Khủng hoảng trong nhà tù ở Nigeria
Vào một ngày giữa tháng 11-2021, người dân tại thành phố Jos, miền Trung Nigeria, thức dậy trong tiếng súng nổ. Khoảng 30 tay súng đã tấn công nhà tù và giải thoát cho hơn 250 tù nhân. Đây chỉ là một trong chuỗi những vụ đột kích táo tợn vào hệ thống trại giam Nigeria. Kể từ năm 2010 đến nay đã có hơn 7.000 tù nhân đào thoát thành công khỏi các nhà tù của nước này. Nigeria đang bị đặt giữa cuộc khủng hoảng sụp đổ hệ thống giam giữ của chính họ.
Bất lực
Theo số liệu của Cục Cải huấn Nigeria, trong vòng 11 năm qua đã có khoảng 10% số tù nhân nước này đã trốn khỏi trại tạm giam. Giai đoạn 2020 - 2021 là khoảng thời gian xảy ra nhiều vụ vượt ngục thành công nhất với 9 trường hợp, gấp ba lần so với tổng ba năm trước cộng lại.
Con số 9 này là còn chưa tính tới những cuộc vượt ngục thất bại, nổi loạn trong tù. Hay các nhóm vũ trang tấn công cảnh sát hoặc quân đội nhằm giải cứu tù nhân. Điểm chung là sự táo tợn của các vụ trốn tù đang có xu hướng gia tăng. Ví dụ như sự việc xảy ra xả súng trước toà án tại thành phố Lagos nhằm giải cứu bị cáo ngay trước khi mở phiên tòa.
Theo nhiều nhà quan sát, ngay từ trước khi hiện tượng vượt ngục đồng loạt xảy ra, hệ thống nhà tù của Nigeria đã gặp nhiều vấn đề do cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Có những cơ sở giam giữ như nhà tù Benin được xây dựng từ hơn 100 năm trước mà chưa qua tu sửa lần nào. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp của họ cũng lạc hậu không kém. Những bộ luật dân sự, hình sự hiện đại không khác gì mấy so với luật được chính quyền thuộc địa Anh soạn thảo hồi đầu thế kỷ trước.
Trong khi đó, dân số Nigeria tăng không ngừng và hiện nay đã đứng đầu châu Phi. Xã hội nước này cũng trải qua nhiều biến động mang tính căn bản. Kết quả là số lượng tù nhân tăng lên đột biến. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Tội phạm & Công lý thuộc trường Đại học London (Anh), Nigeria hiện xếp thứ 49 thế giới về số lượng tù nhân.
Không nơi nào hiện tượng quá tải lại tồi tệ như ở nhà tù Ikoyi, thành phố Lagos. Nhà tù được xây vào năm 1955 với khả năng giam giữ tối đa là 8.000 người. Ngày nay gần 2.500 tù nhân gọi Ikoyi là “nhà”. Họ sống chen chúc trong các phòng giam chật chội và thiếu vệ sinh nghiêm trọng. Một tù nhân phạm tội móc ví kể: “Mùa hè thì thật kinh khủng. Mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, mùi cống rãnh xộc lên nồng nặc. Mọi người vì cái nóng đã khổ lắm rồi, nhưng do mùi thối mà ai cũng phát điên. Tôi từng nhìn thấy bạn tù đập đầu vào tường tự tử vì không chịu được”.
Để xử lý tình trạng này thì cần giải quyết nhanh số tù nhân bị tạm giam chờ kết án. Trong số 70.653 tù nhân tại 240 trại cải tạo trên khắp Nigeria có tới 2/3 đang chờ được xét xử. Nhiều bị can bị khởi tố vì hành vi vi phạm luật giao thông hay móc túi cũng bị bắt tạm giam thay vì được tại ngoại.
Ông Uju Agomh, Giám đốc tổ chức hoạt động vì quyền lợi tù nhân PRAWA, cho biết: “Luật pháp Nigeria ưu tiên việc bỏ tù người ta thật là vô lý. Nhiều người mắc tội nhẹ, không cấu thành hình phạt tù nhưng cũng phải chịu ở trong trại cải tạo hàng tháng liền. Các nhà chức trách không chỉ đang gây hại cho công bằng xã hội mà còn đặt gánh nặng lên hệ thống cơ sở vật chất nhà tù”.
