Hai thất bại của NSA sau 50 năm

Thứ Năm, 30/05/2024, 11:37

Nửa thế kỷ ngăn cách hai cuộc đào tẩu tới Moscow của các nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, William Martin và Berton Mitchell. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, họ giống nhau đến từng chi tiết. tất cả đều bắt đầu từ chủ nghĩa lãng mạn và kết thúc bằng yêu cầu “hãy cho tôi về nhà!”.

Những đinh vít trong hệ thống

Phải thừa nhận rằng cơ quan phản gián Mỹ rất khó ngăn chặn cả hai vụ rò rỉ thông tin lớn này. Nguồn rò rỉ không phải là các điệp viên hay quan chức tình báo mà là các nhân viên kỹ thuật. Edward Snowden là một lập trình viên, chuyên gia về an ninh mạng làm việc cho NSA và CIA;  William Martin và Bernon Mitchell là những nhà toán học thuộc bộ phận giải mã của NSA. Cả ba đều là những “đinh vít” trong hệ thống, một trong hàng nghìn người, và không  gây chú ý gì đặc biệt.

Tuy nhiên, họ có quyền tiếp cận các bí mật quốc gia ở cấp độ sĩ quan tình báo cao cấp, còn cơ hội phản bội lại nhiều hơn.

Hai thất bại của NSA sau 50 năm -0
William Martin.

Edward Snowden sinh năm 1983. Cha và ông nội của ông phục vụ trong Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ, mẹ và chị gái là luật sư. Ông học ngành công nghệ thông tin và gia nhập quân đội để phục vụ tại Iraq. Từ năm 2005-2008, ông làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ Đại học Maryland và bộ phận liên lạc toàn cầu thuộc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia. Năm 2009, Snowden ngừng làm việc cho CIA và xin vào tập đoàn Dell. Tập đoàn Dell sau đó đã cử Snowden tới làm việc cho Văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Hawaii. Theo tờ Spiegel, Snowden là một Phật tử và người ăn chay.

Sự mặc cả của “chủ nghĩa lãng mạn”

Vào thời điểm đào tẩu sang Moscow, cả ba người Mỹ đều ở độ tuổi trên dưới 30. Mỗi người mất chưa đầy hai năm làm việc để từ bỏ những ảo tưởng về sứ mệnh và phương pháp của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.

Snowden hiểu mọi chuyện vào những năm 2007-2009, khi ông làm việc cho CIA dưới vỏ bọc ngoại giao ở Thụy Sĩ. Tháng 5/2013, ông từ bỏ công việc tại cơ sở của NSA. Đến đầu tháng 6/2013, Snowden bắt đầu liên lạc với các nhà báo của Guardian và Washington Post để tiết lộ về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ.

Còn Martin và Mitchell ngay từ năm 1959, sau hai năm làm việc ở NSA, bắt đầu biết  đến chương trình do thám có mật danh ELENT. Mục tiêu của chương trình này là sử dụng không quân vi phạm không phận Liên Xô nhằm thu tín hiệu hoạt động của các trạm radar ở nước này, trước khi được ghi lại và giải mã tại NSA. Cuối cùng, cả hai tìm cách gặp nghị sĩ Wayne Hays để thông báo với ông về chương trình ELENT. Đây là một sự lựa chọn không thành công.

Năm 1976, sự nghiệp chính trị của Hays kết thúc bởi một vụ bê bối tình dục: ông ly dị vợ, cưới cô thư ký của mình và lấy nhân tình làm thư ký riêng. Đây không phải là người muốn công khai các hoạt động bất hợp pháp của một tổ chức bí mật đến nỗi trong một thời gian dài, ngay cả sự tồn tại của NSA cũng không được chính phủ Hoa Kỳ chính thức thừa nhận. Vì vậy, người ta còn gọi một cách hài hước rằng NSA là từ viết tắt của "No Such Agency" (Cơ quan không tồn tại) hoặc "Never Say Anything" (Không nói bất cứ điều gì).

Bernon Mitchell sinh năm 1929, William Martin sinh năm 1931. Họ gặp nhau và trở thành bạn thân khi phục vụ trong Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Các chàng trai giống nhau về tính cách và sở thích. Sau khi giải ngũ, cả hai đều học toán ở trường đại học, còn năm 1957, họ nhận được lời mời làm việc tại NSA và bắt đầu nghiên cứu về mật mã học. Trong thời gian rảnh rỗi, họ tham gia câu lạc bộ cờ vua. Có lẽ, ở đó họ đã gặp những người Cộng sản Mỹ và bắt đầu quan tâm đến Liên Xô.

