Hoạt động của các điệp viên hai mang

Thứ Năm, 25/01/2024, 08:06

Lòng tham là nguyên nhân chính dẫn đến sự phản bội. Mãi đuổi theo tiền bạc, nhiều khi một điệp viên tình báo trở thành đầy tớ của hai ông chủ, làm việc cho cơ quan tình báo nước mình và nước người. Sau đây là câu chuyện của phóng viên tuần báo “Luận chứng” với Đại tá tình báo kỳ cựu Nga Sergey Antonov về hoạt động của các điệp viên “hai mang”.

Bất ngờ từ nước Áo

Hoạt động của các điệp viên hai mang -0
Cựu Đại tá tình báo Liên Xô Sergey Antonov.

Mở đầu cuộc trò chuyện, phóng viên tuần báo "Luận chứng” ngay lập tức đề nghị cựu Đại tá tình báo bình luận thông tin về việc một “điệp viên Nga” vừa bị phát hiện ở Áo:

- Gần đây, một nhân viên của Cục Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố  của Áo bị nghi ngờ cung cấp thông tin mật cho cơ quan tình báo Nga. Hơn nữa, có thể trong đó có cả tài liệu của cơ quan tình báo Đức. Ông ta được tuyển mộ như thế nào?

Vị sĩ quan tình báo già mỉm cười và trả lời bằng câu nói yêu thích trong cuốn sách của cựu điệp viên “Mossad” Viktor Ostrovsky: “Một con người không uống rượu, không ham tiền hay đàn bà và không vướng mắc các vấn đề chính trị, không thể bị tuyển mộ".

Đáp lại, phóng viên giở tờ báo  Đức và đọc:

“Vào buổi sáng Chủ nhật ấm áp hôm đó, người đàn ông mặc bộ đồ ngủ đang ngồi trong phòng bếp thì cảnh sát ập vào căn hộ của ông ta. Vừa nhìn thấy cảnh sát, ông ta chộp ngay chiếc điện thoại di động nằm trên bàn bếp và định đập vỡ. Cảnh sát cố gắng giành lấy chiếc iPhone của ông ta và một cuộc giằng co đã xảy ra giữa hai bên, nhưng nghi phạm hình như đã làm hỏng chiếc điện thoại đến mức không thể giữ được các số điện thoại và tin nhắn. Sau đó, khi bị thẩm vấn, ông ta khai mình chống cự vì cho rằng họ không phải là cảnh sát mà là bọn cướp. Ông ta cũng nói rằng không có ý định phá hỏng chiếc điện thoại di động của mình".

Người chống lại việc bắt giữ một cách quyết liệt như vậy không phải là một nghi phạm tầm thường. Nhiều năm liền, ông ta là cán bộ điều tra có uy tín của Cục Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố  thuộc Cơ quan Tình báo Áo. Tên đầy đủ của ông ta được giữ kín theo luật Áo. Trong bài báo, ông ta được gọi là Egisto O.

Trong quá trình khám xét, các nhân viên điều tra đã tìm thấy nhiều tài liệu mật. Và điều bất ngờ nhất là trong đó có những tài liệu liên quan đến công thức của chất độc “Novichok” - tác giả bài báo viết.

Hoạt động của các điệp viên hai mang -0
Cựu sĩ quan tình báo Liên Xô Boris Solomatin.

Năm 2021, Johannes P., đại sứ Áo tại Jakarta bị cách chức. Trước năm 2020, P. là Tổng thư ký của Bộ Ngoại giao, nghĩa là một trong những nhà ngoại giao cao cấp nhất của Áo. Hiện nay, ông ta bị nghi ngờ lạm dụng chức vụ và tiết lộ bí mật nhà nước, vì hình như đã chuyển một hồ sơ tuyệt mật của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho Nga. Hồ sơ có chứa bản phân tích về loại  độc được dùng để đầu độc đại tá tình báo quân đội Nga Skripal và thành phần chính xác của chất độc thần kinh.

Theo thông báo của Viện Công tố Vienna, đầu tháng 10/2018, P. nhận được một tài liệu tuyệt mật của OPCW tại cơ quan mình. Hai ngày sau, tức ngày 5/10, ông ta gặp O. Trên chiếc điện thoại di động được phục hồi của O., các nhân viên điều tra phát hiện ra băng video ghi lại hồ sơ mật của OPCW, được thực hiện vào ngày hôm đó.

