Nền kinh tế chiến tranh của Israel

Thứ Hai, 06/01/2025, 09:09

Nền kinh tế chiến tranh của Israel được xây dựng dựa trên 4 trụ cột thiết yếu, chúng bao gồm: 1) Sự trỗi dậy rõ rệt của các hình thức quân phiệt cực đoan trong những diễn ngôn chính trị - xã hội của Israel. 2) Sự hỗ trợ vật chất và ngoại giao không ngừng nghỉ của Mỹ cho Israel trước và trong cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. 3) Sau sự tàn phá ở Gaza, các công ty quân sự Israel có thể dự báo chính xác những hợp đồng và đối tác quốc tế mới. 4) Những mạng lưới vũ khí cũng phục vụ cho lợi ích quyền lực mềm của Israel, bằng cách cung cấp các kênh ngoại giao phụ và liên minh trên thực tế với những nước còn ngần ngại tham gia chính thức.

Nền kinh tế trước khi ra đời nhà nước

Nguồn gốc nền kinh tế chiến tranh của Israel vốn có từ trước khi thành lập nhà nước của người Do Thái. Các nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa phục quốc như Ze'ev Jabotinsky, David Ben-Gurion, và Chaim Weizmann đều đóng vai trò then chốt trong việc định hình cách tiếp cận quân sự ngày nay của Israel. Học thuyết “Bức tường sắt” của ông Jabotinsky cho rằng cần có năng lực quân sự đáng gờm để bảo vệ Dự án phục quốc Do Thái; trong khi đó ông Ben-Gurion khẳng định chính sách quân sự tối cao là nền tảng cho xây dựng nhà nước Do Thái.

Đến thời Weizmann, ông đã tập trung công nghệ, khoa học tiến bộ vào tầm nhìn quân sự của mình và nhấn mạnh sự bảo trợ của các nước phương Tây vì sự nghiệp phục quốc Do Thái. Quá trình thực dân hóa Palestine đi kèm với 5 lĩnh vực căn bản mà sau này đã trở thành nền móng cho nền kinh tế chiến tranh của Israel.

Nền kinh tế chiến tranh của Israel -0
Hệ thống vũ khí chống thiết bị bay không người lái (drone) do tập đoàn quốc phòng Rafael (Israel) chế tạo.

Đầu tiên là thành lập quân đội Israel năm 1948 (vốn có nguồn gốc từ các lực lượng dân quân như Haganah, Lehi và Irgun) để tiến hành thanh lọc sắc tộc trong các cộng đồng người Palestine trong thời kỳ Nakba. Các lực lượng dân quân này sở hữu những thứ vũ khí tiên tiến thông qua nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu, hoặc chiếm đoạt vũ khí từ các căn cứ quân sự của Anh ở Palestine, cũng như tự sản xuất vũ khí trong nước. Thứ hai, hoạt động sản xuất quân giới thông qua các xưởng bí mật được chính thức gọi là TAAS trong 2 giai đoạn 1920, 1930, chuyên cung cấp vũ khí hạng nhẹ và đạn dược cho lực lượng dân quân theo phong trào Phục quốc. Cuối cùng, TAAS đã tham gia vào Ngành công nghiệp quân sự Israel (IMI, do nhà nước Do Thái kiểm soát). Thứ ba là việc tích hợp công nghệ quân sự và tình báo. Shai (nhánh thông tin của Haganah) chuyên trách thu thập tình báo và gián điệp, trong khi đó Quân đoàn khoa học (SC, sau này đổi tên thành Công ty TNHH Phòng thủ tiên tiến Rafael) là lá cờ đầu trong việc phát triển công nghệ vũ khí.

