Mexico: Mafia chuyển từ ma túy sang bơ

Thứ Sáu, 30/06/2023, 10:11

Ở Mexico, ranh giới giữa thế giới tội phạm có tổ chức và hoạt động kinh doanh hợp pháp rất mờ nhạt và đôi khi không có phân chia. Bang Michoacán ở Bờ biển Thái Bình Dương là đại bản doanh cho ngành công nghiệp trồng bơ đang bùng nổ về kinh tế, nhưng cũng là một khu vực có những xung đột lớn.

Trong thập kỷ qua,  quả bơ đã trở thành biểu tượng cho việc mở rộng hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Mexico, chúng biến điều phi pháp thành hoạt động kinh doanh hợp pháp. 

Một bang có tới 12 băng đảng

 Khi nhu cầu trên thế giới tăng cao, trái bơ trở thành thứ "vàng xanh" trong xuất khẩu của Mexico, nhà xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới hiện nay với giá trị xuất khẩu của riêng bang Michoacán đã lên đến 2,7 tỉ USD. Một số thị trường như Trung Quốc, nhập khẩu trái bơ trong 6 năm tính đến năm 2021 đã tăng đến hơn 1.000 lần. Tại châu Âu, tiêu thụ bơ ước tính vào khoảng 1kg/người.

Mexico: mafia chuyển từ ma túy sang bơ -0
Hàng chục băng đảng tranh giành bơ ở bang Michoacán.

Không chỉ tranh giành mua bán, sự tham gia ngày càng lớn của các băng đảng tội phạm vào ngành trồng bơ tại Mexico còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Bọn tội phạm cũng sẵn sàng phá rừng để mở rộng đất trồng bơ hòng tạo thêm lợi nhuận.

Đầu tháng 8/2022, người ta tìm thấy 19 thi thể biến dạng treo trên một cây cầu, một thông điệp đẫm máu của băng Jalisco New Generation nhằm tranh giành quyền thống trị trong mua bán bơ, lĩnh vực mà đối với bọn tội phạm là béo bở không thua kém buôn bán ma túy.

Bơ đang trở thành mặt hàng gây xung đột, tương tự như "kim cương máu" ở Angola và Sierra Leone thuộc lục địa châu Phi, tờ Guardian  vừa  dẫn lời nhóm phân tích rủi ro Verisk Maplecroft cảnh báo. Tại Michoacán hiện có đến 12 băng đảng đang hoành hành.

Nhưng các giải pháp cho vấn đề này vẫn còn mông lung. "Bọn tội phạm có tổ chức ở Mexico từ lâu đã không còn chỉ buôn ma túy. Mô hình ngày nay là chúng kiểm soát lãnh địa và trong đó khai thác mọi thứ có giá trị, bao gồm bơ, chanh, đu đủ, dâu, buôn lậu gỗ, khai thác mỏ…", nhà phân tích Falko Ernst của nhóm International Crisis Group nhận định.

Theo ông Verner, từ việc trồng trọt đến vận chuyển, nạn bạo lực và tham nhũng hiện đang lan tràn trong chuỗi cung ứng bơ tại Mexico - đặc biệt là ở điểm nóng Michoacán. Cùng với các vụ giết chóc, nô lệ hiện đại, lao động trẻ em và suy thoái môi trường đang trở thành một nguy cơ ngày càng tăng mà các nhà cung cấp và người trồng bơ ở Michoacán đang phải đối mặt.

Mexico: mafia chuyển từ ma túy sang bơ -0
José Santos tại một trạm kiểm soát ở Tancítaro.

Khi nông dân cầu cứu bất thành

Các nhà đóng gói, xuất khẩu quả bơ phải dùng trang quảng cáo trên báo để kêu gọi sự chú ý đến tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở bang Michoacán, một chiến trường thực sự của các băng đảng. Tình hình tệ đến mức các nhà máy đóng gói phải hứa sẽ trả cho nông dân 15 peso (tức 0,78 USD) cho mỗi kg bơ bị cướp khi vận chuyển, theo Guardian.

Bang Michoacán cung cấp tới 45% cho thế giới  80% số bơ ở Mỹ, trong khi nhu cầu từ Mỹ và các nước khác vẫn tăng từng ngày, vì vậy ngành trồng bơ ở Mexico đã phát triển mạnh 20 năm nay. Trước tình trạng bạo lực, các cộng đồng trong khu vực phải lập các nhóm tự vệ hoặc cảnh sát cộng đồng để bảo vệ chính mình. Nhưng một số nhóm lại bị tội phạm có tổ chức thuê lại hoặc buộc phải giải tán. Bang Michocán là một trong những nơi cuộc chiến ma túy bạo lực của Mexico bắt đầu năm 2006.

“Dấu hiệu cho thấy xung đột giữa các nhóm tội phạm đã vượt ngoài tầm kiểm soát ở bang Michoacán”, theo Falko Ernst, chuyên gia phân tích Mexico của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG).

