Lực lượng 136 - cơ quan mật vụ Anh ở Malaysia

Thứ Năm, 30/05/2024, 13:11

Lực lượng 136 ở Malaysia là một phần của Cơ quan điều hành hoạt động đặc biệt của Anh (SOE), nó là một tổ chức dịch vụ bí mật hoạt động trong thời Thế Chiến II. Được giao trọng trách chiêu mộ và huấn luyện du kích địa phương nhằm hỗ trợ cho việc Anh lập kế hoạch xâm lược Malaysia khi đó đặt dưới sự chiếm đóng của phát xít Nhật, Ngoài ra các thành viên của Lực lượng 136 còn thu thập tình báo và tạo ra mạng lưới gián điệp ngầm.

Vì sao có Lực lượng 136?

Tháng 2/1942, Singapore rơi vào tay phát xít Nhật. Đại tá Basil Goodfellow, một quan chức Anh, đã nhanh chân di tản trước khi người Anh đầu hàng và đến tháng 7 cùng năm đó đã thành lập nên Phân đội Lực lượng 136 ở Malaysia. Hai sĩ quan người Anh khác cùng tìm cách trốn thoát khỏi Malaysia đã làm cố vấn cho đại tá Goodfellow. Họ là Đại úy Richard Broome (một công chức) và Đại úy John Davis (một sĩ quan cảnh sát) họ đã huấn luyện các du kích người địa phương tại Trường đào tạo đặc biệt 101 trước khi quân Nhật xâm chiếm Malaysia.

Nhằm thực hiện các mục tiêu của mình ở Malaysia, Lực lượng 136 đã tìm kiếm các tân binh người Trung Quốc đứng chân vào các toán biệt kích. Điều này là hết sức cần thiết kể từ khi các điệp viên người da trắng không thể len lỏi vào dân tình bản địa, và trên hết là cảm tình kháng Nhật đã rất phổ biến ngay trong cộng đồng người Hoa. 

Lực lượng 136 - cơ quan mật vụ Anh ở Malaysia -0
Nhà tù Batu Gajah, nơi các chiến sĩ cộng sản như Lim Bo Seng bị giặc Nhật
bắt giữ và tra tấn.

Tuy vậy, vì Lực lượng 146 có tổng hành dinh ở Calcutta (Ấn Độ) nên không thể tuyển lựa được các tân binh Trung Quốc cho đến khi Thiếu tá Lim Bo Seng (hoặc Sengh, một doanh nhân xuất chúng người gốc Phúc Kiến đã dẫn đầu các hoạt động kháng Nhật trước và trong thời gian người Nhật chiếm đóng) tham gia vào đơn vị và tìm kiếm nhân sự phù hợp thông qua các mối quan hệ của mình ở Trùng Khánh (Trung Quốc).

Phần lớn lính biệt kích Trung Quốc trong Lực lượng 136 đều do ông Lim tuyển chọn, đáng chú ý là Tan Chong Tee, một kiều dân người Malaysia gốc Hoa sống trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Ông Lim cũng như những người lính của mình là các thành viên của tổ chức chính trị Quốc Dân Đảng (do Tôn Trung Sơn lập nên), và họ được đào tạo để sử dụng thành thạo các trang thiết bị tín hiệu không dây cũng như thu thập tình báo.

Richard Broome và John Davis cùng được bổ nhiệm làm người đứng đầu 2 nhóm biệt kích đầu tiên mang các mật danh lần lượt là Gustavus 1 và Gustavus 2, cùng xâm nhập vào Malaysia nhờ khả năng thông thạo tiếng Quảng Đông (phương ngữ Trung Quốc). Đại úy John Davis cũng là người thông thạo các điều kiện rừng rậm, trở thành một người leo núi nhiệt tình kiêm nhà hàng hải dày dạn kinh nghiệm. Từ Tích Lan (phiên âm tiếng Hán của Sri Lanka), 2 toán biệt kích đầu tiên đã được vận chuyển đến Malaysia bởi một tàu ngầm Hà Lan khi không có chiếc máy bay nào của quân Đồng Minh có khả năng bay khứ hồi qua Malaysia (thuộc địa Anh) khi đó. Tổng cộng có 6 toán biệt kích Gustavus đổ bộ lên đất Malaysia trong suốt cuộc chiến.

Lực lượng 136 - cơ quan mật vụ Anh ở Malaysia -0
Thiếu tá Lim Bo Seng, người tuyển chọn biệt kích cho Lực lượng 136 ở Malaysia.

