Liên minh Ngũ Nhãn “chệch đường ray”?

Chủ Nhật, 07/05/2023, 20:29

Liên minh tình báo mật Ngũ Nhãn đã ra đời và phát triển từ sự hợp tác thời Chiến tranh lạnh giữa Anh và Mỹ để cùng giám sát Liên Xô. Giờ đây liên minh này tập trung vào Trung Quốc; và Mỹ cũng rất muốn kết nạp thêm các thành viên mới.

 Chuyển hướng sau Chiến tranh lạnh

Năm 1973, trong cuộc khủng hoảng Hiến pháp, Thủ tướng Australia khi đó là Gough Whitlam rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đất nước ông là một phần của một mạng lưới trao đổi tình báo bí mật với Mỹ, Canada, Anh và New Zealand, với tên gọi chính thức là Ngũ nhãn (FVEY). Ông Whitlam cũng khám phá thêm rằng trạm nghe lén Pine Gap (của Australia) thực sự nằm dưới quyền kiểm soát của CIA (bị cáo buộc là thực thể đã dàn xếp để hạ bệ ông Whitlam 2 năm sau đó: chính phủ của Đảng lao động của ông Whitlam đã bắt đầu hiện đại hóa đất nước, chấm dứt chính sách nhập cư “người Australia da trắng”, đẩy lính Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, và công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Liên minh Ngũ Nhãn “chệch đường ray”? -0
Ngoại trưởng Australia, Marise Payne Nà ngoại trưởng New Zealand, Nanaia Mahuta tại Wellington (New Zealand).  Ảnh nguồn: Hagen Hopkins - Getty.

Nguồn gốc của liên minh Ngũ nhãn bắt nguồn từ Thế chiến II khi Mỹ và Anh chia sẻ tình báo theo một thỏa thuận được ký vào năm 1943 và đi vào có hiệu lực trong năm 1946 với tên gọi Thỏa thuận tình báo truyền thông Vương quốc Anh - Mỹ (UKUSA). Thỏa thuận phần lớn bí mật này có lợi cho Mỹ khi liên kết trực tiếp với các hệ thống đánh chặn tín hiệu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) với đối tác Anh là Trụ sở truyền thông chính phủ Anh (GCHQ). Năm 1949, Canada tham gia vào mạng lưới này, đến năm 1956 là 2 nước Australia và New Zealand. Vào những năm đầu thời Chiến tranh Lạnh, mục đích của Ngũ nhãn là giám sát Liên Xô (cũ), và bất kỳ thứ gì có thể được coi là chủ nghĩa Cộng sản bao gồm các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa tư bản ở Châu Á, Mỹ Latin và Phi Châu. Vào đầu thập niên 1950, liên minh Ngũ nhãn cũng đưa một nhóm quốc gia tầng thứ 2 gồm Na Uy, Đan Mạch và CHLB Đức hợp tác với 5 thành viên lõi, nhưng lại không nhận chia sẻ tình báo một cách có hệ thống và công bằng.

Thậm chí ngay cả sau khi Australia tiết lộ vào năm 1973, sự tồn tại của FVEY cũng hiếm khi được thừa nhận công khai cho mãi đến thập niên 2000. Năm 2010, các chính phủ Mỹ và Anh mới hé lộ toàn bộ nội dung của thỏa thuận UKUSA, tức hơn 60 năm sau khi nó được ký kết. Tạp chí TIME mô tả Thỏa thuận UKUSA là một trong những tài liệu tình báo quan trọng nhất của thời Chiến tranh Lạnh: nó đóng đinh mối giao hảo đặc biệt giữa Washington và London, cung cấp trao đổi tình báo độc quyền được thu thập thông qua giám sát và phân tích các liên lạc nước ngoài, và thu thập thông tin về các nhà điều hành liên lạc cá nhân, cách thức hành động của họ, thiết bị cùng các thủ tục.

Do thám "những người bạn châu Âu"

Hết Chiến tranh Lạnh là chiến tranh kinh tế. Hệ thống do thám Echelon được phát triển vào thập niên 1990 dưới thỏa thuận UKUSA khi nó tập trung vào những mục tiêu phi quân sự như các chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, và cho phép các cơ quan tình báo kết nối những hệ thống nghe lén của họ (đặc biệt là các trạm can thiệp vệ tinh) và trao đổi “từ điển” các từ khóa và địa chỉ phản ánh những mối quan tâm hiện tại của họ (đáng chú ý nó cũng lách luật các quốc gia khi cấm do thám các cơ quan tình báo do thám người dân của mình). Năm 2000, cựu giám đốc CIA, James Woolsey, cho rằng Mỹ cần do thám “những người bạn Châu Âu” nhằm bảo vệ các công ty Mỹ thoát khỏi nạn tham nhũng phổ biến ở một vài quốc gia Châu Âu vốn xem “đút lót” là cách khấu trừ thuế. Sau sự kiện 11/9 và hàng loạt luật an ninh được thông qua ở Mỹ và Châu Âu, các cơ quan tình báo Mỹ và những đối tác đồng minh đã mở rộng thu thập thông tin của họ trên khắp thế giới.

