Hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô

Thứ Tư, 21/06/2023, 19:05

Trong thế kỷ XX, nhiều phóng viên nước ngoài trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo. Đôi khi họ bị cáo buộc làm gián điệp, thu thập thông tin cho các cơ quan tình báo nước khác. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà sử học Nga Leonid Maksimenkov, tác giả cuốn sách “Nền kiểm duyệt lớn. Các nhà văn, nhà báo ở đất nước Xôviết. 1917-1956", kể về hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô.

Quan tâm đến sức khoẻ của các nhà lãnh đạo Liên Xô

- Phải chăng hoạt động báo chí chỉ là vỏ bọc đối với các phóng viên nước ngoài làm việc ở Liên Xô?

+ Các hình thức và phương pháp làm việc của các nhà báo và nhân viên tình báo đều giống nhau, thậm chí nhiều khi chỉ là một. Chúng được đặc trưng bởi quan hệ rộng với mọi người, sự hiếu kỳ, những chuyến đi bất tận và thói quen đặt câu hỏi. Nước Nga, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Mười, luôn luôn thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo và phóng viên nước ngoài. Nhiều người trong họ thực sự làm gián điệp.

Hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô -0
Tổng Bí thư Nikita Khruschyov trả lời những câu hỏi của các nhà báo.

- Xin ông cho ví dụ?

+ Tháng 5/1920, trước khi Hồng quân tấn công ở mặt trận Ba Lan, Phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Cheka) Vyacheslav Menzhinsky và Cục trưởng Cục Tình báo Genrikh Yagoda đã thông báo cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản toàn Nga (b) về việc các bản dịch biên bản đại hội đảng Bolshevik vừa diễn ra được chuyển cho một nhà báo Anh. Nguồn rò rỉ nhanh chóng bị phát hiện, Bộ phận đặc biệt thông báo cho Ủy ban Trung ương rằng “Clayton, một trong những phóng viên của báo chí tư sản Anh, đã nhận được bản dịch biên bản đại hội đảng Bolshevik từ Koblents, cán bộ của Đệ tam Quốc tế, sau khi trả cho ông ta 9.000 rúp".

- Và các nhân viên Cheka đã làm gì?

+ Họ đưa ra một trong những điều kiện để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống gián điệp là hạn chế các phóng viên nước ngoài tiếp xúc với Đệ tam Quốc tế. Ngoài ra, đã xuất hiện ý tưởng thành lập một cơ quan đặc biệt thuộc Bộ Ngoại giao nhằm thu thập thông tin về người nước ngoài.

Như vậy, một trăm năm trước đó, Cục Báo chí của Bộ Ngoại giao Liên Xô đã ra đời và tồn tại cho đến sau này. Cục đã cấp giấy chứng nhận cho các nhà báo nước ngoài, tổ chức các cuộc gặp gỡ, họp báo, các chuyến tham quan khắp đất nước, và thậm chí thu xếp cuộc sống cho họ.

- Chắc rằng ở đây có sự hợp tác chặt chẽ với tình báo Liên Xô?

+ Tất nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà sinh thời Joseph Stalin và sau khi ông qua đời, tất cả các sáng kiến quan trọng nhất về hoạt động của các nhà báo nước ngoài kèm với các đề xuất hành động cụ thể đều phải có chữ ký của các nhà lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) và Bộ Ngoại giao, trước khi được đệ trình lên Bộ Chính trị.

Hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô -0
Nhà sử học Leonid Maksimenkov.

- Có nhiều nhà báo hoạt động gián điệp hay cố tình công bố thông tin xuyên tạc không?

+ Một trong những nhà báo Mỹ nổi tiếng nhất ở Liên Xô là Walter Duranty. Ông là Trưởng văn phòng Moscow của “The New York Times”, sống ở Liên Xô nhiều năm. Walter Duranty  từng phỏng vấn Stalin.

Ngày 25/10/1925, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Maksim Litvinov, Bộ Chính trị đã quyết định trục xuất Duranty vì tội "vu khống các nhà lãnh đạo Liên Xô". Tuy nhiên, hai ngày sau, quyết định bị hủy bỏ. Kể từ đó, trong hồ sơ cá nhân của các phóng viên nước ngoài ở Liên Xô, từ "vu khống" đã trở thành một trong những lời buộc tội chủ yếu.

