Gián điệp tình dục: Thế giới của những “Romeo Stasi”
Ministerium für Staatssicherheit (Bộ An ninh Nhà nước), hay Stasi, là cơ quan an ninh của Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi nhà nước Đông Đức mới hình thành, cơ quan tình báo của họ đã nhanh chóng tìm cách tối đa hóa nguồn nhân lực còn khiêm tốn của mình.
Một trong các biện pháp là tăng cường số lượng những người cung cấp thông tin. Vào lúc cao điểm, có khoảng 170.000 người cung cấp thông tin dân sự có liên hệ với cơ quan này. Các đặc vụ của Stasi khai thác mọi đặc điểm tâm lý hoặc nhu cầu của những người cung cấp tin để đạt được những gì họ muốn.
Chương trình “Romeo Stasi” cũng được xây dựng theo nguyên tắc này. Những đặc vụ tham gia dự án này đã khai thác triệt để sự quyến rũ, gợi cảm và những sự hấp dẫn tính dục khác để có được thứ mà cấp trên của họ đang tìm kiếm: thông tin về phương Tây.
Chương trình “Romeo Stasi”
Dự án "Romeo Stasi” là đứa con tinh thần của Markus Wolf, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Đông Đức, người thường được các đối thủ gọi là "kẻ tàng hình", vì trong một thời gian dài ngoại hình của ông ta luôn là một bí ẩn ở phương Tây. Trong cuốn hồi ký xuất bản sau Chiến tranh lạnh, Markus Wolf đã viết: “Từ thời xa xưa, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta đã sử dụng trò chơi giao phối để gắn kết với các nhân vật thú vị. Nhưng có lẽ đó là vì tôi là người đã hoàn thiện việc sử dụng tình dục trong hoạt động gián điệp”.
Các đặc vụ được giao nhiệm vụ phát triển mối quan hệ lâu dài với các nguồn cung cấp tin của họ. Phụ nữ đơn thân là mục tiêu chính để tiếp cận thường là các nữ thư ký của nhiều bộ và văn phòng chính phủ hoặc các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Bonn.
Bởi Chiến tranh thế giới thứ hai đã giết chết hàng triệu đàn ông Đức, do đó còn rất ít bạn tình nam đủ điều kiện cho một số đông các phụ nữ Tây Đức và tình báo Đông Đức đã rất nhanh nhạy khai thác điều này. Wolf tin rằng những phụ nữ ở những vị trí này có giá trị gấp nhiều lần những người cung cấp tin nam giới. Họ biết mọi thứ và thường có trách nhiệm trực tiếp quản lý các thư từ riêng tư của sếp.
Vào những năm 1960, ban giám đốc nhân sự của Markus Wolf đã phát động chiến dịch chiêu mộ các “Romeo” cho Stasi, những người đàn ông độc thân đẹp trai ở Đông Đức. Một số tân binh sẽ trải qua khóa đào tạo của Stasi. Các điệp viên này sau đó sẽ nhắm đến mục tiêu là những phụ nữ có vị trí tốt đang làm việc cho chính phủ Tây Đức hoặc các đảng phái chính trị.
Tác giả Marianne Quoirin, trong cuốn sách “Yêu đặc vụ: Vì sao phụ nữ làm gián điệp cho Đông Đức?” (Love Agents: Why Women Spied for the East), mô tả cách các Romeo Stasi chọn mục tiêu như sau: “Có thể cô gái ấy vừa bị bạn trai bỏ rơi, hoặc mẹ cô ấy mới qua đời, hoặc cô ấy cô đơn và không có nhiều bạn bè.
Khi Romeo tiếp cận cô ấy, anh ta đã biết mọi thứ về cô ấy - những điều cô ấy thích và không thích, mọi câu chuyện về cô ấy. Một người phụ nữ nói với tôi rằng khi đặc vụ tiếp cận cô ấy, anh ta đã biết cô ấy quan tâm đến môi trường và sau hai ngày anh ta gọi cô ấy là “phù thủy nhỏ thảo dược” của mình”. Vì vậy, Romeo này đã đạt đến mục tiêu khá nhanh chóng.
Stasi có thể xác định được chính xác các điểm dễ thương tổn của đối tượng nhờ vào những khâu chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Các sĩ quan đã trả tiền cho những kẻ nằm vùng để phát hiện và theo dõi những người phụ nữ dễ mở lòng tiếp nhận những thổ lộ tình cảm; những kẻ nằm vùng này thường được bố trí thâm nhập trong đám bạn bè thân thiết của mục tiêu để thu thập thông tin và chuyển chúng cho các đặc vụ của Stasi. Các Romeo sau đó sẽ chỉnh sửa ngoại hình, dựng ra các câu chuyện và chỉnh sửa tính cách của họ để phù hợp tối đa với sở thích và ước muốn của người phụ nữ, nhằm tăng cơ hội của thành công.