Vậy là nhân viên của Cục Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra Áo. Được biết, tháng 1/2017, người đứng đầu Cục Bảo vệ Hiến pháp và Chống khủng bố lúc bấy giờ là Peter Gridling lần đầu tiên được cơ quan tình báo Mỹ CIA thông báo rằng thông tin từ cơ quan của ông ta đã bị rò rỉ sang Nga. Đến tháng 11, hình như người Mỹ lại cảnh báo Gridling: O. đang gửi tài liệu mật từ hòm thư điện tử cơ quan tới một tài khoản Gmail cá nhân. Sau đó, Gridling đã viết đơn tố cáo O. Ông ta bị cách chức và chuyển sang Học viện An ninh.

Giờ đây, trong quá trình khám xét, các nhân viên điều tra Áo đã phát hiện ra các tài liệu nhạy cảm tại nhà riêng của O. ở thành phố Carinthia, miền nam nước Áo. Họ tìm thấy nhiều tài liệu mật của các cơ quan tình báo thân thiện. Quả thật, chưa có bằng chứng nào cho thấy các tài liệu bí mật từ hồ sơ này đã được chuyển sang Nga. Tuy nhiên, các cán bộ điều tra cho rằng “rất nhiều tài liệu” đã được gửi tới Moscow.

Vì vậy, các thành viên của Câu lạc bộ Berne (diễn đàn chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan tình báo của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu) đã khai trừ Áo ra khỏi tổ chức này. Nguyên nhân là O. đã chyển các tài liệu sang Nga.

“Nhưng ở Áo, cho đến nay O. vẫn bình yên vô sự - phóng viên tuần báo “Luận chứng” nói - Ông ta lại được tự do và phủ nhận việc chuyển tài liệu cho cơ quan tình báo Nga”. Theo các nguồn tin nước ngoài, các thẩm phán cho rằng O. hình như đã gửi tài liệu bí mật đến địa chỉ email cá nhân “vì mục đích giảng dạy”. “Họ nói rằng đây chỉ là những tài liệu cũ, không có tính chất bí mật. Bởi vì gửi email sang Nga là “điên rồ” - nghi phạm nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo mạng Zack-Zack của Áo. “Không ai dại gì làm điều đó” - tờ “Sddeutsche Zeitung” viết.

Hoạt động của các điệp viên hai mang -0
Điệp viên Kim Philby.

Ai cũng bị nghi ngờ

- Theo báo chí nước ngoài, tình báo Nga thuộc hạng xuất sắc nhất thế giới phải không? Một khi cài cắm được nhiều điệp viên vào các cơ quan tình báo nước ngoài như vậy? - phóng viên  hỏi.

- Những vụ tuyển mộ thành công chỉ được biết đến rộng rãi sau khi thất bại - Đại tá Antonov nói. Tuy nhiên, báo chí phương Tây đang tìm cách buộc tội tình báo Nga mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Và không chỉ trong việc tuyển dụng những viên chức nhỏ của các cơ quan tình báo phương Tây, mà còn cả những nhân vật cỡ bự.

- Ông muốn nói về vụ chiêu mộ Kim Philby và Aldrich Ames nổi tiếng của tình báo Liên Xô phải không? - phóng viên hỏi.

- Đúng thế, nhân viên tình báo có giá trị nhất của chúng ta là Kim Philby - Đại tá Antonov đồng ý. Chưa một điệp viên nào của chúng ta giành được những thành tựu lớn như vậy trong lĩnh vực tình báo đối ngoại. Thời trẻ, Kim Philby thậm chí còn được cân nhắc bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu MI6.

Theo cựu Đại tá tình báo, Kim Philby biết hầu hết mọi bí mật của các cơ quan tình báo phương Tây. Nói về vai trò của ông, cựu nhân viên CIA Coopland, người quen biết Kim, phát biểu: “Hoạt động của Kim Philby với tư cách là sĩ quan liên lạc giữa MI6 và CIA  khiến cho tất cả những nỗ lực của các cơ quan tình báo phương Tây một thời gian dài không có kết quả. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta không làm gì cả”.

Ở Anh, Kim Philby từng được tặng giải thưởng cao quý nhất của nước Anh, do chính Nữ hoàng trao tại Điện Buckingham.

- Vì nguyên tắc, Kim Philby không nhận bất kỳ món quà có giá trị nào của tình báo chúng ta - Đại tá Antonov nói tiếp - Thậm chí ông còn từ chối một quả cầu lưu niệm được trang trí bằng kim cương. Còn Aldrich Ames làm việc không vì tư tưởng...

Hoạt động của các điệp viên hai mang -0
Điệp viên Aldrich Ames.

Nhược điểm của nước Mỹ?

