Hoạt động của các điệp viên Ba Lan trong chiến tranh Lạnh

Thứ Năm, 25/05/2023, 21:24

Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều tổ chức tình báo của các nước như CHDC Đức, Liên Xô, Hungary, Tiệp Khắc... hoặc thiêu hủy toàn bộ kho tài liệu của mình, hoặc không giải mật hết. Chỉ riêng Ba Lan là nước hoàn toàn mở cửa các kho tài liệu của Cục An ninh (Sluzba Bezpieczenstwa - SB) với hàng triệu tài liệu mật.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các “cặp tài liệu Bỉ” của SB, tác giả bài viết giới thiệu hoạt động của chi nhánh tình báo Ba Lan tại thủ đô Brussels. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các điệp viên ngầm dưới vỏ bọc ngoại giao

Trong những năm 70-80, tình báo Ba Lan coi chi nhánh Bỉ là cực kỳ quan trọng: xét về số lượng điệp viên ngầm và đặc vụ Ba Lan ở nước này, Bỉ vượt Pháp và Anh. Họ là ai? Qua các các tài liệu lưu trữ, các nhà sử học đã xác định được bốn cán bộ lãnh đạo cuối cùng của tình báo Ba Lan ở Bỉ. Tất cả họ đều hoạt động bí mật: Stanislaw Borecki (biệt danh Rycki, Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Ba Lan ở Bỉ, 1975-1980), Jerzy Kowalski (biệt danh Cedro, lãnh sự tại Brussels, 1980-1984), Zygmunt Page (biệt danh Gothard, cố vấn chính trị của sứ quán, 1984-1988) và Wieslaw Kasprzak (biệt danh Tsami, 1988-1990).

anh 4.jpg -0
Trụ sở công đoàn “Đoàn Kết” ở Brussels.

Tiểu sử của các sĩ quan tình báo đa phần giống nhau: họ sinh vào cuối những năm 1920 trong các gia đình bình dân, đã trải qua Thế chiến II, tốt nghiệp đại học dưới thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Sau đó, họ vào làm việc cho SB.

Trước khi được cử đến Brussels, họ là những cán bộ lãnh đạo tình báo thành đạt: Page phụ trách chi nhánh tình báo Vatican-Ý của SB nhiều năm liền, làm việc dưới vỏ bọc Bí thư thứ hai, Borecki từng làm việc tại Pháp và Ý. Còn Kowalski phụ trách chi nhánh tình báo ở London, từ giữa những năm 1960, ông thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn. Sau đó, ông bị cấm nhập cảnh vào London, và SB buộc phải bổ nhiệm ông làm đại sứ tại Lào, nơi Kowalski buộc phải làm công việc ngoại giao thuần túy.

Giữa các chuyến "công tác" nước ngoài, các sĩ quan tình báo ngồi ở Warszawa và leo lên nấc thang sự nghiệp: cán bộ điều hành, thanh tra viên, phó phòng, trưởng phòng tình báo đối ngoại.

Các sĩ quan tình báo làm việc với các điệp viên ngầm và thông tin viên, vốn không phải cán bộ của SB, mà là dân thường. Cần lưu ý rằng lúc bấy giờ, ở Bỉ có hàng trăm nghìn người Ba Lan sinh sống: một số di cư vào đầu thế kỷ XX để tìm việc làm trong ngành công nghiệp, một số chạy trốn Stalin sau chiến tranh. Những người Ba Lan này là nguồn tuyển dụng điệp viên tham gia các tổ chức tình báo khác nhau ở phương Tây.

Ví dụ, để chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử của  Giáo hoàng John Paul II tới Ba Lan năm 1979, người đứng đầu Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Ba Lan ở Bỉ đã đến thăm đại sứ quán nhiều lần. Malski, một trong những điệp viên Ba Lan đã lợi dụng các chuyến thăm này để thu thập thông tin về bếp núc chính trị của nước Bỉ.

Ông Jerzy Lukaszewski di cư sang Bỉ năm 1958, năm 1972 trở thành Hiệu trưởng của College of Europe - một trường đại học ở Bruges, nơi giới tinh hoa chính trị của Tây Âu từng theo học. Với nhiều lý do khác nhau, các điệp viên Ba Lan đã tìm cách tiếp kiến Jerzy Lukaszewski và, lợi dụng nguồn gốc Ba Lan của ông, thuyết phục ông hợp tác với đại sứ quán. Một điệp viên khác tự giới thiệu là tùy viên báo chí, đã hàng chục lần gặp các nhà báo và chính khách Bỉ.

anh 3.jpg -0
Ông  Jerzy lukaszewski, cộng tác viên của SB tại Bỉ.