Ẩn náu trong chính phủ
Năm 1968, Gabriele Gast, một nữ sinh viên Tây Đức, đi thăm quan Đông Đức khi đang viết luận án “Vai trò chính trị của phụ nữ ở CHDC Đức”. Tại Chemnitz (sau đổi thành Karl-Marx-Stadt), cô gặp một người tự giới thiệu tên là Karl-Heinz Schmidt (biệt danh là Karliszek). Anh ấy quyến rũ, vui vẻ và là một vũ công điêu luyện và họ nhanh chóng trở thành người tình của nhau.
Trong chuyến thăm thứ ba đến Chemnitz, Karliszek đã giới thiệu Gast với một người bạn của anh ta tên là Gotthard Schiefer (trên thực tế đó là thiếu tá Egon Lorentz, lãnh đạo đặc biệt bộ phận phản gián đối ngoại của Stasi), và Karliszek cũng thú nhận rằng tên thật của anh ta là Karl-Heinz Schneider và là một thành viên của Stasi. Một thông điệp quan trọng cũng đến ngay sau đó - nếu Gast không giúp đỡ, họ sẽ không thể gặp lại nhau nữa. Và Gast cũng không thể đặt chân đến Đông Đức nữa.
Quá lo sợ mất Karliszek, Gabriele Gast đã nhận lời cộng tác với Stasi và đã theo học một khóa đào tạo của Stasi về cách chụp ảnh bí mật, thao tác với các đối tượng nhạy cảm và cách sử dụng mật mã, cũng như hoàn thiện các kỹ năng thu thập thông tin tình báo.
Từ ngày 1-11-1973, cô bắt đầu công việc mới tại BND (cơ quan tình báo liên bang Tây Đức), trong khi vẫn duy trì liên lạc với người yêu của mình thông qua những bức thư viết bằng loại mực vô hình. Khi Gast thăng hoa trong sự nghiệp BND, cô ngày càng trở nên quan trọng đối với người Đông Đức, và vào năm 1975, cô được bố trí gặp Markus Wolf.
Mười năm sau, Gast đã đạt tới vị trí Regierungsdirektorin, một vị trí lãnh đạo cao cấp trong BND: cô trao đổi thông tin với CIA, gặp gỡ các cơ quan tình báo Anh và làm việc với nhiều đối tác của tình báo Tây Đức. Tin tức của cô ngày càng trở nên quan trọng với người Đông Đức đến nỗi, ngoài mật danh Gisela, Stasi có thể còn đặt cho cô các biệt danh “Katja” và “Gerald”.
Công việc tiếp theo của Gast sẽ là chuẩn bị các báo cáo tình báo hàng ngày cho Thủ tướng Helmut Kohl và Markus Wolf, Erich Mielke (Giám đốc Stasi) cùng các nhà lãnh đạo CHDC Đức cũng sẽ được đọc các báo cáo tương tự như người đứng đầu chính phủ Tây Đức do Gast chuyển qua. Trong suốt thời gian đó, cô vẫn chung thủy với Romeo của mình, đặc vụ Karliszek của Stasi .
Người đàn ông trong mơ
Gabriele Kliem, sinh năm 1945, không bao giờ được nhìn thấy cha mình nữa vì ông này đã chết trong trại giam của Liên Xô, yếu tố này đã tạo ra lòng căm thù đối với các lực lượng thân cận với Liên Xô trong cô.
Vào một buổi chiều tháng 7-1977, khi Kliem đang ngồi trên bờ sông Rhine ở Bonn để đợi một người bạn, thì một người lạ mặt đến gần cô. Gabriele Kliem mô tả những gì cô ấy cảm thấy vào thời khắc đó: “Anh ấy giống hệt như người đàn ông trong mộng của tôi, và tôi nghĩ, nếu tôi có thể gặp một người đàn ông như vậy, tôi sẽ rất hạnh phúc. Tôi đã yêu anh ấy ngay từ khi anh ấy tiến lại gần tôi”.
Người đàn ông này tự giới thiệu mình là Frank Dietzel, một nhà vật lý làm việc cho một viện nghiên cứu về hòa bình có trụ sở tại Munich, nhưng thực tế anh ta là Rudolf Reck, một giám đốc phòng thí nghiệm ở Rostock và là một đặc vụ của Stasi. Rudolf Reck cũng là một Romeo Stasi, được trao nhiệm vụ quyến rũ Gabriele Kliem, phiên dịch viên 32 tuổi tại đại sứ quán Mỹ ở Bonn.
Trước đó, một trinh sát của Stasi đã kết bạn với một trong những người bạn thân của Kliem, thông tin mà trinh sát này thu lượm được đó là việc Kliem đã từng yêu một giáo viên dạy toán tóc vàng, mắt xanh, điều này đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn dạng Romeo của Stasi để phù hợp với Kliem .
