Mắc kẹt trong thông tin tình báo giả

Thứ Hai, 22/08/2022, 11:10

Mỹ và Nga đã có nhiều thập kỷ đối đầu trên mặt trận tình báo. Tình thế càng trở nên quyết liệt hơn sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24-2-2022. Cuộc xung đột này sau đó đã trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó các chiến dịch “tung tin giả” không kém phần quan trọng được các cơ quan tình báo Mỹ và Nga thực hiện nhằm đánh lừa đối phương, hướng lái dư luận và giành lợi thế trên thực địa.

Tin giả có sức mạnh ghê gớm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng nghìn người, châm thêm lửa cho một cuộc chiến tàn khốc, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc

Tung tin giả như thế nào?

Nói một cách tổng quát, tin giả là một bản tường thuật sai sự thật được công bố và quảng bá như thể nó là sự thật. Trong lịch sử, tin giả thường là những tuyên truyền do những người nắm quyền đưa ra để tạo niềm tin nhất định hoặc ủng hộ một quan điểm nhất định, ngay cả khi nó hoàn toàn sai sự thật.

Phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đã tạo ra một môi trường lý tưởng mà bất kỳ ai có chương trình nghị sự đều có thể công bố những điều sai trái như thể chúng là sự thật. Tin giả được tạo ra để thay đổi niềm tin, thái độ hoặc nhận thức của mọi người. Điều này có nghĩa là “nếu bạn rơi vào bẫy của tin giả, niềm tin và quyết định của bạn sẽ bị chi phối bởi chương trình làm việc của người khác”.

Mắc kẹt trong thông tin tình báo giả -0
Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, ông Dmitry Medvedev.

Trong nhiều năm qua, cả Mỹ và Nga đã khéo léo thêu dệt một loạt câu chuyện sai sự thật mà hệ sinh thái tuyên truyền và thông tin sai lệch của họ vẫn tiếp tục tiêm nhiễm vào môi trường thông tin toàn cầu. Những câu chuyện này hoạt động giống như một khuôn mẫu, cho phép Washington và Điện Kremlin điều chỉnh những câu chuyện của họ với một sự nhất quán để định hình môi trường thông tin nhằm hỗ trợ các mục tiêu chính sách của họ.

Có thể thấy, trong cuộc chiến tuyên truyền về cuộc xung đột ở Ukraine, các cơ quan tình báo của các bên đã lợi dụng triệt để các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, báo điện tử; các nền tảng truyền thông xã hội như Youtube, Facebook, TikTok, Telegram, Twitter…; các hoạt động ngoại giao, kinh tế và các hoạt động tác động đến đời sống chính trị - xã hội; truyền thông cá nhân và nhóm thông qua hội họp; các thiết chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động của chúng.

Các cơ quan tình báo Mỹ và Nga đã và đang tích cực tham gia vào hoạt động này trên toàn bộ hệ sinh thái tuyên truyền và thông tin có mục đích của họ, bao gồm các hoạt động truyền thông xã hội độc hại, sử dụng các phương tiện truyền thông ủy quyền trực tuyến “công khai” và “bí mật”, đưa thông tin sai lệch vào chương trình truyền hình và đài phát thanh, tổ chức các hội nghị được thiết kế để gây ảnh hưởng đến những người tham dự tin rằng “chính bên kia là người có lỗi trong việc châm ngòi cuộc chiến ở Ukraine” và thực hiện các cuộc tấn công mạng để thay đổi nội dung trên các phương tiện truyền thông nhằm hướng lái dư luận.

Tin giả, hậu quả thật

Trước thực tế là những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp, chỉ trong thời gian rất ngắn, những thông tin này đã trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội.

Trong cuộc chiến ở Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ và Nga đã rất tích cực tận dụng không gian mạng để đưa thông tin về nhau nhằm bôi nhọ, hạ uy tín và giành sự ủng hộ dư luận cho “những hành động mà họ coi là chính nghĩa”. Nổi trội trong cuộc chiến thông tin này là nạn tin giả mà hai bên hoặc những người ủng hộ của mỗi bên tung ra.

Nếu như trước đây người ta thường thấy tin giả để thao túng bầu cử, hay tin giả trong việc xúc phạm hay hạ bệ cá nhân những người nổi tiếng thì trong chiến tranh, hậu quả của tin giả là vô cùng nghiêm trọng. Nó liên quan đến sinh mạng của rất nhiều người và có thể là sự tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc. Có vẻ như trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, các thủ thuật “tạo và tung tin giả” được áp dụng triệt để.

