"Hồ sơ mafia" của nước Ý
Cái tên Ndrangheta mỗi lần nhắc tới lại khiến người dân xứ Calabria, thuộc nước Ý thêm phần kinh hoàng. Người ta lâu nay vẫn "mặc định" rằng Ndrangheta làm chủ thế giới ngầm vùng Nam Tây Âu. Từ bắt cóc đến buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ, đều dưới sự thao túng của Ndrangheta.
Ngành tư pháp Ý đã đưa được gần 500 “lãnh đạo” của Ndrangheta ra trước tòa. Chúng bị xét xử tại một tòa án rộng 3.000 m2 xây dưới lòng đất, kiên cố không khác gì boong-ke. Tham gia phiên xử án có 600 luật sư bào chữa và 900 nhân chứng. Cuộc chiến giữa nền tư pháp Ý và Ndrangheta đã bắt đầu.
Phát súng mở màn
Sau nhiều năm chịu chỉ trích vì tỏ ra bất lực trước vấn nạn mafia, cảnh sát và ngành tư pháp Ý quyết định mở chiến dịch toàn quốc chống tội phạm có tổ chức. Mục tiêu đầu tiên của họ là những băng nhóm mafia gốc Sicilia (còn gọi là Cosa Nostra) lưu vong ở Mỹ. Chúng chạy sang Mỹ sau khi bị hai vị quan tòa nổi tiếng Giovanni Falcone và Paolo Borsellino buộc phải đền tội trước tòa. Vào năm 2017, ông trùm Salvatore Riina, “vua” của các Cos Nostra chết trong tù. Cái chết của y đặt dấu chấm hết cho liên minh của các băng đảng mafia Sicilia ở Mỹ.
Giám đốc phòng chống tội phạm Francesco Messina của cảnh sát quốc gia Ý trả lời phỏng vấn hãng tin AP: “Gia tộc mafia Inzerillo sống lưu vong nhiều thập niên tại Mỹ. Đến năm 2000, chúng trở về “quê cha đất tổ” ở Palermo, Ý. Tham vọng của Inzerillo là chiếm lại địa bàn ông cha chúng buộc phải bỏ lại. Giao tranh giữa Inzerillo và các băng đảng địa phương cộng với cái chết của Salvatore Riina đã khiến “thế giới ngầm” ở Ý chịu xáo trộn. Đấy là lý do chúng tôi mới nhân cơ hội này mở chiến dịch truy quét mafia”.
Cảnh sát Ý phối hợp với FBI đột kích vào những hang ổ của Cosa Nostra tại Staten Island, New Jersey và Philadelphia, tóm gọn 18 lãnh đạo cấp cao và thu giữ nhiều bằng chứng quan trọng. Qua một đêm mà nhà Inzerillo lẫn đồng minh của chúng, băng đảng Gambino, bị đẩy đến bờ vực. Mạng lưới bảo kê, đánh bạc và mua bán ma túy của chúng cũng vì thế mà “chết” theo.
Giăng lưới
Được thúc đẩy bởi chiến công đầu, cảnh sát Ý mở rộng phạm vi điều tra sang những quốc gia khác ngoài Mỹ. Họ phối hợp với cảnh sát các nước này để bắt thành công một số đối tượng mafia đang lẩn trốn, trong đó nổi tiếng nhất là vụ bắt Rocco Morabito, kẻ còn được mệnh danh “ông hoàng coaine”.
Kể từ thập niên 1980, Morabito nắm giữ trong tay đường dây vận chuyển ma tuý từ Brazil đến Ý. Hồ sơ của Interpol cho biết chỉ trong hai năm 1992-1993, Morabito đã vận chuyển thành công 1.000 kg cocaine. Năm 1995 y bị tòa tuyên án vắng mặt 28 năm tù, sau tăng lên thành 30 năm. Nhưng phải đến tháng 9 năm 2017 Morabito mới bị cảnh sát Uruguay bắt khi đang trốn tại khu resort cao cấp Punta del Este.
Trước khi được trục xuất về Ý, Morabito bị tạm giam tại nhà tù ở thủ đô Montevideo của Uruguay. Không biết làm cách nào mà y trốn được khỏi nhà tù vào năm 2019. Phía Ý nghi ngờ có sự thông đồng giữa Morabito và các quản giáo, nhưng chính phủ Uruguay một mực phủ nhận điều này. Phải đến gần hai năm sau, cảnh sát Ý mới lại tìm thấy dấu vết của Morabito. Y đang dùng tên giả trốn tại thành phố Joao Pessoa, miền bắc Brazil. Cảnh sát Ý, Brazil và Mỹ sau đó cùng mở cuộc đột kích bắt sống Morabito.
