Kế hoạch hủy diệt Paris của Adolf Hitler

Thứ Hai, 22/08/2022, 10:26

Ngày 23 tháng 8 năm 1944, tức chỉ 1 ngày sau khi Thượng tướng Dietrich von Choltitz cử  nhà ngoại giao kiêm doanh nhân người Thụy Điển, Rolf Nordling, liên lạc với quân Đồng Minh, Adolf Hitler đã gửi đi một thông điệp cho Thống chế Walther Model và Dietrich von Choltitz yêu cầu phải giữ Paris bằng mọi giá, nếu không làm được thì phải san phẳng nó.

Trong bức điện đó, Hitler giải thích: “Bảo vệ Paris có ý nghĩa quan trọng quyết định đến quân đội và chính trị. Nếu Paris thất thủ nó sẽ xé toạc toàn bộ mặt trận duyên hải phía Bắc sông Seine, tước đoạt các căn cứ Đức trong cuộc chiến dài hạn chống lại Anh”.

Những cuộc hội thoại lạnh gáy

Trong lịch sử, tổn thất Paris luôn đồng nghĩa với việc mất nước Pháp. Quốc trưởng liên tục lặp đi lặp lại mệnh lệnh của mình phải bảo vệ Paris bằng mọi giá... Phải dùng những biện pháp mạnh tay nhất để dập tắt các cuộc nổi dậy trong thành phố. Những cây cầu bắc qua dòng Seine phải luôn trong tình trạng chuẩn bị phá hủy. Paris không được rơi vào tay kẻ thù trừ phi nó là đống gạch vụn.

83-3.jpg -0
Binh sĩ Mỹ thuộc sư đoàn bộ binh 28 của Pennsylvania diễu hành dọc theo đại lộ Champs Elysees, Khải Hoàn Môn vào ngày 29 tháng 8 năm 1944 (tức chỉ 4 ngày sau khi giải phóng Paris).  Ảnh nguồn: AP Photo / Peter J. Caroll.

Thượng tướng Dietrich von Choltitz choáng váng trước mệnh lệnh của Hitler. Ông ta cũng ngại ngần: “4 ngày trước tình thế có vẻ khả quan, nhưng rồi đột ngột chuyển biến xấu đi. Địch hành binh thần tốc về Paris. Ông phải giữ cây cầu ở Melun. Không có sẵn quân đội Đức. Quân đoàn Đức thứ nhất còn lại số lính ít ỏi và không đủ lực lượng để kháng cự. Không có quân để đối phó với các sư đoàn tăng”. Dietrich von Choltitz tin rằng mệnh lệnh không có giá trị và rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn.

Sau khi đọc xong lệnh, Dietrich von Choltitz đưa nó cho chỉ huy thứ 2 của mình là Đại tá  Hans Jay, một người bạn cũ. Họ đứng trước ban công bên ngoài văn phòng của Choltitz đặt trong khách sạn Meurice trên phố Rivoli. Dietrich von Choltitz cất mật lệnh vào túi và không cho ai khác xem. Cuối ngày hôm đó ông gọi cho một người bạn lưu niên khác, Trung tướng Hans Speidel, tham mưu trưởng tại trụ sở của Thống chế Walther Model tọa lạc tại Cambrai.

Dietrich von Choltitz và Hans Speidel vốn là bạn bè tiền chiến và tại mặt trận Nga, Choltitz đã coi con người Speidel rất bác ái. “Cảm ơn vì mệnh lệnh tuyệt vời!”, tiếng của Choltitz vang lên. “Lệnh gì thưa Thượng tướng?”, Speidel hỏi lại. “Lệnh hủy diệt”, Choltitz thở sượt. Choltitz tiếp tục kể cho Speidel những gì mà ông ta đã làm: 3 tấn thuốc nổ đặt trong Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame), 2 tấn ở Dome tại Les Invalides, và 1 tấn khác đặt ở Phòng đại biểu (Chamber of Deputies).

