Nhức nhối nạn buôn người ở Iraq
Đây chỉ là một trong số hằng trăm vụ truy bắt các đối tượng buôn bán người được đơn vị phòng chống buôn người của cảnh sát Iraq thực hiện. Người ngồi trong xe Toyota Landcruiser là Chuẩn tướng Wissam al-Zubaidi, Giám đốc đơn vị chống buôn người. Ông tự mình đóng giả làm người tìm mua phụ nữ để làm gái mại dâm. Tên buôn người thỏa thuận sẽ bán mỗi cô thiếu nữ với giá 5.000 USD cho Al-Zubaidi. Hắn không hay biết rằng ngay cả bản thân tài xế lái chiếc Kia chở hắn cũng là cảnh sát chìm.
Cuộc chiến dai dẳng
Kể từ khi Chuẩn tướng Al-Zubaidi được bổ nhiệm chức giám đốc cách đây một năm, ông đã chỉ đạo 115 vụ bắt giữ các đối tượng buôn người khác nhau. Đây quả là con số thật đáng nể, nhưng chính bản thân ông cũng thừa nhận rằng chúng còn quá ít so với vấn nạn buôn người đang hoành hành khắp Iraq. Kể từ năm 2003, Iraq đã là “thiên đường” cho những kẻ buôn người và “địa ngục” với phụ nữ.
Đại diện của một tổ chức phi chính phủ nhận xét với phóng viên hãng tin Al Jazeera: “Sự trinh trắng của một người phụ nữ ở Iraq liên quan trực tiếp đến danh dự và chỗ đứng trong xã hội của cô ta. Nhưng nguyên tắc là một chuyện, còn thực tế như thế nào lại khác. Có cả một hệ thống “bảo trợ” giữa các hộp đêm, nhà chứa, khách sạn và giới quan chức Iraq. Phải nhờ có “ô dù” thì những kẻ buôn người mới có giấy tờ tùy thân giả, được phép đưa các cô gái qua trạm kiểm soát, hay có được tin báo trước để mà tránh các cuộc truy bắt của cảnh sát”.
Đây cũng là vấn đề khiến cho tướng Al-Zubaidi lo lắng. Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống quân sự, ông là người có lòng tin vào sự công bằng của pháp luật. Vị chuẩn tướng từng công khai phát biểu sẽ bắt cả cấp trên nếu họ nhúng chàm. Vấn đề là đơn vị của ông có quá ít nguồn lực: “Chúng tôi chỉ có tám sỹ quan và hơn chục người khác làm các công việc hỗ trợ. Từng đấy nhân lực lại phải quản lý nửa phía Tây của Bagdhad với dân số hàng triệu người”.
Để truy lùng được những kẻ buôn người là cả một quá trình gian nan. Các nạn nhân hiếm khi trình báo lên cảnh sát, phần vì sợ bị trả thù, phần do áp lực từ xã hội bảo thủ áp đặt lên những người hành nghề mại dâm. Al-Zuibaidi và cộng sự thường xuyên phải giả làm khách mua dâm liên lạc với những kẻ buôn người qua mạng xã hội. Họ phải tìm mọi cách để trở thành bạn bè với những tên buôn người, tạo được lòng tin nơi chúng.
Theo tướng Al-Zubaidi, “ngưỡng cửa” đầu tiên là thuyết phục được tên ma cô gửi ảnh những cô gái qua điện thoại. Những bức ảnh này sẽ là bằng chứng quan trọng để cảnh sát lập hồ sơ khởi tố đối tượng. Làm được việc đó cũng có nghĩa cảnh sát đã có thể bắt đầu “giăng lưới” quanh đối tượng.
Những mảnh đời bị chà đạp
Noor là một trong số nhiều cô gái Iraq được đơn vị chống buôn người giải cứu. Cả hai đều là nạn nhân của những tục lệ cổ hủ ở Iraq. Noor sinh ra tại thành phố Najaf trong một gia đình bộ tộc có quyền lực ở địa phương. Giống như bà, mẹ và các dì của mình, Noor gần như bị “giam lỏng” trong nhà. Năm cô bé 9 tuổi, Noor đang đi học về thì gặp người thanh niên hàng xóm. Hai người không biết rằng việc họ chào nhau đã gây ra cả một “cơn bão” với hai dòng họ.