Việc bắt giữ và tuyên án Aldrich Ames đã gây ra một vụ bê bối chính trị ở Mỹ. Sau đó, CIA bắt đầu tính toán tỉ mỉ những tổn thất của mình. Kết quả điều tra cho thấy Aldrich Ames đã tố giác 12 điệp viên CIA và tiết lộ hơn 50 chiến dịch của CIA chống lại Liên Xô. Với thành tích này ông ta đã nhận được của KGB và sau đó Cục Tình báo Đối ngoại Nga 2,7 triệu USD.

Cựu Đại tá tình báo Liên Xô Oleg Gordyevsky (về sau chạy sang phương Tây) kể với “Đài Tiếng nói Hoa Kỳ” rằng Aldrich Ames là một trong những điệp viên có giá trị nhất đối với KGB trong suốt lịch sử của mình.

Viktor Suvorov, cựu sĩ quan Tổng cục Tình báo Liên Xô, nói về Aldrich Ames: “Trường hợp Ames cho thấy nhược điểm của nước Mỹ - một con người ở vị trí như vậy và được quyền tiếp cận những thông tin như vậy có thể bị tuyển mộ bởi cơ quan tình báo của một quốc gia khác không mấy thân thiện. Đó là một cái tát vào mặt nước Mỹ”.

- Làm thế nào tình báo chúng ta tuyển mộ được một nguồn thông tin quan trọng như vậy? - phóng viên hỏi.

- Không ai tuyển mộ Aldrich Ames cả - Đại tá Antonov trả lời - Chính ông ta tự nguyện phuc vụ tình báo chúng ta. Trong bức thư đầu tiên gửi tới cơ quan tình báo đối ngoại của Liên Xô ở Mỹ, Aldrich Ames viết: “Tôi, Aldrich H. Ames, sĩ quan phản gián của CIA. Tôi làm việc ở New York dưới mật danh Andy Robinson. Tôi cần 50.000 USD để đổi lấy thông tin về 3 điệp viên mà chúng tôi hiện đang tuyển mộ ở Liên Xô”.

Hoạt động của các điệp viên hai mang -0
Cựu Đại tá tình báo Liên Xô Oleg Gordyevsky.

- Aldrich Ames làm việc cho cơ quan tình báo của chúng ta 9 năm. Tại sao người Mỹ không thể phát hiện ông ta trong một thời gian dài như vậy? - phóng viên hỏi.

Đại tá Antonov nói:

- Aldrich Ames là điệp viên chuyên nghiệp. Ông ta có một sự nghiệp rực rỡ ở CIA. Frederick Porter Hitz, cựu Tổng Thanh tra của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, sau này viết trong báo cáo của mình về “vụ Ames” như sau: “Aldrich Ames là người có trí tuệ sắc sảo,  ham hiểu biết, có ý thức tự học, kể cả trong các lĩnh vực nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình”.

- Vậy tại sao ông ta lại thất bại? Nghe nói  điệp viên của chúng ta đã mắc rất nhiều sai lầm?

- Không một điệp viên nào tránh khỏi thất bại - Đại tá trả lời và nói thêm - Cựu sĩ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô Boris Solomatin cho rằng: “Aldrich Ames đã phạm quá nhiều sai lầm. Nguồn gốc số tiền khủng của ông ta được xác minh dễ dàng, ông ta ngừng báo cáo về các cuộc gặp chính thức với liên lạc viên, nơi diễn ra việc chuyển tiền và tài liệu, gửi tiền vào ngân hàng ngay ngày hôm sau sau khi gặp liên lạc viên, giữ tài liệu mật ở nhà, nói chuyện điện thoại với vợ về các vấn đề bí mật, mua nhà và ôtô đắt tiền… Aldrich Ames sống quá xa hoa và điều đó đập vào mắt mọi người xung quanh”.

Hơn nữa, cuộc sống hai mặt và chứng nghiện rượu dần dần để lại dấu vết lên Aldrich Ames. Vì vậy, trong cuộc sống gia đình của ông xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. “Aldrich ngày càng trở nên thờ ơ” - người vợ thứ hai của ông, Maria del Rosario , sau này nhớ lại. “Anh ấy ngày càng ít quan tâm đến tôi, đến cuộc sống tình dục của chúng tôi, điều đó khiến tôi rất đau đớn ... Tôi cho rằng Aldrich bị bệnh bất lực”.

- Rượu và đàn bà là con đường thẳng dẫn điệp viên của chúng ta đến tội lỗi - phóng viên kết luận.

Trần Đình
.
.