Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II

Thứ Năm, 08/12/2022, 12:55

Dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) J. Edgar Hoover đã củng cố quyền lực tột đỉnh, và chính ông ta đang tạo ra cái gọi là “nhà nước giám sát” thông qua FBI…

Mối đe dọa “mục thứ 5” của  Roosevelt

Chỉ vài ngày vào đầu tháng 5/1940, quân đội Đức Quốc xã đã ồ ạt tấn công Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Pháp, chứng kiến quân đội Pháp phải gục ngã tại phòng tuyến Maginot (được xây dựng dọc theo biên giới Pháp – Đức và Pháp Ý nhằm bảo vệ lãnh thổ Pháp sau Thế chiến I). Ngày 14/6/1940, lính Đức tiến vào Paris, giăng chữ thập ngoặc trên Khải Hoàn Môn.

Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II -0
J.Edgar Hoover (thứ 2 từ trái qua) đứng cạnh Franklin Delano Roosevelt khi ngài Tổng thống ký một dự luật vào năm 1934. Ảnh nguồn: Bettmann / Getty Images.

Một phóng viên Mỹ viết gửi về Washington có đoạn: “Mỹ là niềm hy vọng duy nhất của người Pháp” và viện dẫn những lời cầu xin của thị dân Paris hy vọng Mỹ ra tay cứu họ khỏi ách xâm lăng. Nhưng theo nhà thăm dò George Gallup thì phần đông người Mỹ vẫn cho rằng chiến tranh là chuyện nhà của Châu Âu và việc cấp tập chi viện cho nước Pháp vô hình trung sẽ đẩy những chàng trai Mỹ vào một cuộc chiến phi nghĩa như thời Thế chiến I.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt không tìm cách thuyết phục người dân mà thay vào đó ông thúc giục cả nước tăng cường phòng thủ và bắt đầu  một dự thảo quốc gia nhằm đón trước nếu chiến tranh vươn đến bờ biển nước Mỹ. Trong bài phát biểu trước quốc hội vào ngày 16/5/1940, Tổng thống Roosevelt thúc giục người Mỹ tăng cường sản xuất máy bay, tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác.

Cuối cùng, Tổng thống Roosevelt kêu gọi những nỗ lực làm mới để chống lại “mục thứ 5” gồm gián điệp và những kẻ phá hoại đang ẩn náu đâu đó khắp Tây Bán Cầu, sẵn sàng trỗi dậy khi có tín hiệu của Adolf Hitler.

Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II -0
Adolf Hitler đứng trước tháp Eiffel trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons.

Nỗi lo lắng dồn dập về hiểm họa trong nước cùng những âm mưu của Đức Quốc xã đã thôi thúc người đứng đầu FBI, J. Edgar Hoover. Khi Hitler cho quân xâm lược nước Pháp, Roosevelt đã kiên quyết ngả về phe Hoover. Kết quả là quyền lực đạt tột bực trong sự nghiệp của Edgar Hoover. “Tôi cho rằng tòa tối cao không bao giờ đưa ra bất kỳ phán quyết nào để áp dụng cho những vấn đề liên quan đến quốc phòng”, Roosevelt đã viết như thế trong một bản ghi nhớ cho phép Edgar Hoover nghe lén các vấn đề về an ninh quốc gia.

Một tuần sau đó, Roosevelt ủy quyền cho FBI khởi động các hoạt động tình báo ở Mỹ Latin với nỗi e sợ rằng Đức Quốc xã đang xây dựng mạng lưới gián điệp nhằm chuẩn bị cho các hoạt động xâm lược và chiếm đóng. Và cuối tháng 6/1940, Roosevelt ký Luật Smith (tên chính thức là Luật đăng ký người nước ngoài) trong đó yêu cầu các công dân Mỹ sinh ra ở nước ngoài phải đăng ký với chính phủ Mỹ và đặt ngôn ngữ cách mạng bạo lực ngoài vòng pháp luật.

Việc chuẩn bị cho nền tảng chiến tranh đã thay đổi bản chất của FBI. Trước năm 1940, các sáng kiến tình báo của FBI là những nỗ lực thử nghiệm có quy mô nhỏ với khẩu hiệu không làm quá nhiều và quá nhanh. Nhưng sau năm 1940, chúng đã trở thành cơ sở cho đợt bùng nổ tuyển dụng trong lịch sử của cơ quan này.

Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II -0
Giám đốc FBI, J. Edgar Hoover, năm 1940. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons.

FBI tái cấu trúc mạnh trong Thế chiến II

Ưu tiên hàng đầu của Edgar Hoover là ngăn chặn mối đe dọa được cho là “Mục thứ 5”: các điệp viên địch nằm vùng hoạt động trên đất Mỹ. Hoover nhận thấy chuyện này sẽ tạo ra một đợt biến động khác tại FBI, đòi hỏi việc “kiện toàn tối đa cơ sở vật chất và nhân sự của tổ chức này”.

Trong báo cáo hàng năm của mình gửi cho Bộ trưởng Tư pháp, Hoover đã ví von “thời kỳ chuyển đổi” là những năm đầu tiên của cuộc chiến chống tội phạm Thỏa thuận mới, khi Hoover biến quân đoàn luật sư lịch lãm của mình thành các chiến binh cầm súng. Chỉ đến lúc này FBI mới tái cấu trúc thành một cơ quan tình báo quy mô lớn, có khả năng đưa ra những phán quyết vượt xa những vấn đề về bằng chứng pháp lý và luật hình sự. Phòng thí nghiệm của FBI đã thay đổi đột ngột, chuyển mình từ cơ sở pháp y hình sự sang phòng thí nghiệm tình báo thời chiến chuyên tập trung vào mực “tàng hình”, công nghệ vi phim và camera độ phân giải cao.

Tại phòng nhận dạng (từng là trung tâm thanh toán bù trừ dấu vân tay hình sự) đã phát triển thành một chương trình giám sát nội địa quy mô lớn, biên soạn các bản in của lính nghĩa vụ, công nhân sản xuất thời chiến và công dân sinh ra ở nước ngoài. Các kế toán viên của FBI đã chuyển chuyên môn từ gian lận an ninh sang giám sát các quỹ hải ngoại.

Dựa trên công việc của Phòng Tổng hợp tình báo, Edgar Hoover đã tổ chức thành phòng Quốc phòng quốc gia mới (NDD) và tiếp tục mở rộng việc giám sát. Những văn phòng thực địa của FBI được khánh thành ở Hawaii, Alaska và Puerto Rico. Một lượng nhỏ các điệp viên được chuyển đến những vị trí ở hải ngoại để “thực hiện các hoạt động mật cho những mục đích tình báo”.

Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II -0
Một cuộc trò chuyện của Tổng thống Roosevelt năm 1934. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons.

Edgar Hoover nói rằng áp lực thời chiến sẽ không thể làm suy yếu các tiêu chuẩn tuyển dụng của ông hoặc thay đổi đáng kể văn hóa của FBI. Nhưng rất nhanh chóng, Hoover đối mặt với áp lực về những con số. Khoảng giữa năm 1941, cứ 2 tuần, FBI lại thuê 52 điệp viên cộng với hơn 160 thư ký và nhân viên viết tốc ký.

Quy mô mở rộng của FBI buộc Hoover nới lỏng đội ngũ kế toán và luật sư trình độ cao, dù rằng ông giữ nguyên chính sách không tuyển phụ nữ hoặc người da đen làm điệp viên. Tháng 1/1940, FBI chiêu mộ 2.432 nhân viên. Tới tháng 2/1941, quy mô nhân sự lên tới 4.477 người, và kế hoạch đạt 5.588 nhân viên vào tháng 6 năm đó. Để trang trải cho hoạt động này, trong năm tài khóa 1941, ngân sách FBI là hơn 14 triệu USD. Năm 1942, số tiền đã nhảy vọt lên 25 triệu USD.

Chỉ thị nghe lén của Tổng thống Roosevelt đã cho phép FBI khởi động chương trình nghe lén các nhà ngoại giao nước ngoài. Đầu mùa Thu năm 1942, hoạt động nghe lén đã được cài ở các đại sứ quán Đức, Pháp, Ý, Nga và Nhật Bản. Chỉ thị cũng cho phép Hoover tự quyền quyết định ai sẽ là đối tượng bị theo dõi. Danh mục của Hoover bao gồm bất kỳ ai có cảm tình với cường quốc hải ngoại hoặc tỏ ra thù địch với nỗ lực chiến tranh, bao gồm công nhân tham gia đình công và người chỉ trích chính sách của Nhà Trắng.