Noor kể lại: “Gia đình tôi không thể chấp nhận được việc tôi nói chuyện với đàn ông không cùng họ. Hai dòng họ gặp nhau, và rồi họ quyết định chúng buộc phải lấy nhau. Tôi còn nhớ bố tôi nói rằng tôi sẽ phải sống chết với anh ấy, và tôi không bao giờ được về nhà nữa”.
Các bi kịch như trường hợp của Noor không phải là hiếm. Chỉ vì nhằm bảo vệ “danh dự” của mình mà các gia đình sẵn sàng “hy sinh” con gái họ. Rất nhiều thiếu nữ bị trói buộc vào những cuộc hôn nhân không có giấy giá thú vì họ chưa đủ 18 tuổi để kết hôn theo đúng luật. Cũng vì hôn nhân phạm pháp mà phụ nữ Iraq thường xuyên là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, 46% phụ nữ Iraq đã hoặc đang chịu sự tra tấn về thể xác, tinh thần và tình dục do chồng gây ra.
Sau khi Noor lấy chồng, cô trở thành người hầu cho gia đình chồng. Họ cũng đối xử với cô không khác gì con ở, thẳng tay đánh đập, chửi mắng cô thậm tệ. Khi không thể chịu đựng thêm được nữa, Noor bỏ nhà lên Baghdad. Cô đến ngôi đền Imam Kadhim linh thiêng nhằm tìm một nơi lánh nạn. Cô thuật lại với phóng viên hãng tin RT: “Buổi chiều hôm đó trời mưa tầm tã. Tôi đứng trú mưa ở vệ đường mãi, không muốn đi nhưng cũng chẳng muốn ở. Một người đàn bà lạ mặt lại gần nói với tôi là sẽ cho tôi ở tạm nhà bà ta cho đến khi bố mẹ tôi lên Baghdad đón. Tôi mừng quá nên đi theo bà ta luôn”.
Noor không hề biết rằng mình đã sập bẫy những kẻ buôn người. Cô bị đưa đến thành phố Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở phía Bắc Iraq. Noor cùng một số cô gái khác bị bán cho một chủ nhà chứa và buộc phải hành nghề mại dâm. Nếu họ từ chối phục vụ khách thì sẽ bị đánh đập và bỏ đói. Noor từng chứng kiến một cô gái dùng mẩu dao cạo cứa cổ mình vì bị hành hạ “thừa sống thiếu chết”.
Bà Janat al-Ghazi, một nhà hoạt động nữ quyền ở Iraq, cho biết: “Các đối tượng buôn người hay nhắm đến những cô gái trẻ nghèo khó hoặc vô gia cư. Họ hứa hẹn sẽ cho nạn nhân chỗ ở hay công việc, rồi sau đó cưỡng hiếp họ. Họ luôn dùng lý lẽ rằng người phụ nữ đã bị “vấy bẩn”, cô ta không còn cách nào nữa ngoài việc phải sống bằng nghề mại dâm… Chính các quy định, giáo điều quá hà khắc cùng hoàn cảnh khó khăn khiến nhiều phụ nữ Iraq thiếu nhận thức và dễ bị mắc bẫy những kẻ buôn người”.
Ở Iraq, phụ nữ nào hành nghề mại dâm có thể chịu mức án cao nhất là tù chung thân. Dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, hình phạt có thể lên đến mức xử tử, nhưng sau này mức phạt được giảm xuống. Luật pháp hà khắc như vậy nhưng lại hoàn toàn không chống được nạn mại dâm. Một trong các nguyên nhân chính là sự tiếp tay từ bên trong bộ máy nhà nước. Noor từng bị đưa sang tận Dubai để tiếp khách.
