Kế hoạch giải cứu Mussolini của mật vụ Đức Quốc xã

Thứ Hai, 04/07/2022, 21:12

Trong số rất nhiều sự trùng hợp có thể tìm thấy trong hồ sơ lịch sử bí mật của Chiến dịch nhảy xa (kế hoạch thâm độc của Đức Quốc xã (ĐQX) nhằm thủ tiêu đồng thời Josef Stalin, Winston Churchill và Franklin Roosevelt) là những sự kiện song song đã xảy ra vào ngày 26 tháng 7 năm 1943. Vào chính cái ngày 2 thủ lĩnh tình báo có cuộc hội kiến đầu tiên của họ tại khách sạn Eden thì Adolf Hitler cũng bắt đầu bước chân vào công việc tương tự.

Vào cái buổi chiều mùa hè năm đó, Hitler đã tiếp cận (cũng như khởi đầu sự nghiệp của Walter Schellenberg, một viên chức quan trọng trong lực lượng SS) người đứng đầu trường hành động đặc biệt Oranienburg, Đại úy SS Otto Skorzeny. 

Mật lệnh từ sào huyệt Hitler Đông Phổ

“Có lẽ nào nó liên kết với Chiến dịch Franz?”, Otto Skorzeny nhớ lại cái cảm giác bối rối khi lần đầu nhận được tin mình sẽ được triệu tập đến Wolfschanze: trụ sở hẻo lánh của Quốc trưởng Hitler nằm sâu trong cánh rừng ở Đông Phổ. Thật khó mà tin rằng ngài Quốc trưởng muốn có một báo cáo vắn tắt về một nhiệm vụ cấp bách kiểu như nhiệm vụ đã từng thực thi ở Iran.

Vào cuối buổi chiều nắng chói chang của tháng 7 đó, Skorzeny lên chiếc Junkers Ju-52 đang đậu ở sân bay Templehofer. Có 12 chỗ trên máy bay, nhưng không có bóng dáng hành khách nào. Có một tủ cocktail ở mũi máy bay và Skorzeny rót một ly rượu mạnh. Rồi thì thần kinh của Skorzeny bắt đầu dịu lại, khi máy bay cất cánh, y cũng chuẩn bị tinh thần. Lần đầu tiên hắn sẽ chạm mặt với Adolf Hitler, quốc trưởng của nền Đệ tam Đế chế và là thủ lĩnh tối cao của Wehrmacht (các lực lượng vũ trang ĐQX từ năm 1935 đến 1945).

Một chiếc Mercedes lớn đã chờ sẵn khi máy bay Junkers hạ cánh. Chiếc xe chạy xuyên qua một cánh rừng rậm tới một trạm kiểm soát, và sau khi xuất trình giấy tờ tùy thân, chiếc xe lại đi tiếp qua một con đường hẹp được bao quanh bởi những hàng cây Bạch Dương. Sau đó lại vượt qua một hàng rào thứ 2 và một đoạn đường ngắn tới hàng rào kẽm gai cao.

Khi cánh cổng mở ra, chiếc xe chạy theo một con đường quanh co với những ngôi nhà thấp và trại lính nằm hai bên; những cấu trúc này được phủ những tấm lưới ngụy trang, cây cối được trồng trên những nóc nhà mái bằng để che giấu thêm. Từ trên trời nhìn xuống chẳng có gì khác như những cánh rừng ở nước Phổ. Khi y đến Tea House, một ngôi nhà gỗ thì trời cũng chạng vạng tối, các tướng lĩnh đã dùng bữa của họ. Otto Skorzeny đến phòng khách đã thấy kê vài tấm vải thô và ghế bọc nệm. Đúng lúc đó một đại úy Waffen-SS xuất hiện và yêu cầu: “Tôi sẽ đưa ông đi gặp Quốc trưởng. Vui lòng đi lối này”.

Kế hoạch giải cứu Mussolini của mật vụ Đức Quốc xã -0
Bìa cuốn sách “Chiến dịch nhảy xa” của tác giả William Peter Grasso, mô tả âm mưu của Đức Quốc Xã nhằm ám sát 3 lãnh tụ hàng đầu thế giới Josef Stalin, Winston Churchill và Franklin Roosevelt. Ảnh nguồn: Amazon.com.