Sáng kiến này đánh dấu sự khởi đầu mối quan hệ cộng sinh giữa khối công nghệ Israel và chiến lược quân sự của nước này. Thứ tư, vai trò của các tổ chức dân sự trong khuôn khổ quân sự hóa là rất đáng lưu tâm. Các trường đại học và bệnh viện (như Đại học Do Thái Jerusalem, Technion, và bệnh viện Hadassah) đã tham gia rất sâu vào việc hỗ trợ dân quân, hình thành nền tảng quân sự cho nhà nước Israel tương lai. Cuối cùng phải kể đến vai trò hỗ trợ của chính quyền thực dân Anh trong giai đoạn 1921 và 1948. Người Anh cung cấp cả vỏ bọc chính trị và quân sự, cho phép những người phục quốc Do Thái củng cố cơ sở hạ tầng quân sự của họ. Về căn bản nền kinh tế chiến tranh của Israel là sự hợp nhất những nỗ lực quân sự, tình báo và dân sự thành một tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ.

Tổ hợp công nghiệp quân sự

Sự trỗi dậy của quân đội Israel đã ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh kinh tế của nước này, chẳng hạn các chính sách ngày càng tập trung vào mô hình kinh tế chú trọng quân sự, đòi hỏi chi tiêu quân sự cao và viện trợ nước ngoài nhằm duy trì sự sẵn sàng chiến tranh. Một phần đáng kể trong Tổng sản lượng quốc gia (GNP) của Israel là phân bổ cho chi tiêu quân sự, tăng từ 10% vào những năm đầu tiên lên 20% vào năm 1968. Các đỉnh cao chỉ huy của sản xuất quân sự đã bị thống trị bởi những thực thể (do nhà nước Israel làm chủ) chẳng hạn như Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Israel (IMI) và Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI), đi đầu trong công nghiệp hóa quân sự, tạo ra doanh thu công, tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế. Thập niên 1960, kinh tế tư nhân bắt đầu xuất hiện với các công ty như Elbit Systems Ltd. chuyên về chiến tranh điện tử và công nghệ tình báo, mặc dù có nằm trong khuôn khổ do nhà nước chỉ đạo.

Vai trò của liên đoàn lao động Histadrut cũng là một nhân tố đáng lưu ý trong tổ hợp công nghiệp quân sự Israel, đã tích hợp người lao động vào các công đoàn. Cho đến năm 1967, cơ sở công nghiệp quân sự của Israel vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, cụ thể là Pháp và Mỹ. Ở đây là một chiến lược kép, phương Tây mượn Israel để chống lại chủ nghĩa dân tộc Arab và chủ nghĩa Cộng sản trong thời Chiến tranh lạnh. Israel trở thành một đại diện khu vực phù hợp với lợi ích của phương Tây.

Từ năm 1967 đến thập niên 1980, Israel mở rộng và hiện đại hóa ngành quân sự của mình. Chiến tranh Arab - Israel năm 1973 khiến chi tiêu quân sự của Israel đạt mốc cao kỷ lục 31% GDP. Sang thập niên 1980, khoảng ½ nhân lực Israel đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngành công nghiệp quân sự.

Trong ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D), lĩnh vực quân sự nhận được 65% chi tiêu, trong khi các ngành công nghiệp dân sự chỉ thực nhận 13%. Khi liên minh Mỹ - Israel mạnh lên, Israel trở nên phụ thuộc vào mặt cấu trúc từ sự hậu thuẫn công nghệ và quân sự từ Mỹ. Giữa thập niên 1980, Israel chuyển sang nền kinh tế tân tự do. nhiều ngành công nghiệp từng do nhà nước kiểm soát đã về tay tư nhân. Tuy vậy, nhà nước Israel vẫn giữ quyền kiểm soát đáng kể trong các doanh nghiệp quân sự.

Trong kỷ nguyên hậu sự kiện 11/9, các công ty an ninh của Israel đã phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu những công nghệ đã được thử nghiệm qua chiến đấu, phù hợp với “Cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ tự dựng lên. Israel định hình lại hình ảnh là một chuyên gia về chiến tranh đô thị và các kỹ thuật chống khủng bố.