Vụ bắt giữ ông trùm Marc Feren Claude Biart có phần “hài hước” hơn. Biart từ lâu đã lọt vào “tầm ngắm” của cảnh sát Ý do các mối quan hệ của y với thế giới ngầm ở Hà Lan. Có bằng chứng để tin rằng Biart là đầu mối quan trọng trong đường dây phân phối ma túy từ Nam Mỹ sang Bắc Âu. Vậy nhưng Biart đã kịp trốn ra nước ngoài trước khi bị pháp luật “sờ gáy”.
Bẵng đi một thời gian, cảnh sát Ý bất ngờ phát hiện một đoạn video dạy nấu ăn trên Youtube. Camera không quay mặt của người đầu bếp nhưng lại quay rõ những hình xăm trên tay anh ta. Cảnh sát Ý đối chiếu hình xăm với hồ sơ và đưa ra kết luận người trong video chính là Biart. Nhờ vào kỹ thuật dò tìm IP, họ cũng phát hiện ra đoạn phim được quay ở nước Cộng hòa Dominica. Sau đó cảnh sát Dominica đã tóm được Biart tại căn hộ của y. Y khai làm video hướng dẫn nấu ăn để giết thời gian.
Cả Morabito và Biart đều là thành viên của Ndrangheta. Quan trọng hơn, chúng giữ vai vế lớn trong việc buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ. Bắt giữ được hai tên này, cảnh sát Ý đã có cơ sở để đưa một loạt các lãnh đạo khác của Ndrangheta ra trước tòa.
Tiền bẩn
Cố nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo từng nhận xét: “Tham vọng lớn nhất của bất kỳ trùm mafia nào cũng là trở thành ông chủ nhà băng”. Cảnh sát Ý luôn hiểu rằng ngoài nhu cầu rửa tiền, các băng đảng đều muốn tham gia lĩnh vực tài chính nhằm tạo sự bảo đảm cho khối tài sản của chúng. Chính vì thế họ đã mở “mặt trận” tài chính như một phần trong chiến dịch truy quét mafia.
Đảo Tenerife là thủ phủ của quần đảo Canary, một khu tự trị thuộc Tây Ban Nha. Bề ngoài thì Tenerife là thiên đường cho những du khách yêu lặn biển, nhưng nơi đây cũng nằm trong số những “điểm nóng” tội phạm của châu Âu. Các băng đảng sử dụng những công ty du lịch, khách sạn, v.v… do chúng sở hữu vừa làm bình phong rửa tiền, vừa để tạo thêm nguồn thu nhập.
Cảnh sát Ý, Tây Ban Nha và Europol hồi năm ngoái đã phối hợp triệt phá đường dây rửa tiền trị giá 10 triệu euro tại Tenerife. Trong số 100 đối tượng bị bắt giữ có không ít thành viên từ cấp trung trở lên của Ndrangheta. Thủ đoạn của các đối tượng này là lừa người dân chuyển khoản cho chúng, rồi đổi số tiền này sang crypto. Tiền ảo sau đó được các đối tượng cho quay vòng qua các nhà hàng, khách sạn, v.v… ở Tenerife và những địa điểm du lịch khác ở Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ailen.
Sau vụ bắt giữ, chuyên viên điều tra cấp cao của cảnh sát Ý Maurizio Vallone phát biểu: “Ngày nay có ít máu đổ trên các đường phố Ý hơn trước, nhưng điều đó không có nghĩa mafia đã biến mất. Mục tiêu chúng đang nhắm tới là trở thành một phần của nền kinh tế chính thức. Tôi nói vậy không để chỉ một mình các doanh nghiệp tư nhân. Mafia còn đang cố gắng xâm nhập cả các cơ quan, chủ thể nhà nước”.
Lời cảnh báo của ông Maurizio đến vài ngày trước khi Ngân hàng Trung ương Đức phát hiện một số tiền giả lớn đã được luồn trót lọt vào hệ thống tài chính của nước này. Trong bối cảnh đại dịch COVID khiến nền kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng Đức buộc phải tinh giảm nhiều bước trong quá trình kiểm soát an ninh. Các đối tượng tội phạm đã nhân cơ hội này mà đưa tiền giả vào trong lưu hành.
