Những góc khuất của nước Anh

Thứ Tư, 07/12/2022, 21:52

Theo thống kê của chính quyền thành phố London, hiện có 100 tỷ phú và 5.000 triệu phú (có khối tài sản lớn hơn 20 triệu Bảng) sinh sống tại thủ đô nước Anh. Ngoài ra có thêm khoảng 350.000 cư dân London sở sữu số tài sản lớn hơn 700.000 Bảng.

Theo những con số này thì London quả là một trong các thành phố giàu có nhất thế giới, nhưng điều gì đã kéo các tỷ phú trong và ngoài nước Anh đến với London?

Những khoảng tối

London trên thực tế không phải là một thành phố dễ chịu để sống. Cuộc “đại tu” lớn nhất tại London diễn ra sau đại chiến thế giới thứ hai khi thành phố được xây lại gần như hoàn toàn. Thủ đô nước Anh vì thế không được quy hoạch cho cuộc sống hiện đại. Việc thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng điện – nước xuống cấp, tắc đường, ô nhiễm, v.v… là “chuyện thường” tại thành phố đang quá tải dân số này. Kể cả người giàu cũng phải chịu bất tiện khi sống tại London khi sân bay Farnborough ở ngoại ô thành phố đang phải “vật lộn” tìm chỗ đậu máy bay mới vì có quá nhiều người đang sở hữu chuyên cơ riêng.

kho co.jpg -0
Khó có ai phủ nhận được mặt tối của London.

Vậy tại sao người giàu lại cứ muốn chuyển đến London? Tỷ phú Bjorgolfsson người Iceland, Chủ tịch công ty đầu tư Novator Partners LLP. nổi tiếng, đã sống tại London gần 20 năm, giải thích: “Tựu chung lại thì ai cũng muốn “hưởng” chế độ thuế cực kỳ ưu đãi của London. Các khách hàng hay hàng xóm của tôi khi sống tại London thì chỉ phải chịu mức thuế bằng 10-15% so với mức ở tổ quốc họ”.

Nhưng thuế có phải câu trả lời duy nhất? Interpol và Europol từng không ít lần cảnh báo về nạn rửa tiền tràn lan tại London. Năm 2018, hai tổ chức này đã cộng tác với cảnh sát Anh điều tra nữ tỷ phú Zamira Shirali qizi Hajiyeva. Bà Zamira là vợ của Jahangir Hajiyev, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế Azerbaijan. Trong khi Jahangir phải vào tù vì các vi phạm tài chính, vợ ông ta vẫn sống một cuộc đời vương giả ở London. Có thông tin rằng chỉ riêng khoản tiền bà Zamira chi cho việc mua sắm tại cửa hàng bách hóa Harrods đã lên tới 16,3 triệu bảng.

Giới chức trách Anh kết luận bà Zamira đang nắm trong tay một khối tài sản khổng lồ chồng bà ta bòn rút được từ chính quyền và người dân Azerbaijan. Những khoản tiền “bẩn” này đã được “rửa” thông qua hệ thống tài chính London để rồi sau đó “biến hóa” thành tài sản thật ngoài đời. Tuy đã ra kết luận rõ ràng như vậy nhưng phía Anh vẫn gặp khó khăn trong việc trục xuất bà Zamira về Azerbaijan. Bà ta không những sẵn sàng trả hàng triệu bảng cho các khoản tại ngoại mà còn chi ra từng đấy để thuê luật sư kéo dài vụ kiện trước tòa.

khong it.jpg -0
Không ít tỷ phú nước ngoài chuyển đến sống ở London vì muốn lợi dụng luật pháp ở đây.

Tổ chức Minh bạch quốc tế mới đây đã ra báo cáo cho biết tổng số bất động sản tại Anh được mua bởi những khoản tiền “khả nghi” đã lên tới 4,4 tỷ bảng. Phần lớn số bất động sản này có liên quan đến những cá nhân được cấp visa hạng 1. London cấp visa hạng 1 cho những người nước ngoài đầu tư tối thiểu 2 triệu bảng vào nước Anh. Cá nhân đầu tư càng nhiều tiền, visa và các thủ tục giấy tờ khác của họ càng được ưu tiên xử lý, và người đó cùng gia đình sẽ sớm được trở thành công dân Anh. Vấn đề là không ai quan tâm điều tra nguồn gốc của các khoản tiền đầu tư nói trên.

