Lối sống của các điệp viên ảnh hưởng tới tâm lý con cái
Xem một số bộ phim và tiểu thuyết trinh thám, từ "Thanh kiếm và lá chắn", "Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân" đến "Điệp viên 007", chúng ta không thấy tác giả nói gì về những đứa con của các nhân vật. Song ngoài đời, hầu hết các điệp viên đều có vợ, con; và nghề nghiệp của họ, dĩ nhiên, để lại dấu ấn trong mọi mặt đời sống gia đình.
Một nhóm nhà tâm lý học Israel đã tiến hành công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhà ngoại giao và điệp viên đối với tâm lý con cái họ.
Kết quả nghiên cứu thu được rất thú vị và trong chừng mức độ nào đó có tính chất bí ẩn: nếu như phần lớn con cái của các nhà ngoại giao đều mắc các khuyết tật về tâm lý, thì ngược lại, hầu hết con cái của các điệp viên Mossad đều khỏe mạnh về mặt tinh thần. Điều đó không có nghĩa là họ có một cuộc sống dễ dàng và quan hệ êm đềm với các ông bố...
Theo các nhà nghiên cứu, các cựu nhân viên của Mossad và Shin Bet là những người cực kỳ kiệm lời. “Có những điều có thể sẽ được giải mật sau 50 năm. Có những điều không sớm hơn 100 năm. Có những bí mật phải tồn tại mãi mãi trong kho lưu trữ, và có những bí mật phải chết cùng tôi”, - một cựu điệp viên Mossad xin giấu tên đã nói như vậy.
Hóa ra, trong gia đình, các điệp viên này cũng cư xử đúng như vậy. Không phải vợ của điệp viên nào cũng biết chồng mình làm gì, chưa nói đến con cái. Thông tin cung cấp cho con cái mang tính chất chung chung - người ta nói với chúng rằng bố làm việc ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hoặc ở một cơ quan nào đó, còn nếu công việc không liên quan đến những chuyến đi và sự vắng mặt dài ngày, thì nơi làm việc của bố thường được gọi là một công ty bảo hiểm hoặc một cơ quan vô thưởng vô phạt nào đó. Rõ ràng, nhu cầu giữ bí mật đã tạo ra sự xa cách nhất định giữa con cái và bố mẹ trong gia đình các điệp viên. “Trong nhà chúng tôi, không ai được phép hỏi bố bất cứ câu hỏi nào. Khi tôi nói rằng ở trường, các bạn hỏi bố làm việc ở đâu thì bố mẹ trả lời rằng ở Bộ Ngoại giao. Còn khi tôi cố tìm hiểu bố làm gì ở đó, tôi được yêu cầu không nên hỏi những câu thừa” - nhà báo Daphne Aharoni, con gái của nhân viên tình báo Mossad Zvi Aharoni, nói.
Daphne kể: hồi bé, có lần cô nhìn thấy bức ảnh bố cô và một số chàng trai khác chụp trước kim tự tháp Ai Cập (đó là bức ảnh chụp một nhóm điệp viên Mossad đang làm nhiệm vụ đặc biệt trên lãnh thổ Ai Cập). Tất nhiên, cô quan tâm đến thời điểm và lý do bố cô đến thăm Ai Cập, lúc bấy giờ là quốc gia thù địch với Israel, nhưng Zvi Aharoni đã vội vàng giật bức ảnh từ tay con gái, rồi cất vào ngăn bàn và khóa lại.
Tất nhiên, khi lớn lên, Daphne bắt đầu nghi ngờ rằng bố cô không phải là một viên chức bình thường, mà là người thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia. Nhưng cô không có bất kỳ bằng chứng nào về điều đó cho đến đầu những năm 60, khi Zvi Aharoni bỗng nhiên thường xuyên đi công tác Argentina. Tận bây giờ, Daphne vẫn nhớ từ đất nước này bố cô mang về cho cô và anh trai những chiếc áo khoác da đắt tiền và cả một thùng lê quả to và cực ngon.
