid đồng hóa, các thí nghiệm để xác định chúng hầu như vẫn không được tiến hành.
Dưới sự chỉ đạo của Stasi, các dược sĩ Đông Đức đã sản xuất steroid đồng hóa chất lượng cao dưới dạng kẹo cao su, bình xịt, gel bôi trơn và thuốc mỡ. Kết quả không phải chờ lâu. Ngay trong năm 1966, một vận động viên ném đạn thể thao của CHDC Đức (được giấu tên) sử dụng steroid đồng hóa, đã tăng thành tích cá nhân của mình thêm 3 mét và lần đầu tiên trở thành nhà vô địch của CHDC Đức.
Steroid đồng hóa được sử dụng rộng rãi nhất trong các môn thể thao “giành nhiều huy chương”. Những người đầu tiên đoạt huy chương là các vận động viên điền kinh, cử tạ, thể dục, thợ lặn, vật, chèo thuyền, bơi lội, còn sau đó là các đại diện của những môn thể thao khác.
Các nhân viên của Stasi chịu trách nhiệm về “thể thao” phải thường xuyên kiểm soát tình hình, ngăn chặn các nguy cơ phát hiện “học trò” của mình sử dụng doping.
Bất ngờ được báo trước
Tại Giải vô địch bơi lội thế giới được tổ chức ở Tây Berlin năm 1978, đã xảy ra một trường hợp hy hữu. Vào thời điểm đó, đội CHDC Đức, đặc biệt là đội nữ, đã đạt được những thành tích phi thường: gần một nửa số huy chương được trao ở các giải vô địch châu Âu. Lần này cũng vậy, không có dấu hiệu gì báo trước thất bại. Nhưng ngay trước khi bắt đầu giải, ban lãnh đạo Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) chính thức thông báo cho tất cả các thành viên rằng sẽ tiến hành việc kiểm tra sử dụng steroid đồng hóa, hơn nữa, các mẫu sinh học sẽ được gửi cho giáo sư M. Donicke ở Cologne phân tích. Giáo sư M. Donicke là người khai sinh phương pháp phát hiện dấu vết của steroid đồng hóa thậm chí ba tháng sau khi ngừng sử dụng chúng.
Ngay lập tức, một số vận động viên bơi lội giỏi nhất của CHDC Đức bất ngờ đổ bệnh và phải về nhà điều trị. Các thành viên còn lại của đội chỉ giành được một huy chương vàng. Phép lạ nào giúp các vận động viên bơi lội Đông Đức tránh được nguy cơ gần như không thể tránh khỏi?
Bác sĩ của đội bơi lội CHDC Đức, tiến sĩ Lothar Kipke từng là thành viên của Ủy ban Y tế thuộc Liên đoàn Bơi lội Thế giới nhiều năm. Theo quy định lúc bấy giờ, tất cả những đổi mới trong quy trình tiến hành kiểm tra doping lần đầu tiên được thảo luận trong Ủy ban Y tế và chỉ sau đó mới được trình lên Văn phòng phê duyệt.
Qua tiến sĩ Lothar Kipke, ban lãnh đạo thể thao CHDC Đức nhận được toàn bộ thông tin về những “bất ngờ” sắp tới trong lĩnh vực kiểm tra doping và họ đã kịp thời thực hiện các biện pháp thích hợp. Ở Tây Berlin, quyết định của FINA được thông qua một cách khẩn cấp, nhưng ngay cả ở đây, tiến sĩ Lothar Kipke vẫn chủ động đi trước. Bằng cách này hay cách khác, trong toàn bộ lịch sử của CHDC Đức, không một vận động viên bơi lội nào bị phát hiện sử dụng doping
Ở các môn thể thao khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Những phát hiện, nếu xảy ra, chỉ mang tính chất đơn lẻ và không gây ra nghi ngờ trong cộng đồng thể thao.
Công bằng mà nói, việc sử dụng doping ở các đội tuyển của CHDC Đức không mang tính chất phổ biến. Một số môn thể thao hoàn toàn tránh được “trò chơi bí mật” với steroid đồng hóa.
Mặc dù vậy, “thế hệ vàng” các vận động viên Đông Đức đã trở thành một bộ phận của giới thể thao tinh hoa thế giới, tên tuổi của họ nổi tiếng khắp hành tinh. Tình hình này khiến chính quyền và ban lãnh đạo Stasi hết sức lo ngại. Như chúng ta biết, các ngôi sao thể thao là những người thất thường, có yêu cầu cao và thường xuyên đi nước ngoài. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó trong số họ quyết định ở lại phương Tây với tất cả những hậu quả về sau? Vì vậy, bắt đầu từ một thời điểm nhất định, các vận động viên xuất sắc bị giám sát toàn diện, điều này không chỉ được thực hiện bởi các nhân viên an ninh mà còn bởi các chỉ điểm viên được tuyển mộ trong đội ngũ vận động viên.