Sau một cuộc đột kích vào 18 cơ sở in lậu tại Naples, Ý và một nhà kho ở Đức, cảnh sát hai nước đã thu giữ tổng cộng 160.000 euro tiền giả, máy in và những công cụ khác, hàng buôn lậu từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều ô tô ăn trộm được, và hàng loạt giấy tờ giả. Băng Ndrangheta không chỉ in tiền giả để tiêu xài, chúng xây dựng cả một quy trình khép kín để tiêu thụ hàng bất hợp pháp bằng cách dùng tiền và giấy tờ giả. Đáng lo ngại hơn, chúng đã có khả năng in được đồng 100 euro mới được đưa vào lưu hành chưa đầy một năm.
Cuộc đấu dai dẳng
Thông tin về phiên tòa 500 thành viên của Ndrangheta hiện vẫn được giữ kín, nhưng theo như những gì báo chí đã khai thác, cuộc chiến pháp lý này còn lâu mới đến hồi kết. Càng ngày có nhiều chi tiết về thế giới ngầm được hé lộ. Điều duy nhất chắc chắn vào thời điểm hiện tại là ngành tư pháp Ý sẽ tận dụng triệt để cơ hội này để đào sâu vào các băng đảng mafia.
Mục tiêu chính của phía kiểm sát là đưa các ông trùm của dòng họ Mancuso vào tù. Dòng họ Mancuso chi nhánh quyền lực nhất trong tổ chức Ndrangheta. Từ tỉnh Vibo Valencia miền Tây nước Ý, ảnh hưởng của Mancuso lan đến tận cả Colombia ở Nam Mỹ và Togo ở Tây Phi. Chính trị gia, nguyên Trưởng ủy ban Phòng chống mafia của chính phủ Ý Giuseppe Lumia từng tuyên bố: Mancuso là gia đình mafia nắm giữ nhiều quyền lực tài chính nhất ở châu Âu.
Nhiều nhân chứng trong vụ án có người thân từng bị nhà Mancuso sát hại hoặc là sát thủ làm việc cho chúng. Tên sát thủ Andrea Mantella kể trước tòa một vụ ám sát hại hai anh em bị nghi ngờ đã phản bội Ndrangheta: “Chúng mời họ về quê dự tiệc. Nhân lúc hai anh em đang mải ăn phô-mai và uống rượu, chúng cho mỗi người một phát đạn vào đầu. Sau đó chúng đào hố, chất xác nạn nhân vào đó cùng với thật nhiều than rồi đốt”.
Tên Luigi Bonaventura là rể họ Mancuso, đồng thời cũng giữ vai trò quan trọng trong tổ chức. Y sử dụng vị trí của mình để tuồn thông tin cho cảnh sát Ý. Khi biết được việc này, các ông trùm Mancuso đã thuê người sát hại Bonaventura nhưng bất thành. Y khai trước tòa: “Giết tôi không được, họ quay ra đe dọa vợ con tôi. Họ biết con tôi thích xem cá heo diễn xiếc nên đã ném xác một con cá heo trước cửa nhà đúng lúc con bé chuẩn bị đi học.”
Các đối tượng đang khai ra đủ thứ để cứu lấy mình. Theo một phóng viên tờ Roman Newsreader: “Chúng kể về đủ mọi thủ đoạn trong công việc của mình. Chúng dùng xe cứu thương để chở ma túy, đào kênh ngầm để tưới cho cánh đồng thuốc phiện, tự đóng quan tài để chôn người di cư trái phép chết đuối, và đút lót cho bác sỹ giám định pháp y để họ che đậy cho những kẻ giết người”. Thông tin gây sốc nhất được trước tòa tiết lộ là mối quan hệ giữa ông trùm Luigi Mancuso và cựu thượng nghị sỹ Giancarlo Pittelli. Nhân chứng tố cáo là trong thời gian ông Pittelli còn tại vị đã giúp 13 tên sát nhân thoát tội.
Cái bóng của Ndrangheta nói riêng và mafia nói chung đã che bóng nước Ý từ nhiều thế kỷ trở lại đây. Vụ xét xử này là một bước tiến quan trọng trong quá trình làm trong sạch nước Ý, đem lại sự bình yên, an toàn và phồn vinh cho người dân Ý. Tuy vậy, đa số nhà phân tích vẫn cho rằng không nên quá lạc quan về những phiên tòa. Đây không phải lần đầu tiên hàng loạt ông trùm mafia ở nước Ý bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tổ chức của chúng không lụi tàn mà trái lại vẫn tìm được cách hồi phục và thích nghi. Kể cả khi tòa án Ý làm tròn bổn phận của mình trong vụ xét xử này, chiến thắng trong cuộc chiến với mafia vẫn sẽ phải đặt ở thì tương lai.