Những kẻ đào tẩu

Thứ Sáu, 06/10/2023, 10:02

Những thành công của các cơ quan tình báo Liên Xô đã giúp Liên Xô nhanh chóng đuổi kịp Mỹ và Anh trong lĩnh vực chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, đa số các điệp viên mật của Liên Xô hoạt động ở xứ sở sương mù đều bị các cán bộ cao cấp của Liên Xô đào tẩu sang phương Tây tố giác.

Một trong những kẻ đào tẩu đầu tiên là Walter Krivitsky, người đại diện của Bộ Dân ủy Nội vụ ở châu Âu. Y là sĩ quan tình báo Liên Xô nổi tiếng sống ở châu Âu và đào tẩu sang phương Tây năm 1937. Y nói được tiếng Ba Lan, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Hà Lan. Trong nhiều cuộc gặp gỡ bí mật với đại diện của MI.5 và SIS ở London đầu năm 1940, Krivitsky đã tiết lộ chính sách được hoạch định cẩn thận của Moscow là ủng hộ các phong trào chống thực dân ở đế quốc Anh, và các nhân viên an ninh Liên Xô đã thực hiện “các biện pháp hữu hiệu” để giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách thống trị của các đế quốc phương Tây.

Năm 1947, cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao của các nước phương Tây và Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov ở Moscow -  sự kiện báo hiệu những thay đổi lớn trong quan hệ thời hậu chiến giữa Moscow và phương Tây - đã thất bại. Lúc bấy giờ, Stalin quyết định thành lập Quốc tế Cộng sản mới - Cominform, nhằm thay thế Đệ tam Quốc tế - Comintern, đã bị giải thể trong chiến tranh.

Những kẻ đào tẩu -0
Walter Krivitsky.

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã đề xuất học thuyết kiềm chế chủ nghĩa cộng sản thế giới, lần đầu tiên được George Kennan, Đại sứ Mỹ ở Moscow, tuyên bố và sau đó được thực hiện dưới hình thức Học thuyết Truman và Kế hoạch Marshall. Thế giới chia thành hai phe vũ trang với hai đại diện pháp lý là Hiệp ước Warsaw và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, các tổ chức tình báo lần lượt ra đời.

Vụ Vladimir Petrov

Năm 1952, Cục Tình báo mật SIS của Anh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập cơ quan tình báo đầu tiên của Úc ASIS. Hai cơ quan này có liên hệ chặt chẽ đến mức vào những năm 1950, các sĩ quan ASIS đã gọi SIS ở London là sở chỉ huy của mình. Để kiểm soát ASIS, chính phủ Australia cũng thành lập một cơ quan tương tự như Ủy ban Tình báo hỗn hợp của Anh (JIC).

Một trong những thành công đầu tiên đáng kể nhất của ASIO (Cơ quan An ninh tình báo Australia) liên quan tới vụ đào tẩu của Bí thư thứ hai Sứ quán Liên Xô ở Canberra, Vladimir Petrov, vào tháng 4/1954. Lần đầu tiên Petrov được MI.5 chú ý vào năm 1950, khi một sĩ quan an ninh Úc tìm hiểu thông tin về y với tư cách là bí thư mới của Đại sứ quán Liên Xô ở Canberra. MI.5 và SIS chỉ biết rằng Petrov từng là bí thư của Đại sứ quán Liên Xô ở Stockholm. Cuối năm 1953, một nguồn tin thân cận với Petrov ở Canberra nói với ASIO rằng trước đó Petrov đã có ý định ở lại phương Tây.

Nguồn tin này rất có thể là Mikhail Belogursky, một bác sĩ và nhạc sĩ Ba Lan kiêm điệp viên của ASIO. Ông ta "theo dõi" Petrov gần 2 năm: chiêu đãi y rượu quý, món ăn ngon và đưa y đến nhà thổ ở khu King's Cross ở Sydney. Ngày 3/4/1954, Vladimir Petrov đã đầu hàng chính quyền Úc, đổi lại, y được tị nạn chính trị và bảo vệ. Sau này Petrov nói với những người quản lý của mình ở ASIO rằng y thích sống ở Úc và không muốn quay lại Liên Xô. Thực ra, nguyên nhân chính dẫn đến việc đào tẩu của Petrov là y sợ bị triệu hồi về Moscow và có thể bị truy nã như một kẻ thuộc hạ của bộ trưởng thất sủng Lavrenty Beria.