Lại qua một ngôi nhà khác. Một phòng đợi được trang bị đẹp đẽ, chỗ này lớn hơn căn phòng trước đó. Trên tường nhà có một bức tranh hoa xinh xắn đặt trong khung bạc; Skorzeny đoán căn phòng đó là của Quốc trưởng. Rồi y được dẫn qua một hành lang để bước vào một căn phòng lớn hơn, không gian rộng rãi. Ở đó có bếp lò sưởi đốt bằng củi và một chiếc bàn khá lớn để hàng đống bản đồ.

Một cánh cửa đột ngột mở ra, Adolf Hitler bước vào phòng với những bước chậm rãi. Skorzeny bấm gót và đứng nhìn. Hitler giơ thẳng cánh tay phải của mình ra: một kiểu chào nổi tiếng. Hitler bận bộ đồng phục màu xám đồng có hở cổ để lộ áo sơ mi trắng và cà vạt đen. Một chữ thập ngoặc được ghim vào ngực ông ta. Cuối cùng Hitler cất tiếng nói, đó là một giọng trầm. Quốc trưởng thông báo: “Tôi có một “vụ hời” quan trọng cho ông. Mussolini, bạn tôi và đồng đội trung thành của chúng ta, hôm qua đã bị nhà vua của ông ấy phản bội, ông đã bị bắt bởi chính những người đồng hương của mình”.

Skorzeny nhanh chóng cố gắng nhớ mọi thứ mình đã đọc. Benito Mussolini, nhà độc tài phát xít (kẻ đã cai trị nước Ý bằng bàn tay thô bạo) đã đến yết kiến vua Victor Emmanuel nước Ý. Ngay khi vừa yên vị, Victor Emmanuel đã huỵch toẹt tuyên bố rằng Hội đồng tối cao đã yêu cầu nhà vua chỉ huy quân đội và tiếp quản việc quốc gia đại sự, và nhà vua đã đồng ý. Khi Mussolini run rẩy rời cung điện thì đã chạm trán với viên Đại úy của đội cảnh binh quốc gia, người này đã đưa Mussolini đến một chiếc xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ.

Khi cánh cửa hậu mở ra đã thấy nguyên một đội cảnh sát tay lăm lăm súng tiểu liên. Trước những họng súng sắc lạnh, cựu độc tài bị đẩy vào bên trong. Chiếc xe cứu thương rời đi, đích đến của nó cũng bí mật, như một an bài cho số mệnh của Mussolini. Trở lại hiện tại, Skorzeny chăm chú nuốt từng chữ khi giọng điệu của Quốc trưởng trở nên hoạt bát hơn. Hitler nói: “Tôi không thể và càng không bỏ rơi người con vĩ đại của nước Ý. Nếu không được giải cứu kịp thời, ông ấy sẽ rơi vào tay quân Đồng Minh”.

Và Hitler thẳng thắn: “Tôi đang ủy thác cho ông thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với diễn biến tương lai của cuộc chiến. Ông phải làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để hoàn thành mệnh lệnh này. Ông cần phải tìm ra nơi có mặt Il Duce (“Công tước”, tước vị mà phong trào phát xít Ý đã tâng bốc phong cho Mussolini) và giải cứu ông ấy”. Lúc bị chú ý, Skorzeny vẫn dán chặt mắt vào Hitler. Y cảm thấy mình như bị cuốn hút vào Quốc trưởng bởi một thứ “lực hấp dẫn” nào đó.

Hitler nói: “Bây giờ chúng ta bước vào phần quan trọng nhất. Điều cần thiết là phải giữ bí mật tuyệt đối chuyện này”. Hitler nói càng lâu, Skorzeny càng như bị thôi miên. Sau đó hai người bắt tay nhau. Skorzeny cúi đầu chào và lui ra, và ngay khi lúc bước ra khỏi căn phòng, y có cảm giác như đôi mắt Hitler đang xoáy vào lưng mình. Khi quay trở lại Tea House, có hàng trăm câu hỏi nhảy múa trong đầu Skorzeny nhưng y chỉ tập trung duy nhất một câu hỏi “Mussolini đang ở đâu?”.

Tìm kiếm nơi giam giữ Mussolini

Skorzeny tự đặt ra hàng loạt tình huống “Nếu chúng ta tìm được ông ta (Mussolini) thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?  Il Duce chắc chắn ở một nơi rất an toàn và được bảo vệ cực kỳ cẩn mật, chúng ta sẽ xông vào một pháo đài hay nhà tù?”. Sau rốt, Skorzeny tự an ủi mình. Rút kinh nghiệm nhiều năm kỷ luật, y tự tạo ra danh sách. Gã cần 50 người tốt nhất trong lực lượng của mình và tất cả nên biết tiếng Ý là tốt nhất. Và thiết lập đám này thành các nhóm nhỏ gồm 9 người một. Rồi gã để ý tới vũ khí và chất nổ.

