Giải mật lực lượng đặc nhiệm 160

Thứ Sáu, 10/02/2023, 08:23

Trung đoàn hàng không đặc nhiệm 160 (còn có các tên khác là Dù 160, SOAR 160, hoặc Cú đêm) là sự yểm trợ hàng không quan trọng cơ yếu của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Lực lượng này nằm ngay trong Bộ Tư lệnh hành quân đặc biệt chung (JSOC) hoặc Đặc nhiệm Nâu, nó đáp ứng một số mục đích khác nhau, bao gồm tham gia chiến đấu trực tiếp và hỗ trợ cũng như các hoạt động trinh sát. Có khả năng tiến hành các hoạt động không vận và cứu hộ, đóng vai trò của một lực lượng phản ứng nhanh tinh nhuệ.

Hoàn cảnh ra đời đặc nhiệm 160 

Sở dĩ Đặc nhiệm 160 được gọi là “cú đêm” là bởi vì họ rất sành sỏi trong các hoạt động đêm cùng những hoạt động ở độ cao thấp khiến cho không bị phát hiện. Đặc nhiệm 160 ra đời sau Chiến dịch Móng vuốt Đại Bàng. Chiến dịch này buộc Mỹ phải nghĩ lại về thiết kế và cách dùng các lực lượng đặc nhiệm. Quân đội đã chuyển sang Nhóm hàng không sư đoàn dù 101 (tấn công đường không) do thành tích đã được chứng minh cùng khả năng đa dạng của họ. Các phi công từ nhiều tiểu đoàn khác nhau đã được tuyển chọn cho các khóa bay đêm và tấn công chuyên môn cao. Sau khi hoàn tất lớp đầu tiên thì một đặc nhiệm mới toanh đã thành hình: Đặc nhiệm 158. Cái tên này được lấy từ Tiểu đoàn 158, nơi xuất thân phần lớn các phi công, họ duy trì kết nối với đơn vị Tiếng thét đại bàng của Sư đoàn dù 101. Mục đích ban đầu của việc thành lập Đặc nhiệm 158 là nhằm nỗ lực giải cứu con tin lần 2 ở Iran. Tuy nhiên ngay ngày ông Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống, các con tin đã được thả.

Giải mật lực lượng đặc nhiệm 160 -0
Binh sĩ lực lượng đặc biệt Không lực Mỹ tiến hành huấn luyện trực thăng với chiếc MH-47G Chinook của Đặc nhiệm 160. Ảnh nguồn: Thiếu tá Jeff Slinker. 

Quân đội Mỹ đã quyết định thành lập một đơn vị mới. Ngày 16/10/1981, Tiểu đoàn hàng không 160 được hình thành. Các thành viên sáng lập đơn vị đã gọi ngày đó là “Ngày đại bàng cất cánh”. Tiểu đoàn hàng không 160 đã nhanh chóng tham gia vào một số hoạt động đặc biệt bao gồm cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư, Panama, Tấm khiên sa mạc cũng như Bão táp sa mạc... Năm 1990, tiểu đoàn được đổi tên thành Trung đoàn hàng không đặc nhiệm 160. Sau thời điểm đó, nhịp độ hoạt động của đơn vị này trở nên dữ dội hơn. Sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã làm thay đổi triệt để các hoạt động của Đặc nhiệm 160. Đặc nhiệm 160 đã tham gia vào Chiến dịch tự do bền vững Afghanistan, Chiến dịch tự do Iraq cùng một số hoạt động phụ khác.

Cấu trúc và thành phần của đặc nhiệm 160

Đặc nhiệm 160 bao gồm 8 thành phần khác nhau, bao gồm tổng hành dinh, 1 đại đội huấn luyện, 4 tiểu đoàn hàng không đang hoạt động và 2 đại đội phương tiện bay không người lái (UAV/UAS). Đại đội trụ sở chuyên phụ trách tổ chức lực lượng và giao nhiệm vụ. Mỗi trong số 4 tiểu đoàn bay đều thực hiện các nhiệm vụ bay theo phân công của Đặc nhiệm 160. Họ sử dụng nhiều loại máy bay khác nhau theo ý của Trung đoàn nhằm đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu cũng như yểm trợ các nhu cầu thực địa.

Hai đại đội UAV/UAS cung cấp những khả năng tình báo và trinh sát cực kỳ có giá trị cho Đặc nhiệm 160, không chỉ cho bản thân lực lượng này mà còn cho bất kỳ nhóm nào mà nó hỗ trợ trên thực địa. Tiểu đoàn huấn luyện là một thành phần quan trọng của Đặc nhiệm 160 không chỉ đào tạo ra những người lính giỏi nhất mà còn thấm nhuần văn hóa trong khâu tuyển dụng các tân binh tương lai.