Phải nói rằng các điệp viên Mossad thường mang quần áo nhập khẩu và đồ chơi về cho con cái, những thứ vốn rất hiếm và đắt đỏ ở Israel trong những năm 60 và 70. Điều đó cho phép con cái của các điệp viên không những cảm thấy có ưu thế hơn so với các bạn bè cùng lứa mà còn tự hào về những người bố mà chúng hầu như không biết họ làm gì. Chỉ khi báo chí đưa tin về vụ bắt giữ và đưa tên tội phạm chiến tranh Adolf Eichmann về Israel, Daphne mới đoán rằng bố cô có liên quan trực tiếp đến chiến dịch này. Nhưng khi cô hỏi mẹ có đúng vậy không, thì bà trả lời rằng đúng thế, nhưng không nói gì thêm về chủ đề này - và chấm hết. “Thực ra, mặc dù đã sống nhiều năm bên cạnh, nhưng bố là một người xa lạ đối với chúng tôi - Daphne nói - Sau khi ông qua đời, một nhân viên Mossad đến nhà chúng tôi, và anh trai tôi đã đề nghị bà kể cho chúng tôi nghe một vài chiến dịch bố tôi đã tham gia. Nhưng người phụ nữ này không chỉ từ chối thẳng thừng mà bà còn nói rằng sẽ không bao giờ nói chuyện đó với ai. Như vậy, bố tôi đã mang theo những bí mật của mình xuống mồ”.
Những hồi ức của Omer Malchin, con trai của nhà tình báo Zvi Malchin, người hai lần được trao giải thưởng Nhà nước Israel vì những đóng góp đặc biệt cho ngành an ninh, nhìn chung, giống với hồi ức của Daphne Aharoni. Chỉ có khác là khi còn nhỏ, Omer sống với mẹ ở Paris. Vào những năm 60 và 70, trụ sở chi nhánh Mossad châu Âu đặt ở thủ đô Pháp, và gia đình các điệp viên hoạt động ở nhiều nước châu Âu đã định cư ở đây.
Zvi Malchin cũng thường xuyên di chuyển và chỉ gặp gia đình khi được gọi đến Paris để báo cáo hoặc nhận nhiệm vụ mới. Một bầu không khí bí mật cũng ngự trị trong gia đình Zvi Malchin.
Zvi Malchin nghỉ hưu ở tuổi 46. Nhà nước cấp cho ông, giống như tất cả các nhân viên tình báo đã nghỉ hưu khác, một khoản lương hưu khá, ngoài ra, không có gì hơn. Ít lâu sau khi nghỉ hưu, Zvi Malchin đến New York với hy vọng lập nghiệp như một họa sĩ ở đó, và ông đã ít nhiều thành công. “Bố tôi mất năm 2005, và không lâu trước khi ông qua đời, bố con tôi bất ngờ trở nên rất thân thiết. Vào những năm cuối đời, bố thay đổi rất nhiều. Cả đời, ông là người khép kín, rồi đột nhiên ông trở nên cởi mở. Ông bắt đầu tâm sự rất lâu với tôi, như thể muốn chuộc lại lỗi lầm của mình vì chúng tôi không giao tiếp nhiều khi tôi còn nhỏ. Ngoài ra, rõ ràng ông muốn sám hối, kể về một số trang nhất định của cuộc đời mình, quan điểm của ông về một số sự kiện nhất định trong lịch sử của Israel mà chỉ một số ít người biết. Ông muốn nói, còn tôi muốn nghe và nghe mãi không thôi” - Omer Malchin nhớ lại.
Giáo sư kinh tế Đại học Michigan Oded Gur-Arie có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nói về thời ấu thơ và niên thiếu của mình. Bố ông, Wolfgang Lutz (tên thật là Ze'ev Gur-Arie), một người Đức được cử đến Ai Cập dưới vỏ bọc là cựu sĩ quan SS. Tại đây, ông thành lập một trang trại nuôi ngựa giống mà khách hàng là nhiều đại diện của giới thượng lưu Ai Cập lúc bấy giờ.
Oded cùng với mẹ Rivka đến Paris, nơi bố ông thỉnh thoảng xuất hiện. Năm 12 tuổi, Oded phát hiện ra bố mình là điệp viên của Mossad và coi đó là bí mật lớn nhất của mình.