Những tiết lộ năm 2013 của cựu hỗ trợ kỹ thuật viên CIA kiêm nhà thầu của NSA, Edward Snowden, đã đưa ra một số ý tưởng về quy mô của hoạt động đánh bắt (đánh chặn tín hiệu) này, cũng như việc thu thập thông tin cá nhân bằng cách chặn một lượng lớn tin nhắn được gửi thông qua vệ tinh hoặc cáp tàu ngầm, đáng chú ý là khai thác các trạm hạ cánh cáp ở Anh. Trong khi đó, chương trình Prism đã trao cho các cơ quan tình báo Mỹ quyền truy cập trực tiếp vào các máy chủ của 9 nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lớn hoạt động tại Mỹ. Cần biết rằng FVEY không có địa chỉ hoặc trụ sở cũng như nhân viên chính thức. Tính bí mật và tính không chính thức của nó cho thấy việc trao đổi thông tin thân thiện và gần như tự động dựa trên hàng thập kỷ tin cậy lẫn nhau giữa các cơ quan tình báo của một nhóm quốc gia cùng thống nhất về lịch sử, ngôn ngữ, giá trị và lợi ích địa chính trị, những người rất vui được phụ thuộc vào Anh và trên hết là Mỹ - một kiểu chia sẻ chưa từng có ngay cả là trong khối NATO.

Mỗi thành viên của FVEY lại chịu trách nhiệm về một khu vực khác nhau. Australia bao quát Nam và Đông Á; Canada giám sát Nga và Trung Quốc; New Zealand theo dõi Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; UK chịu trách nhiệm về Hongkong, Trung Đông và Âu Châu; cuối cùng là Mỹ cùng “chịu trách nhiệm” Trung Quốc, Nga, Trung Đông, vùng Caribbe và Phi Châu. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump đã làm tăng khó khăn cho liên minh Ngũ nhãn, hiện chủ yếu tập trung vào giám sát và ngăn chặn Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mối bận tâm chiến lược số 1 của Mỹ dưới thời ông Joe Biden cũng như thời ông Trump. Giờ đây việc tập trung vào Trung Quốc đã công khai hoặc gần như công khai, và các ngoại trưởng FVEY đang ngày càng áp dụng một lập trường chính trị chung. Tháng 8/2020, họ công khai thúc giục chính quyền Hongkong tổ chức bầu cử ngay lập tức, và đến tháng 11 cùng năm lại yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt can thiệp tới các quan chức dân cử của Hongkong. Điều này khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi đó phản ứng gay gắt: “Dù họ có 5 mắt hay 10 mắt, nếu dám xâm hại chủ quyền, an ninh hay các lợi ích phát triển của Trung Quốc, hãy cẩn thận!”.

Liên minh Ngũ Nhãn “chệch đường ray”? -0
Mô tả mạng lưới do thám Ngũ Nhãn (FVEY). Ảnh nguồn: Cécile Marin.

Phong toả Huawei

Năm 2021, 4 chính phủ Canada, Mỹ, Anh và Australia đã chấp nhận các lệnh trừng phạt do EU áp đặt với Trung Quốc trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cùng năm đó, Ngũ nhãn chọn “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Trước đó Mỹ đã yêu cầu các thành viên FVEY phong tỏa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, Huawei, hoạt động trên đất nước của họ: công nghệ của Huawei khó có thể thiếu, đặc biệt là với mạng 5G, nhưng công ty này bị ngờ hoạt động gián điệp. Nhưng phản ứng là sự không nhất trí. Cũng giống như Australia, New Zealand đã cấm Huawei từ năm 2018, nhưng là nước đầu tiên tỏ thái độ dè dặt khi đi chệch khỏi mục đích ban đầu của FVEY, và cuối cùng là chính trị hóa liên minh, vốn giờ đây chỉ chuyên về giám sát và chỉ trích Trung Quốc. Hồi tháng 4/2021, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta phát biểu: “Chúng tôi không thoải mái với việc mở rộng phạm vi của FVEY sang nhân quyền, các cộng đồng thiểu số và tranh chấp thương mại, tôi khẳng định mọi hoạt động nên chỉ giới hạn trong trao đổi tình báo”.

New Zealand là thành viên duy nhất của FVEY có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, quốc gia chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nước này. Một số thành viên FVEY xem thái độ dè dặt của Wellington là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là trong số các tiểu quốc đảo. Họ hoài nghi Bắc Kinh đang tìm cách thành lập các liên minh với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một căn cứ quân sự trên một trong những tiểu quốc đảo này. Việc tái chính trị hóa FVEY cùng sự tập trung vào Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi. Ông Hugh White, cựu phó thư ký phụ trách chiến lược và tình báo của Bộ Quốc phòng Australia nói: “Tôi rất nghi ngờ về ý tưởng đối tác này (FVEY) vốn từng nuôi dưỡng hoạt động tình báo tín hiệu tốt đẹp suốt một thời gian dài, thì giờ đây đang bị chuyển sai mục đích trong một kỷ nguyên mới đối phó với thách thức từ Trung Quốc”. 

