Những dự án quân sự kỳ lạ ở Bắc Cực
Trong những năm gần đây Bắc Cực đã trở thành thỏi nam châm thu hút không ít sự lo lắng về biến đổi khí hậu khi các nhà khoa học hồi hộp theo dõi lớp băng Greenland để tìm thấy dấu hiệu về sự tan chảy cùng nỗi lo lắng về suy thoái môi trường tràn lan. Song không phải luôn như vậy.
Vào lúc đỉnh cao của thời Chiến tranh lạnh trong thập niên 1950, khi nỗi hãi sợ về Ngày tận thế hạt nhân bao trùm lên các công dân Mỹ và Châu Âu, các nhà khoa học và kỹ sư đã nhìn thấy khu vực Bắc Cực rộng lớn là nơi có tiềm năng vô hạn nhằm tạo ra một tương lai mới đầy táo bạo. Greenland nổi lên như một nơi hấp dẫn nhất cho nghiên cứu của họ.
Xử lý rác thải hạt nhân ở Greenland
Karl và Bernhard Philberth, những nhà vật lý và linh mục thụ phong, cho rằng lớp băng của Greenland là nơi lưu trữ chất thải hạt nhân hoàn hảo. Đầu tiên họ sẽ tái chế nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng để các hạt nhân tồn tại lâu dài sẽ được tái chế. Những thứ còn lại (chủ yếu là các chất phóng xạ tồn tại trong thời gian ngắn) sẽ được nung chảy thành thủy tinh hoặc gốm và được bọc một lớp chì để thuận tiện cho việc vận chuyển.
Hai ông đã tưởng tượng ra hàng triệu quả bóng thuốc phóng xạ có đường kính khoảng 16 inch phát tán trên một khu vực lớp băng nhỏ (khoảng 300 dặm vuông) cách xa bờ biển. Vì những quả bóng này rất bức xạ và đủ ấm nên nó sẽ tan chảy khi đi vào lớp băng, mỗi quả cầu có năng lượng ít hơn một chút so với 20 bóng đèn sợi đốt 100watt - một bước nhảy vọt hợp lý từ chuyên môn của ông Karl Philberth trong việc thiết kế các mũi khoan băng nóng, nó hoạt động bằng cách làm tan chảy lớp băng. Hy vọng là vào thời điểm băng mang theo những quả bóng nổi lên ở bờ biển từ hàng ngàn hoặc hàng vạn năm sau đó thì sự bức xạ sẽ phân rã hết.
Lẽ dĩ nhiên, kế hoạch này vẫn còn nhiều điều chưa biết và đã dẫn đến nhiều cuộc thảo luận sôi nổi tại các hội nghị khoa học khi nó được trình bày - ví dụ điều gì sẽ xảy ra nếu những quả bóng phóng xạ bị nghiền nát hoặc bị cuốn vào dòng nước tan chảy gần chân các tảng băng? Và liệu các quả bóng bức xạ có làm ấm băng đến mức khiến nó tan chảy nhanh hơn ở đáy, đẩy nhanh chuyến đi của những quả bóng đến bờ biển? Song những thách thức về hậu cần, hoài nghi khoa học và chính trị đã nhấn chìm dự án.
Việc sản xuất hàng triệu quả bóng thủy tinh phóng xạ vẫn chưa khả thi, còn người Đan Mạch (thời kỳ đó họ đang kiểm soát Greenland) chưa từng muốn cho phép xử lý chất thải hạt nhân trên hòn đảo mà họ coi là thuộc về mình. Một số người hoài nghi hoặc thậm chí lo lắng rằng biến đổi khí hậu làm tan băng. Gia đình Philberths đã đến thăm tảng băng và công bố nhiều bài báo khoa học về giấc mơ rác thải hạt nhân của họ.