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine ngày càng khốc liệt, Mỹ đã tung “tin tình báo giả” gây chấn động thế giới: “Nga có thể đang chuẩn bị sử dụng các chất hóa học ở Ukraine”. Thậm chí, Tổng thống Joe Biden sau đó cũng công khai nói về điều này. Tuy nhiên, ngày 7-4, ba quan chức Mỹ đã thừa nhận với hãng tin NBC News rằng: “Không hề có bằng chứng nào cho thấy Nga đưa bất kỳ vũ khí hóa học nào đến gần Ukraine. Trên thực tế, Mỹ tung ra tin này để ngăn chặn Nga sử dụng các loại vũ khí bị cấm ở Ukraine”.

Hôm 21-7, phía Nga cũng đã tung ra một tin giả với tuyên bố rằng “Nhà nước Ukraine không phải do Tổng thống Zelensky điều hành, vì ông ấy đang ở bệnh viện, hay đúng hơn là đang được chăm sóc đặc biệt…”. Tuy nhiên, phía Ukraine đã bác bỏ và cho biết: “Tội phạm mạng đã xâm nhập các đài phát thanh Ukraine để lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe của ông Zelensky”.

Những đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Nga đã lan truyền trong nhiều năm, nhưng đã tăng thêm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hồi tháng 6, tuần báo Newsweek dẫn một báo cáo mật của 3 cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng “Vladimir Putin đang bị bệnh và có thể sắp chết, và rất có khả năng ông ấy đã được điều trị cho một chứng bệnh ung thư hồi tháng 4 năm nay”.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa khẳng định “ông Putin vẫn khỏe”, đồng thời nhấn mạnh rằng “những thông tin về tình trạng sức khỏe của tổng thống trong những tháng gần đây mà các cơ quan tình báo Ukraine, Mỹ và Anh tung ra hoàn toàn là giả mạo”. Giám đốc CIA William Burns, khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của tổng thống Nga trong một diễn đàn an ninh ở Mỹ hôm 20-7, đã nói rằng “Ông Putin rất khỏe”.

Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Medvedev hôm 4-8 nói: “Chúng tôi không lạ gì cuộc chiến thông tin mà truyền thông phương Tây đang tích cực tiến hành chống lại Nga. Không có gì tốt đẹp trong đó, nhưng chúng tôi đã thích nghi với những lời dối trá, sai sự thật này. Trong thế giới hiện đại, một cuộc chiến tranh thông tin có thể gây ra sự hủy diệt không kém phần nghiêm trọng so với vũ khí thông thường, nếu nói về hậu quả toàn cầu của tấn công thông tin đối với nền kinh tế thế giới, sự ổn định, an ninh và chủ quyền các quốc gia”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng từng cảnh báo về làn sóng tin giả liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine; đồng thời cáo buộc các cơ quan tình báo, chứ không phải những tin tặc đơn lẻ, dưới sự chỉ đạo của NATO, đã dàn dựng và tung tin giả lên các mạng thông tin.

Có thể nói, khi những tin giả được tin là thật, nó sẽ là một loại vũ khí triệt tiêu mọi động lực kháng cự của đối phương. Nếu có tin giả về sự đầu hàng của các tướng lĩnh chỉ huy ở một trong hai phía Nga hay Ukraine, được quân lính, người dân và công chúng tin là thật, thì việc triệt hạ ý chí đấu tranh của đối phương sẽ có sức mạnh hơn mọi loại bom đạn. Tin giả có sức mạnh ghê gớm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng nghìn người, châm thêm lửa cho một cuộc chiến tàn khốc, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc.

Mắc kẹt trong thông tin tình báo giả -0
“Vụ nổ ở Ukraine” thực ra là bức ảnh Israel không kích Dải Gaza vào tháng 5-2021.

Ngăn chặn “bão tin giả” về xung đột Nga-Ukraine trên các nền tảng mạng xã hội

Có thể nói, các thông tin liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt với sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội, thông tin được cập nhật liên tục từng phút, từng giây. Tuy nhiên, trong vô vàn những thông tin liên quan tới tình hình xung đột, có rất nhiều thông tin giả, không được kiểm chứng, thậm chí lợi dụng tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine để xuyên tạc, gây chia rẽ.

Cuộc chiến chống tin giả đang bước sang giai đoạn mới khi ngày càng có nhiều chính phủ các nước ban hành luật nhằm xử phạt người tung tin giả và cả các trang mạng cho phép đăng tải loại thông tin này. Hạ viện Nga ngày 4-3 đã thông qua dự luật quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phát tán thông tin giả về hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga.

