Mạng lưới bí mật che chở những người chạy trốn Taliban
Gần một năm kể từ khi Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sụp đổ, hiện nay vẫn còn gần 78.000 cá nhân từng giúp đỡ quân đội Mỹ bị mắc kẹt tại Afghanistan. Những người này từng đảm nhận những công việc như bảo vệ, biên dịch viên, chuyên gia rà phá bom mìn,… Sau khi người Mỹ rút đi, những người này và gia đình họ chỉ còn biết cách lánh nhờ sự che chở của một mạng lưới bí mật. Nhưng chính mạng lưới này cũng đang đếm ngược từng ngày đến thời điểm buộc phải dừng hoạt động vì thiếu kinh phí.
Những ngôi nhà an toàn
Afghan Liberty Project (ALP) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Ryan Mauro cách đây gần 5 năm. Mục tiêu của ALP là giúp bảo vệ gia đình các tín đồ Công giáo ở Afghanistan. Trước khi quân đội Mỹ lật đổ chế độ Taliban vào năm 2001, những người Công giáo Afghanistan lúc nào cũng sống mà nơm nớp lo sợ. Phải sau năm 2001 họ mới dám công khai thực hành tín ngưỡng của mình. Không chỉ Taliban mà các nhóm Hồi giáo cực đoan khác cũng coi những tín đồ Công giáo như kẻ phản bội dân tộc. Ngay ở các thành phố lớn dưới quyền kiểm soát của chính phủ Afghanistan vẫn xảy ra nhiều vụ khủng bố nhắm vào người Công giáo.
Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đặt không chỉ đặt những tín đồ Công giáo mà còn cả những người từng cộng tác với họ vào vòng nguy hiểm. ALP đã mở rộng quy mô hoạt động. Tổ chức này hiện điều hành một mạng lưới những ngôi nhà an toàn trên khắp Afghanistan. Những người bị quân đội Taliban truy lùng chỉ cần đăng ký với ALP là sẽ được chỉ định một ngôi nhà làm nơi trú ẩn cho gia đình họ đến khi các cá nhân này tìm được đường di cư sang quốc gia khác.
Abdul là một trong những người đang được ALP bảo vệ. Anh trước đây làm chuyên gia rà phá bom mìn trong quân đội Chính phủ Afghanistan. Abdul cho biết gia đình gồm 5 người của anh sống sót qua mùa đông vừa rồi nhờ vào những gói hàng cứu trợ của ALP. Tuy vậy, họ vẫn phải trải qua những ngày khổ cực trong nhà an toàn: “Bốn đứa con của tôi suốt ngày chỉ ở trong một căn phòng, không được đi học hay đi chơi đâu cả. Ngay cả vợ tôi cũng không chịu được cảnh bị giam lỏng nên đã mắc trầm cảm… Nơi an toàn duy nhất còn lại với chúng tôi là ngôi nhà của ALP. Tôi mà ra đường thì sẽ bị Taliban bắt cóc, tra tấn rồi thủ tiêu. Họ sẽ giết tôi rồi nói với báo chí rằng tôi là khủng bố IS”. Nỗi sợ của Abdul là rất thật. Sếp cũ của anh, đại úy Ihsanuddin Zadran, đã bị Taliban bắt đi khi đang lẩn trốn trong làng. Ba ngày sau, thi thể của Zadran bị Taliban vứt ra trước cửa nhà cha mẹ anh. Trên người Zadran là nhiều vết thương vì bị tra tấn.
Ngay cả trước khi quân Mỹ rút đi, những người như Abdul và Zadran đã bị Taliban đưa vào tầm ngắm. Họ thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với phiến quân, nhất là khi làm những công việc như phiên dịch hay lính hộ tống. Chưa hết, quân Taliban khi chiếm được Đại sứ quán Mỹ ở Kabul đã tịch thu được danh sách những người Afghanistan đã và đang cộng tác với quân đội Mỹ. Taliban sau đó tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị những cá nhân này.
