Lật lại hồ sơ của mật vụ Mỹ với sự kiện 11-9

Thứ Bảy, 11/09/2021, 07:53

20 năm sau ngày xảy ra vụ tấn công Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới ở New York, Mỹ (11-9-2001, 11-9-2021), do tổ chức khủng bố al-Qaeda tiến hành, một số thông tin tuyệt mật liên quan đến tấn thảm kịch này mới được công bố, trong đó có vai trò của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA)…

1. 873682505331 không phải là số điện thoại bình thường. Nó là số điện thoại vệ tinh của Osama bin Laden.  NSA đã biết về nó 1 năm rưỡi trước khi xảy ra vụ 11-9 dựa trên lời khai của 4 phần tử Al-Qaeda bị bắt.

Số 873682505331 được Bin Laden sử dụng để liên lạc với các thành viên trong tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở nhiều nơi trên thế giới. Nó hoạt động bằng mạng Inmarsat mà thoạt đầu chỉ dành riêng cho Hải quân Mỹ, nhưng sau đó nó được phép phổ biến rộng rãi với khoảng 210.000 chiếc điện thoại vệ tinh đã bán ra trên toàn cầu.

Vào thời điểm trước năm 1998, NSA thu được nhiều cuộc điện đàm từ số máy này nhưng phải mất một thời gian, họ mới biết chủ nhân của nó là là Bin Laden, kẻ chủ mưu 2 vụ tấn công khủng bố nhắm vào 2 tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania, Châu Phi, bởi lẽ tất cả những cuộc điện đàm đều dùng ám ngữ mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, ngoại trừ  cuộc nói chuyện của Bin Laden với mẹ ông ta. Nhưng từ năm 2000 trở đi, có vẻ như Bin Laden đã cài đặt phần mềm mã hóa tinh vi để chống nghe trộm nên NSA hầu như không thu được một tin tức gì từ chiếc điện thoại ấy.

Trước sự việc trên, NSA đã cảnh báo Chính phủ Mỹ rằng các phần mềm mã hóa có thể là vũ khí giết người trong tay bọn khủng bố. Các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề có nên cho phép tư nhân sản xuất và bán rộng rãi phần mềm này hay không, từng là đề tài nóng tại Quốc hội Mỹ bởi lẽ trong thực tế, bọn khủng bố đã tận dụng các phần mềm mã hóa siêu việt của Mỹ để chống lại nước Mỹ. Ramzi Yousef, kẻ tổ chức vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993 đã dùng bộ mã hóa để che giấu các tập tin chứa đựng chi tiết kế hoạch tấn công 11 hãng hàng không Mỹ mà phải một thời gian dài, NSA mới bẻ khóa được.

Trở lại vụ đánh bom khủng bố 2 tòa đại sứ Mỹ ở Châu Phi năm 1998, Wadih El-Hage, 1 trong 4 thủ phạm khi bị bắt khai rằng hắn đã mã hóa danh tính bằng những cái tên giả như Norman, Abdus Sabbur để nhận lệnh trực tiếp từ Bin Laden qua số máy 873682505331. Chiếc điện thoại này được một thành viên Al-Qaeda mua tại một cửa hàng ở New York ngày 1-11-1996 và trả tiền trước cho thời gian sử dụng 2.200 phút khi đăng ký nối mạng rồi chuyển cho Bin-Laden. Bằng chiếc điện thoại vệ tinh nói trên, Bin Laden đã thực hiện nhiều cuộc liên lạc đến Anh quốc, Yemen, Sudan, Iran, Saudi Arabia, Pakistan và Azerbaijan, chưa kể 50 cuộc gọi đến Kenya, nơi vụ đánh bom Tòa đại sứ Mỹ xảy ra năm 1998.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ vì sao từ năm 2000 trở đi, NSA không còn thu được tin tức gì từ số máy 873682505331. Các nhà phân tích tình báo chỉ có thể suy đoán rằng khi nhiều thuộc hạ bị bắt, Bin Laden đã sử dụng một điện thoại khác với bộ mã tinh vi hơn hoặc đơn giản là vì sợ bị lộ, ông trùm khủng bố bỏ luôn số máy này.

