Những đứa trẻ bị đánh cắp

Thứ Tư, 10/01/2024, 10:51

Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, những kẻ môi giới trẻ em thường thuyết phục phụ nữ Maya bản địa từ bỏ trẻ sơ sinh trong khi những kẻ bắt cóc “hô biến” những đứa trẻ đó. Những em bé sau đó sẽ được trao tay cho những người hiếm muộn, nhận con nuôi ở các nước phương Tây. Giờ đây, việc nhận con nuôi quốc tế đang được coi là một cách che đậy tội ác chiến tranh.

Câu chuyện của Preat

Năm 2009, Dolores Preat (tên nhân vật đã thay đổi) đi tìm mẹ ruột của mình. Preat được một gia đình Bỉ nhận nuôi khi mới 5 tuổi vào năm 1984. Giấy tờ nhận con nuôi của bà ghi nhận mẹ ruột của bà là Rosario Colop Chim, người gốc gác ở một khu vực từng bị tàn phá trong cuộc nội chiến Guatemala từ năm 1960 đến năm 1996.

Preat đặt vé máy bay tới Guatemala. Mặc dù không nói được tiếng K’iche’ và chỉ biết một chút tiếng Tây Ban Nha nhưng Preat đã lần theo dấu vết đến tận nhà của bà Colop Chim ở Zunil, thị trấn nhỏ nằm trong thung lũng xanh dưới chân một ngọn núi lửa. Zunil có nghĩa là “còi sậy” trong ngôn ngữ Maya bản địa K'iche' và dân số của thị trấn gần như hoàn toàn là người bản địa. Khi Preat đến, bà Colop Chim không có ở nhà, chỉ có chị gái bà. Người chị bối rối, cho biết bà Colop Chim chưa bao giờ cho con nuôi. Ai đó đã bắt cóc con bà vào năm 1984.

Những đứa trẻ bị đánh cắp -0
Một gia đình Mỹ nhận cậu bé người Guatemala làm con nuôi.

Preat băng qua đường và gặp một người phụ nữ trạc tuổi với khuôn mặt rất quen, giống hệt khuôn mặt của mình. Người phụ nữ gọi điện cho mẹ và người mẹ kể lại vụ bắt cóc trong nước mắt. Sau đó, họ đoàn tụ và Preat kể cho họ nghe về việc nhận con nuôi. Các dì và cậu của Preat cũng đến và một người trong số họ nói rằng khi nhìn thấy Preat, ông đã cảm nhận được tình máu mủ ruột thịt. Xét nghiệm DNA xác nhận ngay những gì Preat đã cảm thấy. Người phụ nữ có khuôn mặt quen thuộc chính là chị gái bà, còn mẹ của người phụ nữ đó chính là mẹ ruột của Preat. Hóa ra, Rosario Colop Chim hoàn toàn không phải là mẹ ruột của Preat mà là kẻ bắt cóc bà.

Gia đình ruột của Preat phải mất một thời gian mới tổng hợp được toàn bộ câu chuyện. Thì ra, sau khi đánh cắp đứa con của hàng xóm, Colop Chim đã đóng giả làm mẹ ruột của đứa bé để ký vào đơn đồng ý nhận con nuôi. Khi bắt cóc Preat, bà ta đã đóng vai trò là một jaladora, hay còn gọi là “nhà môi giới trẻ em” - một người được các luật sư ở Guatemala thuê để cung cấp trẻ sơ sinh làm con nuôi. Tất nhiên, quá trình này phải diễn ra với sự đồng ý của cha mẹ đứa bé. Nhưng, trên thực tế, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.

Sau khi Preat bị bắt cóc, cha mẹ cô chạy khắp nơi tìm kiếm con gái mình, trong bệnh viện và trang trại gần đó. Họ không báo với cảnh sát về vụ bắt cóc vì kẻ bắt cóc đã để lại lời đe dọa sẽ giết họ nếu họ báo cảnh sát.

Vào giữa những năm 1980, Guatemala đang trải cuộc nội chiến kéo dài, trong đó ước tính khoảng 200.000 dân thường - hơn 3/4 trong số đó là người Maya bản địa - đã bị lực lượng chính phủ, quân đội và cảnh sát tàn sát. Các nhà xã hội học và sử học hiện nay thường coi thời kỳ này là thời kỳ khủng bố nhà nước hơn là nội chiến. Hàng trăm trẻ em bị lực lượng chính phủ “đánh cắp” đã được đưa vào các tổ chức nhận con nuôi quốc tế.

Preat đã khởi kiện Colop Chim ra tòa án ở Guatemala và các phiên điều trần bắt đầu vào năm 2015, 6 năm sau khi bà tìm kiếm mẹ ruột của mình. Các luật sư của Preat lập luận rằng, đây không chỉ là một vụ bắt cóc đơn giản. Preat đã “mất tích” - tội ác điển hình nhất ở Mỹ Latinh. Bên công tố lập luận rằng việc cưỡng bức mất tích cấu thành một tội ác đang diễn ra vì nỗi đau khổ và sự bất an mà gia đình Preat đã phải trải qua hằng ngày kể từ vụ bắt cóc và vì sự hiểu lầm lâu dài của chính nạn nhân về danh tính của mình.

