Josephine Baker và những dòng mật mã “rớt” trên khuông nhạc
Trong hầm mộ số 13 của Điện Panthéon tại Paris, nơi được xem như đền thờ các vĩ nhân Pháp, có một đài tưởng niệm nhỏ. Đó là nơi vinh danh Josephine Baker, nữ ca sĩ kiêm vũ công người Mỹ gốc Phi đã hoạt động rất hiệu quả cho lực lượng kháng chiến Pháp ở thế chiến thứ hai trong vai trò một điệp viên.
Từ tài liệu trong áo ngực đến mật mã trên khuông nhạc
Một buổi chiều muộn mùa hè năm 1941, một chiếc “xế hộp” sang trọng Delage D6 lướt qua các trạm kiểm soát quốc tế gần thành phố Tangier, một khu vực đặc biệt ở Morocco, được quản lý bởi nhiều quốc gia châu Âu theo một chế độ quốc tế trung lập và phi quân sự từ năm 1923. Trên xe là một quý cô vô cùng gợi cảm, với màu da nâu và nụ cười tỏa nắng. Đó là Josephine Baker, nữ vũ công kiêm ca sĩ nổi tiếng bậc nhất châu Âu lúc ấy.
Cứ mỗi lần dừng lại ở một trạm kiểm soát quốc tế, Josephine Baker lại chủ động trêu chọc các nhân viên tại đây khi họ đòi xem giấy tờ của cô. Không chàng trai nào cưỡng nổi sức quyến rũ ấy. Họ cuống lên, rối não nghĩ ra những câu bông đùa thật hài hước để đáp lại bóng hồng nóng bỏng đang tủm tỉm cười trên ghế lái.

Chiếc xe vì thế lướt qua tất cả các trạm mà không gặp bất cứ phiền phức gì. Câu chuyện chính thức của Baker là cô đang trong một "chuyến du ngoạn đến Tây Ban Nha". Nhưng thực ra, cô đang làm điệp viên cho lực lượng kháng chiến chống phát xít, với những tài liệu bí mật được giấu cẩn thận trong áo ngực.
Baker đã đánh cược rằng với sự nổi tiếng và các mối quan hệ của cô, sẽ không ai dám khám xét người cô. Đối diện những câu hỏi ở trạm kiểm soát, Baker nở nụ cười mê hồn của người phụ nữ được chụp ảnh nhiều nhất thế giới vào thời điểm đó, trong khi các giấy tờ vẫn "được giữ chặt, cố định bằng một chiếc ghim an toàn". Dĩ nhiên, sau đó sẽ là cái vẫy tay báo hiệu xe cô có thể đi qua trạm.
Những gì mà Baker trải qua trên hành trình từ Morocco về Tây Ban Nha vừa giống và vừa khác những hoạt động của cô khi còn ở Paris những năm đầu Thế chiến thứ hai. Vào tháng 9/1939, khi Pháp tuyên chiến với Đức để đáp trả cuộc xâm lược Ba Lan, Baker được cơ quan tình báo quân sự Pháp Deuxième Bureau, tức Phòng Nhì, tuyển dụng. Cô có nhiệm vụ giao lưu với nhân viên các đại sứ quán, nhân viên những cơ quan cấp bộ của phe Trục tại các bữa tiệc thượng lưu hay nhà hàng sang trọng, nhằm thu thập thông tin.
Danh tiếng của Baker trong thế giới biểu diễn cho phép cô dễ dàng tiếp xúc với những nhân vật hàng đầu, từ các quan chức cấp cao của Nhật Bản đến các quan chức Ý và chế độ Vichy, sau đó báo cáo với cấp trên những gì cô tìm hiểu được. Thế nhưng, nhiệm vụ Baker không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin tại các sự kiện xã hội. Cô phải thu thập cả những thông tin tình báo chi tiết về các hoạt động di chuyển của quân Đức, cũng như vị trí và hoạt động của các sân bay và bến cảng.

Để bí mật vận chuyển các thông tin tình báo, Baker đã sử dụng những phương pháp khéo léo, chẳng hạn như viết ghi chú trên tay và cánh tay, ghim chúng bên trong quần áo (như trong chuyến đi tới Morocco) và sử dụng mực vô hình để viết lên các khuông nhạc trong những bản nhạc của mình.