Hai anh em Wali và Farzam cùng làm đặc vụ cho Cục An ninh quốc gia Afghanistan. Họ từng tham gia chung nhiều cuộc đột kích với quân Mỹ vào sào huyệt của phiến quân. Ước tính không dưới 100 tay súng Taliban đã bị tiêu diệt hay bắt giữ bởi hai anh em. Vì lý do này mà cả hai lẫn gia đình của họ bị chính quyền mới của Taliban kết án tử vắng mặt và ra lệnh truy nã toàn quốc. Vợ của Farzam là luật sư chuyên bào chữa cho phụ nữ cũng bị Taliban kết án tử. Hai anh em đem gia đình chạy lên vùng núi. Giữa mùa đông khắc nghiệt, họ gần như chết cóng ở trong những hang đá. Quân Taliban vẫn truy đuổi họ đến cùng. Chỉ qua một đêm, 12 người trong gia đình Wali bị quân Taliban thảm sát, còn Wali rơi vào hôn mê vì sức ép của bom. Sau đó ALP đã liên lạc với Farzam và đưa được gia đình anh đến một ngôi nhà an toàn ở gần biên giới Afghanistan – Kyrgyzstan.
Chính phủ Mỹ từng có chính sách cấp visa loại đặc biệt (gọi là SIV) cho những người có công cộng tác với quân đội Mỹ ở Afghanistan. Việc rời khỏi Afghanistan lúc này đã khó, nhưng để một gia đình được chấp thuận SIV để nhập cư sang Mỹ thì thật nan giải. Ryan Mauro cho biết: “Có nhiều gia đình đã mắc kẹt ở Uzbekistan và Tajikistan từ năm ngoái đến nay vì hồ sơ xin cấp SIV của họ vẫn chưa được phê chuẩn. Một câu mà rất nhiều người Mỹ từng nói với ALP là họ không muốn người Afghanistan di cư đến. Cả công chúng lẫn chính phủ Mỹ đều giữ thái độ này. Mục tiêu cuối cùng mà ALP nhắm đến là đưa được các gia đình rời khỏi Afghanistan sang các nước khác. Nhưng tôi không dám khuyên những gia đình này tìm đường sang Mỹ. Phương án khả thi nhất là di cư sang các nước láng giềng rồi sống dựa vào họ hàng và kiều bào”.
Hiện đang tồn tại rất nhiều rào cản thủ tục giấy tờ trong quá trình cấp SIV. Một người đi xin SIV sẽ phải nộp kèm hồ sơ giấy khám sức khoẻ trong vòng 6 tháng gần đây. Nhiều người Afghanistan bây giờ còn không dám ra ngoài đường vì sợ Taliban, nói gì đến việc đi khám bác sỹ. Ước tính có đến 90% đơn xin cấp SIV bị phía Mỹ bác bỏ. Nhiều gia đình Afghanistan vì thế không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chịu bị “cầm tù” trong những ngôi nhà an toàn.
Tương lai bất định
Vấn đề trước mắt đối với ALP là thiếu kinh phí. Ryan Mauro cho biết: “Lúc đầu có rất nhiều cá nhân, tổ chức đóng góp cho ALP, nhưng rồi nguồn tài trợ cũng cạn dần. Truyền thông phương Tây đã hoàn toàn “lãng quên” Afghanistan. Mà không có tài trợ, chúng tôi không thể giúp đỡ mọi người được. Ước tính chúng tôi phải chỉ ra hơn 8.000 USD/ tháng để nuôi sống một gia đình năm người sống trong nhà an toàn. Theo mức chi phí này thì tổ chức chỉ còn đủ kinh phí hoạt động thêm ba tháng nữa”.