Theo luật mới này, hoạt động đưa “tin giả” làm xấu hình ảnh quân đội Nga là hành vi phạm pháp và có thể bị phạt mức cao nhất là 15 năm tù. Pháp ngày 7-3 đã giới thiệu nội dung dự luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa tin giả. Nếu dự luật được thông qua, Pháp sẽ gia nhập câu lạc bộ các nước châu Âu chính thức “tuyên chiến” với những thông tin sai lệch trên Internet.

Quốc hội Singapore ngày 14-3 đã bắt đầu phiên họp kéo dài 3 ngày để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường các giải pháp đối phó với vấn nạn tin giả trên Internet. Đầu năm nay, Indonesia đã đưa vào hoạt động cơ quan an ninh mạng mới nhằm đối phó với vấn đề tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trên Internet và ngăn chặn tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tại Philippines, việc truyền bá tin giả bị coi là phạm tội hình sự. Theo đạo luật được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký hồi năm ngoái, hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD).

Rõ ràng, tin giả không phải là một vấn đề mới, nhưng hiện nay nó đặt ra một thách thức rất lớn. Tốc độ thông tin tăng lên chóng mặt với các thông điệp lan truyền toàn cầu chỉ trong vài giây trên môi trường trực tuyến. Độc giả bị choáng ngợp bởi tràn ngập thông tin, nhưng các dấu hiệu về tính xác thực đã không theo kịp, cũng như không có sự phát triển tương xứng trong khả năng phản bác tin giả hoặc tin sai sự thật.

Bất kỳ ai có điện thoại kết nối Internet đều có thể cập nhật từng phút diễn biến liên quan xung đột vũ trang đang diễn ra tại Ukraine. Trên các nền tảng mạng xã hội, số lượng bài đăng vượt ra khỏi khả năng xử lý hay kiểm tra thông tin của nhà quản lý. Các dạng bài này pha trộn đủ loại thông tin: thật, giả, sai lệch ngữ cảnh và cả thông điệp tuyên truyền.

Trong bối cảnh đó, độc giả cần nắm một số cách thức cơ bản để có thể tỉnh táo nhận biết những thông tin sai lệch liên quan cuộc khủng hoảng địa chính trị này. Thứ nhất, đừng vội ấn nút Share (chia sẻ). Phương tiện truyền thông xã hội được xây dựng để người dùng nhanh chóng chia sẻ các nội dung mà chưa chắc họ đã kịp đọc xong. Cho dù 1 video trên TikTok, Tweet hay YouTube có sức tàn phá, kinh ngạc hay đáng phẫn nộ thế nào, bạn cũng nên chậm lại trước khi ấn nút Share.

Thứ hai, kiểm tra nguồn. Trong cuộc xung đột vũ trang trên thực địa, cả hai bên đều tung ra nhiều thông tin gây nhiễu. Người đọc nên tiếp cận từng bài đăng với thái độ hoài nghi, khi rất nhiều chuyên gia chính trị cũng đăng những thông tin không chính xác trên Internet. Hãy cảnh giác với những thứ kiểu như các ảnh chế chụp từ màn hình khi chúng có thể tạo ra phản ứng cảm xúc đặc biệt mạnh.

Thứ ba, tìm kiếm bối cảnh. Có thể có hàng nghìn bài đăng hợp pháp liên quan cuộc xung đột, gồm cả video thực tế về quân đội và lời kể của người dân địa phương. Nhưng ngay cả như vậy, thông tin vẫn có thể gây nhầm lẫn hoặc hiểu lầm. Hãy cố gắng liên hệ tất cả nội dung trong các bài đăng này với bối cảnh rộng hơn của những gì đang xảy ra. Các video, tin tức có thể là mảnh ghép hấp dẫn nhất, nhưng chúng không phải toàn bộ bức tranh. Người đọc sẽ cần kết hợp cả với thông tin cung cấp bởi chuyên gia có uy tín về chính sách đối ngoại, chiến tranh, lịch sử hay chính trị.

Và cuối cùng, kiểm tra video và hình ảnh. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn những gì bạn thấy, hãy bắt đầu với việc tìm kiếm dấu hiệu video, hình ảnh đã bị chỉnh sửa, cắt ghép, lắng nghe âm thanh kỹ lưỡng và dùng một phần mềm bên thứ 3 để kiểm tra. Để kiểm tra hình ảnh, chỉ cần kéo vào ô tìm kiếm hình ảnh trên Google, bạn có thể xác định hình ảnh này đã từng được lưu hành hay chưa.

Sơn Hà (Tổng hợp)
.
.