Vào một buổi sáng tháng Hai năm 1965, khi Oded mười lăm tuổi, như thường lệ, ông ra ki-ốt mua tờ báo và nhìn thấy trên trang nhất của tờ “Herald Tribune” một bài báo viết rằng cơ quan tình báo Ai Cập đã phát hiện ra một nhóm điệp viên của Mossad đang hoạt động trong nước, rằng thủ lĩnh của nhóm này, Wolfgang Lutz, phải đối mặt với bản án tử hình. Trên trang nhất là bức ảnh bố ông đang mỉm cười nhìn ông.
Nhưng cú đòn thứ hai mới khủng khiếp: tờ báo đưa tin rằng cùng với Wolfgang Lutz, người vợ trẻ của ông, Veltrud, một phụ nữ Đức, cũng bị bắt.
Như vậy, Oded Gur-Arie biết rằng suốt những năm đó, bố ông đã sống hai mặt và ngoài mẹ ông, bố còn yêu một người phụ nữ khác. Cuối cùng, Mossad đã thuyết phục được các đồng nghiệp Đức xác nhận rằng Lutz thực ra là công dân Đức làm gián điệp cho Israel, và án tử hình được thay thế bằng tù chung thân. Còn Veltrud bị kết án ba năm tù.
Ít lâu sau, Oded và mẹ trở về Israel, nhưng một thời gian dài, ông phải nghĩ cách trả lời những câu hỏi khó chịu của các bạn cùng lớp về việc bố ông ở đâu và đang làm gì. Thông thường, Oded trả lời rằng bố là một doanh nhân và đang đi công tác ở châu Âu, nhưng đáp lại, ông chỉ nhận được những cái nhìn ngờ vực: làm gì mà ở nước ngoài lâu đến thế?! “Cần phải đánh giá đúng Mossad - chúng tôi không thiếu bất cứ thứ gì và nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt - Oded Gur-Arye nói - Theo chỗ tôi biết, các gia đình của những nhân viên tình báo khác đã chết, vào tù hoặc đi làm nhiệm vụ lâu năm đều được bảo trợ như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ai nghĩ về việc mẹ con chúng tôi bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng như thế nào trong những ngày đó, và chúng tôi rất cần sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý”.
Mấy năm sau, Wolfgang Lutz được trả tự do, ra tù, biết tin Veltrud đột ngột qua đời, ông ta vô cùng đau khổ. Sau đó, Lutz kết hôn và ly hôn hai lần nữa, ông thử làm kinh doanh, nhưng mọi nỗ lực của ông đều thất bại. Năm 1993, ông qua đời ở Đức, để lại khoản nợ hàng triệu USD.
Điều thú vị là đa số các cựu điệp viên sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình đều thích rời khỏi Israel và kết thúc phần đời còn lại của mình ở ngoài biên giới nước này. Trong những năm cuối đời, ông Zvi Malchin sống ở Mỹ, còn Zvi Aharoni chuyển đến Anh vào những năm 1980.
Các nhà tâm lý học cho rằng có rất nhiều lý do khiến những người từng trung thành phục vụ Israel rời bỏ đất nước này sau khi nghỉ hưu. Thứ nhất, sự căng thẳng liên quan đến công việc của một số điệp viên buộc họ cuối cùng phải tìm cách chạy trốn bản thân - vào văn học, hội họa, âm nhạc hoặc sang một quốc gia khác. Thứ hai, nhiều năm trời, những người này đã quen với cuộc sống không nhà cửa, gia đình, và theo quán tính, họ muốn tiếp tục lối sống này. Thứ ba, Israel là một quốc gia thường xuyên thay đổi, vì vậy các điệp viên Israel sau khi hoàn thành nhiệm vụ thường muốn đến một nước hoàn toàn khác với nơi mà từ đó họ ra đi làm nhiệm vụ.
Còn một tình tiết thú vị nữa: con cái của các điệp viên hầu như không theo nghiệp bố mình và không trở thành điệp viên của Mossad. Nhân tiện xin nói, có một quy luật gần như phổ quát: nghề tình báo, khác với nghề bác sĩ, luật sư và một số ngành nghề khác, không có người kế tục. Có lẽ, đây không phải là miếng bánh béo bở và dễ xơi như ai đó lầm tưởng...