Choltitz cho hay hiện đang làm việc để kích nổ Khải Hoàn Môn. “Hy vọng ngài ưng thuận, Speidel”, tiếng Choltitz thăm dò. “Vâng, đồng ý thưa Thượng tướng”, Speidel đáp. “À, nhưng phải do chính ngài hạ lệnh”, Choltitz mào đầu. “Chúng tôi không làm đâu. Phải để cho Quốc trưởng hạ lệnh”, Speidel lắc đầu. “Xin lỗi? Ông chắc có nghe mật lệnh và phải chịu trách nhiệm với lịch sử. Điều mà tôi nói với ông là thứ tôi chưa từng làm trước đây. Madeleine và Opera phải đi cùng nhau. Còn cả tháp Eiffel nữa. Tôi sẽ kích nổ nó để đống kim loại nằm chắn trước những cây cầu sụp đổ”.

Hai người nói chuyện qua lại trên điện thoại khoảng vài phút sau đó là rơi vào im lặng. Sau đó Choltitz lại nói: “Chúng tôi biết rồi. Trên điện thoại, tốt hơn hết là không nói lên cái gì mà phía bên kia không nhất trí. Điều quan trọng là chúng ta không nên thảo luận về nội dung thực tế của mệnh lệnh. Speidel đã biết rõ con người tôi rồi đấy, tất cả không còn quan trọng nữa, điều còn lại là sự bối rối và những lời nói suông”.

Dietrich von Choltitz biết được rằng tổng hành dinh của Walther Model đã nhận được lệnh từ Hitler nhưng giữ kín nó. Nhân viên của Choltitz đã tìm thấy mật lệnh trong mạng lưới và giao nó cho ông. Một số người Đức và Pháp đồng ý với Choltitz và Speidel rằng không nên biến Paris thành cánh đồng hoang lạnh. Cũng ngay buổi chiều nói chuyện với Speidel, Choltitz đã nhận một cú điện thoại từ Otto Dessloch, chỉ huy Luftflotte 3 tức Không lực chiến thuật Đức ở Pháp.

Đầu dây bên kia là giọng điệu hối hả của Otto Dessloch: “Thưa tướng quân, tôi nhận lệnh thảo luận với ngài về cuộc không kích xuống Paris”. Ngay cả Choltitz cũng sửng sốt: “Không quân Đức (Luftwaffe) đánh bom Paris trong khi nó vẫn bị chiếm đóng?”. Choltitz trả lời cẩn thận: “Tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng mong ngài sẽ đến vào ngày đó”. Tiếng Dessloch thẳng thừng: “Không, chúng tôi không mạo hiểm đâu. Tướng quân có biết cả thành phố sẽ rực sáng bởi 90 oanh tạc cơ bắn phá suốt đêm? Tướng quân nghĩ sao về điều đó? Chúng tôi được lệnh phải nói với ngài. Ngài phải đặt tên cho các mục tiêu”. Dessloch cho hay rằng không quân sẽ bắn các khu vực của Paris song không chắc có trúng các mục tiêu hay không. Choltiz ngập ngừng: “Vậy, hãy làm đi. Nhưng có điều tôi phải nói rõ: tôi sẽ rút quân. Ông không thể nào thiêu cháy cả tôi với những người lính của mình. Ông có biết tôi được lệnh ở lại Paris? Ông phải chịu trách nhiệm cho việc tôi rời thành phố”.

83-2.jpg -0
Thượng tướng Dietrich von Choltitz, người được gọi là “Đấng cứu thế của Paris” khi đã nói dối các đồng đội về tình hình Paris để không phải phá hủy thành phố này.
Ảnh nguồn: wblog.wiki.

Paris được an toàn…

Có một khoảng dừng kéo dài trong buổi trò chuyện, sau đó thì Dessloch đáp: “Vâng, có lẽ không thể làm được rồi”. “Tôi cũng nghĩ nát nước rồi”, Choltitz đáp nhanh. Có lẽ cuộc trò chuyện qua điện thoại của họ đã bị giám sát bởi Gestapo, họ phải nói như thể cho tròn trịa để không làm trái mệnh lệnh. Trong 2 ngày 23 và 24 tháng 8 năm 1944 là những ngày nặng nề với Dietrich von Choltitz. Ông phải bảo vệ Paris song cũng hết sức khôn khéo để không bị tước quyền chỉ huy. Choltitz nhận được sự trợ giúp của đại sứ Otto Abetz. Choltitz và Abetz nhận thấy họ cùng nhất trí trong việc xử lý Paris, Abetz đề nghị: “Thưa thượng tướng, ngài cần tôi giúp gì nào?”. “Vâng, ngài đại sứ, ngài có thể giúp tôi như thế nào?”, Choltitz bối rối nói. “Thưa thượng tướng, tôi sẽ gửi một kênh liên lạc đến tổng hành dinh và ngài Ngoại trưởng Ribbentrop (Joachim von Ribbentrop) và trong đó tôi sẽ phàn nàn về hành vi tàn bạo của ngài ở Paris”.

