Lần lộ mặt duy nhất của cơ quan tình báo bí ẩn nhất Israel

Chủ Nhật, 05/09/2021, 09:02

Ngày 21-11-1985, bị các nhân viên FBI truy đuổi, Jonathan Jay Pollard và vợ là Ann Henderson Pollard đã cố gắng chạy vào Đại sứ quán Israel để tỵ nạn. Nhưng cả hai vợ chồng đã bị bắt ngay sau đó ở cổng tòa đại sứ.

Phản ứng của Đại sứ quán Israel lúc đó là hoàn toàn hợp lý, bởi Lekem, cơ quan tình báo mà Pollard tuyên bố rằng mình làm việc cho họ thì chính Bộ Ngoại giao nước này cũng chưa hề biết đến sự tồn tại của nó.

Cơ quan tình báo chuyên theo dõi đồng minh

Vụ việc dần dần được hé lộ vì nó khá đơn giản để tóm tắt. Trong một thời gian dài, vợ chồng Pollard đã hoạt động gián điệp cho Leshkat Ley’Keshrei Madao (Văn phòng Liên lạc & Nghiên cứu khoa học), gọi tắt là Lekem, một cơ quan tình báo mà người Israel hầu như không biết đến, các nước phương Tây lại càng không.

Thành lập năm 1957, Lekem là cơ quan tình báo công nghệ của nhà nước Do Thái, vừa trực thuộc Bộ Quốc phòng, vừa phụ thuộc trực tiếp Văn phòng Thủ tướng. Vì thế, giống như Mossad, Lekem không có trách nhiệm giải trình với các thành viên chính phủ, với các ủy ban của quốc hội và tất nhiên, cả đối với chính các nghị sĩ.

Ban đầu, nhiệm vụ chính của Lekem là đi tìm kiếm nguyên liệu và công nghệ để chế tạo bom hạt nhân cũng như thu thập các thông tin tình báo về bom hạt nhân từ các nước đồng minh. Sau khi hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ liên quan đến việc chế tạo bom hạt nhân, Lekem dần chuyển thành một cơ quan tình báo chuyên theo dõi bạn bè, đồng minh và những người ủng hộ nhà nước Do Thái... Đó là lý do vì sao Israel luôn giấu kín sự tồn tại của cơ quan này.

hinh 2.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Israel Limor Livnat vào nhà tù Butner, Bắc Caroline để thăm Jonathan Pollard (17-12-1997).

Trong 18 tháng làm gián điệp cho Lekem, Jonathan J. Pollard được cho là đã giao hàng nghìn tài liệu tối mật cho cơ quan này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Caspar Weinberger khẳng định với chánh án Tòa án Tối cao Aubrey Robinson rằng, các tài liệu bị đánh cắp “có tầm quan trọng đủ để thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông”. Nhiều tài liệu trong đó đã phục vụ đắc lực cho việc Israel lập kế hoạch tập kích trụ sở PLO ở Tunisie. Những tài liệu liên quan đến Nam Phi (thời kỳ phân biệt chủng tộc) do các cơ quan tình báo Mỹ (CIA, NSA, ONI..) dày công thu thập, sau khi lọt vào tay Israel đã được chuyển cho Nam Phi khiến cho mạng lưới CIA tại đây bị phá hủy hoàn toàn và 12 sĩ quan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn. 

Trong một cuốn sách viết về tình báo Israel, Gordon Thomas đã kể lại rằng, nhiều khi ngồi nghe các lãnh đạo tình báo trình bày các thông tin thu thập từ phía Mỹ, các thành viên nội các Israel cảm thấy như “đang ngồi trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng”, mọi vấn đề liên quan tới Israel vừa được bàn bạc ở đó đã ngay lập tức được chuyển tới các nhà lãnh đạo Israel, vì thế nước này luôn có đủ thời gian cần thiết trước khi đưa ra những phản ứng hay đối sách. 