Chỉ ba tháng sau, vào tháng 10-1977, Gabriele Kliem và Frank Dietzel đính hôn. Người phụ nữ sau khi đính hôn đã cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, điều mà sau này cô đã kể lại: “Anh ấy là người tình tuyệt vời nhất mà tôi từng có…”. Rất nhiều người phụ nữ, là mục tiêu của các Romeo Stasi cũng đã lặp lại những tuyên bố tương tự, rằng họ đã được thỏa mãn về tình cảm và tình dục, đôi khi là lần đầu tiên trong đời.
Gabriele Kliem muốn chia sẻ niềm hạnh phúc bằng cách giới thiệu vị hôn phu mới của mình với bạn bè, nhưng Frank Dietzel nhất quyết chỉ gặp cô một mình trong khách sạn hai tuần một lần. Trong khoảng thời gian giữa các cuộc gặp, anh ta không liên lạc với cô và không bao giờ cho biết địa chỉ hoặc chi tiết liên lạc.
Khi Kliem khăng khăng muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của Dietzel, anh ta đe dọa sẽ rời bỏ cô, vì vậy cô đã phải từ bỏ ý định này. Ngược lại, Frank Dietzel úp mở về những bài kiểm tra mà cô phải vượt qua để chứng tỏ tình yêu thực sự của cô dành cho anh - chụp ảnh các tài liệu tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. Lo sợ mất người yêu, Kliem đã đồng ý làm việc đó.
Để giữ mối quan hệ với cô, Frank Dietzel nhiều lần hứa sẽ kết hôn với cô, tuy nhiên đó là một lời hứa không bao giờ được thực hiện. Tháng 8-1984, sau hơn bảy năm yêu nhau, tuyệt vọng vì không thể phá vỡ những bí ẩn xung quanh Frank Dietzel, Gabriele Kliem đã chia tay anh ta và kết hôn với một người đàn ông khác vào năm 1986, nhưng họ ly hôn ngay một năm sau đó.
Ngay lập tức, Frank Dietzel quay lại để an ủi cô, và anh ta giới thiệu cô với Vera, một người được gọi là đồng nghiệp ở Viện của anh ta. Kliem lại tiếp tục sao chụp tài liệu, nhưng giờ chúng sẽ được gửi cho Vera. Nhiều năm sau, một điệp viên của Stasi đào tẩu sang Tây Đức, cung cấp thông tin về các hoạt động của các Romeo Stasi, và vào ngày 13-3-1991, Kliem bị bắt.
Kết cục buồn của những người phụ nữ bị quyến rũ
Rudolf Reck, người mà Gabriele Kiem gọi là Frank Dietzel, sẽ không xuất hiện trong vụ xử án cô, bởi anh ta đã chết trong một tai nạn không rõ nguyên nhân vào những năm 1990 khi xe của anh ta đâm thẳng vào một đoàn tàu. Tuy nhiên, các cuộc điều tra đã tiết lộ những chi tiết đáng kinh ngạc. Hồ sơ của Gabriele Kliem lưu ở Stasi kể chi tiết về cách thức mà họ đã theo dõi cô trong hai năm trước khi Reck liên lạc lần đầu với cô vào năm 1977.
Trong khoảng thời gian yêu nhau (1977-1984), khi trao cho Dietzel các cuộn phim chụp các tài liệu mật, Gabriele Kliem thường gửi kèm những bức thư tình nồng cháy. Cô không hề biết rằng những lời yêu thương mà cô dành riêng cho người yêu của mình sẽ được Stasi đưa vào trong tài liệu giảng dạy của Romeo, như một công cụ hỗ trợ giảng dạy tâm lý.
Năm 1996, trong phiên tòa xét xử tội danh gián điệp, Kliem đã đau đớn nhận xét: “Vậy là bọn họ sẽ ngồi đọc và cười và bàn luận, phân tích xem họ có thể làm tổn thương tôi nhiều hơn như thế nào. Đối với họ, tôi chỉ là một con chuột thí nghiệm hoặc tệ hơn - và với anh ta, tôi chỉ là một công cụ”.
Với tội danh gián điệp, Gabriele Kliem nhận án tù treo hai năm và phạt một số tiền lớn còn Gabriele Gast, vì những hoạt động gián điệp trong các vị trí cao nhất của chính phủ, phải ngồi tù sáu năm chín tháng. Sau 4 thập niên, đã có khoảng 40 phụ nữ Tây Đức bị truy tố tội làm gián điệp ở Cộng hòa Liên bang Đức, hậu quả của những mối quan hệ gắn bó tình cảm với các điệp viên của Cộng hòa Dân chủ Đức.
Theo một phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang năm 1995, các đặc vụ có trụ sở tại CHDC Đức không thể bị truy tố vì nhiệm vụ của họ ở nước ngoài, Vì thế sau khi bức tường Berlin sụp đổ, hầu hết các Romeo Stasi đã được khoan hồng và không bị truy cứu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong Chiến tranh lạnh trong khi các nạn nhân của họ, những người phụ nữ bị lừa gạt về tình cảm lại phải ngồi tù.