Lật lại hồ sơ của mật vụ Mỹ với sự kiện 11-9 -0
Tướng Michael Hayden, chỉ huy NSA.

Có thể nói, NSA là bộ não của ngành an ninh Mỹ. Nó cung cấp thông tin cho cả Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI). Thành lập năm 1952, chuyên về tình báo tín hiệu (Signals Intelligence – SIGINT), NSA được trang bị những hệ thống nghe trộm tối tân nhất thế giới, đặt ở nhiều quốc gia đồng minh với Mỹ cùng mạng lưới trinh sát bằng vệ tinh, máy bay, tàu ngầm…

Đến đầu thập niên 1990, khi ngành viễn thông thế giới chuyển sang sử dụng cáp quang, NSA buộc phải đóng cửa 20 trong số 42 trạm nghe trộm, nhân lực của NSA hoạt động ở nước ngoài cũng giảm gần một nửa. Từ đó, vai trò của NSA dần xuống thấp. Những thành viên thuộc Tiểu ban tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ  đã từng ủng hộ NSA lại chỉ trích NSA nặng lời nhất mà nguyên nhân chính có lẽ từ một cuộc điện thoại vào đêm thứ hai, ngày 24-1-2000, gọi cho tướng Michael Hayden, chỉ huy NSA.

Khi ấy, tướng Michael Hayden vừa bước qua tháng thứ 10 trong cương vị người đứng đầu NSA. Cú điện thoại thông báo cho ông Hayden biết toàn bộ dữ liệu của mạng vệ tinh tình báo và các đài nghe trộm khổng lồ trên thế giới cùng 5 ngàn tỉ trang hồ sơ tuyệt mật lưu trữ tại trụ sở Fort Meade bỗng nhiên bị… đóng băng! Không ai có thể truy cập được.

Michael Hayden lập tức gọi cho George J. Tenet, Giám đốc CIA. Hai ông trùm tình báo hàng đầu nước Mỹ chỉ còn biết trông cậy vào các chuyên gia. Chưa hết, sáng hôm sau ông Hayden còn bàng hoàng hơn nữa khi nghe tin một “trận bão” đã tấn công Washington D.C, làm tê liệt hệ thống máy tính của chính phủ liên bang. Sự cố biến  thành cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Và mặc dù kết luận điều tra cho thấy nguyên nhân là do hệ thống truyền dẫn chứ không phải do tin tặc nhưng tiếng tăm của NSA cũng ít nhiều bị sứt mẻ.

Trước đó, năm 1999, Ủy ban Tình báo thường trực Hạ viện Mỹ đã cảnh báo rằng NSA đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do bị cắt giảm 30% ngân sách, dẫn đến nhân lực cũng bị cắt giảm, chưa kể khi Nghị viện Châu Âu tung ra báo cáo chi tiết về mạng viễn thông toàn cầu Echelon, cáo buộc NSA theo dõi nhiều trang fax, điện thoại và e-mail của nhiều cá nhân, tổ chức ở Châu Âu đã khiến dư luận nhìn NSA như một kẻ chuyên rình mò trong lúc thực tế thì bản báo cáo của Nghị viện Châu Âu chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Mạng Echelon thật ra chỉ là một nhánh nhỏ của NSA, trong đó NSA cùng các đối tác tình báo điện tử ở Anh, Canada, Úc và New Zealand phân chia trách nhiệm trong việc xử lý thông tin.

Lật lại hồ sơ của mật vụ Mỹ với sự kiện 11-9 -0
Trụ sở của NSA ở Fort Meade.