Ngày 4-3-1987, phiên tòa xử vợ chồng Pollard đã tuyên án chung thân đối với Jonathan Jay Pollard và 5 năm tù gian đối với Ann Henderson. Kể cả khi 70 đại biểu Quốc hội Israel (trong tổng số 120 người) bao gồm mọi đảng phái, viết cho Nhà Trắng một bản kiến nghị xin ân xá cho Pollard, họ cũng không hề nhận được một phản hồi tích cực nào.

hinh 1.png -0
Jonathan Pollard khi còn làm việc tại Trung tâm Cảnh báo Chống Khủng bố của Hải quân Mỹ.

Vị trí hoàn hảo để làm “chuột chũi” 

Không giống với sự tưởng tượng của mọi người, gia đình gốc Do Thái của Jonathan Jay Pollard không hề gắn bó gì với chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Cha của Pollard là một trong những bác sĩ ung thư nổi tiếng nhất nước Mỹ, còn mẹ là một nhà vi trùng học tầm cỡ thế giới. Một gia đình Mỹ điển hình, không áp đặt những giáo dục tôn giáo hay ý thức hệ (ở bất kỳ dạng nào) cho con.

Là một nhà phân tích dân sự tại Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), Pollard có nhiệm vụ xử lý các thông tin do các tàu Hải quân Mỹ từ khắp nơi thu thập được. Năm 1983, Pollard gia nhập Trung tâm Chống khủng bố của Hải quân, thuộc bộ phận chuyên trách về thế giới Ảrập. Về phương diện nghề nghiệp, điều kiện cần để trở thành một “con chuột chũi” đã xuất hiện...

Sau một lần họp với các đối tác Israel, nhà phân tích tại Trung tâm Cảnh báo chống khủng bố của Hải quân Mỹ chợt nhận ra rằng đất nước của anh ta đã giấu kín các thông tin liên quan tới Tel Aviv. Cảm thấy sốc, Pollard đã tâm sự với đại tá Avram Séla, một phi công Israel, người đang làm luận văn tiến sĩ về khoa học hàng không tại Đại học Columbia của Mỹ.

Avram Séla không phải là một sĩ quan bình thường, ẩn sau cái hồ sơ chính thức của một phi công tiêm kích (đã từng chiến thắng Mig-21 vào năm 1970), đây là một trong những chiến lược gia giỏi nhất của không quân Israel, người đã lên kế hoạch oanh kích nhà máy điện hạt nhân của Iraq ở Osirak. Đại tá Avram Séla cùng với Tướng Spektor là hai chiến lược gia hàng đầu về chiến tranh trên không của Israel, họ đã cùng nhau lên kế hoạch hoàn hảo cho vụ ám sát thủ lĩnh của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Abu Jihad và cho cuộc đột kích trụ sở PLO ở Tunisie. Ít nhất người ta cũng có thể nói rằng Avram Séla đã quá quen với những hoạt động trong bóng tối... Sau khi nghe Pollard bộc bạch, không bỏ lỡ cơ hội, Avram Séla đã ngay lập tức nghĩ đến việc tuyển dụng Pollard làm điệp viên cho Israel. Séla đã chuyển ngay một tin nhắn cho Tel-Aviv.

hinh 4.jpg -0
Thủ tướng Israel, ông Netanyahu đích thân ra sân bay đón vợ chồng Jonathan Pollard ( 30-12-2020) .

Mossad, bằng kinh nghiệm của mình, đã ý thức được những điều nghiêm trọng sẽ nảy sinh khi sử dụng các công dân Mỹ làm gián điệp ngay trên quê hương họ, nhất là khi họ lại là người gốc Do Thái, vì thế Mossad đã tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi không có bất kỳ mối lợi ích nào khi gặp anh ta”.

Ngay sau đó là sự xuất hiện đầy bất ngờ của một gương mặt hàng đầu của tình báo Israel là Rafael Rafi Eitan. Eitan đã tham gia hầu hết những chiến dịch huyền thoại của Mossad, kể từ vụ bắt giữ Adolf Eichmann ở Argentina. Eitan rời khỏi Mossad vào năm 1977 để trở thành cố vấn An ninh cho hai đời thủ tướng Israel: Menachem Begin và Yitzhak Shamir và kiêm nhiệm chức Giám đốc Lekem. Kể từ khi thành lập, Lekem luôn là cơ quan tình báo Israel ít lộ mặt nhất, điều đó khá dễ hiểu vì đó là cơ quan tình báo chuyên đánh cắp những thông tin công nghệ cao và những tin tức nhạy cảm khác từ các đồng minh trong khối NATO, chỉ tới khi vụ bê bối của Pollard nổ ra, khi bị dồn vào chân tường, Israel mới lúng túng thừa nhận sự tồn tại của cơ quan này và ngay sau đó, dưới sức ép của các đồng minh, họ phải miễn cưỡng giải tán Lekem.