Những kẻ đào tẩu -0
Vladimir Petrov và vợ.

Vladimir Petrov và Evdokia, vợ y, đã cung cấp cho ASIO những thông tin quan trọng về tình báo Liên Xô. Hóa ra, Evdokia Petrova không phải là một cán bộ bình thường của Đại sứ quán Liên Xô ở Canberra mà là nhân viên mật mã.

MI.5 và SIS không biết những thông tin này. Vladimir Petrov không kịp mang theo cuốn từ điển mật mã và mật khẩu khi đào tẩu sang phía đối phương, nhưng có thể đã chuyển cho ASIO “thông tin quan trọng về nhiều người và mật danh trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1948”. Y cũng tiết lộ về hai điệp viên Liên Xô - Guy Burgess và Donald Maclean, thành viên của nhóm “Ngũ quái Cambridge”, lúc bấy giờ sống ở Kuibyshev.

Trớ trêu thay, nhiệm vụ của Petrov với tư cách là người đứng đầu cơ quan tình báo Liên Xô ở thủ đô Australia còn bao gồm việc ngăn chặn các điệp viên Liên Xô chạy trốn sang phương Tây.

ASIO phải mất nhiều năm để kiểm tra tất cả các thông tin mà Petrov cung cấp về các điệp viên Liên Xô ở Úc và Anh. Cuộc đào tẩu của vợ chồng Petrov đã gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Ngay lập tức, quan hệ ngoại giao giữa Úc và Liên Xô bị cắt đứt và mãi đến tháng 3/1959 mới được nối lại.

Vụ Igor Guzenko

Phòng Tình báo Đối ngoại của KGB ở Canada được thành lập ngay sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Từ mùa hè năm 1943, cơ quan này do tùy viên quân sự Nikolay Zabotin phụ trách với biên chế 3-4 người ở Ottawa và Toronto và 2-3 người ở Montreal. Trong nhóm này có nhân viên mật mã Igor Guzenko.

Một vài nét về nhân vật này. Guzenko sinh năm 1919 trong một gia đình nghèo. Mặc dù tất cả người thân của y đều là tín đồ của nước Nga Sa hoàng, Guzenko  gia nhập Đoàn thanh niên Cộng sản. Năm 1941, Guzenko được cử đi học mật mã ở Trường Tình báo Quân đội Moscow. Y được coi là một học viên có năng khiếu.

Những kẻ đào tẩu -0
Igor Guzenko.

Trong những năm đầu mới thành lập, cơ quan của tùy viên quân sự Zabotin chủ yếu làm công việc tuyển mộ điệp viên. Khi chiến tranh kết thúc, đơn vị có 17 nhân viên chính thức của Liên Xô và khoảng 12 công dân Canada. Trong số các điệp viên của Zabotin, Alan Poon May (bí danh “Alec”) chiếm một vị trí đặc biệt. Là một chuyên gia vật lý thực nghiệm giàu kinh nghiệm và là công chức người Anh, ông đến thăm Nga vào năm 1936 và nổi tiếng là một người có khuynh hướng cánh tả. Chẳng bao lâu, ông được cử đến Canada với tư cách là thành viên của nhóm nghiên cứu về bom nguyên tử.

Theo chỉ thị của Moscow, năm 1943, Zabotin liên lạc với Alan Poon May và bắt đầu nhận được thông tin của ông về quá trình nghiên cứu bom nguyên tử. Năm 1945, theo yêu cầu của Zabotin, May đã bàn giao các mẫu uranium-235 và uranium-225 trong phòng thí nghiệm, sau đó được gửi khẩn cấp tới Moscow. Và một ngày sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Zabotin đã gửi về Moscow những thông tin tuyệt mật về bom nguyên tử do Alan Poon May cung cấp.

Mảng thông tin chính trị do hai điệp viên Kathleen Mary Willsher và Emma Voykin cung cấp. Là con gái của những người Nga lưu vong, Emma Voykin coi Liên Xô là đất nước hạnh phúc, và các điệp viên của Zabotin cố gắng giữ gìn tình cảm thân thiện này của bà đối với Liên Xô. Khi thiếu tá Sokolov, cộng sự của Zabotin, bắt đầu “theo dõi” Emma Voykin, bà đã mất chồng, con và rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng bà là một cán bộ có năng lực. Tháng 2/1944, bà được chuyển từ phòng hộ chiếu của Bộ Ngoại giao Canada sang phòng mật mã. Tháng 10 cùng năm, Emma Voykin đồng ý cung cấp tài liệu mật của Bộ Ngoại giao cho Sokolov. Tháng 1/1946, bà liên hệ với Đại sứ quán Liên Xô xin nhập quốc tịch Liên Xô, nhưng ít lâu sau bị bắt.