Mối hoạ với Phương Tây

Ông Jonathan Eyal (Viện Dịch vụ thống nhất hoàng gia, một “đầu sỏ” của Anh) cảm nhận rằng việc tập trung quá mức vào Trung Quốc ngày hôm nay như đã làm với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, đã làm hạn chế sự hiệu quả của thu thập thông tin cùng các sáng kiến FVEY khác. Tuy nhiên, Cựu giám đốc Cục tình báo an ninh Canada, Richard Fadden, lại hoan nghênh cách tập trung vào Trung Quốc bởi vì nó đã củng cố lại liên minh và cũng bởi vì “Bắc Kinh giờ đây đang được thừa nhận là mối đe dọa tới toàn bộ FVEY nói riêng và phương Tây nói chung”. Chính phủ Mỹ đang cố gắng mở rộng liên minh. Hồi tháng 9/2021, Tiểu ban tình báo và hoạt động đặc biệt của Hạ viện Mỹ ra khuyến nghị rằng sẽ mở rộng cửa cho các nước mới như Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức vào FVEY. Những ứng viên khác hiện đang được xem xét: suốt nhiều năm Israel đóng vai trò tai mắt cho Mỹ ở Trung Đông; Nhật Bản đang làm việc chặt chẽ với Mỹ, quốc gia có nhiều hệ thống nghe lén tinh vi nhắm vào Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên.

Cuối cùng FVEY có thể trở thành 9 hoặc 10 mắt: Đô đốc James G Stavidris (Nguyên tư lệnh đồng minh tối cao Châu Âu của NATO (2009-2013)) tin rằng, “Các đồng minh phương Tây cần thêm nhiều con mắt trên thế giới”. Trong khi đó trước sự ngạc nhiên chung, hồi tháng 9/2021, những tay chơi “máu mặt” của FVEY gồm Australia, Anh và Mỹ cùng ký một hiệp ước mới có tên là AUKUS, trong đó Australia sẽ mua các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh, từ bỏ thỏa thuận năm 2016 mua một hạm đội tàu ngầm từ Pháp. Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, cho rằng việc Australia tham gia AUKUS là do tâm lý bất an, nhưng ông khẳng định rằng đất nước mình vẫn là một trụ cột của Ngũ nhãn, rằng liên minh cũ vẫn nguyên vẹn. Thủ tướng New Zealand khi đó, Jacinda Ardern tái xác nhận quan điểm của đất nước bà: bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào mà Australia có thể mua trong tương lai (chúng sẽ không được đưa vào sử dụng trước năm 2040) sẽ bị cấm hoạt động trong vùng biển của nước này cũng như với bất kỳ đất nước nào khác.

Việc Australia quyết định hoán đổi quan hệ đối tác chiến lược với Pháp để lấy một hiệp ước cuối cùng có thể cho phép họ trở thành tay chơi hạt nhân với ít gây ngạc nhiên khi sự tham gia lâu dài của Australia với FVEY và Khối thịnh vượng chung. Theo cựu quan chức tình báo John Blaxland (giờ đây là giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia) thì hiệp ước nói lên một sự thay đổi đáng kể đối với những động lực địa chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... liên quan đến việc Vương quốc Anh tái can dự vào khu vực thời hậu Brexit, và mối e ngại lớn hơn về sức mạnh quân sự bấp bênh của Mỹ, cũng như khả năng xác định hoặc giành chiến thắng trong chiến tranh Thái Bình Dương”.

Vai trò của Pháp

Trong những năm gần đây, chính phủ Pháp đã theo đuổi một chiến lược riêng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đưa ra con đường thứ 3 nhằm cho phép nhiều nước trong khu vực tránh phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. Giờ đây Pháp cho rằng mình là nạn nhân của một âm mưu từ các nước nói tiếng Anh trong số các thành viên FVEY, tìm cách loại trừ họ khỏi lĩnh vực riêng của liên minh này. Pháp thất vọng với AUKUS khi một lượng lớn tình báo mà họ trao đổi với Mỹ kể từ các cuộc tấn công khủng bố tại Pháp trong 2 năm 2015 và 2016 mà đáng lẽ ra họ là thành viên thứ 6 của FVEY. Pháp đã thiết lập hợp tác chặt chẽ với FVEY tại nhiều chiến trường quân sự khác nhau (Afghanistan, Vùng Vịnh, Iraq, Syria, Sahel) cùng một loạt những thỏa thuận mật gồm chương trình trao đổi tình báo Lustre, thỏa thuận SPINS năm 2016, và các cuộc hội nghị của Ủy ban Lafayette.. đã mở rộng quy mô trao đổi giữa các cơ quan tình báo Pháp với các đối tác Anh, Mỹ. Theo Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Pháp, Florence Parly, thì ưu tiên chính vẫn là chia sẻ nhanh chóng luồng thông tin.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.