Hoa Kỳ: nhà bảo trợ quân sự hào phóng

Trọng tâm của mối quan hệ Mỹ - Israel là động lực bảo trợ khách hàng, trong đó Israel ủng hộ các lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông nhằm đổi lấy sự hậu thuẫn to lớn về kinh tế, quân sự và ngoại giao. Trọng tâm của mối quan hệ đối tác này là viện trợ của Mỹ hỗ trợ cơ sở hạ tầng quân sự của Israel. Từ năm 1949 đến năm 2022, Israel đã nhận hơn 158 tỷ USD ngân sách quân sự Mỹ, Gói viện trợ này chiếm phần lớn trong ngân sách Israel, bao gồm 3% tổng ngân sách nhà nước, 1% GDP của Israel, 20% ngân sách quốc phòng, 40% ngân sách quân đội, và gần như mọi ngân sách mua sắm. Viện trợ của  Mỹ thường tăng trong các cuộc khủng hoảng, như cuộc chiến ở dải Gaza từ năm 2023 đến nay. Những khoản viện trợ này thường được cung cấp thông qua Chương trình tài trợ quân sự hải ngoại (FMF) và nguồn tài trợ dự án chung của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Một khía cạnh độc đáo của gói viện trợ này là cho phép Israel chi từ 25 đến 30% khoản ngân sách để mua vũ khí nội địa, trong khi các nước khác bị bắt buộc phải mua vũ khí do Mỹ độc quyền sản xuất. Một báo cáo của quốc hội Mỹ giải thích về việc này nhằm “giúp chuyển đổi các lực lượng vũ trang Israel thành một trong những lực lượng quân sự tinh vi nhất thế giới về mặt công nghệ”. Một động lực khác trong chính sách viện trợ của Mỹ là duy trì Lợi thế quân sự chất lượng (QME) cho Israel nhằm đảm bảo ưu thế quân sự so với các nhân tố khác trong khu vực.

Sau năm 1967, chính quyền Nixon nhìn nhận Israel là một đối trọng quan trọng đối với chủ nghĩa toàn Arab cùng ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực, khiến Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Israel: năm 1968 là 360 triệu USD và đã vọt lên 800%  tức xấp xỉ 2,2 tỷ USD ngay đêm trước cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1973. Sang thời Reagan, ngài Tổng thống coi Israel là một đồng minh lớn ngoài NATO.

Mối quan hệ đối tác này là sự phụ thuộc cơ cấu của Israel vào công nghệ quân sự Mỹ, được thể hiện qua các dự án lớn như hệ thống tên lửa chống đạn đạo Arrow, chiến cơ Lavi, tăng Merkava, và hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, tất cả những thứ này đều kết hợp linh kiện do Mỹ sản xuất hoặc là những dự án sản xuất chung mà phần nhiều do Mỹ tài trợ. Năm 2016, thời Obama, hỗ trợ quân sự Mỹ cho Israel đã tăng từ 3,1 tỷ USD lên 3,8 tỷ USD (2019-2028), tổng cộng 38 tỷ USD. Khoản tài trợ này chiếm hơn 1/5 tổng ngân sách quốc phòng của Israel. Sự lệ thuộc này biến Israel thành bên tham gia cấp dưới trong phức hợp công nghiệp quân sự rộng lớn hơn của Mỹ.

Thực chiến để thử nghiệm vũ khí

Israel là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới các loại công nghệ gây chết người. Họ đã dùng chúng tại Gaza, Bờ Tây, Lebanon, và Syria, rồi xuất khẩu chúng dưới tem “đã được thử nghiệm trong chiến đấu”. Đã từ lâu Israel coi Gaza là một địa điểm thử nghiệm lý tưởng cho các công nghệ an ninh và quân sự. Sản phẩm chủ chốt của nền kinh tế chiến tranh Israel là các loại phương tiện bay không người lái (UAV hoặc Drone). Israel chiếm hơn 60% tổng xuất khẩu drone toàn cầu tính đến năm 2017.