Còn một nhóm cung cấp thông tin khác được thành lập bởi trợ lý của Zabotin, thiếu tá Rogov. Nhóm này gồm bốn công chức Canada: David Gordon Lunan, Durnford Smith, Ned Matherall và Isidore Halperin. Nhiệm vụ chính của Lunan là thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau. Durnford Smith, một kỹ sư làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, đã cung cấp thông tin về kỹ thuật vô tuyến và quang học cũng như về công việc của hội đồng nghiên cứu bí mật.

Ned Matherall cũng làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, Isidor Galperin là giáo sư toán học và chuyên gia trong lĩnh vực pháo binh và chất nổ. Ít lâu sau, Halperin chuyển cho Rogov một bản báo cáo đầy đủ về công việc của Viện Nghiên cứu và Phát triển Quân sự Canada, về các nhà máy và phòng thí nghiệm của viện này, kể cả nhà máy thí điểm sản xuất chất nổ. Dựa trên những thông tin nhận được từ các điệp viên khác, Lunan đã biên soạn các báo cáo tóm tắt cho Zabotin để chuyển về Moscow.

Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo tình báo, một trong những điệp viên có giá trị nhất là nhà hóa học nổi tiếng Raymond Boyer, biệt danh là “Giáo sư”.

Tùy viên quân sự Liên Xô đã nhận xét về Boyer như sau: “Chuyên gia về chất nổ, giỏi nhất lục địa châu Mỹ. Cung cấp thông tin đầy đủ về chất nổ và các nhà máy hóa chất. Rất giàu. Ngại hợp tác".

Khi thời gian công tác ở Canada sắp kết thúc, vợ chồng Igor Guzenko không muốn trở về Liên Xô. Y đã lấy cắp những tài liệu bí mật từ két sắt của tùy viên quân sự và tin rằng lúc cần thiết có thể xuất trình chúng để chứng minh mình là một kẻ đào tẩu thực sự, chứ không phải một kẻ khiêu khích.

Những kẻ đào tẩu -0
Tùy viên quân sự Nikolay Zabotin.

Khi trong chính phủ Canada không ai tin các tài liệu của Igor Guzenko, còn giới báo chí từ chối tiếp xúc với y, cựu nhân viên mật mã đã tìm đến Bộ Tư pháp, rồi sau đó, thông qua Bộ Ngoại giao, y đến gặp Thủ tướng Mackenzie King. Ngài thủ tướng đứng trước một lựa chọn khó khăn: một mặt, ông không tin vào tính xác thực của các tài liệu và lời nói của Guzenko, và nghi ngờ rằng một số thế lực chống Liên Xô nào đó chỉ muốn gây bê bối. Mặt khác, các tài liệu đã xác nhận sự thật về vụ đánh cắp bí mật nguyên tử và các bí mật nhà nước khác, và những cân nhắc về an ninh quốc gia đòi hỏi một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Ngay lập tức Nikolay Zabotin hiểu rằng sự biến mất của nhân viên mật mã, người đã ba ngày không đến làm việc ở cơ quan, là điềm dữ đối với ông. Ông cử một số người đến bao vây căn hộ của Guzenko. Nhưng vợ chồng Guzenko trốn trong căn hộ nhà hàng xóm và đã gọi cảnh sát khi các đồng nghiệp cũ phá khóa căn hộ của họ. Chính cuộc đột kích ban đêm này đã cứu Guzenko. Sáng hôm sau, cảnh sát bắt giữ vợ chồng Guzenko. Bây giờ các cơ quan tình báo Liên Xô không thể tiếp cận được họ.

Trong khi đó, các cơ quan tình báo Canada đã kiểm tra giấy tờ và tài liệu của Guzenko trong điều kiện hết sức bí mật.

Tháng 5/1946, tất cả các điệp viên của Nikolay Zabotin bắt đầu bị đưa ra xét xử. Alan Poon May bị xét xử ở Anh, còn những người khác ở Canada. Các bị cáo được xét xử riêng biệt và phiên tòa kéo dài cho đến năm 1948.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)
.
.