2. Trở lại việc mã hóa điện thoại vệ tinh, khi không còn thu được thông tin các cuộc điện đàm đến và đi từ số máy 873682505331 của Bin Laden thì cùng với việc tự nâng cấp các phần mềm phá mã, cuối tháng 3-2001 - nghĩa là 6 tháng trước vụ khủng bố 11-9, NSA thuê 3 công ty tư nhân gồm Booz Allen & Hamilton Inc, Lockheed Martin Corp và TRW để phát triển kỹ thuật SIGINT mới gọi là Trailblazer nhưng NSA vẫn bị chỉ trích bởi một tiền lệ xảy ra hồi cuối thập niên 1980, khi Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang Mỹ thuê hãng IBM thiết lập một hệ thống kiểm soát không lưu nhưng cuối cùng phải hủy bỏ với chi phí 500 triệu USD. Các nhà phân tích tình báo cho rằng một trong những nguyên nhân khiến NSA bất lực trong việc bịt kín lỗ hổng an ninh cho nước Mỹ là sự  phát triển không ngừng của các phần mềm mã hóa.

Năm 1978, khi George I. Davida, nhà khoa học máy tính thuộc Đại học Wisconsin tìm cách đăng ký bản quyền một bộ mã hóa thì bị NSA kiện ra tòa, viện dẫn từ một điều luật an ninh quốc gia năm 1951. Năm 1993, cuộc chiến giữa NSA và giới kinh doanh phần mềm mã hóa lại bùng lên khi một tin tặc là Philip R. Zimmermann ở Boulder, bang Colorado tung ra chương trình mã hóa Pretty Good Privacy (PGP). Nó thật sự  trở thành cơn ác mộng cho NSA bởi lẽ PGP cho phép bất kỳ người sử dụng máy tính với trình độ trung bình cũng có thể mã hóa thông tin của họ. Không lâu sau, phần mềm PGP tràn lan trên Internet và NSA xem Zimmermann chẳng khác gì một kẻ “xuất khẩu vũ khí” nguy hiểm nhất nước Mỹ.

Một vụ kiện lại được NSA đưa ra tòa. Ba năm sau, vụ kiện bị hủy vì tòa án liên bang không thể qui kết Zimmermann vào tội danh nào. Sau chuyện này, nội các của Tổng thống Bill Clinton đề nghị một giải pháp: Việc xuất khẩu phần mềm mã hóa được phép thực hiện với điều kiện các công ty bán những bộ mã này phải cài đặt thêm một bộ vi xử lý gọi là Clipper Chip để NSA có thể trực tiếp phá mã trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên nó đã bị các nhà sản xuất phần mềm mã hóa phản đối vì họ cho rằng thật bất hợp lý khi cho phép họ bán ổ khóa nhưng cùng lúc lại bí mật trao chìa khóa  cho người thứ ba. Cuối cùng, trận chiến giữa NSA và các nhà sản xuất phần mềm mã hóa kết thúc. NSA là người thua cuộc.

Liệu có phải bộ mã hóa thương mại là mấu chốt của lỗ hổng an ninh Mỹ? Tạp chí tình báo quốc phòng Janes Intelligence Review cho rằng vấn đề không phải NSA hay các cơ quan an ninh khác của Mỹ hoàn toàn bất lực trong việc dò tìm thông tin, mà là “chúng ta đơn giản không có đầy đủ kỹ năng để phân tích thông tin tình báo nhận được trong thời gian đủ nhanh để phản ứng hiệu quả và tìm ra kẻ đang âm mưu phá hoại nước Mỹ.

Cho đến trước sự kiện 11-9-2001, không một cơ quan an ninh Mỹ nào có chuyên gia về ngôn ngữ Pushto của người Pashtun, chiếm đa số ở Afghanistan, trong đó bao gồm nhiều phần tử Al Qaeda, Taliban, dù họ biết rõ rằng Bin Laden đang sống dưới sự che chở của Taliban ở Afghanistan.