Hai thất bại của NSA sau 50 năm -0
Nghị sĩ Wayne Hays.

Mối đe dọa đối với an ninh quốc gia

Không thể chờ đợi phản ứng của nghị sĩ Wayne Hays, tháng 12/1959, Martin và Mitchell liên lạc với Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico. Tổng cục Tình báo  Liên Xô đề nghị họ hợp tác và thường xuyên cung cấp thông tin bí mật cho Moscow. Họ từ chối.

Cuộc đào tẩu diễn ra một cách hết sức thông thường. Năm 1960, Martin và Mitchell nghỉ phép ba tuần, họ đến thành phố Mexico, vào Đại sứ quán Liên Xô và xin tị nạn chính trị. Hai người  Mỹ được chuyển đến La Habana và từ đó đến Liên Xô. Chỉ 8 ngày sau khi hết phép và hai nhân viên mật mã phải trở lại làm việc, NSA mới chính thức thông báo về sự mất tích của họ.

Snowden cũng chạy trốn trong thời gian nghỉ phép, nhưng gần như ngay lập tức công bố các tài liệu mật và nhanh chóng bị nhận dạng. Ông chọn Nga làm điểm dừng chân cuối cùng trên đường đi. Snowden mơ ước được đảm bảo một cuộc sống yên bình ở một đất nước ủng hộ các giá trị dân chủ.

Thời gian đã chứng minh rằng chỉ có những chế độ toàn trị mới có thể che chở ông ta một cách chắc chắn. Chuyên gia lập trình viên đã cân nhắc phương án ở lại Trung Quốc, nhưng không được chào đón. Venezuela hứa cho tị nạn chính trị, nhưng Snowden cho rằng ở Nga sẽ an toàn hơn. Sau một tháng chờ đợi tại khu vực quá cảnh sân bay Sheremetyevo ở Moscow, ngày 1/8/2013, Snowden được quyền cư trú tạm thời.

Martin và Mitchell biết trước họ sẽ  đi đâu. Tại Moscow, họ nói với các nhà báo rằng họ coi Liên Xô là một “quốc gia dễ chấp nhận hơn về mặt xã hội” so với Hoa Kỳ. Có thông tin cho rằng từ năm 1958 cả hai đều là đảng viên của đảng Cộng sản Mỹ.

Hai thất bại của NSA sau 50 năm -0
Berton Mitchell.

Rất ít lợi ích thiết thực đối với Liên Xô

Trong cuộc họp báo lớn tại trụ sở Hội  Nhà báo Liên Xô ngày 6/9/1960, William Martin và Bernon Mitchell nói về việc tình báo Mỹ đã xây dựng một mạng lưới để chộp bắt và giải mã các thông tin mật của các quốc gia khác. Vào thời đại của Snowden, tiến bộ công nghệ đã đi xa hơn. Thông tin của ông cho biết, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã cung cấp bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và FBI. Ngoài ra, hai cơ quan này cũng có truyền truy cập vào máy chủ của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook và Apple.

Ngoài việc giám sát công dân Mỹ, Snowden cũng đưa ra những tiết lộ gây sốc về việc Washington do thám các quan chức chính phủ nước ngoài. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, NSA và cơ quan thông tin của Anh đã chặn cuộc điện thoại mà các quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian hội nghị G20 diễn ra ở London năm 2009. Khác với những người tiền nhiệm, Snowden có thể cung cấp bằng chứng dưới dạng bản sao điện tử của hàng trăm nghìn tài liệu được đóng dấu “Tuyệt mật”.

Tuy nhiên, các cuộc đào tẩu của 3 nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ có tác dụng tuyên truyền rất tốt cho các đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ, nhưng mang lại rất ít lợi ích thiết thực cho Liên Xô và Nga.