Bạo lực liên miên
Có những vụ vượt ngục xảy ra vì sự xuống cấp cơ sở hạ tầng, như vụ vượt ngục xảy ra vào tháng 10-2019 tại nhà tù Koton-Karfe, hạt Kogi nằm phía Nam thủ đô Abuja. Trời mưa to gây lũ lụt cuốn trôi tường và hàng rào của nhà tù. Nhân cơ hội này hơn 200 tù nhân đã trốn khỏi nhà tù. Một cuộc điều tra của chính phủ sau đó kết luận những bức tường của nhà tù hỏng nặng và có thể sập bất cứ lúc nào. Đại biểu quốc hội Lazarus Ogbee, người chỉ đạo cuộc điều tra, nhận xét: “Vụ vượt ngục này chỉ Nigeria mới có”.
Mặt khác, trong nhiều năm trở lại đây, tình hình an ninh của Nigeria liên tục đi xuống. Đất nước này hiện là một điểm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển heroin từ châu Á sang Mỹ và cocaine từ Nam Mỹ sang châu Âu. Tiền lời bán ma túy lại được các đối tượng buôn lậu sử dụng để đút lót giới quan chức hoặc mua vũ khí ăn trộm từ quân đội. Tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng khiến nhiều thanh niên tham gia vào các băng đảng trộm cướp, trấn lột. Đấy là chưa kể những tổ chức Hồi giáo cực đoan như Boko Haram đẩy mạnh việc thu hút, kết nạp thành viên mới.
Cuộc tấn công mới đây nhất của Boko Haram nhắm vào nhà tù ở thành phố Jos đã khiến 10 người thiệt mạng và 7 người bị thương, hầu hết là quản giáo. Chúng sử dụng rocket bắn vào cửa nhà tù, sau đó nhanh chóng chở đi một số đồng bọn hiện đang bị giam giữ. Có dấu hiệu cho thấy có sự phối hợp giữa những đối tượng trong và ngoài nhà tù do cuộc tấn công xảy ra vào giờ tù nhân được ra ngoài sân.
Công ty phân tích dữ liệu Towntalk Solutions ở Lagos hiện được chính phủ Nigeria thuê để phân tích số liệu về các cuộc tấn công. Giám đốc Oladisum Vera-cruz của công ty cho rằng: “Khả năng cao hiện có những đối tượng chuyên được thuê để tổ chức phá ngục. Chúng tôi phân tích hình ảnh camera và thấy được một số nhóm đối tượng xuất hiện trong hai, ba cuộc vượt ngục khác nhau với những thủ đoạn tương tự. Chưa hết, hành vi của chúng có nhiều điểm tương đồng với một số vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Chúng tôi đang hướng đến khả năng chính những kẻ chuyên bắt cóc đảm nhận thêm công việc phá ngục, “giải cứu” tù nhân”.
Nigeria đang phải đối mặt với tệ nạn bắt cóc nghiêm trọng. Chỉ trong nửa đầu năm ngoái đã có 2.371 người Nigeria bị bắt cóc với tổng số tiền chuộc lên tới 10.000 tỷ Naira, tương đương với khoảng 25 triệu USD. Các đối tượng bắt cóc đặc biệt hung dữ, được trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng thủ tiêu nạn nhân.
Khả năng chúng sử dụng công cụ và kinh nghiệm của mình trong việc vượt ngục không phải là thấp. Theo đề xuất của Towntalk Solutions, Cơ quan Thông tin liên lạc Nigeria đã thử ngắt tín hiệu điện thoại tạm thời tại ba bang Katsina, Sotoko và Zamfra như một cách để ngăn cản các đối tượng tội phạm liên hệ với nhau.
“Điểm nóng” của các cuộc tấn công vào nhà tù hầu hết là ở Tây Bắc và miền Trung Nigeria. Sau 12 năm kể từ ngày thành lập và tuyên bố thánh chiến, Boko Haram đã khiến hơn 1 triệu gia đình Nigeria phải rời bỏ nhà cửa, nhưng cũng thu hút nhiều tay súng đến hai khu vực nói trên. Không phải tất cả các đối tượng đều là khủng bố. Chúng có thể là những nhóm buôn lậu hoặc cướp có vũ trang. Tuy vậy, số liệu cho thấy trong số 68 vụ đấu súng của cảnh sát trong năm 2021, hầu hết là do những nhóm khủng bố thực hiện.