“Ít nhất 20 nhóm vũ trang đang tranh giành địa bàn bằng bạo lực ở trong bang. Nhưng chưa bên nào áp đảo, như vậy chiến tranh sẽ liên miên và tổn thất rất lớn” đối với các băng nhóm, Ernst phân tích. “Ngành trồng bơ hàng tỷ USD quá hấp dẫn (đối với các nhóm vũ trang). Nông dân cũng như các nhà xuất khẩu đang phải chịu thiệt hại”, ông Ernst nói với Guardian.

Tổng thống Andrés Manuel López Obrador lên nắm quyền với lời hứa chống tội phạm, nhưng bạo lực vẫn chưa giảm trên cả nước. Ông đã thúc đẩy việc thành lập lực lượng cảnh sát được trang bị như quân đội, gọi là vệ binh, nhưng lực lượng này mới chỉ được điều xuống biên giới phía nam để chặn người nhập cư vào Mexico.

Mexico: mafia chuyển từ ma túy sang bơ -0
Lorena Flores gia nhập đội tự vệ vì không còn muốn chịu cảnh bị tống tiền bởi các băng đảng ma túy.

Tự bảo vệ mình

Con đường vòng quanh các khu ổ chuột và địa bàn của các băng đảng ma túy dẫn tới một chòi canh. Đằng sau những người đứng gác là bức tượng hình quả bơ có khắc chữ “kinh đô bơ của thế giới”. Và sau bức tượng là thị trấn Tancítaro, hiện được coi như ốc đảo an toàn và ổn định giữa một biển bạo lực tồi tệ nhất trong lịch sử Mexico, theo New York Times.

Cuộc chiến chống ma túy do cựu Tổng thống Felipe Calderón bắt đầu năm 2006 không khiến số vụ giết người giảm đi, mà khiến các băng đảng bị chia nhỏ tranh giành địa bàn một cách đẫm máu hơn, theo BBC. Nhưng Tancítaro đã thoát khỏi cảnh bạo lực ma túy bằng cách trở thành một thành phố tự trị, với cảnh sát riêng và chính quyền “tự quản” của người dân.

Tancitaro minh họa cho xu hướng âm thầm nhưng quan trọng ở Mexico, trong đó các thành phố và thị trấn bị buộc phải thay thế chính quyền và tự mình giải quyết nạn bạo lực do ma túy gây ra. New York Times tìm hiểu về 3 “ốc đảo” như vậy, những nơi đã an toàn hơn giữa đất nước Mexico bạo lực bằng cách gạt chính quyền sang một bên. Dù hình thức khác nhau, giải pháp của những nơi này chứng tỏ sự yếu kém và tham nhũng của chính quyền mới là gốc rễ của vấn đề.

 An toàn hơn khi không còn cảnh sát 

Theo BBC, bang Michoacán trong khi cảnh sát bất lực, người dân trên khắp bang Michoacán từ năm 2013 đã cầm vũ khí, thành lập các “đội tự vệ”, và đánh đuổi các băng đảng ma túy. Họ cũng đánh đuổi cảnh sát địa phương, vốn bị coi là đồng lõa. Sau hơn 4 năm, nhiều nơi đã hỗn loạn trở lại sau khi các đội tự vệ bị các băng đảng ma túy hoặc chính quyền trung ương dẹp bỏ.

Nhưng các con phố ở Tancítaro, với dân số khoảng 30.000 người, vẫn ngăn nắp và yên bình. Lối vào thị trấn phải qua các trạm kiểm soát do dân quân canh gác, cảnh thường thấy ở những vùng xung đột trên thế giới như Ukraine hoặc Syria. Chính quyền không còn nữa vì các quan chức đã bỏ chạy, theo New York Times.

Nắm quyền kiểm soát là những đội tự vệ. Mang vũ khí “ấn tượng”, mặc áo chống đạn và đi tuần trong các xe bán tải có kính chống đạn dày gần 4 cm, đội tự vệ đóng vai trò của cảnh sát. Họ tuần tra, canh gác ranh giới thị trấn và các vườn bơ. Các chủ vườn tài trợ tiền bạc để họ giữ gìn an ninh. Nhờ vậy, các nông dân có thể được ngủ yên như Lorena Flores.

Lorena có trang trại của mình, nhưng vẫn gia nhập đội tự vệ 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày trong tuần, vì chán cảnh bị các băng đảng ma túy tống tiền trong quá khứ. Nhưng chế độ này tự quản bằng một bàn tay sắt. Tranh chấp thường do các chỉ huy dân quân quyết định, và ai cũng nói quyền lực thuộc về người có súng, Cinthia Garcia Nieves, một nhà hoạt động cộng đồng, nhận xét với New York Times.

“Chúng tôi đưa chúng ra ngoài phố và đánh… rồi đuổi khỏi thị trấn”, Jorga Zamora, một dân quân, nói với New York Times, về những người bị nghi dính tới buôn ma túy. Chính quyền trung ương không có ý định giành lại kiểm soát thị trấn, lo ngại sẽ gây thêm chú ý và khiến các nơi khác học theo Tancítaro.