Gã tự nhủ, vì là một lực lượng nhỏ nên phải cần hỏa lực mạnh nhất có thể. Nhưng ngay sau đó gã loại trừ khả năng dùng pháo hạng nặng mà chọn giải pháp nhảy dù, và mỗi đội được trang bị 2 khẩu súng máy. Những người khác được trang bị súng lục, nhưng nó đủ gây chết người nếu được bắn bởi một xạ thủ. Còn chất nổ? Dĩ nhiên là lựu đạn. Ngoài việc trang bị 30 kg thuốc nổ dẻo, Skorzeny còn lưu ý tới các loại bom do Anh sản xuất mà lính SS đã nhặt được ở Hà Lan; coi bộ chúng đáng tin cậy hơn bất kỳ thứ gì khác do Wehrmacht phân bổ.

Cuối cùng là mũ bảo hiểm và áo lót nhẹ. Không có khả năng để dự báo chính xác một kịch bản chiến đấu, thế nên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Và lẽ dĩ nhiên thực phẩm cũng được trưng dụng. Khẩu phần ăn cho 6 ngày và các khẩu phần trong tình huống khẩn cấp cho thêm 3 ngày nữa để giữ cho kế hoạch diễn ra suôn sẻ. Khi Skorzeny hoàn thành danh sách, gã tìm thấy phòng vô tuyến để gửi đến tổng hành dinh ở Berlin bằng máy điện báo ghi chữ.

Skorzeny cũng không hề hay biết rằng cùng cái đêm trường băng qua nền Đệ tam đế chế ở Berlin, Walter Schellenberg cũng một mình trằn trọc trên giường khi nghiền ngẫm những vấn đề chiến thuật tương tự. Hắn ta giao kế hoạch cho các phụ tá của mình nhằm sẵn sàng lực lượng trong bất kỳ tình huống chiến đấu nào có thể. Về phần mình, Skorzeny chỉ tập trung  một vấn đề duy nhất: tìm ra Mussolini. Gã cần phải giải quyết một bí mật trước khi có thể bắt tay vào bí mật tiếp theo.

Kế hoạch giải cứu Mussolini của mật vụ Đức Quốc xã -0
Đại úy SS Otto Skorzeny, người đứng đầu trường hành động đặc biệt Oranienburg được Hitler ủy thác nhiệm vụ giải cứu Mussolini. Ảnh nguồn: worldwar2.

Sau 3 tuần rượt theo các nguồn tin nghe có vẻ, Skorzeny chép miệng than: “Mẹ kiếp, lại trở về vạch xuất phát ban đầu!”. Nhưng khi tưởng như đã mất hết mọi hy vọng thì bất ngờ y nhận được một báo cáo tình báo kể chi tiết về một vụ tai nạn xe có 2 sĩ quan Ý rất cao cấp tại rặng núi Abruzzi. “Họ làm cái quái gì trên đó?”, Skorzeny nghi hoặc. Khi phái thám báo đi dò la tin tức thêm thì mới hay Mussolini sắp được tìm thấy.

Một kế hoạch giải cứu bắt đầu hình thành. Có 12 dù lượn và ý tưởng là họ sẽ hạ cánh xuống mục tiêu như đôi chân mèo. Skorzeny thừa biết rằng cơ hội giải cứu rất mong manh. Gã sợ người của mình chưa kịp chế ngự đám lính canh thì Mussolini đã bị hành quyết. Cuối cùng Skorzeny đã xác định rằng Il Duce (Mussolini) bị giam giữ trong một khu nghỉ mát trượt tuyết nằm trên núi Apennini ở độ cao 2.133m. Một tuyến cáp duy nhất chạy từ thung lũng lên đỉnh núi, và một toán lính được trang bị hạng nặng đứng quanh nhà ga, trong khi cảnh binh quốc gia phong tỏa con đường tiếp cận.

Nguồn tin tình báo truyền về cho Skorzeny hay rằng khách sạn Campo Imperatore, nơi được xác định có Mussolini bị quản thúc, có thể là một pháo đài: xây bằng gạch đặc, 4 tầng, và ít nhất hơn 100 phòng, Il Duce có thể ở đâu trong số các phòng đó. Ngoài ra có khoảng 150 lính đã đào hào trên đỉnh núi nhằm quyết tâm canh giữ khách sạn chỉ có 1 vị khách. Về ý đồ giam giữ này, bất giác Skorzeny phải khen ngợi người Ý: một kế hoạch hoàn hảo không tì vết.