Sự táo bạo của Baker đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng kháng chiến Pháp. Và, vai trò của cô như một trong những anh hùng của Thế chiến thứ hai, được chính Baker kể lại trong cuốn hồi ký có tên “Fearless and Free”, xuất bản lần đầu vào năm 1949. Khi ấy, công chúng châu Âu mới biết rằng người nữ ca sĩ nóng bỏng bậc nhất của những thập niên 1930-1940 đã có những đóng góp lớn thế nào đối với cuộc chiến chống phát xít.
Tuổi thơ sóng gió và ánh hào quang tại Pháp
Sinh ra với tên Freda Josephine McDonald tại East St. Louis, bang Missouri (Mỹ) năm 1906, Josephine đã bắt đầu cuộc sống nghệ thuật bằng việc biểu diễn cho trẻ em trong khu phố khi còn nhỏ. Vào những năm tháng tuổi thiếu niên, Josephine chuyển sang khiêu vũ với các đoàn kịch tạp kỹ. Năm 15 tuổi, cô gặp William Howard Baker, và sau vài tuần, cặp đôi đã “rủ nhau đi trốn”. William là người chồng thứ hai của Josephine - cuộc hôn nhân đầu tiên ngắn ngủi của cô diễn ra khi cô 13 tuổi - nhưng anh đã đặt cho Josephine họ mà cô giữ trong suốt quãng đời còn lại.
Năm 19 tuổi, Josephine nhận lời tham gia một buổi trình diễn toàn người da đen tại Paris. Không giống như Mỹ, Pháp không phân biệt chủng tộc ở những nơi công cộng trên diện rộng. Khi Josephine và các bạn diễn của cô lên tàu ở Pháp, họ rất ngạc nhiên nhưng vui mừng khi biết rằng họ có thể ngồi ở bất cứ đâu họ thích.
Josephine cũng bị sốc khi nhìn thấy những bộ trang phục được tạo ra để cô biểu diễn; một bộ chỉ bao gồm một chiếc quần bikini phủ đầy lông hồng hạc. Sau một buổi biểu diễn, Josephine nhanh chóng thích nghi với loại hình khiêu vũ thoát y này và quyết định ở lại Paris nhằm thoát khỏi nạn phân biệt chủng tộc đã cản trở khát vọng trở thành người Mỹ của mình.
Sau khi trở thành ngôi sao đang lên tại Paris với nghề vũ nữ, Josephine Baker lấn sân sang điện ảnh và opera. Cả hai lĩnh vực ấy, cô cũng gặt hái thành công và chính thức gia nhập giới thượng lưu tại Pháp sau khi kết hôn với doanh nhân giàu có người Pháp gốc Do Thái tên là Jean Lion vào năm 1957.
Chung sống với Jean Lion, Josephine Baker đã trở thành một người phụ nữ da đen thành đạt và thậm chí là giàu có nhất thế giới lúc ấy. Cô kết bạn với những người nổi tiếng của Pháp như nhà văn Colette. Cô đã mua một lâu đài, mặc váy của những nhà thiết kế độc quyền nhất và thường đi dạo trên phố với chú báo gêpa cưng của mình, Chiquita, đeo một chiếc vòng cổ kim cương.
Cặp đôi này sau đó đã ly hôn vào năm 1941, nhưng với tình yêu dành cho chồng trong những năm tháng bên nhau, Josephine Baker bắt đầu hình thành tinh thần đấu tranh chống lại Đức Quốc xã, bảo vệ đất nước đã nuôi dưỡng người chồng cũng như bản thân cô.

Tình cảm chống phát xít lên đến đỉnh điểm vào năm 1938, khi Josephine Baker công khai tuyên bố rằng Đức Quốc xã là tội phạm "cần phải bị trừng phạt". Tháng 6/1940, sau khi Pháp đầu hàng Đức và thiết lập chính phủ Vichy thân Đức ở miền Nam, Josephine chuyển đến một lâu đài cô thuê ở miền nam nước Pháp, nơi cô tiếp nhận những người tị nạn khác đang chạy trốn khỏi Đức Quốc xã.
Ngôi nhà nông thôn quyến rũ của Josephine Baker - lâu đài Château des Milandes ở vùng Dordogne - trở thành căn cứ hoạt động của các thành viên kháng chiến địa phương cũng như những người tị nạn. Một máy phát vô tuyến được lắp trên tháp của lâu đài để liên lạc với quân Anh, và tầng hầm chứa đầy vũ khí cho lực lượng kháng chiến.