Phát ngôn viên của tổ chức Minh bạch quốc tế phát biểu trong buổi họp báo: “Cả xã hội và chính phủ Anh đều đồng thuận việc không được để “tiền bẩn” xâm nhập vào hệ thống tài chính quốc gia. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách hãy tiến những bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này. Đã từ quá lâu rồi những cá nhân và tổ chức tội phạm tại các quốc gia khác được mời chào tiêu tiền vào thị trường tài chính, bất động sản và hàng hóa xa xỉ ở Anh. Nhiều thành phố lớn mà nghiêm trọng nhất là London đã trở thành cái “két sắt” cho tội phạm nước ngoài… Chúng tôi kêu gọi chính phủ Anh xem xét việc cải cách ngay quá trình cấp visa hạng 1”.

Nhà báo điều tra Oliver Bullough giải thích cách mà nhiều đối tượng tội phạm nước ngoài rửa tiền tại Anh: “Đa số ngân hàng phương Tây không cho phép xử lý những giao dịch chuyển tiền từ các nước như Nga, Kazakhstan, Colombia, v.v… vì sợ gặp phải tiền “bẩn”. Số tiền này trước hết phải qua một loạt các công ty bình phong, quỹ đầu tư, v.v… mà nhiều trong số đó đặt tại lãnh thổ hải ngoại của Anh như Anguilla, Bermuda, quần đảo Cayman, v.v… Công dân Anh có mặt trong mọi bước của quá trình này, từ kế toán viên hay nhân viên ngân hàng “ngoảnh mặt đi” trước những giao dịch khả nghi đến luật sư sẵn sàng bào chữa cho tội phạm có tổ chức”.

“Sau khi tiền đã nằm trong tài khoản tại Anh, sẽ có những “chuyên gia” xử lý hộ cho các ông chủ nước ngoài. Họ có thể thành lập công ty bình phong hay mua bán bất động sản để “che đậy” những khoản tài sản phi pháp. Hay họ cũng có thể ủng hộ số tiền trên cho một trường đại học hay tổ chức từ thiện nhằm “mua danh” cho những kẻ tội phạm”.

london.jpg -0
London nhìn từ trên cao.

Năm 2018, Chính phủ Anh quyết định thành lập Trung tâm Tội phạm kinh tế quốc gia trực thuộc Cục Tội phạm quốc gia. Sau bốn năm trung tâm đi vào hoạt động, ngay cả những người trong cuộc cũng thừa nhận tệ nạn rửa tiền tại London vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Ông Graeme Biggar, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ chạm đến “bề nổi” của tảng băng. Vấn đề lớn nhất là chính sách quản lý thị trường tài chính quá lỏng lẻo của London. Chúng tôi từng phát hiện ra một căn gác dưới gầm cầu thang chung cư được đăng ký là trụ sở của 5 công ty khác nhau. Đấy là kết quả của việc đăng ký doanh nghiệp mới quá dễ dàng. Các đối tượng rửa tiền tùy tiện lập công ty bình phong, rồi lại có những đối tượng khách cho chúng thuê địa chỉ giả để đi đăng ký doanh nghiệp”.

Nói vậy không có nghĩa rằng Trung tâm Tội phạm kinh tế không làm việc của họ. Hồi tháng 6 năm nay trung tâm đã phạt ngân hàng Commerzbank 38 triệu bảng vì tội lơ là các biện pháp chống rửa tiền. Trước đó họ cùng nhà chức trách Mỹ phạt ngân hàng Standard Chartered 1,1 tỷ USD do để xảy ra hoạt động rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận Iran.

Cuộc chiến giấy tờ

Trong cuộc chiến chống rửa tiền, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng trên mặt trận này chính luật pháp Anh lại đang tạo điều kiện để bị những đối tượng tội phạm lợi dụng. Jho Low là một đối tượng chủ chốt trong vụ đại án tham nhũng  ở Malaysia. Trước khi Interpol phát lệnh truy nã toàn cầu với Jho Low, tờ Wall Street Journal có đăng một bài điều tra về các hoạt động tham nhũng của hắn. Tòa soạn báo ngay lập tức bị công ty luật Schillings ở London kiện ra tòa. Các luật sư Schillings cáo buộc hai tác giả bài báo là Tom Wright và Bradley Hope đã qua mặt báo và cuốn sách “Billion Dollar Whale” của họ mà xúc phạm danh dự của Jho Low.