Skorzeny loại trừ một cuộc tấn công trên mặt đất: kẻ địch từ trên núi vãi đạn xuống thì chỉ cầm chắc thua cuộc. Càng nghĩ kỹ, Skorzeny quả quyết rằng yếu tố bất ngờ là cần thiết nhất. Skorzeny nghĩ đến việc dùng một toán lính biệt kích nhảy dù từ máy bay nhằm tạo ra cuộc tấn công bất ngờ, nhưng ý tưởng này bị các chuyên gia Luftwaffe (Không quân Đức) bác bỏ. Bởi một lẽ khi thả người từ máy bay xuống, lính biệt kích sẽ như quả chì rơi thẳng xuống các cạnh đá núi sắc như dao, dễ mất mạng như chơi.

Kế hoạch giải cứu Mussolini của mật vụ Đức Quốc xã -0
Khách sạn Campo Imperatore ngày nay, nơi từng quản thúc Mussolini. Ảnh nguồn Wikimedia Commons.

Cuộc giải cứu như… trong phim

Nhưng cái đầu khôn ngoan của Luftwaffe cũng bác bỏ việc hạ cánh bằng dù vì nếu ở độ cao trên đỉnh núi mà không có một bãi đáp rõ ràng là hết sức điên rồ. Theo dự đoán của họ thì ít nhất 80% quân số nếu bị rọi trúng trên bãi đá thì sẽ bị xóa sổ tức thì, đồng nghĩa sẽ không còn đủ lực lượng để xông vào khách sạn. Bàn tới bàn lui cuối cùng cả đám chốt quyết định cuối cùng.

Ngày 12 tháng 9 năm 1943, lúc khoảng 1 giờ chiều, từ trên trời cao những chiếc dù lượn lao xuống ào ạt, gió rít từng cơn. Một trận cuồng phong vồ lấy một chiếc dù lượn khiến nó rơi xuống đập thẳng vào sườn đá vỡ vụn từng mảnh. 2 chiếc dù khác bị ném văng. Chiếc dù lượn chở theo Skorzeny bị rơi đầu tiên, nhưng gã nhanh tay mở chốt, leo ra ngoài, và đột nhiên phát hiện mình đang ở cách khách sạn chỉ 18,2 mét. Cuộc chiến thần tốc diễn ra sau đó. Đám lính canh bị sốc đã giơ tay đầu hàng. Theo lệnh của Skorzeny, cả nhóm lao vào đại sảnh. Theo bản năng, Skorzeny mở tung các cửa phòng và đến lần thứ 3 gã đã thấy Mussolini bị canh phòng bởi hai lính Ý, bọn này nhảy ào khỏi phòng.

Toàn bộ vụ tấn công diễn ra chỉ vỏn vẹn 4 phút. Một chiếc máy bay Fiesler Storch cỡ nhỏ với 1 cánh quạt và đôi cánh dài đã đáp xuống đỉnh núi, Mussolini leo vào ghế sau. Skorzeny cố hết sức ngồi ở một góc chật chội sau lưng Il Duce. Chiếc máy bay chật vật mãi may sao nhờ một cơn gió mạnh mới ngoi lên được bầu trời xanh. Ba ngày sau, ngay lúc nửa đêm, Skorzeny và Mussolini cùng uống trà với Hitler tại Wolfschanze. Hitler trao huân chương hiệp sĩ cho đám lính biệt kích SS, và thăng quân hàm cho Skorzeny lên thành Thiếu tá.

Trang nhất của nhiều tờ báo trên toàn nước Đức đã đồng loạt đăng bài về cuộc giải cứu táo bạo. Khuôn mặt tươi cười đẹp trai của Skorzeny nhanh chóng nổi tiếng trên toàn nước Đức. Báo chí Anh, Mỹ cùng giật tít “Skorzeny, người đàn ông nguy hiểm nhất Châu Âu”. Từ thành công vang dội của Skorzeny, lần đầu tiên quan chức SS, Walter Schellenberg tin rằng hắn cũng có thể tiêu diệt các lãnh tụ phe Đồng Minh trong một hoạt động mật như thế, giúp thay đổi kết quả chiến tranh và cả hòa bình.

Phan Bình  (Tổng hợp)
.
.