Tàu đệm khí trên băng
Trí tưởng tượng quân sự Bắc Cực đã có từ trước Chiến tranh lạnh. Năm 1943, trí tưởng tượng đó đã tạo ra Kee Bird: một sinh vật huyền thoại. Một bản mô tả ban đầu về nó đã xuất hiện trong một bài thơ của Học viện hàng không Warren M. Kniskern và được công bố trên tạp chí Yank, tạp chí hàng tuần của quân đội Mỹ dành cho những người lính nhập ngũ. Loài chim này chế diễu những người đàn ông trên khắp Bắc Cực bằng tiếng kêu của nó: “Kee-Kee-Keerist” (Lạnh quá!). Tên của nó được dùng rộng rãi. Nổi tiếng nhất là oanh tạc cơ B-29 được mang tên Kee Bird đã cất cánh từ Alaska để bay về hướng Bắc Cực, nhưng nó bị lạc đường và rơi xuống một hồ nước đóng băng ở Greenland vào năm 1947 vì hết nhiên liệu. Vào giữa thập niên 1990 đã có một kế hoạch đầy tham vọng là trục vớt nguyên vẹn chiếc máy bay ra khỏi hồ băng, song vì sự cố hỏa hoạn đã phá hỏng kế hoạch. Nhưng dòng dõi Kee Bird không hề tuyệt chủng.
Năm 1959, tờ Detroit Free Press đăng dòng tít “Chiếc Keebird điên rồ không thể cất cánh bay” đã đưa tin rằng quân đội Mỹ đang cho thử nghiệm một loại xe trượt tuyết mới. Chiếc Keebird này không phải là một cỗ máy bay mà là một quái vật lai giữa xe trượt tuyết / máy kéo / máy bay có thể rút ngắn quãng thời gian di chuyển qua lớp băng gấp 10 lần hoặc hơn. Không giống như những cỗ máy tương tự của thập niên 1930, được phát triển ở vùng đồng bằng Bắc Mỹ và Nga có trang bị ván trượt ngắn, thân hình hộp và cánh quạt đẩy chúng, phiên bản mới một cánh quạt được chế tạo để đạt tốc độ tuyệt đối. Nguyên mẫu đạt tốc độ 40 dặm/giờ tại cơ sở thử nghiệm của quân đội Mỹ đặt tại Houghton (Michigan) nhờ lớp phủ Teflon “gần như chống ma sát” trên ván trượt dài khoảng 7,6m và động cơ máy bay 300 mã lực làm quay cánh quạt.
Mục tiêu là để máy bay đạt tốc độ 70 dặm/giờ, song sau một số lần thử nghiệm không thành công, và chỉ có duy nhất 1 bài báo đăng về nó được viết bởi Jean Hanmer Pearson, phi công thời Thế chiến II trước khi trở thành nhà báo và là một trong những người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên Nam Cực. Phiên bản của Liên Xô được gọi là “Xe trượt băng trên không” có thân ngắn, chắc chắn và được trang bị vũ khí dùng để chiến đấu ở Bắc Cực. Không có hồ sơ nào của quân đội Mỹ ghi chép việc Keebird mang theo vũ khí. Năm 1964, quân đội Mỹ thử nghiệm một loạt họ hàng xa của Keebird ở Greenland. Chiếc Carabao (bay lơ lửng trên mặt đất và trên mặt nước (hoặc tuyết) trên một cái đệm khí) đã được chế tạo bởi Hãng Bell Aerosystems và được thử nghiệm trước đó ở những địa điểm nhiệt đới bao gồm Nam Florida. Nó chở theo 2 người và hàng hóa nặng 453,5 kg, đạt tốc độ bay tối đa 100 dặm/giờ.
Chiếc xe đệm khí lướt qua những khe nứt nhưng bị mắc kẹt ngay cả khi bởi những cơn gió vừa phải, một hiện tượng quá phổ biến trên tảng băng. Không có gì phải ngạc nhiên khi Carabao (tên của loài trâu nước Philippines) đã chứng minh là không phù hợp cho việc di chuyển trên băng. Bất chấp mọi suy nghĩ trăn trở, tàu đệm khí vẫn chưa được sử dụng cho mục đích du hành và nghiên cứu ở Bắc Cực.