Mexico: mafia chuyển từ ma túy sang bơ -0
Một chiếc xe thể thao bị đưa đi sau một vụ đọ súng giữa cảnh sát và băng đảng ma túy ở bang Nayarit, Mexico.

Doanh nghiệp bơ làm hộ chính quyền

 Nếu như Tancítaro giành tự trị bằng súng, thì tại thành phố Monterrey, nơi tập trung các tập đoàn hàng đầu ở Mexico, giới doanh nhân buôn bán bơ âm thầm làm hết mọi việc thay cho chính quyền. Thử nghiệm này bắt đầu từ một âm mưu bắt cóc con em của các nhân viên công ty Femsa, một trong những công ty lớn nhất Mexico.

2 vệ sĩ của Femsa thiệt mạng khi đang hộ tống những đứa trẻ tới trường vì bị các tay súng của băng đảng ma túy tấn công. Để đối phó mối đe dọa chung, các chủ doanh nghiệp đề nghị chi trả và cải tổ cảnh sát của bang. Thống đốc bang bật đèn xanh. Các doanh nhân thuê tư vấn và thay thế một nửa lực lượng cảnh sát. Họ cũng thuê luật sư viết lại luật về bắt cóc và làm việc với gia đình nạn nhân. Nói cách khác, họ đã đứng ra làm hộ những việc lẽ ra thuộc về chính quyền.

Nhóm doanh nhân cũng thuê tư vấn để áp dụng những ý tưởng hàng đầu trong lĩnh vực cảnh sát và tiếp cận cộng đồng, và bất cứ ý tưởng gì có thể dập tắt bạo lực đang xé nát thành phố. Họ trợ cấp nhà ở và tăng lương cho cảnh sát. Ngoài ra, phòng marketing và nhân sự của các doanh nghiệp cũng làm luôn việc tuyển cảnh sát.

Các quan chức còn chẳng được duyệt  tuyển. Các doanh nghiệp đã bỏ qua bộ máy nhà nước đầy tham nhũng, điều đã vô hiệu hóa các nỗ lực cải cách cảnh sát từ trung ương. Tội phạm giảm trên toàn thành phố. Kết quả này thêm một bằng chứng cho thấy ở Mexico, nạn bạo lực chỉ là triệu chứng, chứ không phải là căn bệnh. Căn bệnh là ở chính quyền.

Thoát khỏi chủ nghĩa đảng phái

Thành phố có tên đầy đủ là Nezahualcóyotl, với 1 triệu dân và nằm ở ngoại ô của thủ đô Mexico City, từng được biết đến với sự đói nghèo, bạo lực và tham nhũng. Tới mức cảnh sát đi cướp của người dân. Giờ đây, tuy còn phức tạp, thành phố này đã an toàn hơn nhiều, và lực lượng cảnh sát được coi là “một mô hình hứa hẹn”, giữa một nơi mà cảnh sát thường là nỗi kinh hoàng, John Bailey, giáo sư tại Đại học Georgetown, nói với New York Times.

Khác với Tancítaro hay Monterry, Neza không có dân quân hay giới doanh nhân làm thay chính quyền. Nhưng thành phố này thay đổi được vì có cảnh sát trưởng Jorge Amador. Ông coi Neza như phòng thí nghiệm riêng, thử nghiệm từ những cải cách quyết liệt với những chương trình ảo tưởng và khác người. Báo chí nước ngoài đã coi là trò đùa khi ông thực hiện chương trình tặng một cuốn sách mỗi tháng cho cảnh sát, thường là văn học kinh điển, và thưởng cho cảnh sát nào viết được truyện riêng của mình.

Ông Amador được tự do thử nghiệm là vì Neza thoát khỏi điều mà New York Times gọi là “điểm thất bại chính” ở Mexico: sự thoái hóa của chính trị đảng phái. Điều này khiến các đảng phái cử những người trung thành với đảng mình vào các chức vụ, bao che khi họ tham nhũng và vì vậy họ cũng sẽ không chịu thay đổi, theo New York Times.

Nhưng sau khi một đảng mới lên làm lãnh đạo ở Neza, mọi thứ thuộc thể chế cũ giờ có thể được tự do thay thế. Ông Amador loại bỏ 1 trên 8 cảnh sát và thay thế toàn bộ các chỉ huy. Ông luân chuyển cảnh sát để chặn các đường dây hối lộ. Mỗi xe cảnh sát được gắn thiết bị định vị để dễ kiểm soát.

“Chúng tôi giờ đã đoàn kết, và điều này chưa từng xảy ra”, Yazmin Quroz, một cư dân lâu năm, nói về quan hệ cảnh sát với công chúng. Nhưng những tiến bộ ở Neza có thể biến mất nếu đảng khác lên nắm quyền ở thành phố này, ông Amador nói thêm.

Nguyễn Văn Hùng
.
.