Mossad và “Chiến dịch Huynh đệ”
Sau hơn 40 năm kể từ đêm 15/3/1981, khi 6.000 người Do Thái Ethiopia sống trong trại tập trung Arous nằm gần biên giới Sudan, Ethiopia, châu Phi, được đưa về Israel, ông Dani Limor, một trong những điệp viên giỏi nhất của Cơ quan tình báo Mossad và cũng là người tổ chức vụ giải cứu mới tiết lộ về những gì ông cùng các cộng sự đã thực hiện…
Khởi đầu của “Chiến dịch Huynh đệ”
Cho đến nay, các sử gia của cả Israel lẫn Ethiopia đều chưa biết chính xác người Do Thái đến Ethiopia, châu Phi vào thời gian nào nhưng với những di chỉ khảo cổ đã tìm thấy, sự xuất hiện của họ được cho là vào năm 1500 sau Công nguyên. Do kết hôn với người bản xứ rồi qua nhiều thế hệ, cháu chắt của những di dân có da màu nâu đen thay vì da trắng nên về mặt hình thể, họ được công nhận là người châu Phi.
Sẽ không có gì đáng nói nếu bi kịch chủng tộc không xảy ra với họ, bắt đầu từ năm 1974 rồi kéo dài đến năm 1985. Những cuộc nội chiến tàn khốc, dai đẳng cộng với nạn đói kinh hoàng song hành với chính sách bài Do Thái hà khắc của người đứng đầu đất nước Ethiopia lúc đó là Đại tá Mengistu Haile Mariam, chịu ảnh hưởng của một số quốc gia Arab chống Do Thái. Dưới thời đại tá Mengistu, cộng đồng Do Thái Ethiopia được gọi là “Falashas - Những kẻ ngoài cuộc”. Họ bị tịch thu kinh sách, đền thờ bị đốt cháy, nhà cửa, cơ sở kinh doanh bị cướp phá. Theo Tổ chức quan sát nhân quyền Liên hợp quốc (HRW), giai đoạn này có khoảng 400.000 người Do Thái Ethiopia bị quân đội của đại tá Mengistu cưỡng bách vào trại tập trung, hơn 1.700 người đã chết vì những điều kiện sống tồi tệ.
Trước tình hình ấy, 10.000 người Do Thái Ethiopia trốn sang Sudan, láng giềng với Ethiopia nhưng cũng bị chính quyền nước này dồn vào trại tập trung, Trại đặt trong vùng Arous khô cằn, lượng mưa quanh năm khoảng 30mm nên chẳng loại cây nào mọc nổi. Khẩu phần ăn mỗi ngày của mỗi người trong trại chỉ gồm 300gram, chủ yếu là hạt ngô (bắp) luộc. Không rau củ quả, không chất đạm lại thiếu muối, người Do Thái Ethiopia cứ thế “mập” lên vì phù và ngày nào cũng có người chết.
Về phía chính phủ Israel, những nhà lãnh đạo chẳng khó khăn gì trong việc nhận ra tình cảnh bi đát mà đồng bào họ đang gánh chịu. Ý tưởng về việc thương thuyết với Chính phủ Sudan để “hồi hương trong trật tự” hơn 10.000 người ở trại tập trung Arous nhanh chóng tan vỡ bởi chính sách thù địch của Sudan với Israel. Theo nhà sử học Yosef, các thông tin do Mossad thu thập cho thấy Sudan quyết giữ những người Do Thái Ethiopia làm con tin nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của Israel vào một số quốc gia Arab như đã từng xảy ra trong “cuộc chiến 6 ngày” năm 1967, khi Israel đánh bại liên quân Arab gồm Ai Cập, Jordan, Syria rồi chiếm cao nguyên Golan.
Năm 1977, khi ông Menachem Begin trở thành thủ tướng Israel, vấn đề người Do Thái Ethiopia lại được đặt ra và lần này, ông Begin quyết định cứu họ. Nhớ lại chuyện ấy, ông Dani Limor, một trong những điệp viên giỏi nhất của Mossad và cũng là người thực hiện thành công “Chiến dịch Huynh đệ” nói: “Một sáng đầu năm 1978, ông Yizthak, chỉ huy Mossad gọi tôi lên. Trong phòng họp, ngoài Yizthak thì còn có một số nhân vật lãnh đạo cao cấp của cả Bộ Quốc phòng Israel lẫn Mossad. Sau khi khái quát tình hình về người Do Thái ở Ethiopia, ông Yizthak nói: “Tôi giao cho anh nhiệm vụ đưa những người này về, càng nhiều càng tốt. Anh được toàn quyền tổ chức và hành động. Israel trông đợi vào anh”.