Tuyến đường sắt ngầm dưới Greenland
Năm 1956, Colliers - một tạp chí hàng tuần từng được hàng triệu người Mỹ đọc - đã xuất bản một bài báo mang nhan đề “Địa đạo ngầm dưới mũ băng”. Đó là một báo cáo giật gân về các hoạt động quân đội Mỹ ở Greenland và mở đầu bằng bức ảnh một người lính nhập ngũ đang cầm một chiếc cuốc. Đằng sau anh ta là một địa đạo dài 76m phần lớn được đào bằng tay và được chiếu sáng bằng đèn lồng, thăm dò lớp băng Greenland. Colliers còn đăng tải một tấm bản đồ đơn giản và một hình cắt kiểu cách cho thấy một tuyến đường sắt tưởng tượng cắt ngang qua phía Tây Bắc Greenland. Nhưng địa đạo băng của quân đội Mỹ chỉ dài vài chục mét từ nơi chúng bắt đầu: bị xâm nhập bởi những bức tường băng mỏng manh và lớp băng mới trườn vào bên trong mỗi năm vài mét đã đóng chặt địa đạo như một vết thương đang lành. Tuyến địa đạo mãi chưa hình thành. Điều đó không ngăn cản được quân đội Mỹ đề xuất dự án “Trùng Băng”: một kế hoạch tuyệt mật có thể đại diện cho sự kỳ lạ tột độ.
Theo đó một mạng lưới địa đạo sẽ chạy về phía Bắc Greenland nằm bên dưới một khu vực có diện tích bằng tiểu bang Alabama. Hàng trăm tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân sẽ lăn qua các địa đạo bằng tàu hỏa, xuất hiện tại các điểm bắn và nếu cần sẽ đáp trả hành động hung hăng xâm lược của Liên Xô bằng cách tiêu diệt nhiều mục tiêu của Đông Âu. Greenland nằm gần Châu Âu hơn Bắc Mỹ, cho phép phản ứng chiến lược nhanh chóng, và băng tuyết sẽ cung cấp lớp phủ và bảo vệ chống nổ. Trùng Băng sẽ là một cái vỏ sò khổng lồ dưới tuyết mà quân đội Mỹ sẽ cung cấp năng lượng bằng các lò phản ứng hạt nhân di động. Quân đội Mỹ đã thuê công ty xây dựng Spur and Siding của thành phố Detroit để khảo sát và định giá tuyến đường sắt. Một báo cáo hoàn chỉnh đề năm 1965 với các bản đồ nhà ga và đường ray phụ nơi các tàu sẽ đi qua khi không sử dụng.
Báo cáo kết luận rằng các nhà thầu có thể xây dựng tuyến đường sắt dài 22 dặm trên mặt đất và 138 dặm bên dưới lớp băng với tổng kinh phí 47 triệu USD (hoặc tương đương 470 triệu USD theo thị giá ngày nay). Công ty Spur and Siding đề xuất các đầu máy xe lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân vì chúng giảm rủi ro nhiệt từ các động cơ diesel tan chảy các địa đạo đóng băng. Rốt cục Dự án Trùng Băng chỉ là một toa tàu với đường ray dài 396 m và một xe tải quân sự bị bỏ hoang trên bánh răng đường ray.
Bê tông băng giá
Tính cách phân đôi của đất đóng băng vĩnh cửu của Bắc Cực khiến các kỹ sư quân đội Mỹ hết sức thất vọng. Khi đóng băng vào mùa Đông, nó tương đối ổn định nhưng rất khó đào. Vậy nhưng khi sang Hè, dưới ánh nắng mặt trời 24 giờ, 1 hoặc 2 m đất băng trên cùng sẽ tan chảy tạo ra một vùng lầy lội khiến con người và phương tiện không thể vượt qua. Khi đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy dưới đường băng, mặt đường cong vênh và ổ gà hình thành có thể làm hỏng bánh đáp. Quân đội Mỹ phản ứng bằng cách sơn đường băng Bắc Cực sang màu trắng để phản chiếu ánh nắng mùa Hè, đồng thời giữ cho lớp đất đóng băng vĩnh cửu bên dưới luôn mát mẻ (song có một thực tế là lớp sơn đường băng đã làm giảm khả năng phanh của máy bay).