Luật sư của Preat cho rằng, chiến lược pháp lý này là một cách để kết án tội phạm chiến tranh. Năm 2015, Colop Chim bị kết án 15 năm tù. Mặc dù tội ác của bà ta không phải là duy nhất nhưng hàng loạt sự kiện đã đủ cấu thành tội phạm và hình phạt tương xứng. Preat biết được sự thật nhờ kẻ làm jaladora sống đối diện với gia đình ruột thịt của bà.

Nhập nhằng giữa hợp pháp và phi pháp

Preat là một trong số khoảng 40.000 người Guatemala được nhận làm con nuôi quốc tế hiện đang sống ở Mỹ, Canada và châu Âu. Làn sóng nhận con nuôi đầu tiên diễn ra từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1980. Thụy Điển và Canada là những điểm đến phổ biến ban đầu. Không lâu sau đó, các nước châu Âu khác bao gồm Pháp, Vương quốc Anh, Bỉ, Hà Lan và Italy cũng tham gia.

Làn sóng thứ hai, bắt đầu vào những năm 1980, đưa những trẻ em con nuôi sang Mỹ. Một số trẻ em con nuôi Guatemala đến từ các trại trẻ mồ côi, nhưng nhiều trẻ em được nhận nuôi thông qua các tổ chức tư nhân. Các cơ quan ở châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng trực tiếp với luật sư ở Guatemala để tìm trẻ em, ghép chúng với gia đình và làm tất cả các thủ tục giấy tờ mà không có sự giám sát của tòa án.

Hệ thống này phát sinh chi phí rất lớn. Tổng chi phí nhận con nuôi từ mức tương đương 3.500 USD cho mỗi đứa trẻ khi việc nhận con nuôi lần đầu tiên được tư nhân hóa vào năm 1977 và tăng lên tới 45.000 USD trong những năm sau đó. Bất chấp chi phí, việc nhận con nuôi tư nhân phổ biến hơn so với việc nhận con nuôi từ các trại trẻ mồ côi vì chúng nhanh hơn và cha mẹ nuôi có thể chọn lựa đứa trẻ mà họ muốn thay vì dựa vào “nguồn cung” thường là những đứa trẻ lớn hơn ở các trại trẻ mồ côi. Jaladoras thường được giao nhiệm vụ tìm kiếm những đứa trẻ nhỏ nhất có thể hoặc lý tưởng nhất là liên hệ với phụ nữ mang thai để đăng ký cho trẻ sơ sinh trước khi sinh.

Những đứa trẻ bị đánh cắp -0
Những đứa con nuôi tìm về cội nguồn ở Guatemala.

Vào giữa những năm 2000, Guatemala đã vượt qua các quốc gia “nguồn cung” khác, vượt lên đứng thứ hai trên thế giới về số trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép tư nhân hóa hoàn toàn việc nhận con nuôi từ năm 1977 đến năm 2008. Ở đỉnh điểm bùng nổ làn sóng nhận con nuôi, cứ 100 trẻ em sinh ra ở Guatemala thì có 1 đứa trẻ được đưa đi làm con nuôi với một gia đình ở nước ngoài.

Guatemala thường được coi là điển hình xấu nhất khi việc nhận con nuôi bị thương mại hóa và trẻ em được gửi từ các nước nghèo đến các nước giàu hơn. Những vụ bắt cóc trắng trợn như của Preat rất hiếm nhưng những kiểu lạm dụng khác lại rất phổ biến. Trong một số trường hợp, phụ nữ bị gây áp lực phải từ bỏ đứa trẻ hoặc phải ký vào giấy tờ mà họ không hiểu nội dung nói gì, hoặc họ bị tiếp cận khi đang mang thai về việc liệu họ có muốn từ bỏ một đứa trẻ hay không. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp ghi nhận về việc phụ nữ được trả một khoản tiền nhỏ để họ giao con - điều này là bất hợp pháp. Mặc dù có nhiều bằng chứng ngay từ những năm 1980 về tham nhũng và lạm dụng, việc nhận con nuôi quốc tế vẫn chưa trở thành bất hợp pháp ở Guatemala cho đến tận năm 2008. Những kẻ môi giới trẻ em đã làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau như Haiti, Hàn Quốc, Ethiopia và Campuchia, đặc biệt phổ biến ở Guatemala.

Đúng là, theo luật Guatemala và luật pháp quốc tế, người mẹ đẻ phải đồng ý giao đứa con của mình cho người nhận làm con nuôi thì mới được xem là hợp pháp. Nhưng, trong bối cảnh áp lực kinh tế cực độ và sự bất bình đẳng, điều gì tạo nên sự đồng ý của các bà mẹ sinh con lại không hề rõ ràng.