Các nhà báo bị kết tội "hoạt động không phù hợp với tư cách phóng viên" thường bị trục xuất khỏi Liên Xô. Về mặt này, số phận của họ không khác mấy so với số phận của các nhà ngoại giao nước ngoài thất sủng.

- Liên Xô chuẩn tiếp nhận các nhà báo nước ngoài như thế nào?

+ Trước khi nhập cảnh, mỗi nhà báo được lập một bản nhận xét. Ví dụ, trong bản nhận xét được lập vào năm 1951 về nhà báo Mỹ Cyrus Sulzberger, ghi rằng ông ta "thường xuyên đăng tải các bài viết thù địch và vu khống Liên Xô", xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn, khi phát biểu về chính sách của Liên Xô ở Đức. Bản nhận xét cũng nói về hoạt động gián điệp của Sulzberger. Nói chung, trong bản nhận xét trên, Sulzberger được gọi thẳng là kẻ thù công khai của Liên Xô và là kẻ hiếu chiến, có liên hệ chặt chẽ với tình báo Mỹ.

- Vì sao một đối tượng như vậy được phép vào Liên Xô?

+ Cuối cùng, ông ta không được phép vào Liên Xô. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Andrey Gromyko đã can thiệp. Ông đề nghị không trả lời yêu cầu cấp thị thực của Sulzberger. Tuy nhiên,  sau một thời gian, Điện Kremlin vẫn cho phép Sulzberger làm phóng viên của “The New York Times” ở Moscow.

Hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô -0
Nhà báo Mỹ gốc Anh Walter Duranty.

- Ngoài những vấn đề như an ninh quốc gia, bí mật của đảng, khả năng phòng thủ của đất nước, các phóng viên nước ngoài còn quan tâm  những vấn đề gì?

- Tình trạng sức khỏe của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Họ và những người phụ trách của họ hiểu rất đúng rằng trong lịch sử hàng nghìn năm của nền văn minh Nga, các đại công tước, Sa hoàng, Hoàng đế, Tổng bí thư hoặc Thủ tướng là biểu tượng và sức mạnh của quốc gia. Chính vì vậy, những phỏng đoán về sức khỏe của các nhà lãnh đạo, về đời tư, gia đình của họ và nói chung về những bí mật của Điện Kremlin đã và đang là nỗi ám ảnh đối với ý thức tập thể và các cơ quan tình báo ở phương Tây. Đầu năm 1960, phóng viên nhật báo “France-Soir” Claude Day đến Moscow.

Sau khi gặp Claude Day, Tổng giám đốc TASS Nikolay Palgunov ghi lại những lời của bà như sau: “Báo chúng tôi quan tâm đến bệnh tình của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikita Khruschyov. Các chi tiết như: ông nằm viện hay ở nhà, chính xác là ở đâu, trong thành phố hay ở biệt thự ngoại ô, bà Nina, phu nhân của Khruschyov, có pha trà cho chồng không, Nikita Khruschyov có uống trà với chanh hoặc mứt không?

Tuy nhiên, đáp lại những câu hỏi kiểu này, tôi chỉ nghe một câu trả lời: "Chúng tôi không biết". Tôi đã hỏi Aleksey Adzhubey, con rể của Khruschyov, Tổng biên tập báo “Izvestia” qua điện thoại xem Khruschyov đang ở thành phố hay ở biệt thự ngoại ô, Adzhubey trả lời rằng ông ấy không biết”.

Stalin rất thận trọng với các phóng viên nước ngoài

- Mức độ giám sát phóng viên nước ngoài của các cơ quan an ninh Liên Xô như thế nào?

+ Rất toàn diện, chỉ thay đổi các phương tiện kỹ thuật. Các thông tin của phóng viên nước ngoài được sao chép tại Trung tâm điện tín Moscow, còn các tài liệu công bố ở nước ngoài được dịch sang tiếng Nga, in thành các bản tin đặc biệt, và chuyển cho các nhà lãnh đạo Liên Xô. Sau khi đọc kỹ những tin tức này, Joseph Stalin, Vyacheslav Molotov, Leonid Brezhnev chỉ thị cho các trợ lý của mình điều gì cần trả lời, điều gì cần bác bỏ hoặc làm rõ.