Choltitz và Abetz từng gặp nhau nhiều lần trước đây, và ông không thể tin nổi điều mà Abetz mới thốt ra, ông nhảy khỏi ghế và chồm hai tay lên vai Abetz, thì thào: “Ông thật sự muốn làm vậy hả? Và ông là một trong số chúng ta”. “Được mà. Tôi muốn làm vậy đó”, Abetz khẳng định.

Tại chính Paris, tình hình đã căng thẳng. Buổi sáng của ngày 23, một đơn vị thiết giáp Đức không thuộc quyền chỉ huy của Choltitz đã tận dụng lợi thế của đình chiến đã di chuyển về hướng Đông của thành phố. Khi đơn vị này đến chân đại lộ Champs-Élysées, gần Grand Palais, thị bị trúng hỏa pháo của cảnh sát Paris, 1 người lính tử trận.

Người Đức phản ứng ngay lập tức. Grand Palais là di tích lịch sử của Paris nằm giữa sông Seine và đại lộ Champs-Élysées, đây là tòa nhà lớn nhất Paris, và là địa điểm có các cuộc triển lãm lớn kể từ Triển lãm thế giới năm 1900, tầng hầm của tòa nhà cũng là nơi đồn trú của cảnh sát quận 8.

Người Đức quyết định ra đòn. Họ tung 2 xe tăng không người lái cỡ nhỏ “Goliath” (dài 1,2m, rộng 0,6m và cao 0,3m) chở theo 50 kg vật liệu nổ mà cụ thể là bom điều khiển từ xa thẳng tiến tới Grand Palais. Khi chúng phát nổ, vụ nổ lớn đến mức các tòa nhà xung quanh rung chuyển và âm thanh vụ nổ lan đi khắp thành Paris. Có một rạp xiếc Thụy Điển bên dưới tầng hầm Grand Palais, nhiều sư tử, hổ và ngựa đã tìm thấy tự do khi chúng bị cảnh sát giam giữ. Khi bầy thú hoang chạy đi tứ tán và người Đức vãi đạn loạn xa, tình hình xấu đi nhanh chóng.

Vào buổi trưa tình hình được vãn hồi khi 40 cảnh sát Paris giơ cờ trắng đầu hàng. Họ nộp mình cho Choltitz và ông nói rằng sẽ đối xử họ như tù chiến tranh. Cuối cùng lính cứu hỏa đã khống chế ngọn lửa nhưng Grand Palais chỉ còn lại cái vỏ, toàn bộ nội thất của nó đã bị phá hủy. Người Đức đưa quân kháng chiến vào tầm ngắm.

Ngày 23 tháng 8 đó, Choltitz gặp đại tá Friedrich von Unger, người này khẳng định rằng không thể giữ Paris thêm nữa và Choltitz nên rút lui. Tình hình ở Paris nhanh chóng được sáng tỏ. Quân kháng chiến tiến lên còn Choltitz không muốn chiến đấu trên phố. Vì thế Choltitz làm một việc với mong muốn được người Paris tôn trọng: dùng máy bay của Không quân Đức phát hàng ngàn tờ rơi.

Nội dung đáng lưu ý: “Các phần tử tội phạm muốn hủy diệt thành phố! Máu đã đổ, máu người Pháp cũng như Đức! Việc phá hủy hàng loạt nhà kho, xí nghiệp, cầu cống, đường sắt là rất đơn giản. Các nguồn cung lương thực, nước, điện sẽ bị phá trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Người dân Paris hãy tin vào sự nhân đạo của binh lính Đức, họ sẽ không hành động trừ phi bị thúc ép đến đường cùng. Nếu những thứ này còn không được coi là thiêng liêng thì không còn lý do nào để có chổ cho sự bao dung. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch chống lại chúng tôi và dân thường. Chúng tôi yêu cầu người dân Paris tự vệ trước những kẻ bất hảo và duy trì công việc thường nhật của mình”.