Vì các luật sư hoạt động trong giới giàu có nên họ giao công việc tìm con cho những phụ nữ như Colop Chim, đôi khi trả cho họ 500 USD hoặc hơn cho mỗi đứa trẻ. Linares Beltranena - một đầu mối tư nhân cung cấp trẻ em làm con nuôi ở Guatemala cho biết, những bà mẹ sinh con mà các jaladoras tìm đến thường nghèo và việc mang thai của họ thường là ngoài ý muốn nên họ sẵn sàng cho đứa trẻ làm con nuôi. Nhiều phụ nữ mà họ tiếp cận đã có con nhỏ và họ đang phải vất vả để nuôi con. Điều họ quan tâm nhất chính là cuộc sống của đứa trẻ ở nhà cha mẹ nuôi tương lai có tốt hay không.

Có những trường hợp trẻ sơ sinh bị đánh cắp ở bệnh viện, thường là ở các vùng nông thôn, người mẹ bị đánh tráo con và được y tá vốn là một jaladora thông báo rằng con bà đã chết ngay khi sinh. Họ dối gạt rằng đã chôn cất đứa bé và không cho bà nhìn thấy thi thể.

Vai trò của nước Mỹ

Nước Mỹ đã biết đến vấn đề gian lận trong việc nhận con nuôi ngay từ những năm 1980. Năm 1996, Duke Lokka, khi đó là Giám đốc Bộ phận di trú và dịch vụ công dân Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Guatemala, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng các luật sư nhận con nuôi thường xuyên làm giả giấy tờ, thường là bằng cách liệt kê sai tên của mẹ ruột để cho phép một người phụ nữ khác - như Colop Chim - “bỏ rơi” đứa trẻ. Để giảm thiểu tình trạng gian lận, Chính phủ Mỹ bắt đầu yêu cầu các bà mẹ sinh con phải đến Đại sứ quán ở Guatemala City để phỏng vấn. Nhưng, khác biệt về ngôn ngữ đã làm cho các cuộc phỏng vấn không phải lúc nào cũng đáng tin cậy - đặc biệt là vì đại sứ quán dựa vào các thông dịch viên tự do, thường do các luật sư cung cấp, để trò chuyện với các bà mẹ đẻ là người bản địa.

Bất chấp những khó khăn trong việc xác minh sự đồng ý, số lượng con nuôi vào Mỹ đã tăng vọt từ những năm 1990 trở đi. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tổng cộng có 29.807 (trên tổng số hơn 40.000) trẻ em Guatemala được nhận làm con nuôi tại Mỹ.

Những đứa trẻ bị đánh cắp -0
Một gia đình người Anh và hai cậu bé con nuôi người Guatemala.

Cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Một jaladora điển hình trong việc giúp đỡ nhận con nuôi là Ofelia Rosal de Gamas, một phụ nữ có địa vị cao bất thường. (Bà này đã qua đời, nhưng các cuộc điều tra hình sự về đường dây nhận con nuôi của bà ta vẫn đang diễn ra). Rosal de Gamas là em dâu của tướng Óscar Humberto Mejía Víctores, nhà độc tài cai trị Guatemala từ năm 1983 đến năm 1986. Bà ta đã làm việc với một số luật sư cung cấp trẻ em cho các cá nhân nhận làm con nuôi và tên của bà hiện lên như một bóng ma dai dẳng trong các kho lưu trữ và trong các cuộc phỏng vấn. Nhiều đứa trẻ mà Rosal de Gamas môi giới đến từ Malacatán, một thị trấn gần biên giới Guatemala-Mexico.

Vào ngày 3/3/1987, cảnh sát đột kích vào một ngôi nhà thuộc sở hữu của Rosal de Gamas, nơi giam giữ 16 đứa trẻ, từ 1 tháng đến 2 tuổi. Khi các bà mẹ đã được thuyết phục từ bỏ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các luật sư cần một nơi để chứa chúng trong khi họ hoàn tất các thủ tục giấy tờ. Do đó, jaladoras đôi khi điều hành những trại trẻ mồ côi tạm thời. Cảnh sát cáo buộc Rosal de Gamas đã làm giả giấy tờ của 16 đứa trẻ này với những chi tiết bịa đặt về các bà mẹ ruột để làm đường dây nhận con nuôi. Tại nhà bà ta, cảnh sát tìm thấy hồ sơ nhận con nuôi cũng như biên lai giữ trẻ và giấy khai sinh. Cảnh sát cho biết, bà ta đã trả cho người giữ trẻ 100 quetzales (40 USD) mỗi tháng và cha mẹ nuôi trả từ 20.000 đến 30.000 USD cho mỗi lần nhận con nuôi.

Thông qua cuộc điều tra về Rosal de Gamas, cảnh sát đã lần ra các luật sư đầu mối cung cấp trẻ làm con nuôi bất hợp pháp. Một số luật sư cung cấp con nuôi qua Canada, Mỹ,... đã bị điều tra, bắt giam, xét xử và tuyên án tù.

Cuộc đều tra về Rosal de Gamas cũng làm hé lộ chân tướng sự thật về sự dính líu của quân đội và chính quyền trong các đường dây cho - nhận con nuôi quốc tế ở Guatemala. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được cơ quan điều tra động đến.

An Châu (Tổng hợp)
.
.