Ông Oladisum Vera-cruz nhận xét: “41 trong số 68 vụ đấu súng xảy ra tại hay gần đồn cảnh sát. Những đối tượng Hồi giáo cực đoan tấn công đồn cảnh sát vì nhiều lý do khác nhau: giải cứu đồng bọn, cướp vũ khí, khủng bố, hay là thị uy ra oai”. Mạng lưới An ninh Miền đông (ESN), một nhánh của phong trào ly khai Dân tộc Biafra (IPOB) đã đứng lên nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công đồn cảnh sát và ra lời đe dọa bất kỳ viên sỹ quan nào ở gần các khu vực chúng kiểm soát.
Cũng không thể không nói đến tình trạng tham nhũng trong nhà tù. Cách đây hai năm có một cuộc điều tra đã khiến cả Nigeria rúng động. Nhà báo Fisayo Soyombo tại tờ The Cable đã dành hai tuần giả làm tù nhân tại trại tạm giam và sau đó là nhà tù Ikoyi khét tiếng. Bài báo của anh đã “chỉ mặt điểm tên” các quản giáo công khai nhận tiền của tù nhân để “làm ngơ” trước rượu và ma túy được tuồn vào nhà tù.
Không những thế, họ còn mở ra những dịch vụ như xóa tên tù nhân khỏi danh sách và cho ra (giá 10.000 Naira, tức khoảng 24 USD) hay cho ở tại phòng biệt giam sạch sẽ (trong khoảng 20.000-500.000 Naira/đêm, tức 48-1214 USD/đêm). Đối với những đối tượng có ý định trốn tù, hối lộ quản giáo là cách tốt nhất để chúng liên lạc với đồng bọn bên ngoài và có được những thông tin về địa hình, thời gian sinh hoạt, v.v… của cơ sở giam giữ.
Đi tìm lời giải
Sau loạt bài phóng sự của Fisayo Soyombo, Bộ trưởng Nội vụ Rauf Aregbesola đã phải công khai họp báo xin lỗi người dân. Ông cũng nhân cơ hội này đề cập đến khả năng chính phủ sẽ chuyển bớt tù nhân từ nhà tù tại các thành phố đông dân như Kano, Lagos hay Port Harcourt về những trại giam tỉnh lẻ. Đây là biện pháp giải quyết tình trạng quá tải nhà tù ngắn hạn trong khi chính phủ đi tìm các giải pháp dài lâu hơn.
Giới quan sát một mặt đánh giá cao sáng kiến của chính phủ, mặt khác vẫn tỏ ra lo ngại. Tờ Lagos Daily nhận xét: “Không có gì đảm bảo là các vụ vượt ngục sẽ ít đi tại các trại giam địa phương cả. Trái lại, chúng còn có khả năng tăng lên vì lực lượng cảnh sát ở nông thôn mỏng, lại thiếu các trang bị và hệ thống camera giám sát…Chúng ta chỉ nên coi việc thuyên chuyển tù nhân như một cách để nâng cao chất lượng sống cho họ”.
Điều mà ai cũng thấy là nhà nước phải sớm cải cách hệ thống văn bản luật pháp và nâng cấp các nhà tù để giải quyết triệt để vấn đề. Tuy vậy, sau một vài tuyên cáo báo chí, chính phủ Nigeria lại “im bặt” về vấn đề này. Điều duy nhất họ cho biết là đã tăng số lượng tù nhân được tha bổng lên 10.000 người trong vòng bốn năm qua. Họ hoàn toàn không nói gì thêm về mức độ hiệu quả của động thái này hay là việc có còn các giải pháp khác song song không.
Nigeria tiếp tục phải đối mặt với vấn đề kiểm soát đại dịch COVID-19, giúp đỡ người dân thiếu đói vì hạn hán mất mùa, và đối phó với những nhóm cực đoan đang đẩy mạnh hoạt động. Theo nhà báo Fisayo Soyombo thì điều này sẽ mở ra một viễn cảnh tiêu cực: “Chúng ta đang cần gấp những chương trình giúp tù nhân nhanh chóng tại ngoại và tái hòa nhập cộng đồng. Nigeria càng để cho nhiều người chen chúc trong các nhà tù, vấn đề lại càng thêm nghiêm trọng. Nếu cứ để vậy thì sẽ đến lúc nhà nước sẽ mất hoàn toàn khả năng thực thi pháp luật của mình”.