- Phòng khách sạn của người nước ngoài, tất nhiên, bị đặt máy nghe trộm chứ?

+ Vâng, cả các nhà hàng trong khách sạn. Hiện vẫn còn lưu giữ báo cáo về cuộc trò chuyện của Nikolaus Bassehes, phóng viên tờ “Neue Freie Presse” của Áo  với các nhạc sĩ Đức lưu vong nổi tiếng tại nhà hàng của khách sạn “National” ở Moscow trong những năm 1930.

Thời gian này, Nikolaus Bassehes đã đăng tải nhiều bài báo chống Liên Xô trên các tờ báo của Estonia, gây nhiều thiệt hại. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Litvinov, Nikolaus Bassehes đã nhiều lần được cảnh báo nhưng không sửa chữa, vì vậy, Stalin đề nghị trục xuất ông ta về nước.

Hoạt động của các nhà báo nước ngoài ở Liên Xô -0
Nhà báo Mỹ Cyrus Sulzberger.

- Tiện thể, xin ông cho biết thái độ của Stalin đối với các phóng viên nước ngoài như thế nào?

+ Rất thận trọng - bởi vì Stalin biết rõ về họ. Ví dụ, ngày 7/2/1936, sau khi đọc  bức điện tín của Tổng lãnh sự Liên Xô tại Bắc Kinh về việc George Gorman, phóng viên tờ “Daily Telegraph” của Anh, đề nghị giúp đỡ, Stalin viết cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vladimir Stomonyakov: "Phải để mắt tới anh chàng này".

Trong hồi ký về chuyến thăm Liên Xô, nhà báo Mỹ George Viereck phàn nàn rằng ông từng mơ ước, nhưng rồi vẫn không thể nói chuyện với Stalin, không được phép. Trước chiến tranh, tuy hiếm hoi, nhưng dù sao Stalin vẫn trả lời phỏng vấn của các nhà báo, đặc biệt là nhà báo Mỹ. Yêu cầu rất nhiều, nhưng lãnh tụ chỉ chọn một vài người. Đôi khi Stalin trả lời bằng văn bản. Sau chiến tranh, thủ tục này biến mất. Stalin chỉ trực tiếp tiếp xúc với khoảng 2-3 người.

Những năm cuối đời, Stalin thích hình thức giao tiếp với đất nước và thế giới như: “Đồng chí Stalin trả lời câu hỏi của phóng viên báo “Sự thật”. Tất nhiên, "phóng viên" này cũng chính là Stalin. Ông tự đặt câu hỏi và tự trả lời.

Nikita Khruschyov giữ kỷ lục về số lần tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài. Trong mười năm "tan băng", Tổng Bí thư đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn. Ông trực tiếp trò chuyện thân mật với một nhóm phóng viên. Các trợ lý của ông chuẩn bị hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm câu trả lời bằng văn bản.

- Thế còn Tổng Bí thư Leonid Brezhnev?

+ Thông thường, Brezhnev trực tiếp đưa ra những câu trả lời ngắn gọn: "Mọi thứ đều tốt!", “Sẽ còn tốt hơn nữa” trong các cuộc họp báo nhân dịp Tổng Bí thư đi công tác nước ngoài hoặc khi các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Liên Xô. Nội dung các cuộc trả lời phỏng vấn của Brezhnev được các trợ lý và toàn bộ các bộ, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng cá nhân Leonid Brezhnev rất quan tâm đến phản ứng của các nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài đối với các bài phát biểu và hồi ký của ông.

Yury Andropov cố gắng thay đổi phong cách giao tiếp với các phóng viên nước ngoài. Đáng nhớ nhất là cuộc trả lời phỏng vấn của ông cho tạp chí “Der Spiegel” của Tây Đức: Tổng Bí thư tiếp các vị khách trong phòng làm việc của mình, chuyển các câu trả lời do Bộ Ngoại giao và Ủy ban Trung ương đã chuẩn bị, và sau đó bắt đầu một cuộc trao đổi chân tình, tự nhiên. Tuy nhiên, sau này Andropov  trả lời phỏng vấn theo phương pháp của Stalin: tự hỏi và tự trả lời trên báo “Sự thật”.

Anh Duy (Theo lenta.ru)
.
.