Một vị quan chức hải quan đã cấp hộ chiếu giả cho cô và tên ma cô dắt gái để họ đóng giả làm vợ chồng. Theo các nạn nhân khác, tất cả các nhà chứa, hộp đêm và vũ trường ở Iraq đều nhận được sự “che chở” từ quan chức. Chỉ mới đây thôi một phóng viên tờ Al Zaman đã xâm nhập vũ trường trong khách sạn Masaya ở Erbil để chụp được ảnh hàng loạt các quan chức dân sự và cảnh sát “cặp kè” với những cô gái điếm.
Thất bại và tuyệt vọng
Bà Janat al-Ghazi và những nhà hoạt động nữ quyền khác tại Baghad thường xuyên tổ chức tuần tra khu phố đèn đỏ Bataween. Nơi này từng là thị trấn ngoại ô bị ngăn cách với vùng nội đô bằng một dòng sông. Nay nó là trung tâm mại dâm, ma túy và tội phạm của Iraq. Ở hai đầu con phố tại Bataween đều đặt trạm gác, nhưng cảnh sát không bao giờ động đến những đối tượng tội phạm, miễn là chúng không vượt khỏi “biên giới” khu phố. Các nhà hoạt động nữ quyền phải luôn phải ngồi trong ô tô. Họ chỉ bước xuống đường là đã có thể gặp nguy hiểm.
Bà Al-Ghazi giải thích: “Chính quyền đã nhiều lần công khai rằng sẽ tìm cách dẹp bỏ Bataween, nhưng cuối cùng thì cũng “lời nói gió bay”. Không tháng nào tôi không nghe được tin rằng có một tên ma cô bị cảnh sát bắt rồi lại thả ra. Bộ máy pháp luật Iraq hoàn toàn không muốn đưa những kẻ này ra ánh sáng vì sợ “ô dù” của chúng”.
Tướng Wissam al-Zubaidi chia sẻ sự bất mãn với nhà hoạt động nữ quyền: “Tòa án Iraq vẫn còn sử dụng những phương pháp đã lạc hậu để lấy bằng chứng. Từng có hai trường hợp nạn nhân có cơ quan sinh dục bị thủng do chịu bạo hành tình dục. Ở những quốc gia khác, điều này đã cấu thành bằng chứng, ở tại Iraq người ta còn phải tìm thấy dấu vết của tinh trùng trong người phụ nữ thì mới được. Tôi đếm không xuể những tên buôn người thoát tội vì “thiếu bằng chứng” kể cả khi chúng tôi đã lập hồ sơ đầy đủ”.
Trường hợp của Noor may mắn phần nào vì kẻ buôn người đã bị kết án. Nhưng cô tiếp tục chịu dày vò nhiều tháng liền vì lo cho đứa con trai của mình. Ngay sau khi Noor sinh con, tên chủ nhà chứa đã mang con của cô đi và đe dọa sẽ giết nó nếu như cô tìm cách bỏ chạy. Đơn vị chống buôn người biết được nơi đứa trẻ bị giam giữ, nhưng họ phải mất đến chín tháng để thu xếp với phía khu tự trị để đưa con trai của Noor đoàn tụ với mẹ. Những tranh chấp về lãnh thổ, tài nguyên và chính trị giữa Baghdad và Erbil khiến cho cảnh sát hai bên khó mà hợp tác với nhau, tạo thêm một lỗ hổng nữa cho các đối tượng buôn người.
Vấn đề lớn nhất mà những nạn nhân buôn người phải đối mặt là xây dựng cuộc sống của họ từ đầu giữa các định kiến của xã hội. Đa số không dám liên lạc lại với gia đình vì sợ bị chính cha mẹ mình hành hung. Họ cũng không thể mong chờ bất kỳ sự hỗ trợ gì về nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, v.v… từ chính quyền hay cộng đồng.
Bà Al-Ghazi giải thích: “Chúng tôi đã tính toán rằng trong trường hợp tổ chức có đủ nguồn lực, chúng tôi có thể giúp một cô gái tạm thời ổn định lại cuộc sống sau một năm rưỡi. Vấn đề là chúng tôi không bao giờ có đủ nguồn lực… Nhiều nạn nhân đã phải quay trở lại nghề mại dâm vì đó là cách kiếm tiền duy nhất xã hội còn cho phép họ làm”.