Luôn trong tâm thế lạc quan, các kỹ sư quân đội đã đưa ra cái nhìn tích cực hơn về đất đóng băng vĩnh cửu. Bằng cách tận dụng các vật liệu sẵn có ở Bắc Cực (nơi chi phí vận chuyển cực kỳ cao), họ đã tạo ra một phiên bản đất đóng băng vĩnh cửu mới mà họ đặt tên là “Permacrete” (sự kết hợp của 2 từ băng vĩnh cửu và bê tông). Đầu tiên, họ trộn một lượng nước và đất khô tối ưu. Tiếp đó sau khi cho phép trộn chất rắn đóng băng vào khuôn, họ đã làm dầm, gạch, lớp lót đường hầm và thậm chí cả một cái ghế. Nhưng Permacrete chưa bao giờ được ưa chuộng làm vật liệu xây dựng vì chỉ cần một ngày nắng ấm cũng đủ làm cho một công trình xây dựng kiên cố hóa thành vũng bùn.
Trại Thế Kỷ
Giấc mơ Bắc Cực đầy tham vọng nhất của quân đội Mỹ đã biến thành sự thật. Năm 1959, các kỹ sư bắt đầu xây dựng Trại Thế Kỷ hay tên gọi khác là “Băng Thành”. Một con đường băng dài 138 dặm dẫn đến Trại nơi cách rìa tảng băng khoảng 100 dặm vào đất liền. Gần một dặm băng thẳng đứng ngăn cách Trại với đá và đất bên dưới. Trại Thế Kỷ có hàng tá chiến hào khổng lồ, mỗi chiến hào dài hàng trăm mét, tất cả được khoét vào tảng băng những chiếc xe cày tuyết khổng lồ rồi được phủ lên bằng các mái vòm kim loại cùng một lớp tuyết dày. Bên trong là những phòng ngủ tập thể được sưởi ấm cho hàng trăm người, một phòng ăn và một nhà máy điện hạt nhân di động. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên thuộc loại này đã cung cấp vòi sen nước nóng không giới hạn cùng rất nhiều điện. Nhưng Trại đã tồn tại trong thời gian ngắn. Không đầy 10 năm, băng tan đã nghiền nát Trại Thế Kỷ, song trước đó các nhà khoa học và kỹ sư đã thực hiện khoan lõi băng sâu đầu tiên mà cuối cùng đã xuyên qua toàn bộ độ dày của lớp băng Greenland.
Năm 1966, tại Trại Thế Kỷ, các nhà khoa học đã khoan được hơn 3,3 m đất đóng băng từ bên dưới băng. Có rất ít nghiên cứu, đất của Trại Thế Kỷ đã bốc hơi vào đầu thập niên 1990, nhưng nó được tái khám phá bởi các nhà khoa học Đan Mạch vào cuối thập niên 2010, và cất giữ an toàn ở Copenhagen. Những mẫu vật đã hé lộ rằng đất băng có chứa nhiều hóa thạch thực vật và côn trùng, một bằng chứng rõ ràng cho thấy phần lớn Greenland không hề bị đóng băng cách đây khoảng 400.000 năm, khi Trái đất có nhiệt độ gần bằng ngày nay nhưng trong khí quyển có không đầy 30% carbon dioxide.
Trong nửa thế kỷ kể từ khi Trại Thế Kỷ sụp đổ, sự nóng lên của toàn cầu đã bắt đầu làm tan chảy một lượng lớn băng Greenland. 10 năm qua là thời kỳ ấm nhất trong lịch sử, và mỗi năm lớp băng ngày một teo lại. Thực tế này khác xa so với những người thời Chiến tranh lạnh khi từng mơ mộng tương lai sẽ chìm trong băng giá.