Không tự khen mình thì ai khen?

Các tài liệu được giải mật cho thấy, các điệp viên Ba Lan không tham gia các chiến dịch bí mật đặc biệt hoặc hoạt động gián điệp cấp cao, mà chủ yếu hằng ngày thu thập thông tin và viết báo cáo. Chỉ trong hai năm 1979-1980, họ đã gửi về trung tâm 228 cặp tài liệu thông tin. Các chủ đề gồm: chính phủ Bỉ và bộ máy nhà nước, hoạt động phản gián, phân tích và dự báo sự phát triển của kinh tế Bỉ, các ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm, điện tử và chế tạo máy của Bỉ. Mỗi bộ phận đặc biệt của SB phụ trách một ngành công nghiệp! Rõ ràng, trước khi Internet ra đời, chỉ có thể giao phó việc thu thập thông tin về nền kinh tế của các nước tư bản cho các cán bộ tình báo...

Vậy, chất lượng của công tác tình báo như thế nào? Xin đơn cử chiến dịch mang mã số "Olympus" về Bộ Ngoại giao Bỉ. Hồ sơ chiến dịch “Olympus” bao gồm hai cặp tài liệu của những năm 1950, bốn cặp của những năm 60, mười cặp của những năm 70, còn đến cuối Chiến tranh Lạnh, hoạt động được tăng cường: riêng năm 1986 có 12 cặp, năm 1987 - 29 cặp. Nhưng nội dung của chúng thật đáng thất vọng. Ở đấy có tiểu sử của các nhà ngoại giao và cán bộ của Bộ Ngoại giao Bỉ, sơ đồ cấu trúc bên trong của các cục, vụ, danh sách cán bộ, điểm số họ nhận được trong các kỳ thi và báo cáo tài chính. Tất cả những dữ liệu này được lấy từ các nguồn mở - niên giám và sách chỉ dẫn của Bộ Ngoại giao Bỉ.

Hoặc một ví dụ khác. Kẻ thù chính thời kỳ ấy của chế độ ở Ba Lan là công đoàn độc lập "Đoàn kết" (cuối cùng, nó đã phá hoại Đảng Cộng sản Ba Lan và lên cầm quyền vào năm 1990). Chính quyền đã cố gắng thương lượng với công đoàn “Đoàn kết”, khi thì nhượng bộ, khi thì cấm đoán và bắt bớ các đoàn viên của nó. Sau lệnh cấm năm 1982, công đoàn “Đoàn kết" mở một cơ quan đại diện tại Bỉ.

Trong quá trình hoạt động nhiều năm của chiến dịch “Salamander”, tình báo Ba Lan đã tìm cách phá hoại công việc của cơ quan này. Chi nhánh của SB ở Bỉ đã thu thập hàng trăm tài liệu bằng giấy, đĩa CD và micro phim: các báo cáo về công tác tuyên truyền của công đoàn “Đoàn kết”, thư từ nội bộ do những người đào thoát và điệp viên hai mang gửi về, báo cáo của các nhân viên tình báo tham gia chiến dịch này.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến chống lại công đoàn "Đoàn kết" ở nước ngoài đã thất bại: SB  bỏ qua các ấn phẩm tiếng Anh và tiếng Pháp viết rất tỉ mỉ về hoạt động của tổ chức này. SB đã bỏ lỡ chuyến thăm bí mật tới phương Tây của Andrzej Slovik, cán bộ cốt cán của công đoàn “Đoàn kết” năm 1981. Cuối cùng, hoạt động của SB bị đình trệ bởi những tìm kiếm hoang tưởng về ảnh hưởng của CIA đối với công đoàn “Đoàn kết”. Kết quả là một tổ chức bị cấm ở Ba Lan, hoạt động tại trụ sở của mình ở Bỉ, đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các thế lực ở phương Tây - từ Reagan đến Tổ chức Lao động Quốc tế.

Như vậy, hoạt động của chi nhánh tình báo Ba Lan ở Bỉ không thể gọi là thành công: họ lấy thông tin từ các nguồn mở, không tuyển dụng được những thông tin viên giữ các chức vụ quan trọng, và thậm chí họ không thể đấu tranh chống lại chi nhánh của công đoàn “Đoàn kết”.