Hàng nghìn người Do Thái thoát nạn
Những ngày sau đó, Dani Limor chìm trong đống hồ sơ tình báo. Trên bản đồ không ảnh, trại tập trung Arous nơi đang giam giữ hơn 10.000 người Do Thái Ethiopia nằm trên lãnh thổ Sudan, cách biên giới Sudan, Ethiopia 30km. Điều khiến Limor chú ý là cách trại tập trung 12km, sát bờ biển Đỏ - Red Sea - có một khu nghỉ dưỡng đã bỏ hoang từ lâu. Ông Limor kể tiếp: “Ngay lập tức, trong đầu tôi nảy ra một ý định rồi sau khi trình bày với ông Yizthak, ông ấy đồng ý. Chúng tôi thống nhất đặt tên cho việc giải cứu người Do Thái Ethiopia là Chiến dịch Huynh đệ - Operation Brothers”.
Tháng 6/1978, bộ khung của Chiến dịch Huynh đệ hình thành. Với hộ chiếu của một quốc gia châu Âu, ông Limor dẫn nhóm điệp viên Mossad đến Sudan trong vai nhà đầu tư Thụy Sĩ, muốn mua khu nghỉ dưỡng Arous bỏ hoang để khai thác du lịch. Các cuộc đàm phán diễn ra giữa nhóm Limor và Bộ Du lịch Sudan đã dẫn đến kết quả là Sudan đồng ý bán khu du lịch Arous với giá 300.000USD.
Từ đó đến cuối năm 1979, việc sửa chữa cảnh quan, nội thất trong khu du lịch Arous được tiến hành cùng với việc lắp đặt máy phát điện, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt. Khi nó gần hoàn tất, Mossad dưới bình phong của một số công ty du lịch, tung ra một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên toàn lãnh thổ châu Âu, rằng Arous Holiday Village là trung tâm giải trí, lặn biển hàng đầu Sudan. Ngay trong ngày đầu tiên khai trương, đã có hơn 300 du khách từ Pháp, Italia, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ… đến với khu nghỉ dưỡng nhưng không ai ngờ rằng những người hướng dẫn lặn biển, lướt ván buồm, lái tàu, tiếp tân, quản lý…, đều là điệp viên Mossad. Ông Limor nói: “Để che mắt an ninh Sudan, chúng tôi tuyển người dân địa phương làm những việc không quan trọng như phục vụ phòng, phụ bếp, dọn dẹp vệ sinh, giặt, ủi quần áo …”.
Giữa năm 1980, khi Arous Holiday Village đã hoạt động ổn định, lấy cớ tìm mua những đặc sản địa phương để phục vụ du khách, Limor và vài điệp viên Mossad đến những ngôi làng xung quanh nhưng thực chất là để tìm hiểu trại tập trung Arous. Rất nhanh chóng, họ nhận ra rằng trại không có hàng rào và chỉ co 1 chòi canh về hướng biên giới Ethiophia với 2 người lính bởi phía Sudan tin rằng dân trong trại không thể trốn đi đâu được. Một vài lần, Limor dừng lại trước chòi canh, tặng cho lính canh vài gói thuốc lá. Ông nói: “Nhờ vậy tôi biết cứ mỗi sáng, lại có 2 lính đi xe đạp đến để đổi phiên cho 2 người kia. Họ trang bị bằng tiểu liên AK-47 với vài băng đạn. Kế hoạch lúc ấy của tôi là phải làm quen với tất cả các tổ gác để họ biết mặt tôi”. Chưa hết, Limor còn tiếp xúc với những người Do Thái Ethiopia lang thang ra ngoài tìm kiếm thức ăn nên ông biết trong số 10.000 người bị đưa vào trại tập trung, gần 4.000 người đã chết vì đói và vì bệnh tật.
Gần cuối 1980, Limor quay lại Israel. Tại trụ sở Mossad, ông trình bày kế hoạch của mình là đến ngày giờ đã định, Mossad cử 1 tàu vận tải ngụy trang thành tàu chở hàng, bí mật xâm nhập gần bờ biển đối diện với Arous Holiday Village trong lúc Limor cùng các điệp viên Mossad sẽ dùng 2 chiếc xe tải lớn vẫn thường để chở thực phẩm, vào trại tập trung đón người. Khi những người Do Thái Ethiopia gần đến bờ biển rồi khi nhận được tín hiệu của Limor, tàu vận tải sẽ thả tổng cộng 24 xuồng cao su, mỗi xuồng chở được 25 người vào bờ, đưa họ ra tàu.
Xẩm tối ngày 15/3/1981, Limor cùng 2 chiếc xe tải lên đường. Lúc đi ngang chòi canh, ông giải thích với 2 người lính rằng ông đi mua bò vì phải đợi đến chiều tối, nông dân Sudan mới lùa bò vào chuồng. Bên cạnh đó, Limor còn hào phóng tặng cho lính canh một cây thuốc lá, 1 chai rượu wishky và 1 cái đùi bò xông khói. Limor nói: “Trước đó, tôi đã dặn các cơ sở của tôi ở trại tập trung Arous là đêm 15/3 tôi sẽ đến đón họ. Đợt đầu dành cho phụ nữ, trẻ con, người già và những người bệnh tật nên khi xe vừa xuất hiện, họ đã tập trung chờ”. Yola Reitman, điệp viên Mossad và cũng là hướng dẫn viên lặn biển ở khu nghỉ dưỡng nói: “Mỗi chiếc xe tải chúng tôi dồn lên 200 người. Tất cả đứng sát vào nhau, ngoại trừ những người quá yếu mới được ngồi”. Limor kể tiếp: “Khi xe đến trạm gác, tôi không ngờ một gã lính canh dù đã say nhưng vẫn khật khưỡng bước ra, đòi kiểm tra xe chở bò. Tôi đưa cho gã thêm 1 cây thuốc lá đồng thời hứa hẹn về những món quà khác thì gã mới gật đầu để xe đi qua. Khi chúng tôi quay lại để đón số người còn lại thì cả hai lính canh đã ngủ rất say”.