Snowden đã nỗ lực hết sức để công bố đầy đủ và công khai tất cả thông tin mà ông muốn tiết lộ. Điều đó giúp các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nhận biết những công nghệ và phương pháp chộp bắt thông tin nào đã bị xâm phạm và cần phải thay đổi. Còn kiến thức quý giá nhất mà Liên Xô nhận được từ Martin và Mitchell là thông tin về việc NSA vẫn chưa giải mã được các thông tin vô tuyến của tình báo Liên Xô. Điều này được phát hiện qua các tài liệu do kẻ đào tẩu Vasily Mitrokhin, cán bộ phòng lưu trữ của KGB, chuyển cho Vương quốc Anh vào năm 1992.

Bôi nhọ danh dự

Mặc dù hoàn cảnh giống nhau, phản ứng của Mỹ đối với hai vụ rò rỉ bí mật quốc gia hoàn toàn khác nhau.

Vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower (1953-1956), diễn ra một cuộc thanh trừng các công chức có khuynh hướng tình dục phi truyền thống. Người ta cho rằng những kẻ đồng tính có thể bị các cơ quan mật vụ Liên Xô tống tiền. Tai họa này được gọi là "nguy cơ hoa oải hương". Sau khi đào tẩu, Martin và Mitchell bị coi là những kẻ lệch lạc (một uyển ngữ dành cho những người đồng tính vào thời điểm đó) dựa trên kết quả kiểm tra tâm lý mà họ đã trải qua khi nộp đơn xin việc ở NSA.

Martin được coi là một kẻ vô trách nhiệm và cực kỳ ích kỷ. Mitchell thừa nhận thời trẻ ông đã “thử nghiệm tình dục” với gà, chó và phát minh ra thiết bị gây rối loạn thần kinh ở mèo. Có ý kiến cho rằng cả hai đều là thành viên của mạng lưới những kẻ đồng tính luyến ái. Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của một tổ chức như vậy. Sau đó, ở Liên Xô, Martin và Mitchell đã kết hôn, nhưng không phải với nhau.

Bôi nhọ Edward Snowden khó hơn. Mặc dù trong mắt những người yêu nước Mỹ, ông là kẻ phản bội, nhưng ông không “gây rối loạn thần kinh ở mèo và không trải nghiệm tình dục với gà”. Ngoài ra, việc Snowden bảo vệ quyền riêng tư của các công dân bình thường đã thu được cảm tình của nhiều người trên thế giới. Nhờ có Internet và toàn cầu hóa, những lập luận của ông đã được mọi người  lắng nghe.

Kết quả là Martin và Mitchell bị coi là “những kẻ phản bội đồng tính luyến ái”, còn Snowden được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2014.

Hai thất bại của NSA sau 50 năm -0
William Martin (trái) và Berton Mitchell (giữa) tại cuộc họp báo ở Moscow, 1/7/1960.

Nỗi nhớ cố hương

Martin và Mitchell được mời vào làm việc tại Viện Toán mang tên Steklov ở Leningrad (nay là Saint- Petersburg) và nhận 500 rúp/tháng, một mức lương cao lúc bấy giờ. Nhưng một cuộc sống như vậy chỉ có thể thoải mái theo tiêu chuẩn của Liên Xô mà thôi.

Martin và Mitchell nhanh chóng muốn trở về tổ quốc. Để ngăn cản Martin và Mitchell quay trở lại, các nhân viên KGB đã bịa ra rằng họ sẽ bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tuyên phạt 20 năm tù vì tội phản quốc. Người ta cho họ xem một bài báo đăng trên tờ “Izvestia” viết về việc giam giữ các tù nhân Mỹ. Tuồng như những kẻ này bao giờ cũng mang theo bên mình những ống thuốc độc để lúc cần có thể tự tử. Dù sao, năm 1979, Martin hỏi ý kiến lãnh sự quán Mỹ về khả năng quay trở lại. Câu trả lời, nói một cách nhẹ nhàng, là phủ nhận - Martin đã bị tước quyền công dân Mỹ và bị từ chối cấp thị thực du lịch. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm rời bỏ Liên Xô, ông bí mật chạy sang Mexico và qua đời ở đấy vì bệnh ung thư vào năm 1987. Còn Mitchell trở thành kẻ nghiện rượu và qua đời ở Saint- Petersburg 14 năm sau.

Snowden sống ở Nga chưa lâu, nhưng đã nhiều lần phê phán chính quyền nước này vì không cho phép tự do Internet. Tháng 3 năm 2016, Snowden tuyên bố rằng ông muốn trở lại Hoa Kỳ, nhưng tổ quốc vẫn chưa muốn đảm bảo cho ông quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Anh Duy
.
.