Chiến dịch Gustavus

Ngày 24/5/1943, đại úy John Davis cùng 5 điệp viên Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Pangkor thuộc duyên hải Perak của Malaysia. Khu căn cứ này được thành lập trong vùng đồi Segari, còn các điệp viên vào vùng đồng bằng nhằm xây dựng mạng lưới tình báo bằng cách thiết lập nhiều dạng nghề nghiệp khác nhau ở Perak. Các liên lạc được thực hiện với phong trào kháng chiến chính là Quân đội kháng Nhật nhân dân Malaysia (MPAJA) do cộng sản lãnh đạo vào ngày 30/9/1943.

Sĩ quan liên lạc trong toán biệt kích của Đại úy John Davis không ai khác chính là Chin Peng: Tổng thư ký tương lai của Đảng cộng sản Malaysia (MCP). MPAJA cung cấp yểm trợ và nhân lực cho Lực lượng 136 bao gồm một nhóm dân quân để đảm bảo an ninh tại căn cứ Segari của đơn vị. Tuy nhiên, khu căn cứ này được cho là dễ bị tổn thương cho nên tới tháng 10/1943, căn cứ này được chuyển đến Bukit Bidor (còn có tên gọi khác là Blantan) nơi MPAJA hiện diện mạnh mẽ.

Vào ngày 1/1/1944, Lực lượng 136 có cuộc họp chính thức đầu tiên với MPAJA. Cuộc họp đã chính thức hóa mong muốn hợp tác chống phát xít Nhật và đạt được sự đồng thuận của MPAJA nhằm hỗ trợ việc tái thiết lập quyền kiểm soát của người Anh sau khi Nhật Bản đầu hàng. Đổi lại, quân Đồng Minh sẽ cung cấp vũ khí, huấn luyện, tiền bạc và y tế cho MPAJA. Tại cuộc họp cũng có sự nhất trí rằng nên gác lại câu hỏi về chính sách tương lai của Anh đối với những người cộng sản. Tuy nhiên, Lực lượng 136 đã không thể cung cấp ngay lập tức sự hỗ trợ như đã hứa cho quân du kích MPAJA khi các điệp viên thất bại trong liên lạc của họ với trụ sở, vốn đã chuyển trực tiếp từ Calcutta sang Tích Lan. Máy phát không dây được cất giấu gần khu vực đổ bộ duyên hải nhưng trọng lượng của nó lên tới 204 kg, đồng nghĩa chỉ có thể dùng xe bò mới có thể chở được.

Do lo sợ bị người Nhật phát hiện ra thiết bị không dây này khiến các điệp viên của Lực lượng 136 do dự không mang nó. Từ tháng 2/1944 trở đi tình hình mỗi lúc thêm phức tạp hơn, Lực lượng 136 liên tiếp thất bại trong việc thiết lập liên lạc với tàu ngầm chở vật tư được trụ sở phái đi. Suốt hơn một năm không có bất kỳ tin tức nào được chuyển về trụ sở do 5 lần xuất kích tàu ngầm đều bất thành. Lần xuất kích cuối cùng trong số này đã bị quân Nhật tấn công và những nỗ lực xa hơn trong việc liên lạc với tàu ngầm đã bị đình lại do nỗi sợ bị phanh phui hoặc bị tấn công thêm.

Lực lượng 136 - cơ quan mật vụ Anh ở Malaysia -0
Đô đốc Lord Louis Mountbatten cùng các chỉ huy của Lực lượng 136.

Sụp đổ mạng lưới tình báo

Tính đến tháng 3/1944, các điệp viên Lực lượng 136 đã thành lập một mạng lưới gián điệp ngầm khá đáng kể với nhiều doanh nghiệp hợp pháp đóng vai trò bình phong cho các hoạt động thu thập tình báo của họ. Vậy nhưng phần lớn công việc của họ đã đổ sông đổ bể do một điệp viên đã nhầm lẫn tàu ngầm phát xít Nhật với một tàu du lịch. Người điệp viên này đã tìm cách trốn thoát nhưng 2 trợ lý lại bị bắt giữ và từ tiết lộ của họ đã dẫn đến việc bắt giữ hàng loạt điệp viên của Lực lượng 136 đang hoạt động trong 2 thành phố.

Ông Lim Bo Seng, người đã rời khu căn cứ Bukit Bidor nhằm gây quỹ và mở rộng mạng lưới tình báo cũng nằm trong danh sách các điệp viên bị bắt giữ. Cùng với những người đồng đội khác, ông Lim được áp giải tới nhà tù Batu Gajah, nơi họ bị đám Hiến binh Nhật tra tấn dã man để lấy thông tin.