Không như việc thực thi luật hình sự (cảnh sát thu thập bằng chứng sau khi xảy ra vụ án), giám sát thời chiến được cho là một nỗ lực phòng ngừa. Edgar Hoover viết: “Đợi đến khi tuyên chiến mới thu thập thông tin, hoặc tiến hành các việc điều tra, chả khác nào tự sát”.  Edgar Hoover bảo vệ mạnh mẽ quyền của FBI trong việc tuyển người cung cấp thông tin và tiến hành do thám ngay trong nội bộ của bất kỳ tổ chức nào mà có thể đe dọa làm gián đoạn nỗ lực chiến tranh, bao gồm cả các liên đoàn lao động.

Mùa Xuân năm 1941, trong một lá thư viết gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Robert H. Jackson, Hoover tự phong mình là “liệt sĩ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”, Hoover nhấn mạnh: “Tôi tin rằng chúng ta phải nên khuyến khích đối mặt với tiếng la ó của những người theo chủ nghĩa tự do này”. Từ năm 1924 đến năm 1940, Hoover đã nỗ lực biến FBI thành một cơ quan thực thi pháp luật chuyên nghiệp và tập trung biến nó thành cơ quan phản gián và tình báo quốc tế lớn, có khả năng thu thập thông tin mật về các điệp viên của địch, và cản trở hoạt động của họ. Các điệp viên của FBI không hề biết thành tích của họ: họ thường thực thi nhiệm vụ điều tra suốt nhiều tháng mà không hay biết liệu có thành công hay không. Các điệp viên được Hoover tuyển đều theo những hoàn cảnh bất thường.

Hoạt động tình báo của FBI trong Thế chiến II -0
Giữa năm 1949 và 1958, các lãnh tụ Đảng Cộng sản Mỹ bị buộc tội vi phạm Luật Smith, được ký bởi Tổng thống Roosevelt năm 1940. Trong ảnh là các bị cáo Robert Thompson và Benjamin Davis rời tòa án liên bang ở New York. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons.

Cuộc chiến chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều nếu như không có sự giúp đỡ của Cục Tình báo Anh. Người Anh đã tìm đến Hoover khi chiến tranh leo thang. Thủ tướng Anh Winston Churchill không giấu giếm quyết tâm đưa Mỹ tham chiến, và ông đã nuôi ý đồ này bằng cách thành lập một trạm tình báo Anh ở New York. Từ cơ sở này, người của Churchill sẽ thay mặt nước Anh để giúp Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng mật cần thiết cho một cuộc chiến toàn diện. Tầm nhìn của Churchill là ngoài pháp luật: không nước nào trên thế giới có thể công khai cho cường quốc hải ngoại điều hành tình báo ngay trên nước mình. Để ý đồ đi đúng hướng, người Anh quyết định họ cần sự hỗ trợ và cho phép của Edgar Hoover.

Với sự chấp thuận của Anh, Hoover đã biệt phái quan chức Hugh Clegg của FBI tới London cho một khóa huấn luyện về những kỹ thuật gián điệp và phản gián. Vài tháng sau, Hoover cử Percy Foxworth (điệp viên phụ trách văn phòng FBI ở New York và giờ đây là trưởng các hoạt động ở Mỹ Latin). Bản thân các điệp viên được cử đến Trại X, một căn cứ huấn luyện gián điệp và du kích bí mật của người Anh đặt ở ngoại ô thành phố Toronto để huấn luyện các kỹ thuật phá hoại, tự vệ và mật mã…

Tuy nhiên, trong một bản đánh giá thời hậu chiến, các nhà phân tích Anh tỏ ra hoài nghi về những thành tựu trong lĩnh vực tình báo của FBI. Một báo cáo phía Anh giải thích: “FBI đã cống hiến cho những phương pháp cảnh sát truyền thống được đặc tả bằng chi tiêu hào phóng vào phòng thí nghiệm và các thiết bị kỹ thuật khác. Những phương pháp này dù rằng phù hợp với việc phát hiện tội phạm song lại kém hiệu quả trong việc tiến hành hoạt động phản gián”. Báo cáo kết luận: “J. Edgar Hoover đã phấn đấu tột cùng cho một mục đích duy nhất: đảm bảo phúc lợi cho FBI”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.