Sau khi Paris thất thủ, Josephine đã liên lạc với Jacques Abtey, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Pháp, tức Phòng Nhì. Và phần còn lại, là những gì chúng ta đã được nghe, được đọc về nữ điệp viên vĩ đại này.
Ngay khi bắt đầu hoạt động, Josephine Baker đã lập công, khi thông qua bạn bè tại Đại sứ quán Nhật Bản, cô biết được rằng Tokyo đã ký một hiệp ước bí mật với Berlin. Đó là thông tin đầu tiên trong số nhiều thông tin mà cô chuyển về Phòng Nhì. Sau đó, Josephine Baker thông tin lại với cấp trên rằng - thông qua bạn bè tại đại sứ quán Bồ Đào Nha - cô biết được Đức có kế hoạch chiếm đóng Bồ Đào Nha để sử dụng các cảng của quốc gia trung lập này.
Những hoạt động hiệu quả đó khiến Josephine Baker trở thành một trong những tài sản giá trị nhất của lực lượng kháng chiến Pháp. Sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi phát xít Đức vào năm 1944 và chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Baker được Ủy ban Giải phóng Dân tộc Pháp trao tặng Huân chương Kháng chiến Croix de Guerre và được Tướng Charles de Gaulle phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, huân chương cao nhất của Pháp dành cho quân nhân, vào năm 1961.
Một chỗ thiêng liêng ở Điện Panthéon
Sau chiến tranh, Josephine Baker trở lại Đức vào năm 1945. Lần này, bà được vinh danh tại buổi lễ Chiến thắng của quân Đồng minh tại Lâu đài Hohenzollern, ngôi nhà lịch sử của Hoàng gia Đức. Bà đã giành được vị trí danh dự ở một đất nước đã hạ thấp và chế giễu bà chỉ vài năm trước đó (Baker được lên trang bìa của một tờ báo năm 1937 như tiêu biểu cho những nghệ sĩ suy đồi do Joseph Goebbels, người tuyên truyền chính của Đảng Quốc xã, phát hành).
Nhưng không chỉ lấy lại danh dự ở Đức, Josephine Baker còn trở lại những sân khấu mà bà từng được vinh danh theo cách ngoạn mục. Cùng với danh tiếng của một anh hùng thời chiến và tài năng thiên phú, những buổi biểu diễn thành công rực rỡ đưa Baker trở lại vị thế là một trong những nghệ sĩ giải trí hàng đầu của Paris.

Trong những năm cuối sự nghiệp, Josephine Baker có cảm tình rõ rệt với chủ nghĩa cộng sản và bắt đầu lưu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa. Vào tháng 1/1966, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã mời Baker đến biểu diễn tại "Teatro Musical de La Habana" ở Havana trong lễ kỷ niệm 7 năm cách mạng. Năm 1968, Josephine Baker đã đến thăm Nam Tư để biểu diễn ở Belgrade và Skopje.
Mặc dù sống tại Pháp, Josephine Baker vẫn hướng về quê hương và ủng hộ Phong trào Dân quyền tại Mỹ trong những năm 1950. Năm 1963, Josephine Baker thậm chí trở lại Mỹ để phát biểu tại Cuộc diễu hành ở Washington bên cạnh Mục sư Martin Luther King Jr, trở thành diễn giả nữ chính thức duy nhất của sự kiện dân quyền lịch sử ấy.
Suốt nhiều năm, Josephine Baker miệt mài biểu diễn và dùng ảnh hưởng của mình để cất lên tiếng nói về dân quyền và chống phân biệt chủng tộc. Thậm chí, chỉ 4 ngày trước khi qua đời vào ngày 12/4/1975, bà vẫn trình diễn tại Nhà hát Bobino ở Paris để kỷ niệm 50 năm sự nghiệp của mình.
Sau khi yên nghỉ tại Nghĩa trang Monaco, đến năm 2021, Josephine Baker đã đón nhận vinh dự lớn nhất - được đặt một tượng đài tại Điện Pantheon, nơi tôn vinh những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp. Đến nay, bà vẫn là 1 trong 5 người phụ nữ hiếm hoi và là người phụ nữ da đen duy nhất có chỗ tại “ngôi đền” thiêng liêng này.