Không khuất phục sự tàn bạo của Hiến binh Nhật, người cộng sản kiên trung Lim Bo Seng đã qua đời vào ngày 29/6/1944 và được an táng trong một ngôi mộ tập thể được đào cạnh nhà tù. Một tháng sau cuộc đàn áp mạng lưới tình báo của mình, Lực lượng 136 đã hứng thêm một thất bại lớn thứ 2 vào tháng 5/1944, khi đó phát xít Nhật mở cuộc đột kích quy mô lớn nhắm vào khu căn cứ  Bukit Bidor ngay đúng lúc một số điệp viên của Lực lượng 136 đang lấy lại thiết bị máy phát không dây. Dù không có thương vong nào được ghi nhận nhưng vật tư và các tài liệu quan trọng đã bị thất lạc trong lúc khu căn cứ được vội vã sơ tán. Sau đó chiếc máy phát không dây được tái lắp đặt ở một khu căn cứ mới nhưng do thiếu máy phát điện thích hợp nên mãi đến tháng 2/1945 mới bắt đầu tái liên lạc với bộ chỉ huy.

Lực lượng 136 - cơ quan mật vụ Anh ở Malaysia -0
Những thành viên người Canada gốc Hoa của Lực lượng 136.

Chấm dứt sự chiếm đóng của phát xít Nhật

Mọi trục trặc trước đó đã được khắc phục khi một điệp viên trong Lực lượng 136 đã nghĩ cách chế tạo ra một chiếc máy phát điện chạy bằng sức người vốn được ghép từ các phần linh kiện xe đạp. Ngày 17/3/1945, cuộc họp thứ 2 với các đại diện MPAJA đã được triệu tập và cùng đồng nhất trí rằng các sĩ quan liên lạc Anh sẽ chịu trách nhiệm cho khâu đào tạo và việc ra những quyết định mang tính chiến lược sẽ thuộc quyền của mỗi trung đoàn của MPAJA.

Với việc thiết lập lại đường dây liên lạc tới trụ sở bộ chỉ huy, việc điều phối các hoạt động cung cấp vật tư theo đường hàng không và nhân sự bổ sung đã trở nên khả thi hơn. Điều này nhằm chuẩn bị cho cuộc phản công Malaysia của đế quốc Anh hay còn được biết đến dưới tên gọi Chiến dịch Zipper (kế hoạch của Anh nhằm đánh chiếm cảng Swettenham hoặc cảng Dickson của Malaysia để dàn dựng cho việc tái chiếm Singapore trong Chiến dịch Mailfist. Tuy nhiên, do chiến tranh ở Thái Bình Dương đã kết thúc nên nó không bao giờ được thực thi trọn vẹn).

Khâu tăng cường vật tư, trang thiết bị và đào tạo cho các du kích quân của MPAJA được các sĩ quan người Anh chuẩn bị chu đáo đã nâng cao đáng kể hiệu quả quân sự của họ. Vào thời điểm quân Nhật đầu hàng vào ngày 14/8/1945, đã có khoảng từ 2.800 đến 3.500 quân du kích MPAJA được trang bị vũ trang, trong khi đó tổng cộng 371 nhân sự của Lực lượng 136 bao gồm 134 binh sĩ Gurkha (là những người lính có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ, chủ yếu cư trú ở Nepal và một số vùng ở Bắc Ấn Độ.

Các đơn vị Gurkha bao gồm người Nepal và Gorkha Ấn Độ, người Ấn Độ nói tiếng Nepal và được tuyển mộ vào quân đội Nepal (96.000 người), quân đội Ấn Độ (42.000 người), quân đội Anh (4.010 người), Đội Gurkha ở Singapore, đơn vị dự bị Gurkha ở Brunei, dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tại các vùng chiến sự trên khắp thế giới. Cựu Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Thống chế Sam Manekshaw, từng tuyên bố rằng: "Nếu một người đàn ông nói rằng anh ta không sợ chết thì anh ta đang nói dối hoặc anh ta là một Gurkha”) xâm nhập vào Malaysia.

Những chiến sĩ MPAJA cùng với các lực lượng Anh được thả dù đã phá vỡ nhiều tuyến cung cấp vật tư hậu cần của quân Nhật trong suốt Chiến dịch Zipper, nhưng với sự đầu hàng đột ngột của phát xít Nhật sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Nagasaki và Hiroshima, những gì được cho là thành quả của nỗ lực chiến tranh của Lực lượng 136 đã trở nên thừa thãi. Trong lúc chờ lên đường trở về Anh, Lực lượng 136 và MPAJA được chỉ đạo duy trì trật tự ở vùng nông thôn và đảm bảo rằng sau này sẽ không thực hiện những cuộc trả thù chống lại người Nhật hiện đang ẩn náu ở các thành phố lớn. Lực lượng 136 bị giải thể một thời gian ngắn ngay sau chiến tranh và nhiệm vụ cuối cùng của họ là giải giáp đồng minh cũ của mình: MPAJA.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.