Nhiều dự báo cho thấy đến năm 2025, các hệ thống không người lái sẽ chiếm 1/3 phần cứng quân sự của Israel. Sự phát triển công nghệ drone của Israel gắn liền với các thử nghiệm tại các vùng lãnh thổ Palestine. Drone được triển khai trong hầu hết các chiến dịch quân sự của Israel và do thám Gaza. 

Gaza đảm nhiệm vai trò kép trong nền kinh tế chiến tranh của Israel, mà đích cuối là phục vụ cho các mục đích hoạt động và thương mại. Đầu tiên, Gaza trở thành phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới về các hoạt động ám sát và giết người hàng loạt bằng drone. Thứ hai, Gaza đóng vai trò là một “phòng trưng bày” cho các công ty quân sự Israel nhằm cho phép họ mô tả về những sản phẩm mới của mình. Trong mọi cuộc tấn công của Israel nhằm vào Gaza giai đoạn 2008-2023 thì drone là trung tâm của chiến lược.

Các mô hình như Hermes của Elbit Systems và Heron Eitan của Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) được trang bị tên lửa tự dẫn đường. Mỗi cuộc tấn công ở Gaza đều là nền tảng để phát triển nên các loại drone mới, rồi cải tiến và bán chúng. Trong cuộc tấn công quân sự ở Gaza năm 2014, Israel đã sử dụng 900 drone Hermes khiến hơn 2000 người Palestine thiệt mạng bao gồm hơn 500 trẻ em.

Nền kinh tế chiến tranh của Israel -0
Tên lửa dẫn đường diệt tăng tiên tiến Spike của Israel được triển khai ở Gaza.

Xuất khẩu vũ khí như một biện pháp ngoại giao

Trong những thập niên gần đây, Israel đã nổi lên như là nhà xuất khẩu vũ khí lớn, bán từ  70% đến 80% các hệ thống quân sự của mình ra nước ngoài. Những mặt hàng xuất khẩu vũ khí này chiếm khoảng 25% tổng xuất khẩu công nghiệp của Israel, cho thấy vai trò quan trọng của chúng trong doanh thu và thương nghiệp đối ngoại. Giai đoạn 2014-2018, Israel là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới, chiếm 3,1% xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Doanh số bán vũ khí của Israel đã tăng trưởng ổn định nhất là sau Hiệp định Abraham năm 2020 dẫn đến việc mở rộng sang các thị trường Arab mới mẻ.

Xuất khẩu quân sự đạt mức cao kỷ lục, từ 11,3 tỷ USD (năm 2021) sang 12,5 tỷ USD (năm 2022) với một phần đáng kể doanh số bán cho các đối tác Arab. Bên cạnh đó ngày càng có nhiều công ty an ninh tư nhân do các cựu sĩ quan quân sự gây dựng. Những công ty này bao gồm Magal Security Systems, Ispra, Comverse, RADA Electronic Industries và Check Point, có trụ sở đặt ở Israel và nhiều chi nhánh đặt ở Mỹ và các nước khác.

Xuất khẩu vũ khí của Israel còn là một công cụ chiến lược trong chính sách đối ngoại, tập trung vào 2 mục tiêu chính: thúc đẩy bình thường hóa và tăng cường liên minh. Thứ nhất, xuất khẩu vũ khí là cách Israel dùng để mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt là các chính phủ trước đây tránh công khai ngoại giao với nhà nước Do Thái. Biểu hiện gần đây là thương mại, an ninh, quân sự của Israel với một số nước Arab vùng vịnh chuyển từ quan hệ bí mật sang quan hệ đối tác công khai thông qua Hiệp định Abraham. Thứ hai, Israel xuất khẩu vũ khí nhằm hỗ trợ các chế độ đồng minh đang đối mặt những thách thức nội bộ hoặc hiểm họa bên ngoài, phù hợp lợi ích địa chính trị của mình. Trong 2 thập niên 1970, 1980, các chính quyền quân sự ở Mỹ Latinh và Trung Mỹ là những nước nhận xuất khẩu quân sự của Israel.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.