Tại sao Jho Low lại đi kiện tờ Wall Street Journal của Mỹ tại Anh? Nhà báo Bradley Hope hiện đang điều hành tổ chức hỗ trợ báo chí điều tra Project Brazen ở Anh, giải thích: “Luật báo chí, luật bảo mật thông tin cá nhân và luật sở hữu trí tuệ ở Anh và xứ Wales “nổi tiếng” là được làm ra để bảo vệ những kẻ đi kiện. Chỉ cần phía nguyên đơn có đủ tiền và kiên nhẫn là có thể khiến bên bị đơn sạt nghiệp. Bất kỳ tòa soạn nào ở Anh cũng lo việc bị kiện vì tội “bôi nhọ người khác” chỉ vì họ dám nói ra sự thât”.

Các công ty luật London liên tiếp phủ nhận việc họ đang tấn công quyền tự do báo chí. Họ một mực cho rằng tất cả các khách hàng của họ có quyền được bảo vệ trước tòa. Không có nhiều người tin vào lời lẽ của họ. Một nhóm các hạ nghị viên của cả hai đảng Lao động và Bảo thủ từng ra tuyên bố chung chỉ trích những công ty luật như Carter-Rick, CMS và Harbottle & Lewis vì lợi nhuận mà đứng ra bảo vệ cho các đối tượng tội phạm nước ngoài. Trước đó các công ty này đã đâm đơn kiện nhà báo điều tra Catherine Belton sau khi bà xuất bản một series phóng sự về hoạt động tham nhũng của các tỷ phú Nga sống ở London.

nhung can nha.jpg -0
Những căn nhà đắt tiền ở trung tâm London luôn được đặt vào tầm ngắm của tội phạm nước ngoài.

Nhiều người còn nhớ vụ ám sát nữ nhà báo Malta lão thành Daphne Caruana Galizia. Bà là một huyền thoại trong ngành báo chí Malta vì đã “lật tẩy” không biết bao nhiêu vụ án buôn lậu, rửa tiền, hối lộ xuyên quốc gia. Bà bị ám sát bởi một quả bom xe vào năm 2017.

Con trai bà, nhà báo Paul Caruana Galizia, nói về vai trò của các công ty luật ở Anh trong cái chết của mẹ mình: “Khi đó mẹ tôi có tới 47 đơn kiện khác nhau từ các công ty luật ở Anh trong khi bà chưa bao giờ viết gì về Anh quốc cả. Họ còn thường xuyên gọi điện đe dọa đến cả gia đình… Đến khi cảnh sát điều tra ra những kẻ đứng sau vụ ám sát đều là người từng bị mẹ tôi chỉ trích thì các công ty luật kia đều “phủi sạch” trách nhiệm khỏi tay họ, thậm chí còn từ chối cung cấp thông tin về khách hàng cho nhà chức trách”.

Nỗi sợ bị kiện khiến các nhà báo Anh không dám nói gì chắc chắn cả. Một nhà báo giấu tên nhận xét với hãng tin Al Jazeera: “Chúng tôi không bao giờ viết “bản báo cáo cho thấy”. Thay vì vậy chúng tôi viết “Bản báo cáo gợi ý rằng”. Mục đích là để có bị kiện ra tòa thì phía bên kia cũng không thể dùng lời lẽ của mình làm bằng chứng”.

Nhà báo điều tra Tom Burgis, một nạn nhân thường xuyên của những công ty luật London, giải thích: “Trong công ty họ không chỉ có luật sư. Họ còn có chuyên gia quan hệ công chúng, thám tử điều tra, v.v… sẵn sàng làm mọi chuyện để đạt được mục đích của mình. Có một lần tôi gặp “tay trong” của mình tại bãi đậu xe. Tôi đã kiểm tra chắc chắn rằng trong bãi đậu xe không có người. Vậy mà ngay ngày hôm sau tôi nhận được bức thư của một công ty luật miêu tả từng chi tiết của cuộc gặp. Tôi nghi rằng bằng cách nào đó họ đã lấy được cuộn băng ghi hình camera giám sát ở bãi đậu xe”.

Đã hơn 20 năm nay các tổ chức báo chí như Project Brazen tìm cách kêu gọi chính phủ sửa những luật liên quan đến trung thực thông tin và bảo vệ danh tiếng. Mục tiêu của các tổ chức này là loại trừ được việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài kiện được phóng viên ngoại quốc tại tòa án Anh, trong khi sự việc được đưa tin không liên quan gì đến Anh quốc.           

Lê Công Vũ
.
.