Trong 2 đêm liên tiếp, nhóm Limor đã chuyển hơn 5.600 người Do Thái Ethiopia từ trại Arous ra tàu nhưng chiều 17/3, một mật điện gửi từ Bộ chỉ huy Mossad cho biết tàu chở di dân bị tàu tuần tra Sudan phát hiện vì nghi là tàu chở hàng lậu nhưng thuyền trưởng đã kịp cho tàu thoát ra hải phận quốc tế. Mật điện cũng đề nghị Limor tìm phương án khác còn nếu không, ông có quyền dừng lại. Limor nói: “Do đã dặn trước nên sáng 18, hàng trăm người Do Thái Ethiopia ở trại tập trung vẫn tản ra, đi tìm thức ăn nên lính gác chòi canh không hề biết rằng 3/4 số người trong trại đã biến mất”.
Mất 1 ngày thảo luận với các thành viên, Limor quyết định chơi nước cờ liều. Ông điện về Bộ chỉ huy xin 2 chiếc máy bay vận tải C-130 đã tháo hết ghế ngồi và các vật dụng không cần thiết. Cả hai sẽ lần lượt hạ cánh xuống đường băng do ông chọn để đón người lúc 1 giờ sáng. Theo ông Limor, sở dĩ ông chọn phương án này vì hai lý do: Một là ông không thể bỏ rơi những người còn lại và hai là qua khảo sát thực tế, ông nhận thấy cách khu nghỉ dưỡng khoảng 2km, có một dải đất tương đối bằng phẳng, dài hơn 1,5km, mặt đất chỉ có những hòn sỏi nhỏ, đủ điều kiện cho máy bay hạ cánh. Ông nói: “Trong mật điện gửi về, tôi quy định là ở đầu và cuối đường băng, sẽ có 2 chiếc xe bật đèn làm mốc để phi công đáp xuống”.
Rút kinh nghiệm của lần vận chuyển đầu tiên, 5 giờ chiều, Limor ghé trạm canh, tặng rượu, thịt cho lính gác. Đến 10 giờ đêm, 2 xe tải xuất phát rồi quay về với 400 người Do Thái Ethiopia mà chẳng gặp một trở ngại nào. Tiếp theo, họ trở lại trại lần thứ hai và lần này, khi những người cuối cùng lên xe, cả trại chỉ còn là những chiếc lều rách nát, trống rỗng.
1 giờ sáng, 2 chiếc C-130 lần lượt hạ cánh, mỗi chiếc chở hơn 200 người và đó cũng là kỷ lục thế giới về vận chuyển của loại máy bay này. Kết quả của Chiến dịch Huynh đệ là hơn 6.000 người ở trại tập trung Arous đã về đến Israel. Theo ông Limor, 3 ngày sau phía Sudan mới phát hiện sự biến mất của những người trong trại. Một nhóm an ninh đã đến khu nghỉ dưỡng Arous Holiday Village để điều tra nhưng không tìm ra điều gì bất thường. Ông Limor nói: “Họ kiểm đếm số nhân viên người nước ngoài và khách du lịch thì tất cả đều có mặt. Tiến hành thẩm vấn những người Sudan bản xứ làm việc cho chúng tôi, câu trả lời của những người này là “không thấy gì khác lạ”.
Đầu năm 1985, qua nhiều nguồn tin tình báo, Mossad cho Limor biết vỏ bọc khu nghỉ dưỡng đã bị lộ nên Mossad yêu cầu tất cả các điệp viên ở đây phải ra đi ngay lập tức. Chỉ trong 1 đêm, 1 chiếc C-130 bí mật hạ cánh xuống một khu vực nằm sâu trong sa mạc Arous, 27 điệp viên Mossad trong đó có Limor trở về Israel an toàn.
Sau Chiến dịch Huynh đệ, cũng từ mùa xuân 1984 đến tháng 11/1985, Mossad còn thực hiện 2 chiến dịch nữa. Một là Chiến dịch Moses, đưa 8.000 người Do Thái từ Sudan và hai là Chiến dịch Solomon, đưa 14.000 người Do Thái khác ra khỏi Ethiopia chỉ trong một ngày nhưng chi tiết về 2 chiến dịch này vẫn còn là bí mật…