Thế nhưng, thật kỳ lạ, SB ở Warszawa đã đánh giá khá tích cực hoạt động của tổ chức này. Trong số 228 báo cáo, có 4 báo cáo được đánh giá “xuất sắc”, 59 báo cáo “tốt”, 121 báo cáo “đạt yêu cầu”, 44 báo cáo “kém”. 105 báo cáo đã được sử dụng bằng cách nào đó (56 báo cáo thậm chí đã được gửi tới KGB Liên Xô). Đồng thời, trong thư từ và các tài liệu, các nhân viên tình báo SB ở Bỉ lại ra sức khen ngợi bản thân và các thông tin viên của mình.

anh 2.jpg -0
Nhân viên cơ yếu thường say khướt và làm việc cẩu thả.

Rượu Vodka và các báo cáo nội bộ

Các báo cáo nội bộ còn vẽ nên một bức tranh ảm đạm hơn. Các nhân viên sứ quán phàn nàn về “lãnh sự” Kowalski: ông ta bắt các đồng nghiệp đợi ở hành lang ngoài phòng làm việc của mình, sai lái xe của sứ quán vào thành phố mua rượu trong giờ làm việc, chửi bậy và có lần nhổ nước bọt vào mặt một đồng nghiệp và hành hung anh ta. Khó khăn lắm ngài đại sứ mới thuyết phục nạn nhân không làm rùm beng vụ này.

Nhân viên cơ yếu thường về nhà muộn trong trạng thái say khướt, làm việc cẩu thả nhưng lại mua được ba chiếc ô tô và một bộ đồ gỗ cho con gái. Tùy viên quân sự thường xuyên phàn nàn với trung tâm rằng không ai muốn làm việc. Các nhân viên sứ quán mang hàng trăm chai rượu vodka từ Ba Lan sang để tặng các cán bộ ngoại giao nước ngoài và nhận những món quà "đáp lễ" có giá trị...

Thế nhưng, khi Kowalski về nước công tác, người ta lại nhắm mắt làm ngơ trước những nhược điểm của ông ta và nhận xét trong lý lịch như sau: "Đại tá Kowalski là một nhà tổ chức tuyệt vời, một cán bộ có kỷ luật, siêng năng và tự giác, ông luôn luôn truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp của mình...".

Thiết bị kỹ thuật là một câu chuyện riêng biệt. Tất cả đều bị hỏng và lỗi thời. Kết quả là năm 1974, chi nhánh tình báo đã xin phép Warszawa mua các thiết bị điện tử, quang học và máy ảnh ở Bỉ với giá rẻ mạt (hình như là đồ cũ).

Mặc dù có giấy phép sử dụng, nhưng chất lượng của các thiết bị mới không bảo đảm: năm 1986, chi nhánh tình báo không thể liên lạc được với Warszawa trong nửa ngày do thiết bị chuyên dụng bị hỏng. Các nhân viên phàn nàn về việc thiếu phụ tùng thay thế cho hệ thống báo động an ninh và khóa số két sắt của đại sứ quán thường xuyên hỏng hóc. Và điều khôi hài nhất là các điệp viên Ba Lan, rất có thể, đã làm việc dưới sự giám sát của các cơ quan tình báo phương Tây.

Không thể khẳng định chắc chắn điều đó, khi chưa giải mật hết các tài liệu lưu trữ của họ, nhưng năm 1978, nhiều người Ba Lan nhìn thấy trước đại sứ quán thường xuyên có một đến hai chiếc ô tô với hai tài xế và một hành khách bên trong đậu suốt ngày đêm. Vài tháng sau, bộ phận kỹ thuật của đại sứ quán tìm thấy một lỗ khoan để đặt thiết bị nghe lén dưới tầng hầm, giữa các đường ống của hệ thống lò sưởi...

Và không một điệp viên bí mật nào làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao không bị tình báo phương Tây phát hiện. Cả Kowalski, cả Page, cả Kasprzak lẫn Borecki lúc bấy giờ đều bị coi là gián điệp và bị tuyên bố là những nhân vật không được hoan nghênh: rõ ràng, khi cấp thị thực Bỉ, các nhân viên an ninh đã biết tỏng họ là ai, và tiến hành giám sát kỹ lưỡng.

Trần Đình (Tổng hợp)
.
.