Tiểu đoàn huấn luyện còn được mệnh danh là “Những kẻ săn đêm không bỏ cuộc”. Về thành phần lực lượng của Đặc nhiệm 160 có thể được biết như sau: Lực lượng này có khoảng  2.700 quân nhân.

Về thành phần tiểu đoàn 1, gồm: Đại đội trực thăng tấn công hạng nhẹ Alpha (15 chiếc MH-6M Little Bird); Đại đội trinh sát tấn công hạng nhẹ Bravo (15 chiếc AH-6M Little Bird); Đại đội trực thăng tấn công Charlie (10 chiếc MH-60M Black Hawk); Đại đội trực thăng tấn công Delta (10 chiếc MH-60M Black Hawk). Đại đội trực thăng tấn công Echo (10 chiếc MH-60M Black Hawk Squads); Đại đội bảo trì hàng không Foxtrot (sĩ quan an toàn hàng không, phi công hướng dẫn tiêu chuẩn hóa, sĩ quan hoạt động chiến thuật, trung sĩ thứ nhất, nhân viên hỗ trợ bổ sung (quy mô phụ thuộc vào loại máy bay được sử dụng và quy mô của tiểu đoàn yểm trợ).

Về thành phần Tiểu đoàn 2, gồm: Đại đội trực thăng hạng nặng Alpha (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng hạng nặng Bravo (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng tấn công Charlie (10 chiếc MH-60M Black Hawk) và Đại đội bảo trì hàng không Delta (cùng cơ cấu như Tiểu đoàn 1).

Về thành phần tiểu đoàn 3, gồm: Đại đội trực thăng hạng nặng Alpha (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng tấn công Bravo (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng tấn công Charlie (10 chiếc MH-60M Black Hawk) và Đại đội bảo trì hàng không, Đại đội Delta (cùng cơ cấu như Tiểu đoàn 1).

Về thành phần tiểu đoàn 4, gồm: Đại đội trực thăng hạng nặng Alpha (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng hạng nặng Bravo (8 chiếc MH-47G Chinook); Đại đội trực thăng tấn công Charlie (10 chiếc MH-60M Black Hawk) và Đại đội bảo trì hàng không, Đại đội Delta (cùng cơ cấu như tiểu đoàn 1).

Ngoài ra còn có Đại đội Tiếng vọng, đây thực chất là một nhóm hỗ trợ phương tiện bay không người lái, tách biệt hẳn các tiểu đoàn.

Giải mật lực lượng đặc nhiệm 160 -0
Các thành viên MARSOC trong khóa huấn luyện VBSS của Đặc nhiệm 160. Ảnh nguồn: Hạ sĩ  Kyle McNally.

Trong một hoạt động chiến đấu trực tiếp, các thành viên của Đặc nhiệm 160 sẽ cung cấp yểm trợ hỏa lực hoặc tiến hành tấn công trực diện vào các vị trí và lực lượng địch. Các loại trực thăng được dùng bởi Đặc nhiệm 160 chủ yếu là định hướng chiến đấu, chỉ duy nhất loại trực thăng Chinooks chủ yếu dùng hỗ trợ khai thác và vận tải.. Ngoài ra Cú đêm cũng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát tiên tiến, thu thập thông tin và tình báo quan trọng thông qua trực thăng cũng như các đội UAV.

Đặc nhiệm 160 cũng có đội bay cứu thương riêng; các y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu hơn các đối tác khác nhằm cung cấp chăm sóc y tế tối ưu.

Nhân sự muốn gia nhập Đặc nhiệm 160 bắt buộc phải là các quân nhân hoạt động tích cực cũng như đủ điều kiện tham gia huấn luyện trên không để bắt đầu cho quá trình tuyển chọn. Các thành viên trải qua quá trình ban đầu sẽ được kết nạp vào Đặc nhiệm và họ có được giấy phép an ninh mật có điểm GT trên 100, và bắt buộc phải là công dân Mỹ. Quá trình đào tạo hết sức gian khổ. Các tân binh phải trải qua bài kiểm tra thể chất quân sự (APFT) gồm các bài thi chạy cũng như kiểm tra thể lực chung. APFT bao gồm 2 phút chống đẩy và gập bụng, cùng phần chạy 2 dặm tính giờ. Chưa hết, với phần đào tạo hành quân thì các tân binh phải chạy đường trường từ 4 đến 6 dặm. Các bài tập ngày càng nâng cao độ khó nhằm đẩy tân binh đạt đến giới hạn hoàn hảo nhất.