Khi “nữ hoàng” đổi nghề
Câu chuyện điển hình sau đây xảy ra với vận động viên trượt băng nghệ thuật Gabriele Seyfert, cô được người hâm mộ gọi một cách trìu mến là “Nữ hoàng trượt băng”, “Gabi của chúng ta”. Mẹ cô, bà Jutta Mller, từng là ngôi sao thể thao ở CHDC Đức, sau đó trở thành huấn luyện viên lỗi lạc, nhiều học trò của bà, kể cả con gái bà, đã trở thành những vận động viên thể thao ưu tú của thế giới. Thi đấu đơn nữ, Gabi đã giành huy chương bạc tại Thế vận hội Mùa đông 1968, hai lần vô địch thế giới, ba lần vô địch châu Âu và mười lần vô địch CHDC Đức (từ 1961 đến 1970).
Gabi chinh phục đỉnh cao thể thao mà không cần sự trợ giúp của doping. Một thời gian sau, cô bắt đầu bị theo dõi, vì càng ngày Gabi càng hướng tới lối sống phương Tây - cô mơ ước có một tủ quần áo sang trọng, một chiếc ôtô đắt tiền, cô thích rượu gin cổ điển và thuốc lá hảo hạng. Tuy nhiên, ước mơ của cô nhanh chóng trở thành hiện thực. Năm 1970, ở tuổi 22, đang trên đỉnh cao danh vọng, Gabi bất ngờ tuyên bố chấm dứt sự nghiệp thể thao. Cô muốn làm huấn luyện viên, nhưng không thành, cuối cùng, cô chuyển sang làm nghề phiên dịch.
Sau khi giải mật các tài liệu của Stasi, người ta đột nhiên phát hiện ra rằng kể từ ngày 30/8/1971, “Nữ hoàng trượt băng” là kẻ chỉ điểm trong biên chế của Bộ An ninh quốc gia, với mật danh “Ngọc Trai”.
Ngay lập tức, xuất hiện những bài viết đầy phẫn nộ chỉ trích cựu thần tượng của công chúng trên các phương tiện truyền thông tự do. Người ta liệt kê những khoản ưu đãi và bổng lộc mà Gabi nhận được từ Stasi. Cô được cấp một chiếc Fiat có mui trượt, sau đó một chiếc ôtô khác, được trả tiền cho đám cưới của cô với người chồng đầu tiên, được tài trợ cho một kỳ nghỉ “ở nước bạn”, được hỗ trợ học tập, tìm việc làm. Nói tóm lại, “Ngọc trai” không bị từ chối bất cứ điều gì.
Nhưng Gabi đã thực hiện công việc gì cho Stasi với tư cách là kẻ chỉ điểm? Cô đã chỉ điểm ai? Những bản báo cáo, tố cáo nào cô đã viết? Không có thông tin nào về vấn đề này được lưu giữ. Không có gì ngoài những suy đoán.
Mà cũng có thể cô không viết báo cáo nào cả? Bởi Gabi đã rời bỏ nền thể thao lớn trước khi được “tuyển mộ”, còn mấy năm sau cô đã hoàn toàn đổi nghề.
Phải chăng, sự “hợp tác” của Gabi với chính quyền chỉ là một cách để giữ chân ngôi sao thể thao trên tổ quốc mình, với những khoản tiền trợ cấp cho cô thông qua các kênh bí mật “để có một cuộc sống thoải mái”. Còn danh xưng “kẻ chỉ điểm” là một loại bảo hiểm cho chính quyền trong trường hợp cô tỏ ra “thất thường”?
Vào đầu thế kỷ XXI, Gabriele xuất bản cuốn tự truyện “Sẽ còn điều gì đó”. Không có một từ nào trong cuốn sách nói về “sự hợp tác” với Stasi. Ở các bang thuộc Đông Đức bà vẫn được yêu mến như xưa và được coi là mẫu mực của ý chí và tinh thần lạc quan, nhân vật thần tượng của thời đại đã qua.
Trong khi đó, đề tài “những kẻ chỉ điểm cho Stasi” thường xuyên nổi lên trong các giới thể thao Cộng hòa Liên bang Đức.