“Ba tháng” mới chỉ là ước tính trước khi xảy ra vụ động đất ở miền Đông Afghanistan. Vụ động đất giết chết hơn 1.100 người và phá hủy nhiều nhà cửa, trong đó có một số ngôi nhà an toàn. ALP đang phải “gồng mình” cứu trợ cho nạn nhân của vụ động đất và tìm nhà mới cho họ. Vào cuối tháng 5-2022, có khoảng 400 cá nhân đang sống trong những ngôi nhà an toàn của ALP. Con số này hiện nay chỉ còn là 150. 75 người trong số đó nói rằng họ chỉ còn đủ tiền và nhu yếu phẩm để trụ lại thêm 1 tháng.
ALP và các tổ chức từ thiện khác ở Afghanistan đang rất cần tiền tài trợ, nhưng họ cũng sợ rằng nếu làm một chiến dịch truyền thông quá lớn sẽ gây ra “phản ứng ngược”. Một vị lãnh đạo của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan giải thích: “Chúng tôi hoàn toàn không muốn việc đóng góp từ thiện cho Afghanistan bị “chính trị hóa” Ở các nước phương Tây có không ít người coi Afghanistan là đất nước mọi rợ, không đáng để quan tâm. Nếu như chúng tôi tăng cường kêu gọi đóng góp từ thiện, chắc chắn những người kia sẽ gây áp lực lên các chính trị gia nhằm buộc họ cản trở việc hỗ trợ Afghanistan”.
Một cách khác để có viện trợ từ thiện cho Afghanistan là “giải phóng” những khoản tiền của chính phủ cũ nước này đang nằm ở nước ngoài. Hồi đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh tịch thu toàn bộ nguồn dự trữ ngoại tệ Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Ước tính số tiền bị tịch thu lên đến 7 tỷ USD. Chỉ một quyết định này cũng đã đủ để làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế Afghanistan. Các ngân hàng tại nước này hoặc là đóng cửa, hoặc là phải thu hẹp hoạt động. Chỉ cần Chính phủ Mỹ hoàn trả lại số tiền cũng đã đủ để thiết lập lại trật tự nền kinh tế Afghanistan.
Thay vì thế, Washington D.C. tuyên bố dùng một nửa số tiền tịch thu được để chi trả cho gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố 11-9. Hàng trăm gia đình Mỹ đã phải dành nhiều năm liền kiện chính phủ của họ vì tội thiếu trách nhiệm trong quá trình khắc phục hậu quả vụ khủng bố. Chiến thắng của họ trước tòa đáng lẽ ra phải là tin mừng thì lại bị “phủ bóng” bởi quyết định của chính quyền ông Biden.
Đài Truyền hình MSNBC bình luận: “Chính phủ Mỹ muốn “một mũi tên trúng hai đích”: vừa dàn xếp được vụ kiện, vừa gây tác động lên giới truyền thông Mỹ. Họ buộc các gia đình Mỹ và Afghanistan phải đối chọi nhau, và các cơ quan truyền thông Mỹ chắc chắn sẽ đứng về phía đồng bào của họ”.
Gần đây lại xuất hiện thêm thông tin Washington gây sức ép lên EU để buộc các quốc gia thuộc khối này đóng băng 2 tỷ USD Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi tại Châu Âu. Có lý do để tin vào độ chính xác của thông tin này vì Mỹ cũng từng làm điều tương tự để buộc Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Thế giới ngừng các dự án phát triển của họ ở Afghanistan.
Mỹ vẫn tiếp tục gửi viện trợ sang Afghanistan, nhưng số tiền này quá ít so với mức lạm phát ở nước này. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 95% dân số Afghanistan không được ăn đủ hằng ngày. Để đối phó với nạn đói, hơn 1 triệu người Afghanistan đã phải tị nạn sang Iran. Những ngôi nhà an toàn của ALP che chở được các gia đình khỏi Taliban chứ không giúp họ tránh được việc chết đói.
Abdul thổ lộ với phóng viên tờ The Intercept: “Chúng tôi sẽ sớm bỏ lại căn nhà này. Hoặc là cả nhà tôi đến được Uzbekistan hay Kyrgyzstan, hoặc là chúng tôi sẽ chết”.