Khâu tuyển chọn quân nhân nhập ngũ chỉ kéo dài 5 tuần (họ chỉ đóng vai trò hỗ trợ và không lái máy bay). Việc tuyển lựa phi công sẽ kéo dài từ 20 đến 28 tuần tùy vào loại máy bay mà họ lái. Sau khi trải qua các hội đồng và những phần kiểm tra bổ sung, các phi công sẽ trở thành người đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ (thường diễn ra trong 2 năm). Lại phải đào tạo thêm 3 hoặc 4 năm nữa thì các phi công mới trở thành Cơ trưởng đủ tiêu chuẩn. Vì Đặc nhiệm 160 trực thuộc JSOC nên các bác sĩ bay phải trải qua đào tạo bổ sung. Ngoài đào tạo cứu thương bay căn bản, các bác sĩ của Đặc nhiệm còn phải trải qua 36 tuần huấn luyện chiến đấu đặc biệt ở Fort Bragg (tiểu bang Bắc Carolina).

Tuy nhiên, chính máy bay mới là thứ vũ khí chủ lực của Cú đêm. Trước hết hãy nói đến trực thăng Little Bird. Là loại trực thăng nhỏ nhất của Cú đêm, nó vừa là phương tiện trinh sát nhanh vừa là vũ khí tấn công. Loại vũ khí này được trang bị súng ngắn 7.62x51mm hoặc bệ tên lửa 70mm Hydra, ngoài ra nó cũng có thể được trang bị súng máy 50 cal, súng phóng lựu 40mm, tên lửa Hellfire và tên lửa phòng không Stinger. Vì kích thước nhỏ nên nó dễ dàng đưa một lượng nhỏ quân nhân đến khu vực mục tiêu và đủ nhẹ để đáp trên mái nhà. Ngoài ra lính Đặc nhiệm 160 cũng dùng trực thăng Blackhawk. Trực thăng MH-60 Black Hawk dùng cho mục đích kép vận chuyển và yểm trợ hỏa lực.

Giải mật lực lượng đặc nhiệm 160 -0
Cấu trúc hỗ trợ vũ khí hạng nhẹ đa trạm (MLASS) được sử dụng trên thân trực thăng Blackhawk của Đặc nhiệm 160. Ảnh nguồn: The Drive.

Các hoạt động đáng chú ý

Cũng như các thành phần của JSOC, nhiều hoạt động của Đặc nhiệm 160 vẫn còn ẩn giấu. Tuy vậy vẫn có 2 chiến dịch thu hút sự chú ý của dư luận gần xa. Đầu tiên là Chiến dịch Mãng xà Gothic. Cuộc chiến Mogadishu (hay còn có tên gọi khác Vụ bắn rơi Black Hawk) diễn ra trong 2 ngày 3-4/10/1993 tại thủ đô Mogadishu (Somali) giữa các lực lượng Mỹ (do Hoạt động Liên hợp quốc ở Somali (UNOSOM II) hậu thuẫn) nhằm chống lại các lực lượng của Liên minh quốc gia Somali (SNA) cùng thế lực vũ trang bất hợp pháp ở Nam Mogadishu. Bảy tháng sau khi triển khai lính Mỹ đến Somali, vào ngày 5/6/1993, Liên hợp quốc đã phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhất về lực lượng gìn giữ hòa bình trong hàng thập kỷ khi lực lượng Pakistan bất ngờ bị tấn công trong lúc đang thị sát một kho vũ khí của SNA.UNOSOM II đổ lỗi cho Mohammed Farah Aidid (thủ lĩnh SNA) phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.

Trong một hành động lùng bắt Aidid, ngày 12/7/1993, lực lượng Mỹ ở Mogadishu đã đột kích vào tư dinh của Aidid làm chết nhiều trưởng lão và ông Habr Gidr, thành viên nổi bật của gia tộc Aidid. Khi chiến dịch đang diễn ra, các lực lượng Somali đã bắn rơi 3 chiếc trực thăng Sikorsky UH Black Hawk của Mỹ bằng súng chống tăng RPG-7 và 2 chiếc trong số đó đã đâm vào lãnh thổ thù địch. Buổi sáng ngày hôm sau, UNOSOMII đã huy động xe bọc thép để cứu những người lính sống sót. Các hoạt động chiến tranh đó đã khiến 18 lính Mỹ tử trận và 73 người khác bị thương.

Bên cạnh đó, chiến dịch Lưỡi giáo Hải Vương cũng là một hoạt động nổi tiếng có sự góp mặt của Đặc nhiệm 160. Ngày 2/5/2011, Osama bin Laden bị bắn chết tại khu tư dinh của ông ta ở thành phố Abbottabad (Pakistan) bởi lực lượng hải quân SEALs của Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt hải quân Hoa Kỳ (DEVGRU). Chiến dịch này do CIA chủ trì với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh hành động đặc biệt chung (JSOC). Hỗ trợ cho Hải quân SEALs là Đặc nhiệm 160 “Cú đêm”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.