Mặc dù kế hoạch xây dựng những mạng lưới điệp viên nói tiếng Pushto hoạt động ở Afghanistan đã từng được bàn đi bàn lại nhiều lần nhưng đến khi vụ khủng bố 11-9 xảy ra, nó vẫn chỉ nằm trên bàn làm việc ngoại trừ đã từng có lần cả NSA lẫn CIA dự tính mua chuộc một số thủ lĩnh địa phương người Pastun ở Afghanistan để cung cấp manh mối về Bin Laden nhưng NSA lại hoài nghi về độ tin cậy với những thủ lĩnh này.

Đến giữa năm 2001, các tin tình báo về nguy cơ nước Mỹ bị tấn công khủng bố được gửi về dồn dập nên ngày 22-6-2001, Bộ Quốc phòng Mỹ phát lệnh báo động toàn diện, yêu cầu 6 tàu thuộc Hạm đội 5 trú đóng ở Bahrain di chuyển ra biển nhằm tránh nguy cơ bị chết chùm. Không những thế, quân đội Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới như các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Rome, Bỉ, Ðức, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều được báo động đỏ. Tuy nhiên vài tháng sau đó vẫn không thấy xảy ra sự cố nên cả NSA lẫn CIA đều không biết đó là cái gì, xảy ra khi nào, ở đâu, cho đến khi 2 chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại thế giới, New York.

Lật lại hồ sơ của mật vụ Mỹ với sự kiện 11-9 -0
Một trong những trung tâm xử lý thông tin tình báo tín hiệu của NSA.

Cũng khoảng thời gian cuối năm 2000 đầu 2001, một số cơ quan an ninh Châu Âu ghi nhận những dấu hiệu khác thường. Một ngày sau lễ Giáng sinh năm 2000, an ninh Ðức bắt 4 người Algeria tình nghi âm mưu đánh bom các cơ sở của Mỹ ở Strasbourg. Hai tháng sau, an ninh Anh bắt 6 tên khủng bố Algeria. Tháng 4-2001, cảnh sát Ý phá một ổ khủng bố âm mưu đánh bom Tòa đại sứ Mỹ tại Rome.

Đến tháng 6, cảnh sát Tây Ban Nha bắt Mohammed Bensakhria, cũng là dân Algeria, từng ở Afghanistan và có nhiều quan hệ với một số chỉ huy Al-Qeada, trong đó có cả Bin Laden. Quan trọng nhất là ngày 28-6-2001, Djamel Beghal, người Pháp gốc Algeria, từng nằm trong danh sách truy nã đỏ của Chính phủ Pháp từ năm 1997, bị bắt tại Dubai trên đường về từ Afghanistan. Khi bị hỏi cung, Beghal tiết lộ âm mưu đánh bom Tòa đại sứ Mỹ ở Paris đồng thời cung cấp nhiều thông tin mới về cơ cấu chỉ huy Al-Qeada, trong đó Abu Zubaydah giữ vai trò lãnh đạo các chiến dịch quốc tế của Al-Qaeda. Tất cả những chi tiết này càng củng cố niềm tin của cả NSA lẫn CIA rằng Al-Qeada chỉ có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở hải ngoại.

Ngày 6-8-2001, khi đang nghỉ tại Crawford, bang Texas, Tổng thống Bush nhận được báo cáo tình hình an ninh hàng ngày của NSA và CIA, lấy nguồn tin từ FBI, rằng có nhiều khả năng Al-Qeada sẽ tiến hành khủng bố ngay trên đất Mỹ.

Hơn 1 tháng sau đó, hầu như chẳng ai trong những người đứng đầu ngành tình báo Mỹ tin rằng Al-Qaeda lại có thể “đánh lớn” ngay trong lòng nước Mỹ. Nếu có thì chỉ là những cú “cắn trộm” nhỏ lẻ cho đến khi vụ 11-9 nổ ra. Nói khác đi, NSA thiếu một kế hoạch chiến lược cho tình báo ngăn ngừa, dẫn đến sự chậm chân so với hành động của bọn khủng bố…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.