Những giờ phút cuối cùng

Vụ tấn công ở Grand Palais và lời kêu gọi của Dietrich von Choltitz đã phần nào giảm bớt được bạo lực. Quân Đồng Minh đến và quân kháng chiến cũng sắp hết đạn. Các số liệu do cảnh sát Paris tổng hợp cho thấy rằng chỉ trong 4 ngày đầu tiên của các vụ bạo động, phía Pháp thiệt mạng 62 người và 68 người phía Đức. Hầu hết số người thiệt mạng đã diễn ra trước thỏa thuận đình chiến mà Nordling sắp xếp. Phần lớn thương vong đến từ phe kháng chiến với 483 người tử trận và gần 1.200 người bị thương. 

Các cuộc giao tranh diễn ra trong các khu dân cư của tầng lớp lao động. Ở quận 16 thời thượng thì không có ai bị thương và thiệt mạng. Mặt khác, tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng. Tại các khu vực thời thượng của Paris, lương thực luôn dồi dào song giá cắt cổ, còn các khu nghèo khó thì chả có gì. Nguồn khí đốt bị tắt, còn điện chỉ có vài tiếng mỗi ngày. Cảnh sát Paris nhận lệnh phải mặc đồng phục để “bảo vệ các thể chế cộng hòa”.

Vào đêm khuya ngày 23 tháng 8, Dietrich von Choltitz có một cuộc nói chuyện dài hơi qua điện thoại với trụ sở của Walther Model. Nói chuyện với tướng Günther Blumentritt (người từng là tham mưu trưởng dưới quyền của Nguyên soái Gerd von Rundstedt và hiện giờ là sĩ quan hoạt động của Model), ông giải thích về hoàn cảnh ở Paris đã bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát, và do bởi việc mọc lên nhiều chướng ngại vật nên không thể chuyển nguồn tiếp tế đến các cứ điểm khác nhau của quân Đức khắp Paris.

Choltitz phân trần: “Bắn nhau ở khắp nơi. Các yêu cầu về việc trả đũa của ngài Quốc trưởng không còn có thể thực hiện được nữa. Việc cho nổ tung 75 cây cầu khó mà khả thi. Bất kỳ hành động nào như vậy đều có thể đẩy phần lớn dân số Paris vẫn đang bị động vào tay địch”. Rõ ràng Choltitz đang nói dối, song ông ta vẫn muốn thông tin này được lưu lại trong hồ sơ.

Thống chế Walther Model không ngạc nhiên về vị trí của Choltitz. Ông ta biết tỏng là không thể bảo vệ Paris được nữa, và nếu ông ta chặn bước tiến của quân Đồng Minh thì việc để  Paris đầu hàng là bước hữu dụng đầu tiên. Khuya hôm đó, Model nói chuyện với Alfred Jodl (trưởng các hoạt động tại tổng hành dinh của Adolf Hitler).

Jodl nói với Model rằng Quốc trưởng hết sức tức giận nếu Paris bị mất và ông muốn giữ nó bằng mọi giá. “Nếu các lực lượng vũ trang Đức (Wehrmacht) không thể đè bẹp những tên đê tiện trên đường phố Paris thì tiếng nhơ sẽ nhuốm vào lịch sử Đức”. Walther Model không đầu hàng. Ông ta quyết định lập một tuyến phòng thủ mới trên sông Marne và Somme (Đông Paris). Một lần nữa Model nói với Jodl (không nói nên lời): “Hãy nói cho Quốc trưởng biết tôi đang làm gì.

Model biết rằng việc bảo vệ Paris sẽ hủy luôn việc tái tập hợp khả năng của Cụm tập đoàn quân B và chặn đứng bước tiến của quân Đồng Minh. Model tin rằng đó là việc quan trọng hơn và không muốn lật ngược cách của Choltitz. Ngay tối hôm đó Choltitz đã gọi cho bà xã ở Baden-Baden và khi không kết nối được thì liền để lại tin nhắn: “Tụi anh đang tiếp tục nhiệm vụ”. Mãi tới tháng 11 năm 1947, vợ của Choltitz mới gặp lại chồng mình khi ông này được thả từ một trại giam của người Mỹ.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.