Người Mỹ, trong cơn tức giận cao độ, tố cáo rằng Rafi Eitan đã rất nhiều lần tiếp xúc với Pollard và đường dây gián điệp này còn có sự tham gia của hai sĩ quan tình báo nữa:  Yosser Yagur, “cố vấn khoa học” cho Đại sứ quán Israel ở Washington và Irith Erb, một nhân viên tại lãnh sự quán Israel ở New York. Chính tại nhà Erb, Pollard tiến hành sao chép thường xuyên các tài liêu mà anh ta đã “mượn” ra từ trung tâm tình báo của mình. Ngay trước khi vợ chồng Pollard bị bắt ở trước cổng Đại sứ quán Israel, hai viên sĩ quan này đã vội vã tới mức vứt bỏ lại toàn bộ đồ đạc và nhanh chóng nhảy lên chuyến bay đầu tiên để rời khỏi nước Mỹ.

hinh 3a.jpg -0
Một cuộc biểu tình ở Isreal đòi trả tự do cho Pollard (19-3-2013).

Được chào đón như một anh hùng dân tộc

Trong khoảng thời gian 11 năm sau khi Pollard bị bắt, chính quyền Israel luôn từ chối công nhận rằng Pollard là một điệp viên chính thức của họ. Đa phần các nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái tại Mỹ cũng lánh xa chuyện này để tránh những đánh giá và những ảnh hưởng bất lợi đối với cộng đồng của họ.   

Tháng 10-1998, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, do không có bất kỳ dính líu cá nhân vào vụ Pollard, đã là nguyên thủ Do Thái đầu tiên đề nghị Tổng thống Bill Clinton ân xá cho Pollard, ông khẳng định rằng chỉ khi Pollard được thả tự do, ông mới ký thỏa thuận Oslo giai đoạn 2 với người Palestin (hội họp ở Wye River, Maryland). Đề nghị này vấp phải sự chống đối quyết liệt của George Tenet, Giám đốc CIA. Ông Tenet tuyên bố rằng nếu ông Clinton chấp thuận đề nghị này, ông sẽ từ chức.

Thời gian sau đó, ngày càng có nhiều những cựu lãnh đạo Mỹ (là người gốc Do Thái hoặc không), lên tiếng đòi trả tự do cho Pollard, trong số đó có các cựu Bộ trưởng Ngoại giao như George Shultz và Henry Kissinger; cựu Giám đốc CIA James Woolsey. Tuy nhiên những đề nghị này luôn vấp phải sự phản đối từ phía hành pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã nói với Tổng thống Bush: “Các đại diện của chính quyền Israel sẽ đến gặp ngài, họ sẽ đề nghị phóng thích cho Pollard, điều đó sẽ lặp lại trong suốt nhiệm kỳ của ngài... Hãy từ chối dứt khoát... Không phải hôm nay, ngày mai hay ngày kia, vấn đề này sẽ không bao giờ được xem xét trong nhiệm kỳ của ngài”.

Ngày 30-12-2020, trên một chuyên cơ tư nhân của nhà tỷ phú Sheldon Adelson, vợ chồng Pollard đã hạ cánh tại sân bay Ben Gourion ở Israel và được đích thân Thủ tướng Benjamin Netanyahu ra đón. Pollard thực ra đã được  phóng thích từ trước đó 5 năm, ngày 20-11-2015, nhưng ông chỉ được phép rời nước Mỹ sau khi kết thúc 5 năm quản chế. Giờ đây Pollard chỉ có duy nhất quốc tịch Israel (được cấp từ năm 1995 khi còn đang ở tù) và ông cũng đã đề nghị hủy quốc tịch Mỹ ngay sau khi có quốc tịch Israel.

Dương Thắng
.
.